Nghệ thuật điêu khắc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 59 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.2. Nghệ thuật điêu khắc

Điêu khắc là một trong những thành tựu quan trọng của người Phù Nam còn để lại tới ngày nay mà chúng ta biết được qua khảo cổ học. Trên cơ sở tiếp thu những yếu tố từ nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, người Phù Nam đã tạo nên một nền nghệ thuật điêu khắc có trình độ cao, đạt tới sự điêu luyện. Phù Nam là một trong những trung tâm Phật giáo và Hinđu giáo lớn của Đông Nam Á nên thật dễ hiểu khi nghệ thuật điêu khắc của Phù Nam mang âm hưởng và dấu ấn đậm nét của hai tôn giáo này.

* Điêu khắc Phật giáo ở Phù Nam

Điêu khắc Phật giáo của Phù Nam được phát hiện có số lượng lớn, thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, đá, kim loại… trong đó nhiều nhất là điêu khắc thể hiện hình tượng Đức Phật. Hai loại chất liệu gỗ và đá được sử dụng thường xuyên nhất với nhiều tác phẩm điêu khắc có kích thước tương đối lớn và đạt tới trình độ thẩm mỹ cao.

Ở tượng Phật được thể hiện trên chất liệu gỗ bao gồm hai nhóm. Nhóm tượng trong tư thế Tribhanga với nhóm tượng trong tư thế Abhanga. Ở nhóm tượng trong tư thế Tribhanga, các pho tượng có tư thế đứng hông lệch mạnh về phía bên phải, khiến cho đường cong hai bên sườn song song với nhau và hơi xiên chéo từ trái sang phải, trọng lượng cơ thể dồn về chân phải, chân trái hơi chùng, rõ cả đầu gối.

Pho tượng lớn nhất được phát hiện ở Tháp Mười (MBB 3445) có khuôn mặt thon dài, các nét trên khuôn mặt bị mòn nhiều. Chỉ có những búp tóc xoắn ốc, với gỗ u’nisa nổi rõ. Còn pho tượng được phát hiện ở Đá Nổi (Bảo

tàng Mỹ thuật 208) chỉ có phần thân nhưng thể hiện phần chân trái hơi khuỵu nghiêng. Mặc dù pho tượng này bị sứt mẻ khá nặng nhưng những gì còn lại vẫn cho thấy chân, đùi, hông và ngực được chế tác rất thon mảnh và uyển chuyển. Các tượng ở Gò Tháp bị vỡ nhiều, các tay đều bị mất, ở pho tượng GT 33 cho ta dấu vết của tay, có lẽ được gập lên ngang bụng. Pho tượng ở Bảo tàng Đồng Tháp 194 đã bị gãy mất đầu và bị gãy vỡ nặng nề phần vai, qua những phần còn lại có thể thấy độ lệch hông rất lớn, eo thon, vạt áo cà sa chạy dọc thân trái, gối trái khuỵu, gối phải thẳng, bàn chân trái thẳng, bàn chân phải hơi chếch hình chữ V [17, Tr. 50-51].

Những bộ pho tượng còn lại cho thấy đó là một dạng bệ hoa sen hình tròn hoặc gần tròn, thắt eo, các lớp ôm lấy phần mặt bệ tạo dáng kiểu đài hoa mới hé mở, tầng dưới gồm các lớp cánh sen mở xoè rộng. Trong số các pho tượng này thì tượng ở Tháp Mười cao nhất (2,91m), pho tượng nhỏ nhất được phát hiện ở Gò Tháp (cao 0,615m), các pho còn lại có chiều cao trung bình (1,4m - 1,0m).

Các tượng ở tư thế Tribhanga được tìm thấy ở nhiều loại hình khác nhau ở Ấn Độ và rất nhiều tượng trong nghệ thuật Hinđu giáo. Những pho tượng trong tư thế Tribhanga được thể hiện với tư thế thon mãnh, đôi chân dài mềm mại, dáng đứng gợi cảm, điều thường thấy ở điêu khắc Amaravati. Tuy nhiên, các pho tượng này cũng có nét riêng đó là cái cổ thường khá cao, với khuôn mặt khá thon mảnh, u’snisa thường nổi nhẹ hoặc có hình búp nhọn, ngực hơi lép, thể hiện sự thoát tục. Trong khi các tượng thuộc phong cách

Amaravarti thường có trang phục gồm nhiều nếp dày thì những tượng Phật giáo ở Phù Nam phổ biến có trang phục mỏng và sát thân đồng thời trang phục thường rất rộng, được khoác lên trên vai trái và buông tới tận cổ tay.

Pho tượng ở Giống Xoài (An Giang) đứng trên bệ hình tròn, phần ngoài bị mục, nứt. Tay phải bị gãy, tay trái bàn tay bị gãy, mặt bị nứt nẻ. Tuy nhiên, “vẫn thấy được một khuôn mặt vuông, thuôn dài, cằm tròn, hơi bạnh, đôi mắt

hơi ngang, nhìn xuống, sống mũi thanh, miệng nhỏ, thùng tai gãy mất, cổ cao vừa phải. Cái búp tóc xoắn ốc theo chiều kim đồng hồ, mịn, đều, khá lớn. Chân u’snisa liền khối với phần đầu, thon nhọn. Toàn thân có dáng thon thả, hai bàn chân đặt gần như song song, chỉ hơi lệch chữ V. Trang phục chỉ nhận ra ba phần, giữa hai chân và dưới cánh tay trái thể hiện loại áo choàng mỏng, nhẹ, bó sát thân, dài xuống ít nhất là quá đầu gối” [17, tr. 52 -53].

Trong nhóm tượng này thì hai pho tượng được phát hiện ở Bình Hòa là quan trọng nhất do chúng còn gần như nguyên vẹn nên cung cấp cho chúng ta những thông tin quý giá về mặt tiếu tượng Phật giáo tên chất liệu gỗ.

Pho thứ nhất, Bảo tàng Mỹ thuật 207 “có khuôn mặt thon gọn trái xoan, trán rộng, mày cong mềm mại, mắt nhìn xuống, khép hờ, sống mũi thanh mãnh, cao vừa phải, đầu mũi nhỏ, hơi khoằm nhẹ, miệng nhỏ, mỉm cười, khóe mắt phải hơi nhếch lên. Chót cằm nhọn, má hơi bầu. Nhìn nghiêng khuôn mặt trông có vẻ đầy đặn, đầu phủ những lọn tóc xoắn ốc, nhỏ mịn, u’snisa nổi gồ vừa phải, hơi nhọn, vai xuôi cơ thể thon mảnh, bụng phình nhẹ, hai bàn chân đứng hình chữ V, các ngón hơi xòe rộng, tả thực, mu bàn chân đầy đặn, gót trần. Lưng uốn lõm, thể hiện đầy đủ là môt tượng trên có phần bả vai mềm mại. Mông nổi nhẹ sau làn trang phục mỏng. Tay trái trong tư thế trần an. Tay phải gãy (vốn cầm một nụ sen chưa nở), một lỗ tròn nhỏ ở chỗ gãy, cho thấy bàn tay được ghép vào bằng chốt. Trang phục dài gần tới mắt cá chân, hơi xòe trên cổ chân phải, vắt thành tà rộng dày bên trái” [17, tr. 54].

Pho tượng gỗ được đặt ở Bảo Tàng Kiên Giang có thể là một tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Tượng trong tư thế đứng lệch hông phải, đầu gối trái chùng. Tay trái giơ lên, tay phải buông dọc thân, đã sứt vỡ hết, mặt chưa thể hiện được rõ nhưng có thể nhận ra khuôn mặt đầy đặn, thon dài, cằm tròn, u’snisa nhọn, ngực phẳng, cổ hơi to, bụng khá lớn, lưng phẳng.

Các pho tượng thuộc nhóm có tư thế Abhanga có tư thế hông lệch nhưng hơi lệch về phía bên phải, các tượng thuộc nhóm này có xu hướng

đứng thẳng, hai chân to, chắc, khỏe tuy nhiên các pho tượng này cũng có những nét gần gũi với nhóm tượng trong tư thế Tribhanga bởi cùng mang nhiều cảm hứng của trường phái Amaravati - Niên đại của chúng thuộc giai đoạn Óc Eo phát triển, thế kỷ V - VI.

Trong số những pho tượng Phật chất liệu đá, có một số pho tượng ở tư thế đứng, còn lại các pho tượng có tư thế ngồi. Ở nhóm các tượng có tư thế đứng thì tượng Nền Chùa là tượng đẹp nhất. Pho tượng Phật Nền Chùa cũng như các pho tượng Phật khác đã tránh sự quá phức tạp và thiếu chắc chắn của việc tạo cánh tay ra khỏi khối đá thân tượng, nên đã tạc cánh tay liền thân, bàn tay liền sát người, mở lòng quay ra phía trước và ngón chúc xuống đất. Cách này vừa đạt yêu cầu về mặt trừu tượng vừa dễ làm mà lại đảm bảo sự chắc chắn. Tượng Nền Chùa được “tạc bằng sa thạch, đứng trên tòa sen gần tròn gắn với bệ chữ nhật, tư thế Tribhanga uyển chuyển, mềm mại. Tóc xoắn ốc thành nụ to, nổi cao, phía trước có 4 hàng, phía sau có 7 hàng chạy sát xuống cổ. Đầu nối cao trên định để tạo u’snisa khuôn mặt đầy đặn, hơi vuông, cằm trái hơi bạnh, lông mày cong, đều, mảnh, mũi thẳng, chót mũi nhọn, nhân trung hơi ngắn. Đôi mắt khép hờ nhìn xuống. Môi trên mỏng, môi dưới hơi dày, với hai thùng tai rộng và gợi cảm. Đôi tai chảy dài xuống sát vai loa tai khá tả trực, thủy tai có khe dọc lõm sâu. Cổ không có ngấn. Cơ thể được thể hiện khá hiện thực và sống động với đôi vai tròn mập, lưng uốn… hai bàn chân đặt song song trên bệ sen, có phần cổ chân và gót không được thể hiện rõ mà hòa vào một khối với một đoạn cột chống sau lưng, cao ngang tới đùi. Áo cà sa bó sát thân để hở phần ngực và vai phải. Trang phục mỏng và trong suốt làm lộ rõ đường nét cơ thể. Lớp trang phục lót bên dưới (Uttarsanghra) thể hiện bằng đường ngấn nổi nhẹ của dây thắt lưng. Tay phải buông xuôi sát hông, bàn tay hơi nghiêng 3/4 ra phía trước trong tư thế ban ân (Abhaya). Tay trái gập gần vuông góc, bị gãy mất, có lẽ cầm các nếp áo cà sa. Bệ sen hình ô van, gồm hai tầng thắt giữa. Tầng trên có 3 lớp cánh

mập, đầu cánh múp nhọn. Tầng dưới có các lớp cánh ngửa, đầu cánh xoắn tròn. Bệ chữ nhật bên dưới có vành ngoài trang trí các ô hình chữ nhật xen kẽ các ô hình ô van lồng nhau” [17, tr. 57-58].

Tượng Nền Chùa chịu ảnh hưởng sâu sắc của nghệ thuật Gupta và được định niên đại vào khoảng thế kỷ VI, cùng niên đại với tượng Trung Điền. Pho tượng Phật được phát hiện ở Núi Sóc (Rạch Giá) cũng có nhiều nét giống với pho tượng Nền Chùa. Pho tượng Cạnh Đền 3 thì có khuôn mặt đầy đặn hơi ngắn, trán phẳng, cằm hơi vuông, đôi mắt khép hờ, môi hơi mỏng, thùy tai dài nhưng thể hiện hơi cứng, tóc gồm các nụ ốc tròn, to, ôm sâu xuống gáy… cơ thể được thể hiện khô cứng, vai rộng hơn hông, hai chân khỏe khoắn, trang phục phủ kín hai vai và kéo dài tới tận mắt cá chân.

Tượng Dhyana - Mudra được tìm thấy ở Mĩ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, Long An. Điều đáng chú ý ở đây là tượng được tạc bằng loại đá xanh đen có các hạt rất mịn, là loại nguyên liệu ít được dùng để tạc tượng. Người trong tư thế tọa thiền, lộ rõ 2 bàn chân trên lòng, khuôn mặt bầu tròn… tượng cho thấy những đặc điểm của nghệ thuật trường phái Mathura, giai đoạn Kushana - Gupta (khoảng thế kỷ II- IV). Có hai tượng được phát hiện ở Gò Cao Su, Long An và Vọng Thê, An Giang đều có kích thước rất nhỏ, khuôn mặt tròn đầy đặn, cơ thể mảnh mai, lộ rõ dưới lớp trang phục, niên đại của chúng có thể trong khoảng thế kỷ V, VI. Tượng đá bằng sa thạch trắng xám bị mất đầu ở Gò Tháp thể hiện những đặc điểm gần hơn với các điêu khắc Anuradhapura thế kỷ VI, VII của nghệ thuật Sri Lanka. Các tượng thuộc nhóm Trà Vinh, theo cách gọi của Dupont, đều có kích thước nhỏ và nguyên vẹn. Usnisa nổi thành một khối liền nhô lên trên đỉnh đầu. Tai dài cân đối, dái tai chảy sát với tai, với một khe dọc sau, vành tai hơi nhọn đầu. Khuôn mặt đầy đặn, cằm tròn, gờ mảnh, cong nhẹ. Cơ thể thon chắc với đôi vai khá rộng và tròn trịa nhưng không thể hiện cơ bắp. Chất lượng của nó trong sự tương đồng về phong cách chung và nguồn gốc phát triển của các tượng khác có thể

được giải thích rằng có sự đóng góp của nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau trong quá trình hình thành nên các tác phẩm nghệ thuật của Phù Nam.

Ngoài hai chất liệu gỗ và đá thì tượng Phật Phù Nam còn được thể hiện bằng chất liệu kim loại. Một đầu tượng Phật bằng đồng được tìm thấy ở Ba Thê. Ở di tích Gò Cây Thị đã tìm được hai tượng tròn bằng đồng còn khá nguyên vẹn. Pho ở Bảo tàng An Giang đứng trên bệ sen hình tròn, tay phải nâng ngang hông bàn tay ngữa, tay trái giơ ngang ngực, khuôn mặt hơi vuông, cằm lõm, mũi hơi to. Pho tượng Phật Bảo tàng Lịch sử 1586 có cấu trúc hơi giống với pho tượng trên nhưng có một điểm khác. Khuôn mặt dài hơn, mũi nhỏ, miệng nhỏ, đôi mắt khép hờ hơi chếch lên phía trên [17, tr. 55 - 56]. Áo cà sa dày nặng, khoác kín hai vai cho thấy kiểu mặc khác với tượng Bảo tàng An Giang.

Các điêu khắc thể hiện hình Bồ tát có số lượng ít hơn nhiều so với hình tượng Đức Phật. Các tượng Bồ tát được thể hiện bằng đồng như tượng Quan Âm được phát hiện ở Óc Eo có niên đại thế kỷ IV - V. Ngoài ra, các tượng Bồ tát còn được thể hiện bằng chất liệu bằng đá, khá nguyên vẹn được tìm thấy nhiều hơn. Một tượng Maitreya nhỏ được phát hiện ở Trà Vinh được định khung niên đại cuối thế kỷ VI -VII. Pho tượng Maitreya thứ hai được tìm thấy Trung Điền, Cửu Long thể hiện cấu trúc như của một Vishnu. Những gì còn lại, pho tượng này cho thấy đây là một tượng nguyên gốc, có sự hòa trộn, có yếu tố Hin đu giáo và Phật giáo, có những nét của nghệ thuật Phnom Da, nhưng cũng có nét chung với các tượng ở đồng bằng sông Cửu Long khác. Niên đại của chúng thuộc thế kỷ VII [17, tr. 67 - 70].

Đến nay, khảo cổ học đã phát hiện được khoảng 50 pho tượng Phật được xác định là của Phù Nam trong đó có 17 pho bằng đá, 26 pho bằng gỗ, 7 pho bằng đồng, với 32 pho tượng phật đứng (Buddhapod) [38, tr. 251]. Các pho tượng này đều có niên đại khớp với niên đại của Phù Nam.

Có thể thấy rằng, điêu khắc Phật giáo Phù Nam đã ra đời sớm (thế kỷ II) và nhanh chóng đạt tới đỉnh cao, nhưng về loại hình lại khá hạn chế. Việc nguyên liệu đá hiếm có thể ảnh hưởng đến số lượng và chất lượng nhưng với nguồn cảm hứng dồi dào các nghệ nhân Phù Nam đã sáng tạo nên những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật. Để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật này thì ngoài nhân tố con người với sự khéo léo thì cũng cần tiếp thu những nguyên tắc tiếu tượng học trong nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ thông qua con đường giao lưu kinh tế và văn hóa.

* Điêu khắc Hinđu giáo của Phù Nam

Ngoài các pho tượng Phật giáo, các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy một số lượng lớn tượng Hinđu giáo trong đó có thể kể ra: Vishnu Óc Eo, Vishnu Gò Tháp, Vishnu Ba Thê, Vishnu Trung Điền, Surya Tiên Thuận, Vishnu Takuapa, Sri Maha Pot, Vieng Sra … [35, tr. 284 - 285]. Tượng Vishnu Phnom Da được coi là tác phẩm đẹp nhất, tiêu biểu cho dòng điêu khắc Hinđu giáo của Phù Nam. Giáo sư Lương Ninh đã đặt các pho tượng Hinđu giáo của Phù Nam vào một trường phái riêng - “Trường phái Phù Nam”, hoàn toàn khác so với các tác phẩm điêu khắc khác ở Đông Nam Á. Với một số lượng lớn tượng Hinđu giáo đã được phát hiện, có thể coi Phù Nam là trung tâm, đỉnh cao của điêu khắc Hinđu giáo ở Đông Nam Á thời cổ - trung đại. Điêu khắc Hinđu giáo có hai dòng chính là điêu khắc Vishnu, điêu khắc Shiva và các biểu tượng của thần.

Vishnu là vị thần bảo vệ, một trong bộ ba: Brahma - Vishnu – Shiva dù mỗi vị thần trong bộ ba này có một quyền năng riêng, hình thức riêng… nhưng trong thần điện Hinđu giáo thì tượng thờ vị thần nào cũng đều có thể hiểu theo nghĩa đó là sự hội tụ của cả ba - tam vị nhất thể.

Trong điêu khắc Hinđu giáo của Phù Nam chưa bắt gặp hình thức hóa thân của vị thần Vishnu, gần như tất cả các tượng đã biết đều có tư thế đứng thẳng, có 4 tay. Với hai tay sau giơ lên ngang đầu, hai tay dưới hơi gập cao

ngang thắt lưng, cầm các biểu tượng. Các biểu tượng mà Vishnu thường cầm đó là con ốc, bánh xe, gậy quyền, quả cầu… những biểu tượng này thường cũng bị biến dạng, nhiều khi ta thật khó nhận biết.

Một tấm đá Gò Tháp - Đồng Tháp (43 x 23cm) có tạc một vị thần có 4 tay, nhưng gãy vỡ chỉ còn hai tay… Mũ trụ khá cao, Sampot dài trơn, cuộn thành nút nổi tròn trước bụng, có tua buông dọc xuống thân. Cơ thể tráng kiệt với đôi vai rộng, eo thon. Một tấm phù điêu khắc của thần Vishnu đó là một tấm đá ở Bảo tàng Lịch sử 5808 có phù điêu tương đối giống với phù điêu trên [17, tr. 72].

Các tượng tròn thần Vishnu có niên đại Phù Nam có số lượng khá lớn

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 59 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w