7. Cấu trúc của luận văn
1.2.3. Sự khủng hoảng và suy vong của Phù Nam (thế kỷ V VII)
Sau mấy thế kỷ huy hoàng, Phù Nam dần suy yếu và lâm vào khủng hoảng. Nước Chân Lạp có nguồn gốc từ một bộ lạc Môn cổ ở hạ lưu sông Sê Mun, cùng với một số nước khác đã phải thần phục Phù Nam từ thế kỷ III (thời Phạm Man), nay có điều kiện để xóa bỏ xiềng xích của sự cống nạp. Chân Lạp trước kia phải thần phục Phù Nam đồng thời có quan hệ nhiều mặt với nước tôn chủ, vì thế có điều kiện tiếp xúc với văn hóa Phù Nam và văn hóa Ấn Độ qua Phù Nam. Chính nhờ thế mà bộ lạc này đã tiến vượt lên so với các bộ lạc khác ở Khorat. Cuối thế kỷ V, họ đã có bia viết bằng chữ Sankrit và đây cũng là thời gian họ bắt đầu lập nước. Nhân lúc Phù Nam suy yếu, Chân Lạp đã đem quân chinh phục Phù Nam và dần thay thế vị trí của Phù Nam ở hạ lưu sông MêKông.
Về sự kiện Chân Lạp tấn công Phù Nam, các bộ sử lớn của triều Tùy, Đường cho biết: nước Chân Lạp nằm ở phía Tây Nam của Lâm Ấp, nguyên là một nước chư hầu của Phù Nam… Họ vua là Sát Lợi (Ksatuya), tên là Chất Đa Tư Na (Chitrasena) tổ tiên của ông đã dần phát triển quyền lực của xứ sở.
Chất Đa Tư Na đánh chiếm Phù Nam và khuất phục nước đó. Tân Đường Thư chép tỉ mỉ hơn cho biết vua Phù Nam đóng đô ở thành Đặc Mục (Vyadhapura) - thành phố của những người đi săn, đột nhiên thành bị quân Chân Lạp đánh phá, nhà vua phải chạy về phía nam đến thành Na Phất Na [dẫn theo 8, tr. 286].
Văn khắc Robang Romeas viết năm 598 ca ngợi chiến công của các vị vua đầu tiên gồm:
1. Bhavavarman (vua sáng lập)
2. Mahendravarman cũng chính là Chitrasean, được coi là người thứ nhất trị vì Chân Lạp
3. Isanavarman là con Chtrasean [37, tr. 155]
Bia Ang Chumik năm 667 cho biết đầy đủ thế thứ các Vương triều đầu của Chân Lạp gồm có: - Sri Rudravarman - Sri Bhavavarman - Mahendravarman - Sri Isanavarman - Jayavarma [37, tr. 162].
Vua Bhavavarman ở ngôi trong vài chục năm cuối thế kỷ VI, cai quản quốc gia mới thành lập mang tên ông (Bahavapura) ở vùng Sê Mun - Khorat. Mahendravarman (Chitrasean) lên kế ngôi từ cuối thế kỷ VI đến năm 624 nhân lúc Phù Nam có khủng hoảng mà tấn công kinh đô của Phù Nam. Vua Chân Lạp chiếm được kinh đô của Phù Nam, nhưng không xây dựng kinh đô của mình ở địa điểm này mà chỉ xây đền, dựng bia vừa là kể công tích vừa là để khẳng định chủ quyền.
Khi Chất Đa Tư Na (Chitrasean) chết khoảng năm 624, Y Sa Na Tiên (Isanavarman) thế tập, đóng đô ở Y Sa Na. Isanavarman không chỉ là người xây dựng kinh đô và cho khắc một số bia mà còn là người kế tục sự nghiệp
của cha ông, tiếp tục chinh phục Phù Nam. Như vậy Isanavarman đã hoàn thành công cuộc chinh phục Phù Nam.
Thư tịch cổ Trung Quốc các đời sau không ghi chép rõ Phù Nam còn tồn tại tới bao giờ. Tân Đường thư đã ghi lại các đoàn sứ bộ của Phù Nam được cử sang triều Đường dưới các triều vua Đường Cao Tổ niên hiệu Vũ Đức (618-627) và vua Đường Thái Tông niên hiệu Trịnh Quán (627- 649) [dẫn theo 8, tr. 286]. Căn cứ vào sự kiện Phù Nam đến tiến cống nhà Đường, tác giả Lê Hương trong tác phẩm “Sử liệu Phù Nam” xác định năm 627 là năm Vương triều cuối cùng của Phù Nam sụp đổ. Giáo sư Hà Văn Tấn dẫn sự kiện nhà sư Nghĩa Tĩnh (653-713) đời Đường biên soạn các sách “Đại Đường cầu pháp cao tăng truyện”, “Nam hải ký quy nộ pháp truyện” và hoàn thành năm 691 gửi về Trường An thời Vũ Hầu, đã nhắc tới một nước có tên là Bạt Man mà nhà sư chưa rõ “trước gọi là Phù Nam” là năm diệt vong của Phù Nam. Còn theo Giáo Sư Lương Ninh, sau khi Chân Lạp chiếm được kinh đô, vua Phù Nam đã chạy về phía Nam tới chân thành Na Phất Na và còn tồn tại được hơn 30 năm, tới năm 649 Phù Nam mới bị diệt vong.
Như vậy, niên đại tuyệt đối nước Phù Nam bị diệt vong chưa rõ ràng nhưng về cơ bản các nhà nghiên cứu đều thống nhất Phù Nam bị diệt vong trong thế kỷ VII.
Về nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng và suy vong của nước Phù Nam có nhiều ý kiến được nêu ra. Tựu chung lại các nhà nghiên cứu đều thống nhất có mấy nguyên nhân sau đây:
Thứ nhất, về điều kiện tự nhiên có ghi nhận vấn đề biển lấn. Trong khoảng 250 năm từ năm 1650 đến 1400 TCN mực nước biển đã hạ thấp từ độ cao +2m đã hạ thấp đến dưới mực nước biển hiện nay là -0,8m (tức hạ thấp tới 2,8m). Từ đây mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử hình thành châu thổ sông Cửu Long. Khoảng năm 550 đến năm 1350 sau công nguyên mực nước
biển dâng lên cao trung bình + 0,8m. Quá trình biển tiến đã có những tác động nhất định tới đời sống và hoạt động kinh tế của những cư dân Phù Nam sống ven biển, cạnh các kênh, rạch. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của vấn đề biển tiến tới đâu là vấn đề cần bàn thêm, bởi đó là một quá trình biển tiến từ từ, diễn ra trong một thời gian dài.
Thứ hai, sự thay đổi của các con đường giao thương qua vùng Đông Nam Á làm mất đi một lợi thế thương mại rất lớn của đế quốc Phù Nam. Từ thế kỷ VI, VII do yêu cầu phát triển thương mại đường biển châu Á và do những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải, công việc trung chuyển thuyền buôn và hàng hóa qua eo biển Kra trở nên khó khăn nên con đường thương mại dịch chuyển xuống phía Nam bán đảo Malaya. Eo biển Kra dần mất đi vai trò quan trọng trước kia của mình và do đó Phù Nam cũng mất đi một lợi thế thương mại, mất đi một nguồn thu quan trọng, ảnh hưởng tới sự tồn vong của đế quốc thương mại này.
Thứ ba, một số nhà nghiên cứu nói tới yếu tố chiến tranh. Rõ ràng cuộc chiến tranh giữa nước tôn chủ Phù Nam với nước Chân Lạp là có thật. Cuộc chiến tranh này diễn ra trong một thời gian khá dài và cuối cùng Phù Nam phải rút lui về phía Nam, rồi thất bại hoàn toàn. Nhưng ở đây cũng có một vấn đề đặt ra đó là tại sao một nước phụ thuộc lại có thể đánh bại một nước tôn chủ hùng mạnh, chắc chắn phải có nguyên nhân sâu xa nào đó xuất phát từ phía Phù Nam.
Phù Nam là đế chế gồm nhiều nước nhỏ phụ thuộc. Đối với các nước chư hầu, Phù Nam thi hành chính sách bóc lột qua hình thức “triều cống” lại bị quản chế về ngoại giao. Do đó, các nước chư hầu luôn mang tâm lý bất mãn, và chỉ chờ cơ hội là sẽ xóa bỏ xiềng xích của tôn chủ. Càng về sau các ông vua Phù Nam chỉ lo buôn bán, tu sửa Pháp độ, tổ chức quân đội không được chăm lo đúng mực, Phù Nam dần suy yếu.
Tất cả những nhân tố trên đã tác động tới đế quốc Phù Nam, làm cho nó từng bước suy yếu. Những thách thức mà Phù Nam phải đương đầu ngày càng to lớn, nó càng lún sâu vào khủng hoảng và cuối cùng đã bị diệt vong trong thế kỷ VII.
Giờ đây, lịch sử Phù Nam đã chìm sâu trong quá khứ, đến những thập kỉ cuối của thế kỉ XX những nhà khảo cổ học đã đem dần ra ánh sáng những tài liệu vô cùng quý giá, thay vì trước đây Vương quốc Phù Nam chỉ biết đến qua thư tịch cổ Trung Hoa.