7. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Sự du nhập của tôn giáo Ấn Độ vào Phù Nam và vị trí của các tôn giáo này
tôn giáo này trong tiến trình lịch sử
Tôn giáo là thành tố văn hóa Ấn Độ có ảnh hưởng sâu đậm nhất ở Đông Nam Á nói chung và ở Phù Nam nói riêng. Người Ấn Độ khi sang Phù Nam làm ăn, định cư, đã mang theo tôn giáo của mình: Phật giáo và Hinđu giáo. Hai tôn giáo này đã từng bước lan tỏa và đi vào đời sống tâm linh của người dân Phù Nam. Trên cơ sở niềm tin, tôn giáo đã trở thành chủ đề cho những sáng tác nghệ thuật của các nghệ nhân Phù Nam.
Vương quốc Phù Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của hai tôn giáo Ấn Độ, cả đạo Hinđu và đạo Phật đều được truyền bá ở đây, “Chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ thì trước hết là tiếp thu tôn giáo Ấn Độ. Bởi vì người Ấn Độ mới đến thường truyền bá tôn giáo của mình để có thêm một cộng đồng đạo, để có sự cảm thông, gần gũi ở đất nước xa lạ” [25, tr. 24]. Trước khi Phật giáo du nhập thì Hinđu giáo đã được truyền đến Phù Nam.
* Hinđu giáo:
Về Hinđu giáo, qua những hiện vật được tìm thấy chủ yếu là văn bia, hệ thống tượng thờ, các mảnh vàng dâng cúng cho thần linh ở rải rác hầu khắp các di tích đã chứng minh Phù Nam được hình thành và phát triển ở những thế kỷ đầu công nguyên. Khái niệm tôn giáo được kết hợp với tín ngưỡng bản địa tạo nên đời sống tâm linh rất tự nhiên của người bản địa, thể hiện quyền năng siêu nhiên, khả năng che chở và bảo vệ của thần linh trong mọi hoạt động của đời sống sinh hoạt xã hội. Hinđu giáo khi ảnh hưởng đến Phù Nam thì chỉ có 3 vị thần được biểu hiện rõ nhất đó là: Brama, Shiva, Vishnu. Các giáo sĩ khi đến truyền đạo, họ rất được sự ủng hộ của vua chúa và có sự ảnh hưởng lớn đối với vua chúa, quan lại, quý tộc Phù Nam nên họ thường được phong chức làm cố vấn, nhà thơ, nghệ sĩ, tầng lớp luôn có mặt trong triều đình. Kinh điển Bàlamôn chủ yếu được viết bằng chữ Sanskrit đã được truyền dụng cho con cái của vua quan, tầng lớp trên, còn thường dân chỉ
số ít được tiếp thu. Hinđu giáo ở Ấn Độ là tín ngưỡng thờ đa thần nhưng khi đến truyền bá ở đây thì chỉ còn là tín ngưỡng thờ thần tiêu biểu. Ý thức cơ bản là gửi gắm niềm tin của mình vào các vị thần thông qua sự thờ cúng rất phức tạp và thực dụng. Tấm bia được phát hiện ở Gò Tháp có niên đại nửa sau thế kỷ V, đã được các nhà khảo cổ học đặt tên Phù Nam 1. Tấm bia này đã thể hiện thấm đượm tinh thần Hinđu giáo cho thấy chỉ phái Vishnu là tôn giáo phổ biến song hành cùng Phật giáo. Ngoài ra, văn Phạn ngữ trên bia Phù Nam 1 đã cho thấy tư tưởng Hinđu giáo được diễn tả một cách tinh tế và sâu sắc, ở đây tôn giáo hầu như hòa nhập vào đời sống thế tục của cung đình. Đồng thời văn bia đã góp phần chỉ ra rằng tầng lớp hoàng tộc, quý tộc có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các công trình tôn giáo. Bên cạnh đó, nó cũng phản ánh hoạt động tôn giáo vào thời kỳ phát triển của Vương quốc này ở thế kỷ thứ V, ít nhất cho ta biết được thời kỳ này đạo Bàlamôn rất được trọng dụng ở đây.
Mặt khác, qua các hiện vật phát hiện được như tượng thần Brahma (đấng sáng tạo), Vishnu (đấng bảo tồn), Shiva (đấng hủy diệt), Hari - hara - sự kết hợp giữa thần Shiva ở nửa bên phải và thần Vishnu ở nửa bên trái, Surya (thần mặt trời), Dvarapati (thần hộ pháp) cùng với các ngẫu tượng Linga, Linga - Yoni, Yoni, các vật linh như bò thần Nandin, chim thần Garuda, Naga - thần rắn… cho thấy Hinđu giáo rất phát triển ở Phù Nam, trong đó chi nhánh Vishnu giáo được tôn thờ nhiều hơn, sùng kính nhiều hơn. Theo Lương thư chép theo tài liệu của Khang Thái và Chu Ứng đi sứ Phù Nam có mô tả một vị thần hai mặt, bốn tay, thần bốn mặt, tám tay, mỗi tay cầm một vật gì đó, khi là đứa trẻ, khi là một con chim, hay con thú, hoặc mặt trăng, mặt trời [dẫn theo 8, tr. 276]. Đây là một vị thần kết hợp rất có thể là thần Hari - Hara ở một dạng sớm mà đến nay chưa tìm thấy tiêu bản hiện vật.
Hình tượng kết hợp những yếu tố của Shiva (nanđin, đinh ba, vầng trăng khuyết…) với yếu tố Vishnu (con ốc, bánh xe, quả cầu…) khắc trên
những mảnh vàng được tìm thấy khá nhiều ở Đá Nổi - An Giang. Người Phù Nam có lẽ đã chấp nhận cả hai vị thần: Vishnu để bảo vệ tài sản và sinh mạng cho họ, còn Shiva để trừng phạt kẻ ác trong xã hội. Nhưng ở Phù Nam, Vishnu được tôn thờ nhiều hơn, có thể vì Shiva là biểu tượng của Vương quyền, quý tộc còn Vishnu là vị thần của dân gian, mà người Phù Nam chủ yếu là nông dân, thợ thủ công và thương nhân.
Bên cạnh đó còn phát hiện được những ngôi mộ huyệt đất, hỏa táng, lót dưới bằng các mảnh mai rùa, gốm vụn… trên nền cát luôn chôn theo những viên sỏi nhỏ và đất nung thể hiện những nghi lễ chịu ảnh hưởng Hinđu giáo, thể hiện niềm tin vào sự tái sinh theo quan niệm của tôn giáo này: “Các Linga hiện thực thể hiện hình thức sinh thực khí nam, sự hiện diện nhiều hình ảnh của nữ thần phồn thực thông qua các hiện vật Yoni, sự kết hợp giữa thần Vishnu và nữ thần Laksmi dưới những hình thức biểu tượng sơ khai nhất bên cạnh hình ảnh nhà cửa, cây cối, súc vật… cho thấy sự kết hợp giữa các tôn giáo ngoại lai với tín ngưỡng bản địa được thực hành rất phổ biến, mà đến nay dấu vết của tục thờ đá, thờ ông Tà, thờ Bà Chúa Xứ vẫn còn thấy hiện diện phổ biến ở vùng đất này” [17, tr. 51].
Như vậy, qua những biểu hiện trên có thể khẳng định Hinđu giáo ở Ấn Độ đã xâm nhập và bám rễ rất sâu đậm vào trong đời sống của cư dân Phù Nam và nó đã trở thành quốc giáo của Vương quốc này.
* Phật giáo:
Về Phật giáo, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đạo Phật có mặt ở Phù Nam từ đầu công nguyên, khoảng thế kỷ I, II. Đạo Phật ở Phù Nam có điểm khác các nơi khác là: Vị vua được nói đến trong nội dung tấm bia trên có thể là người mà trong Nam Tề Thư lần đầu tiên được đề cập với tên gọi là Chơ - Ye - Pa - Mo tên tộc là Kino - Tohien - Jou. Vị vua này đã giữ mối quan hệ khá mật thiết với Trung Quốc. Ghi chép của Nam Tề Thư cho biết: Hin đu giáo là quốc giáo của Phù Nam nhưng Phật giáo cũng được thịnh hành. Bằng
chứng là vua Jayavarman đã phái hai vị đại sứ người Phù Nam thông thạo tiếng Phạn sang Trung Quốc dịch kinh Phật.
Theo hai nhà nghiên cứu Trương Sĩ Hùng và Cao Xuân Phổ thì Phù Nam là một Vương quốc giàu mạnh và cũng là một nhà nước Ấn Độ hóa đầu tiên ở Đông Nam Á. Phật Pháp cũng được thịnh hành. Hơn thế Phù Nam là một trạm chuyển dịch lớn của Phật giáo về phía Đông. Nhưng GS. Lương Ninh dường như không tán đồng với ý kiến coi Phù Nam đó là một trạm trung chuyển, một “rơ le” chuyển tải Phật giáo mà khẳng định Vương quốc Phù Nam xứng đáng là một trung tâm Phật giáo quan trọng của phương Đông, cả phương Tây Thái Bình Dương. Qua đó thấy được phần nào ảnh hưởng và vai trò của phật giáo đối với Vương quốc có lãnh thổ rộng lớn này.
Như vậy, cùng với đạo Balamôn, đạo Phật đã đến khu vực này từ rất sớm. Mặc dù không thịnh hành như đạo Hinđu nhưng ảnh hưởng của đạo Phật đối với dân chúng được thể hiển rất rõ nét qua các di vật của Phù Nam. Hình hoa sen, nắp vung, hình tháp, hình chữ vạn trên nhiều đồ gốm và các loại hình hiện vật khác nhau đã thể hiện sự có mặt khá phổ biến của Phật giáo. Các biểu tượng và các hóa thân của các thần được thể hiện trên đồ trang sức, đồ dùng hàng ngày, trên các mảnh vàng dâng cúng cho thần linh và những đồ tùng táng gửi cho người thân khi họ chết.
Ở Nam Bộ Việt Nam đã tìm thấy một số lượng lớn tượng phật tiêu biểu trong số đó là pho tượng Nền Chùa - đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo Phù Nam. Những pho tượng phật tìm thấy đã được sáng tạo trên cả chất liệu gỗ, đá và kim loại. Qua các pho tượng Phật được tìm thấy ở Nam Bộ Việt Nam không chỉ thấy rõ dấu ấn của tôn giáo Ấn Độ mà còn thấy được cả ảnh hưởng của phong cách nghệ thuật điêu khắc Phật giáo ở Ấn Độ. Đó là phong cách Amravati, Gupta và hậu Gupta. Như thế, Phật giáo có nguồn gốc Ấn Độ không chỉ đi sâu vào đời sống tâm linh của cư dân Phù Nam, mà nó còn trở thành đề tài cho các nghệ nhân Phù Nam thể hiện ra bằng các hình tượng hiện
thực với nguyên liệu vật chất bản địa, mang dáng dấp những nguyên mẫu tượng phật ở Ấn Độ. Tất nhiên các nghệ nhân Phù Nam đã không sao chép toàn bộ mà chỉ tuân thủ những nguyên tắc tiếu tượng học của điêu khắc Phật giáo Ấn Độ, đồng thời đã thể hiện yếu tố bản địa rất sáng tạo, thích hợp. Sự sáng tạo đó làm cho hình tượng Phật trở nên gần gũi với cư dân Phù Nam. Về cơ bản những nguyên tắc tiếu tượng học của nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ được tuân thủ nghiêm ngặt nhưng lại có nhưng cải biên, sáng tạo ở một số chi tiết. Điều này được thể hiện rõ nhất trong việc thể hiện khuôn mặt rất Nam Á, bộ trang phục mỏng có tác dụng tôn dáng, thể hiện rõ các đường nét cơ thể, hay để tạo thế đứng vững chắc cho tượng các nghệ nhân đã tạo cho vạt áo sau của tượng dài xuống bệ, hai bàn chân liền nhau.
Các hiện vật còn lại của Phật giáo và Hinđu giáo đã được phản ánh sự phát triển mới trong niềm tin tôn giáo những nhận thức chắc chắn và quan niệm giáo lý rõ ràng, sự hiểu biết sâu sắc và những chuẩn mực trong thực hành các nghi lễ tôn giáo. Qua các bằng chứng vật chất của Phù Nam đã tìm thấy chứng minh được rằng khu vực này từng là một trung tâm văn minh tôn giáo hết sức quan trọng, nối liền hai đầu Tây - Nam và Đông - Bắc với những vùng văn minh tôn giáo khác xung quanh.
Ngoài ra, ảnh hưởng của tôn giáo Ấn Độ đến Phù Nam còn được biểu hiện thông qua sự hiện diện của những tư tưởng cơ bản ở hệ thống giáo lý của tôn giáo Ấn Độ trong đời sống văn hóa - chính trị của Vương quốc Phù Nam:
Tư tưởng Bàlamôn giáo được thể hiện qua các sách Brahmana (Phạn chí) dạy về nghi lễ, Upanisad (triết học), Vedanta (sự kết thúc của Veda, kết thúc giải thoát giữ vai trò chủ đạo trong hệ tư tưởng của Bàlamôn giáo). Theo thuyết luân hồi được bày tỏ qua một trật tự của vũ trụ gọi là Dharma (Pháp) chi phối cuộc sống con người qua các kiếp, thân phận của mỗi kiếp lệ thuộc vào Karma (Nghiệp) của mỗi con người tích lũy trong kiếp trước. Tùy thuộc vào kiếp này sống tốt xấu thế nào mà kiếp sau sẽ ứng với “nghiệp báo” tương
xướng, có thể được giải thoát (moska), cần phải theo con đường nghiệp báo (hành vi), tri thức (sự hiểu biết thông qua học tập, tu luyện, thiền định…) hoặc kiến tín (lòng tin chân thành). Thuyết luân hồi của đạo Bàlamôn sau này đã được Phật giáo tiếp thu.
Giữa thiên niên kỷ I, ở Ấn Độ có hai tôn giáo mới xuất hiện là Phật giáo và Jaina giáo. Đây là hai tôn giáo có tư tưởng chống đối Bàlamôn giáo và ngày càng chiếm ưu thế trong xã hội Ấn Độ. Do vậy, để giành lại vị trí Bàlamôn giáo đã tiến hành cải cách, kết quả đầu thế kỷ III sau CN, Hinđu giáo ra đời.
Đạo Hinđu là hệ thống tín ngưỡng tôn giáo, quan điểm luân lý, triết học, nghi thức, chế độ xã hội và phương thức sinh hoạt trên cơ sở của đạo Bàlamôn đã hấp thụ các nhân tố tín ngưỡng dân gian, đạo Phật, đạo Jaina… mà phát triển thành Ấn Độ giáo.
Như vậy, xét về mặt tư tưởng, tư tưởng của các tôn giáo Ấn Độ (Phật giáo và Ấn Độ giáo) là thuyết luân hồi với các khái niệm: Dharma, Karma, Moska…
Với những tài liệu bi ký, chúng ta có thể khẳng định tư tưởng này đã du nhập vào Phù Nam cùng với các tôn giáo.
Ví dụ như trong các tấm bia: tấm bia Phù Nam 1: “Cầu cho con người sùng kính (vị thần) này, cư ngụ ở nơi dâng cúng (cho) Sri Cakratitha, công tích sung tín…của Gunavarman, đức hạnh, sung tín, khoáng đạt; cũng cầu cho ai chỉ (đến lễ) nơi đây, cũng sẽ được đến nơi ngự trị tối thượng của Vishnu, tâm linh thoải mái, giải thoát khỏi karma xấu xa” [37, tr. 251]; bia Phù Nam 2 “Cầu cho người đắm mình trong suy tư triền miên, được yên nghĩ trong phòng ngủ là Biển sữa, nằm trên giường làm bằng vòng cuộn của con rắn Sesa…” [37, tr. 252]; bia Phù Nam 3 “mọi điều thiện mà đức vua này làm ra đều tuyệt đối tuân theo Đạo pháp (Dharma)…” [37, tr. 255].
Từ những nội dung được khắc trên các tấm bia trên, ta có thể khẳng định, những tư tưởng cơ bản của tôn giáo Ấn Độ đã được du nhập vào Phù Nam và được các vị vua đặc biệt coi trọng, thậm chí việc hiểu biết những tư tưởng này còn được coi là một cơ sở để đánh giá sự vĩ đại của các vị vua.