Văn hóa Ấn Độ có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của văn hóa Phù

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 79 - 82)

7. Cấu trúc của luận văn

3.1.Văn hóa Ấn Độ có vai trò quan trọng trong tiến trình phát triển của văn hóa Phù

triển của văn hóa Phù Nam

Ấn Độ là một trong những trung tâm văn minh sớm và lớn nhất của loài người. Với tầm vóc và sự sáng tạo, văn hóa Ấn Độ đã lan tỏa ra các khu vực xung quanh bằng nhiều hình thức khác nhau. Đông Nam Á, trong đó có Vương quốc Phù Nam là một trong những nơi chịu ảnh hưởng sâu đậm nhất của văn hóa Ấn Độ. Về nguyên nhân dẫn đến sự truyền bá văn hóa vào Phù Nam đa số các học giả thống nhất có ba nguyên nhân cơ bản sau: thứ nhất, là do sự di cư của người Ấn Độ vào Phù Nam; thứ hai là do nhu cầu truyền đạo của các giáo sĩ Ấn Độ ra các vùng bên ngoài; thứ ba là do nhu cầu tìm kiếm thị trường phát triển kinh tế của các thương nhân người Ấn, trong đó nguyên nhân thứ ba là quan trọng nhất. Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ sang Phù Nam được thể hiện ở rất nhiều mặt, nhiều khía cạnh, ảnh hưởng đó khá toàn diện và sâu sắc. Trên phương diện văn hóa chúng ta có thể thấy rõ ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với văn hóa Phù Nam.

Về chữ viết: Ngay từ đầu, Vương quốc Phù Nam đã tiếp thu và sử dụng chữ viết của Ấn Độ. Lúc đầu là chữ Brahma về sau là loại chữ Sanskrit (chữ Phạn). Người Phù Nam tiếp nhận chữ Sanskrit của người Ấn Độ không có sự tiếp biến hay sáng tạo thêm. Chữ Sanskrit là loại chữ có nguồn gốc từ bộ chữ cái của người Pallava, ở Ấn Độ. Người Phù Nam đã sử dụng chữ viết đó để ghi lại các hoạt động của nhà nước, ghi kinh và sáng tác văn học. Chính vì nó phát triển nên người bản địa đã lấy thứ tiếng này bổ sung vào tiếng nói của mình và dần dần bản địa hóa, ảnh hưởng sâu rộng tới dân chúng.

Về tôn giáo: Đây là thành tố văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng sâu đậm nhất ở Đông Nam Á nói chung, và Phù Nam nói riêng. Người Ấn Độ khi sang Đông Nam Á làm ăn, định cư đã mang theo tôn giáo của mình: Phật giáo và Hinđu giáo. Hai tôn giáo này đã từng bước lan tỏa và đi vào đời sống tâm linh của cư dân Phù Nam. Vì thế ở Phù Nam đã xuất hiện các trung tâm Phật giáo và Hinđu giáo.

Theo các tài liệu cho biết, ở Phù Nam, Hinđu giáo phát triển thịnh hành hơn Phật giáo, tôn giáo này được coi như quốc giáo. Những tư tưởng giáo lý của đạo Hinđu đã thấm sâu vào tâm thức người dân ở đây và nó đã trở thành nguồn cảm hứng để các nghệ nhân Phù Nam sáng tác nên các tác phẩm nghệ thuật. Vì thế ở Phù Nam đã tìm thấy khá nhiều các tác phẩm điêu khắc hình tượng thần Vishnu, Shiva cùng với các biểu tượng của hai vị thần. Phật giáo mặc dù không thịnh hành như Hinđu giáo nhưng nó cũng phát triển mạnh, Phù Nam xứng đáng là một trung tâm Phật giáo quan trọng của cả phương Đông và phương Tây.

Trong lĩnh vực kiến trúc, thì kiểu kiến trúc tôn giáo thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Với niềm tin tôn giáo, cộng đồng cư dân Phù Nam đã xây dựng nên các công trình kiến trúc mang cả ý nghĩa và dáng dấp kiến trúc tôn giáo Ấn Độ. Với các nguồn tài liệu mà khảo cổ học cung cấp, ta có thể nhận biết được một số kiểu kiến trúc tôn giáo đã được xây dựng ở Nền Chùa, Óc Eo, Gò Tháp, Cạnh Dền… Để thực hiện đúng nghi thức tâm linh của tôn giáo Ấn Độ khi xây dựng các đền, tháp nhằm tạo nên một không gian tôn giáo chuẩn mực kiểu Ấn Độ. Họ đã tuân thủ cách sắp xếp và bài trí không gian, các vật linh thiêng, tượng thần… như trong kiến trúc đền, tháp ở Ấn Độ. Tiếc rằng những tài liệu chúng ta có được không thể khôi phục toàn diện được bình đồ của các kiến trúc này. Nhưng chắc rằng kiến trúc này của Phù Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc Phật giáo và Hinđu giáo Ấn Độ.

Nghề thủ công phát triển ở Phù Nam cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Chúng ta có thể hình dung trong sự trao đổi hàng hóa, người Phù Nam đã đổi lấy một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Ấn Độ, đây chắc hẳn là những mặt hàng mà họ cần và ưa thích. Với tài năng của mình cũng có thể họ đã bắt chước và làm theo một số sản phẩm. Về mặt kỹ thuật, họ có thể biết được qua người Ấn Độ, với sự khéo léo họ hoàn toàn có thể làm theo nguyên mẫu các sản phẩm ở Ấn Độ. Vì vậy, trong các di sản văn hóa Óc Eo có sự hiện diện những hiện vật kiểu Ấn Độ. Tiêu biểu và dễ nhận diện nhất trong số các sản phẩm thủ công nghiệp của Phù Nam mang ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ chính là những chiếc nhẫn, dây chuyền, bùa đeo, được khắc những mẫu tự Ấn Độ cổ, mà L.Malleret đã tìm thấy ở Óc Eo. Trước kia, những chiếc nhẫn, hay bùa đeo của cư dân Phù Nam không có khắc những chữ mang ý niệm thần thánh, hay nội dung Phật giáo và Hinđu giáo, mà được khắc những hình tượng mà chủ nhân của nó cho là có sức mạnh bảo vệ, cứu giúp mình trong cuộc sống. Nhưng nay với sự ảnh hưởng của văn hóa và mối quan hệ kinh tế với Ấn Độ thì những chiếc nhẫn này được khắc những từ ngữ có nguồn gốc, mang những ý nghĩa, giá trị tinh thần truyền thống của Ấn Độ. Có như vậy, các sản phẩm này mới có thể thỏa mãn được tâm tư cũng như nhu cầu tâm linh của khách hàng và của cả những cư dân bản địa giờ đã theo tôn giáo Ấn Độ.

Một hiện vật khác cũng mang dấu ấn của văn hóa Ấn Độ đó chính là tiền Phù Nam. Tiền ra đời do yêu cầu của buôn bán hàng hóa. Chủ nhân của những đồng tiền luôn muốn thể hiện cái tôi, những nét đặc trưng trong văn hóa của mình, do đó tiền của các chủ thể khác nhau thì mang những đặc điểm khác nhau. Tiền Phù Nam là sản phẩm của hàng thủ công, nó mang trong mình dấu ấn của chủ thể, lịch sử. Do ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Ấn Độ, đặc biệt là Hinđu giáo mà trên tiền Phù Nam cũng mang những biểu tượng tôn giáo.

Tóm lại, văn hóa Ấn Độ đã có ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn hóa Phù Nam trên tất cả các phương diện. Chắc rằng văn hóa Ấn Độ đã lan tỏa và ảnh hưởng tới mọi mặt của văn hóa Phù Nam. Văn hóa Ấn Độ đã trở thành một bộ phận tinh thần quan trọng và được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực trong đời sống cư dân Phù Nam. Những giá trị đạo đức, thẩm mỹ cùng nhân sinh quan, thế giới quan của văn hóa Ấn Độ đã đi vào đời sống và được cư dân Phù Nam coi là chuẩn mực, lăng kính trong thể hiện cách nhìn về cuộc sống, con người và thế giới. Văn hóa Ấn Độ không chỉ làm phong phú nền văn hóa Phù Nam, mà còn tạo nên những đặc tính riêng biệt khó có thể bắt gặp ở một nền văn hóa nào. Rõ ràng sự cộng hưởng của văn hóa bản địa với văn hóa Ấn Độ đã tạo nên sức sống, sự sáng tạo to lớn cho nền văn hóa Phù Nam.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 79 - 82)