Thứ nhất, về chính sách chung của Đảng và Nhà nước: mặc dù về
nhận thức, Đảng và Nhà nước đã khẳng định chính sách nhất quán phát triển kinh tế nhiều thành phần nhưng trong quá trình vận dụng vào thực tế công tác trợ giúp phát triển DNNVV vẫn chưa nhận được sự quan tâm thích đáng của các Bộ, ngành và địa phương. Hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh mới đang được xây dựng và hoàn thiện để phù hợp với xu thế và bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Hệ thống tổ chức xúc tiến phát triển DNNVV từ cấp trung ương đến địa phương cho đến nay mới chỉ hình thành bước đầu và năng lực còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Thứ hai, về môi trường kinh tế: Trong những năm vừa qua liên tiếp
xảy ra những biến động của kinh tế thế giới cũng như của từng quốc gia trong đó có Việt Nam, gần đây nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nền kinh tế quốc gia rơi vào lạm phát. Xét từ góc độ tác động của lạm phát, khủng hoảng kinh tế có thể chia các DNNVV thành ba nhóm như sau: Một là, những doanh nghiệp bị tác động mạnh, đang hết sức khó khăn (chiếm 20%). Hai là, những doanh nghiệp bị lạm phát và khủng hoảng kinh tế tác động nhiều, hiện đang ở trong tình trạng khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị sụt kém (chiếm 60%). Ba là, những doanh nghiệp ít bị tác động hoặc thậm chí vẫn tìm được cơ hội phát triển trong điều kiện lạm phát (chiếm 20%).
Thứ ba, các yếu tố thể chế - luật pháp: Đây là yếu tố có tầm ảnh hưởng tới tất cả các ngành kinh doanh trên một lãnh thổ, các yếu tố thể chế,
luật pháp có thể ảnh hưởng đến khả năng tồn tại và phát triển của bất cứ ngành nào. Khi kinh doanh trên một đơn vị hành chính, các doanh nghiệp sẽ phải bắt buộc tuân theo các yếu tố thể chế luật pháp tại khu vực đó. Các chính sách của nhà nước sẽ có ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nó có thể tạo ra lợi nhuận hoặc thách thức với doanh nghiệp. Như các chính sách thương mại, chính sách phát triển ngành, phát triển kinh tế, thuế, các chính sách điều tiết cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng... Đối với việc cho vay DNNVV thì ảnh hưởng lớn nhất là chính sách vay.
Do tình hình tài chính chung của nước ta đang khó khăn nên các NHTM đã hạn chế các "món" vay trung và dài hạn mà quan tâm nhiều đến "món" vay ngắn hạn với luận điểm là quay vòng vốn nhanh hơn và tích lũy được cho xã hội. Trong khi đó, đa phần các DNVVN không thể vay ngắn hạn được. Rõ ràng điều đó đang làm DNVVN vốn đã yếu càng thêm khó, và khó tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng.
Hơn nữa, tính minh bạch của các chính sách chưa cao. Thực tế cho thấy, thời gian dành cho các chi phí không chính thức cũng là một thách thức lớn. Thủ tục rườm rà, phức tạp, yêu cầu có tài sản thế chấp và phí môi giới để được hưởng khoản vay ưu đãi cao đã khiến các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nản lòng. Họ đặc biệt e ngại phải vượt qua "hàng rào" các thủ tục quá ư rườm rà, rối rắm, mất rất nhiều thời gian từ phía các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay ưu đãi. Do nguồn cung tín dụng hạn chế trong khi lãi suất thấp hơn đáng kể so với lãi suất vay NHTM nên dẫn đến cạnh tranh quyết liệt giữa các doanh nghiệp đi vay. Từ đó, ai muốn được lợi vay ưu đãi thì phải trả chi phí môi giới cao hơn. Thêm vào đó, các kết quả khảo sát cũng cho thấy chính sách cung cấp ưu đãi tín dụng cho các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn nhận ưu đãi là "chưa đủ minh bạch" và cũng "không được cập nhật một cách công khai". Có tới 53% số doanh nghiệp trả lời rằng, họ không hề có thông tin về các khoản vay ưu đãi và không rõ thủ tục để được xin vay.