7. Cấu trúc của luận văn
1.2.1. Phù Nam thời sơ kỳ (thế kỷ I III)
Về sự thành lập nước Phù Nam, đến nay các nhà khoa học đã tìm được những bằng chứng cả về văn hóa dân gian lẫn khảo cổ học để đưa ra
những đoán định chính xác về hoàn cảnh cũng như thời điểm thành lập nước Phù Nam. Hầu như tất cả đều thống nhất ở quan điểm cho rằng sự thành lập quốc gia của Phù Nam dựa trên sự phối hợp của hai dòng họ Bàlamôn Kaundynia (người Ấn Độ) và Soma (mặt trăng) con gái vua thủy tộc Naga. Trong đó, theo tác giả cuốn “Văn hóa Phù Nam” thì các thư tịch cổ Trung hoa là nguồn tài liệu phản ánh cụ thể nhất về vấn đề này. Tấn Thư kể về sự kiện này : “vua nước đó (Phù Nam) vốn là người con gái tên là Diệp Liễu. Thời đó, có người nước ngoài là Hỗn Hội thờ tiên thần nằm mộng thấy thần ban cho cây cung và dạy là phải đi thuyền lớn ra biển. Sáng ngày Hỗn Hội đến đền thờ thần, được cây cung rồi theo thuyền lênh đênh ra biển tới ấp ngoài của nước Phù Nam. Diệp Liễu đưa người ra chống lại. Hỗn Hội dương cung bắn, Diệp Liễu sợ hãi xin hàng. Hỗn Hội bèn lấy làm vợ và chiếm cứ đất nước… Đầu niên hiệu Thái Thủy Vũ Đế sai sứ sang cống tiến…” [dẫn theo 37, Tr. 24].
Trên vùng đất châu thổ màu mỡ và giàu sản vật, Hỗn Hội sau khi đánh thắng và cưới Diệp Liễu làm vợ đã thừa hưởng tất cả và gây dựng nên một triều đại lớn. Sau khi nữ Vương Diệp Liễu kết hôn cùng với Hỗn Hội, đã sinh con trai, phân cho làm vua 7 ấp, nhưng rồi Hỗn Bàn Huống lập kế ly gián 7 ấp, nhân đó cử binh đánh chiếm rồi cho con cháu phân chia cai trị các ấp hiệu là tiểu Vương. Hỗn Bàn Huống sống hơn 90 tuổi mới chết, lập con thứ hai là Bàn Bàn làm vua, ủy thác việc nước cho đại tướng Phạm Man (có sách chép là Phạm Sư Man). Bàn Bàn làm vua được 3 năm thì mất, người trong nước đều cử Phạm Sư Man làm vua.
Sự kết hôn của Hỗn Điền - Diệp Liễu hay Kaundinya - Soma là sự kết hợp Vương giả đẹp đẽ mở đầu cho Vương triều Phù Nam và cho dòng tộc Soma. Theo sử sách, có thể sơ bộ dựng lập Vương triều Phù Nam như sau:
1. Hỗn Điền 2. Con (X)
3. Hỗn Bàn Huống 4. Hỗn Bàn Bàn
5. Phạm Man hay Phạm Sư Man 6. Phạm Chiên 7. Phạm Tràng 8. Phạm Tầm 9. Trúc Chiên Đàn 10. Kiều Trần Như 11. Trì Lê Đà Bạt Ma 12. Đồ Da Bạt Ma 13. Lưu Đà Bạt Ma
Trong đó, từ thời Hỗn Điền đến Hỗn Bàn Huống tình hình diễn tiến trong khoảng thế kỷ I, Hỗn Bàn Huống đến Phạm Man trong thế kỷ II, Phạm Man từ thế kỷ II đến đầu thế kỷ III. Các vua Man - Sinh - Chiên - Trường diễn ra trong khoảng vài chục năm đầu thế kỷ III, đến Phạm Tầm làm vua tiếp phái đoàn Khang Thái trong khoảng 250 - 290.
Như vậy có thể thấy, ở giai đoạn sơ kỳ, khi mới lập quốc và phát triển lãnh thổ, Vương quốc Phù Nam còn khá phân tán và chưa ổn định.
Về mặt cư dân, theo thư tịch cổ và tài liệu khảo cổ học, quốc gia này gồm hai nhóm cư dân: “nhóm ven biển, trồng lúa nổi, sản xuất thủ công và buôn bán với nước ngoài, phong tục ăn mặc sang trọng, và nhóm thu hoạch lâm sản, săn voi, còn duy trì một số nếp sống và phong tục cổ truyền. Có lẽ đây là hai bộ lạc đầu tiên kết hợp với nhau… lập nên nước Phù Nam, mà tên cũ Kurrumbanagara và Naravaranagara - tượng trưng cho hai bộ lạc gốc vẫn còn được giữ” [37, tr. 35]. Và theo kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thì hai bộ lạc này thuộc hai tộc người là Chăm cổ và Môn cổ.
Về địa bàn ban đầu của Vương quốc Phù Nam, theo giáo sư Lương Ninh “đó hẳn là một vùng rừng núi phía Tây, nay là đất Kirivong có nghĩa là
Dòng vua Núi, trên đoạn kéo dài của dãy núi Đậu Khấu, ở kinh độ 105 - vĩ độ 11, nối liền với dải đồi rừng trung lưu sông Mê Kông và chủ yếu hẳn là có vùng đồng bằng ven biển, từ Hà Tiên ở phía Tây đến Cà Mau ở phía Đông, trong đó có cảng thị Óc Eo… toàn miền Tây sông Hậu nối với nhau từng ấp, thông ra biển, nối cảng thị với đầu nguồn sông Hậu là sông Châu Đốc, lại nối với núi Angkor Borei… chính là lãnh thổ cơ bản, địa bàn ban đầu của Vương quốc Phù Nam…” [38, tr. 37].
Về tên nước, nước Phù Nam được gọi “xuất phát từ một danh từ riêng - tên gọi của tộc người - trong số các nhóm Môn cổ cư trú rải rác hầu khắp Đông Nam Á lục địa, có một nhóm ở xa về phía Đông - Nam, ở nam Đông Dương, nam Trường Sơn, tự gọi là người Núi - Người Vnam, Bnam, là chính họ tự gọi, do ở gần kề và đối xứng với các nhóm Người Rừng (Orang Glai), Người Biển (Orang laut)” [37, tr. 40-41].
Tóm lại, với những truyền thuyết nói về sự hình thành Vương quốc Phù Nam qua nguồn sử liệu cổ của Trung Quốc và các tài liệu khảo cổ học, đã cho chúng ta những hiểu biết cơ bản về Vương quốc Phù Nam, đã chứng minh được Phù Nam đã tồn tại và bắt đầu phát triển ở những thế kỷ tiếp theo - thế kỷ thứ III đến thế kỷ V, đã tạo nên một Phù Nam hưng thịnh.