Lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 109 - 111)

Trong xã hội hiện đại, pháp luật là công cụ điều chỉnh hành vi của con người một cách hiệu quả nhất. Việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn thiện với các quy phạm pháp luật bảo đảm bình đẳng giới và việc thi hành nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật đó là điều kiện cơ bản và tiên quyết để đạt đến bình đẳng giới thực chất nhất. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu bình đẳng giới bằng cách xác định vấn đề giới, dự báo tác động giới của văn bản, trách nhiệm nguồn lực để giải quyết vấn đề giới trong các quan hệ xã hội được văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh. Để cụ thể hoá nôi dung này, Luật Bình đẳng giới quy định tại Điều 21 về biện pháp lồng ghép vấn đề bình

103

đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Điều 22 về thẩm tra lồng ghép vấn đề giới, các quy định từ Điều 35 đến Điều 42 về thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới được coi là phương pháp tiếp cận hiệu quả nhất để đạt được bình đẳng giới. Việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội là rất quan trọng, tạo tiền đề pháp lý để thực thi bình đẳng giới trên thực tế. Tuy nhiên, thực tế hoạt động lập pháp thời gian qua cho thấy đây không phải là công việc đơn giản. Phát hiện ra vấn đề đã khó, tìm ra biện pháp phù hợp và nguồn lực để giải quyết vấn đề lại càng nan giải hơn. Để làm tốt hoạt động lồng ghép giới, đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia giàu kỹ năng và kinh nghiệm cùng với nguồn thông tin, số liệu đầu vào đã được phân tách theo giới. Và quan trọng nhất cần có sự quan tâm đến vấn đề giới ngay từ khi bắt đầu xây dựng dự án luật.

Hoạt động lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình hiện nay cần phải thực chất hóa, tránh việc hình thức và chỉ thực hiện cho có thủ tục báo cáo về vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật. Trong các báo cáo về thực hiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cần phải có nội dung báo cáo về kết quả và những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện quyền bình đẳng giới. Cùng với đó, trong hoạt động theo dõi thi hành pháp luật cũng cần phải có nội dung này để đảm bảo vấn đề lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi pháp luật không phải là hình thức mà là thực chất, thể hiện sự bảo đảm của Nhà nước đối với quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

104

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 109 - 111)