Nghệ thuật kiến trúc

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 56 - 59)

7. Cấu trúc của luận văn

2.3.1. Nghệ thuật kiến trúc

Kiến trúc cũng là một lĩnh vực mang dấu ấn, ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Sự ảnh hưởng đó được biểu hiện rõ trên hai phương diện là chất liệu xây dựng và kiểu dáng các công trình kiến trúc.

Trước khi chịu sự tác động của văn hóa Ấn Độ, cư dân Phù Nam chủ yếu xây dựng các công trình kiến trúc của mình bằng chất liệu gỗ, tre, nứa, đá với các công trình kiến trúc quy mô nhỏ, chủ yếu là nhà ở, với kiểu dáng là nhà sàn. Sau khi giao lưu, tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ, với một nền kinh tế phát triển khá cao, cư dân Phù Nam đã xây dựng nên những công trình kiến trúc có quy mô khá lớn. Thư tịch cổ Trung Quốc cho biết, ở Phù Nam những người giàu có, vua quan thì ở ngôi nhà nhiều tầng. Những ngôi nhà cao tầng này được làm bằng những vật liệu nặng như đá, gạch, gỗ với sự tham gia của những tri thức về kiến trúc Ấn Độ. Cùng với việc xây dựng các đô thị đó là việc quy hoạch các đô thị, mà hệ thống các con kênh đào, nối các thành thị của Phù Nam với nhau là biểu hiện, hàm chứa trong đó những tri thức của văn hóa Ấn Độ.

Theo thư tịch cổ Trung Quốc các thị trấn của Phù Nam thường được xây dựng trên mặt hồ, bên cạnh các con kênh, các công trình công cộng như đền, tháp được xây dựng bằng các vật liệu nặng như gạch, đá, gỗ. Lương thư

cũng cho biết ở Phù Nam có tới 7 thành phố mà con cháu của Hỗn Hội và Diệp Liễu được phân chia cai quản. Hiện nay khảo cổ học đã phát hiện được 3 thành thị ở miền tây sông Hậu. Một là, Óc Eo - Ba Thê ở An Giang, có thể đó là Na Phất Na. Hai là, Nền chùa ở Kiên Giang - là tiền cảng của Óc Eo. Ba là, Nền Vua hay còn gọi là Trăm Phố. Trên đồng bằng và cả ở những giồng

đất, người ta cũng phát hiện được nhiều nền móng của các kiến trúc cổ. Những kiến trúc đó bao gồm kiến trúc nhà ở, kiến trúc đô thị và kiến trúc tôn giáo, chỗ thì nằm riêng biệt, nơi thì nằm xen kẽ với nhau. Đến nay, chúng ta chưa biết được chính xác bình đồ và quy mô của những kiến trúc đó. Ở vùng Ăng Kor Borei, khảo cổ học cũng phát hiện được nhiều di tích kiến trúc cổ. Diện tích của khu kiến trúc này cũng rất lớn, tương xứng với vị thế là kinh đô của một quốc gia hùng mạnh. Địa bàn của nó rộng tới 3000 ha, có tường thành cao, chu vi 2 - 4 km [37, tr. 44]… Những kiến trúc này được xây dựng bằng gạch, đá, gỗ. Gạch là vật liệu mới chỉ được dùng vào khoảng đầu công nguyên với sự du nhập của văn hóa Ấn Độ. Còn đá là loại vật liệu có độ cứng và bền cao nhưng khó chế tạo, ở vùng đồng bằng thấp, ít núi ở Nam Đông Dương rất hiếm nên đá chủ yếu được dùng để làm phần móng cho vững chắc. Đối với gỗ, đây là loại vật liệu vốn đã rất quen thuộc với cư dân Óc Eo - Phù Nam, nhiều, dễ chế tạo nên được sử dụng rất nhiều trong các công trình kiến trúc đặc biệt là những chi tiết kiến trúc phức tạp. Năm 1944, sau khi khai quật di chỉ Óc Eo, L. Malleret cho biết: đây là một quần thể đô thị rộng lớn gồm các khu nhà sàn bị cắt ngang dọc bởi một hệ thống thủy nông trải dài 200km. Các thành phố được nối với nhau và nối với biển bằng những con kênh đủ rộng để tiếp nhận các tàu đi biển. Tại đây đã phát hiện được những vết tích của các Dinh thự và nhà cửa được xây dựng theo hai cách: Ở những nơi đất cao thì xây bằng gạch, đá, ở những vùng trũng thì làm nhà sàn bằng gỗ. Ở chính Óc Eo L. Malleret đã phát hiện “những nền móng kiến trúc gạch rất dày, xây dựng thành các ô chữ nhật nhỏ. Không ảnh còn cung cấp dấu vết tường thành có chu vi tương đối lớn, có tường, hào nước bao quanh. Các cuộc khai quật và khảo sát gần đây đã xác nhận những nền móng gạch, nhưng lại chưa xác định được tường thành, hào, đường nước …” [dẫn theo 24, tr. 643]. Những phát hiện của khảo cổ học đã cho thấy Óc Eo - Ba Thê không chỉ là một hải cảng lớn mà còn là một trung tâm kinh tế - chính trị -

văn hóa - tôn giáo lớn bởi nơi đây tập trung nhiều kiến trúc nhất, có quy mô nhất với nhiều loại hình di tích. Ở di tích Đá Nổi (Kiên Giang) cũng đã tìm thấy “một nền móng kiến trúc (?) không được xây gạch mà chèn đá hòn, đá tảng dày 3 - 4m, hình chữ nhật 20 x 30m, lại còn chỗ xếp thành gò tròn” [24, tr. 643]. Ở di tích Nền Chùa đã phát hiện một kiến trúc đá và gạch dài 25,6m, rộng 16,3m gồm 17 đường móng đá, chia mặt bằng kiến trúc thành 3 ngăn và 2 hành lang riêng biệt [14, tr.38]. Ở cạnh đền, khu vực trung tâm (khu vực Nền Vua), là nơi tập trung với mật độ cao của các loại hình di tích kiến trúc thuộc loại hình Óc Eo.

Trong lĩnh vực kiến trúc thì kiến trúc tôn giáo thể hiện rõ nhất ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ. Với niềm tin tôn giáo, cộng đồng cư dân Phù Nam đã xây dựng nên các công trình kiến trúc mang cả ý nghĩa và dáng dấp kiểu kiến trúc tôn giáo Ấn Độ. Theo các tác giả cuốn “Văn hóa Óc Eo: những khám phá mới” thì ngay tại các kiến trúc đô thị ở Nền Chùa, Óc Eo, Gò Tháp, Cạnh Đền... cũng đều có những kiến trúc tôn giáo kèm theo [2, tr. 163-212]. Một bằng chứng quan trọng để chứng minh có các kiến trúc tôn giáo trong các di chỉ này là việc phát hiện ra được một số hiện vật như Linga, Yoni, bệ thờ... cùng nhiều mảnh lá vàng mỏng có khắc các hình được coi là biểu tượng của Phật giáo và Hinđu giáo như hoa sen, con bò, ốc... được đặt dưới các trụ, hay trong lòng các di tích.

Rất nhiều di tích xây dựng theo lối kiến trúc của Ấn Độ, phần nền có những ô vuông xây gạch, ở giữa có hình hoa thị tám cánh xếp bằng những viên gạch tạo thành bốn phương chính và bốn phương phụ. Các loại gạch xây có màu trắng, xám, đỏ, nâu và thể hiện độ cứng khác nhau rất phổ biến trong các di chỉ kiến trúc ở miền nam Việt Nam thuộc văn hóa Óc Eo. Theo các nhà khảo cổ thì dạng kiến trúc ở khu vực này thường bắt gặp ở những nơi khác ở Nam Đông Dương và Đông Nam Á cùng chịu ảnh hưởng của kiến trúc tôn giáo Ấn Độ. Tiếc rằng những tài liệu chúng ta có được không thể khôi phục

được bình đồ của các kiến trúc này.Vì nhiều lí do đến nay hầu như không còn một công trình kiến trúc nào còn đứng vững với thời gian, khi nó đã tồn tại cách đây trên dưới 15 thế kỷ. Nhưng với những gì còn sót lại cũng đủ để chúng ta khẳng định rằng những kiến trúc tôn giáo ở Phù Nam đã chịu ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc tôn giáo Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ đối với Vương Quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(119 trang)
w