Gốm và các sản phẩm thủ công nghiệp ở Phù Nam

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 70 - 73)

7. Cấu trúc của luận văn

2.4.Gốm và các sản phẩm thủ công nghiệp ở Phù Nam

Trên cơ sở kế thừa truyền thống của thời kỳ “Tiền Óc Eo”, vào thời đại Óc Eo, cư dân Phù Nam đã phát triển các làng nghề thủ công nghiệp truyền thống lên trình độ cao hơn. Và cũng do nhu cầu của đời sống cư dân Phù Nam đã sáng tạo ra các sản phẩm văn hóa mới, tiêu biểu cho quốc gia của mình. Một trong số những nghề thủ công nghiệp đã phát triển rực rỡ và tạo nên nét đặc trưng của văn hóa Óc Eo - Phù Nam đó là nghề gốm. Từ những năm 40 của thế kỷ XX, L. Malleret đã khai quật và khảo sát Óc Eo, ông đã phát hiện được vài chục vật gốm nguyên vẹn, phần lớn là nhỏ cùng với hàng chục mảnh gốm vỡ. Đây chỉ là những mảnh tiêu biểu mà ông thu thập để xử lý, phân tích, khảo tả. Sưu tập đồ gốm trong văn hóa Óc Eo - Phù Nam tuy không có được

rực rỡ, tinh xảo như các loại đồ trang sức, cũng không hoành tráng và diễm lệ như những pho tượng đá, nhưng lại toát lên vẽ bình dị mà không kém phần độc đáo, thể hiện những nét đặc trưng và nguồn gốc bản địa của nó. Gốm Phù Nam được chế tác bằng kĩ thuật bàn xoay, đáy của bình, ấm vẫn giữ rãnh của đường tròn xoáy ốc và dừng lại ở tâm bằng núm lồi rất đặc trưng. Chúng ta có thể nhận diện gốm Phù Nam qua một số đặc điểm sau:

- Xương gốm có hai loại: mịn có màu xám trắng và thô, có màu xám thẫm hoặc gần đen. Loại mịn khá ít, mỏng, loại thô dày hơn, là loại gốm được tìm thấy rất nhiều tại các di tích văn hóa Óc Eo. Cả hai loại đều có nhiệt độ nung khá cao. Gốm thô là loại gốm được tạo ra bằng cách trộn đất sét với cát hoặc với bã thực vật nên nó cần dày hơn loại mịn, không pha thêm nguyên liệu, ngoài đất sét. Gốm thô là loại gốm được dùng chủ yếu trong sinh hoạt cư dân, còn gốm mịn là loại được sản xuất với mục đích làm hàng hóa để trao đổi, buôn bán với bên ngoài.

- Áo gốm có hai màu chính: vàng nhạt và vàng thẫm, ngã hồng, riêng màu xám dùng cho xương gốm xám thẫm và đen. Hầu như tất cả gốm Phù Nam đều có một lớp áo dày dặn, không có gắn mộc.

- Hoa văn trên gốm Phù Nam đặc biệt phong phú, có một số phổ biến như hình răng lược kép vẽ hình uốn lượn đều đặn, đường giữa tròn xoáy nối nhau, văn xương lá cây, xen kẽ đường uốn lượn, đường gãy khúc với dãy bằng song song trên và dưới, và vằn sóng nước gây ấn tượng phổ biến nổi bật trong vân gốm Phù Nam.

- Theo Võ Sĩ Khải thì phần lớn đồ gốm thời tiền sử tới thời Óc Eo đều sử dụng hoa văn hình kỷ hà. Loại hoa văn thô sơ này giúp người sử dụng đỡ nhàm chán, đồng thời có tác dụng làm cho gốm không bị nứt lúc đun. Đây là một biểu hiện thẫm mĩ trong những tâm hồn bình dị. Hoa văn kỷ hà có thể được cách điệu như các loại văn sóng nước, hoa lá, đa số là những đường nét kỷ hà thuần túy. Cư dân Óc Eo - Phù Nam đã tạo ra các bố cục và kết hợp các

yếu tố hình học đơn giản thành một bộ vui mắt, một khả năng thuần trí tuệ ở những thợ làm gốm. Trên một số ít gốm Óc Eo thấy xuất hiện loại đề tài tượng hình: hình đầu ngỗng to bằng thật được làm bình vòi ở Đền Cạnh, một vòi bình ở Hậu Giang được nặn hình người, một mảnh than gốm ở Kiên Giang có đắp nổi một thiếu nữ ngồi đàn, bên cạnh một người đánh xập xõa [14, tr. 57] có thể đây là những thử nghiệm của nghệ nhân, thể hiện cái tôi cùng quan niệm về thẫm mĩ.

- Hình vật gốm mới tạo nên nét đặc trưng riêng của gốm Phù Nam. Người ta đã làm đủ các loại để đáp ứng nhu cầu đời sống hàng ngày như bình, vò, ấm, tô, đĩa, chai và bàn bếp gắn đầu rau (cà ràng)… với nhiều chi tiết đặc biệt như:

+ Ấm tương đối lớn 2 - 5 lít đựng nước đi cả ngày.

+ Ấm có nắp đậy hình đĩa để ngữa, đỡ bật rơi khi thuyên chuyển cồng kềnh.

+ Nắp ấm không có núm cầm, vì để ngữa mà có lỗ trũng để móc ngón tay khi cần mở.

+ Ấm có vòi cao đỡ tràn nước ra ngoài.

+ Đầu vòi gắn một vành đĩa nhỏ, dẹt, làm kiểu cho đẹp, hay để rót mà không thể ngậm miệng để uống.

Nhiều vật gốm đã bị vỡ nát khi bị vùi lấp dưới đất, nhưng vẫn còn lại đó những cái nắp hình đĩa có lỗ trũng, cái vòi có nhẫn và cái u đầu rau của bếp, nhỏ, đặc chắc, già lửa, ít bị vỡ, làm thành đặc trưng độc đáo, rất riêng biệt, dễ nhận biết gốm của Phù Nam.

Do tất cả những đặc điểm đó, gốm Phù Nam khác hẳn gốm các vùng xung quanh, mặt khác, gốm các vùng xung quanh còn xa mới tới gần được trình độ sản xuất gốm như Phù Nam.

Ngoài nghề làm đồ gốm, chủ nhân của văn hóa Óc Eo - Phù Nam cũng đã biết đến nhiều nghề khác nhau như nghề mộc (cột và nhà sàn, lan can, hình

trang trí cho các công trình kiến trúc), nghề đá (đá xây dựng các công trình kiến trúc nặng, dụng cụ bằng đá như cối, bàn nghiền), nghề tạc tượng (gỗ và đá đạt tới trình độ điêu luyện đỉnh cao về mặt tiểu tượng học so với toàn khu vực Đông Nam Á), nghề làm gạch ngói và các vật liệu trang trí bằng đất nung, nghề xây dựng (đền đài, mộ táng), nghề đóng thuyền, nghề dệt (dọi xe sợi), nghề luyện kim (khuôn đúc thoi, lá, dây đồng và các sản phẩm như tượng thần, tượng người…) và đặc biệt là nghề chế tạc đồ trang sức với các nguyên liệu bằng vàng, bạc, đá quý, thủy tinh đã đạt tới trình độ phát triển rất cao. Các di vật của nghề làm đồ trang sức sưu tập trước năm 1975 có số lượng lớn: 1311 đồ trang sức bằng vàng, gần 300 chuỗi thạch anh, mã não, ngọc bích, ngọc thạch lựu, hồng ngọc, kim cương, thủy tinh, đá quý… các loại hiện vật được tìm thấy trong các di tích thuộc văn hóa Óc Eo sau 1975.

Những di vật đã được phát hiện về các nghề thủ công đã cho ta biết được phần nào về sự phồn thịnh của xã hội Phù Nam và mối quan hệ giữa văn hóa Phù Nam với văn hóa Ấn Độ. Chính những tác động của văn hóa Ấn Độ trên lĩnh vực này đã góp phần thúc đẩy nghề gốm Phù Nam phát triển và biến Óc Eo trở thành trung tâm thủ công nghiệp lớn, có tầm cỡ lúc bấy giờ. Các nghề thủ công nghiệp của Phù Nam rất phong phú tạo nhiều sản phẩm khác nhau, từ các sản phẩm cung cấp các tư liệu sinh hoạt, đồ trang sức đến các sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh, trong đó có một số nghề đã đạt được trình độ phát triển cao. Các nghề thủ công nghiệp không chỉ tạo ra các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt mà một số sản phẩm thủ công đã trở thành nguồn hàng đem trao đổi, buôn bán với các thương nhân nước ngoài rất được ưa chuộng.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 70 - 73)