giới nói riêng, không có sự phân biệt về yếu tố sở hữu nào nói chung: “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ.”. Cùng với đó, quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cũng được Hiến pháp năm 2013 ghi nhận và bảo vệ: “Nam, nữ có quyền kết hôn , ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”. Như vậy, có thể thấy, vấn đề bình đẳng giới, đặc biệt là trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, được Hiến pháp 2013 ghi nhận và bảo vệ một cách triệt để hơn các Hiến pháp trước đây.
2.2. Các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong pháp luật Việt Nam Nam
Nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới là những nguyên lý, tư tưởng chỉ đạo quán triệt toàn bộ chính sách và các quy phạm pháp luật về bình đẳng giới. Hiện nay, các nguyên tắc cơ bản của bình đẳng giới được quy định tại Điều 6 Luật Bình đẳng giới năm 2006, bao gồm:
Thứ nhất, nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đây vừa là sự khẳng định, ghi nhận và cũng là nguyên tắc trong xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Không chỉ riêng lĩnh vực nào mà ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, nam giới và nữ giới đều bình đẳng với nhau. Trong xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật đều phải có sự bình đẳng giữa nam giới và nữ giới. Cùng một hoàn cảnh, cùng một hành vi, quyền và nghĩa vụ của nam giới và nữ giới là như nhau và
54
đương nhiên hậu quả pháp lý cũng phải như nhau. Không được có sự phân biệt đối xử đối với nam giới hoặc nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Cũng không được có sự phân biệt trong việc đối xử với con người, đáp ứng các đòi hỏi, nhu cầu của con người chỉ vì sự khác biệt về giới.
Thứ hai, nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới. Giới tính của nam giới và nữ giới là khác nhau, nhưng về vai trò, vị trí trong xã hội của họ phải bình đẳng. Về cơ bản, xét về mặt xã hội, những gì nam giới làm được nữ giới đều có thể thực hiện được. Do đó, nam, nữ được nhìn nhận, đánh giá về vai trò vị trí trong xã hội một cách bình đẳng trên tất cả các lĩnh vực. Việc hạn chế, loại trừ, không thừa nhận vai trò của nữ giới hoặc nam giới sẽ bị coi là phân biệt đối xử. Trong xã hội cũng như gia đình, phụ nữ và nam giới đều có quyền, nghĩa vụ và cơ hội ngang nhau.
Thứ ba, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là những cách thức do các cơ quan nhà nước ban hành, thực hiện trong thời gian nhất định nhằm bảo đảm bình đẳng giới một cách thực chất khi có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, khả năng thụ hưởng các thành quả của sự phát triển. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được áp dụng chung cho cả hai giới. Mặc dù các biện pháp này có thể chỉ mang lại lợi ích cho một giới nào đó, hoặc được áp dụng đặc thù cho một giới, mà cụ thể thường là nữ giới, tuy nhiên, theo tinh thần của Điều 4 Công ước CEDAW, đây không phải là sự phân biệt đối xử về giới, mà nó chỉ tác động nhằm làm giảm bớt sự chênh lệch về khoảng cách giữa hai giới nam và nữ, để đạt đến mục tiêu chung là bình đẳng về giới.
Thứ tư, chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới. Đây là các chính sách của Nhà nước được áp dụng riêng cho nữ giới nhằm bảo vệ, hỗ trợ cho người phụ nữ khi mang thai hoặc nuôi con
55
nhỏ. Phụ nữ là giới có thiên chức mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ do các đặc điểm sinh học, giới tính quy định. Đây là đặc trưng quan trọng trong việc duy trì nòi giống con người, đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội. Để thực hiện được thiên chức của mình, phụ nữ sẽ phải hy sinh rất nhiều thời gian, sức khỏe và nhiều yếu tố khác. Những thiệt thòi này của nữ giới cần phải được chia sẻ và hỗ trợ. Các chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ sẽ giúp cho phụ nữ có điều kiện để vừa thực hiện tốt vai trò làm mẹ, vừa tham gia công việc xã hội một cách hiệu quả, từ đó đạt đến mục tiêu bình đẳng giới.
Thứ năm, bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Pháp luật là công cụ quan trọng để quản lý xã hội. Pháp luật cũng là công cụ cơ bản và quan trọng để thể hiện và hiện thực hóa bình đẳng giới. Muốn bảo đảm bình đẳng giới trên các lĩnh vực thì các quy định của pháp luật phải thể hiện bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực. Sự thể hiện này sẽ được hiện thực hóa trong quá trình thực thi pháp luật. Do đó, phải lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo vấn đề bình đẳng giới sẽ được triển khai, lồng ghép trong các văn bản pháp luật một cách hợp lý, triệt để, từ đó bình đẳng giới sẽ được thực hiện nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực với những cơ sở pháp lý vững chắc. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong việc xây dựng và thực thi pháp luật sẽ giúp cho hệ thống pháp luật được thống nhất, đồng bộ trong việc quy định về vấn đề bình đẳng giới.
Thứ sáu, thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Chính vì thế, thực hiện bình đẳng nam nữ không phải là trách nhiệm của riêng ai, mà là trách nhiệm của mọi chủ thể trong xã hội, có như
thế thì bất bình đẳng giới mới có thể nhanh chóng được xóa bỏ trong cuộc sống. Mọi chủ thể trong xã hội phải tham gia thực hiện bình đẳng giới, tuy
56
nhiên các cơ quan quản lý nhà nước phải đóng vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cũng cần phải tham gia tích cực vào việc hoạch định, xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Thông qua các hành vi, hoạt động thường ngày, tất cả các chủ thể trongxã hội sẽ giúp thay đổi nhận thức về giới, thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới bằng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến và tuân thủ, thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Nói cách khác, tất cả các chủ thể trong xã hội hàng ngày, hàng giờ, bằng chính hành vi, hoạt động của mình, có nghĩa vụ thể hiện và thúc đẩy bình đẳng giới.