Bản chất và các yếu tố đánh giá bình đẳng giới

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 28 - 30)

Bình đẳng giới là sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò và vấn đề đối xử của xã hội đối với mỗi giới. Xã hội cần phải thay đổi nhận thức và hành động theo hướng nhìn nhận vị trí, vai trò của mỗi giới là như nhau.Từ đó tạo lập một môi trường xã hội mà “nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện và cơ hội để phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau của sự phát triển đó” [46].

Về bản chất, bình đẳng giới được xem xét trên ba khía cạnh:

Khía cạnh thứ nhất: Vị trí của nam giới và nữ giới được coi trọng như nhau, từ đó đánh giá đúng vai trò xã hội của mỗi giới, không áp đặt định kiến giới đối với nam cũng như nữ.

Khía cạnh thứ hai: Tạo điều kiện và cơ hội phát triển như nhau đối với cả hai giới.

Khía cạnh thứ ba: Cả hai giới đều có quyền hưởng thụ như nhau những thành quả phát triển của xã hội.

Sự bình đẳng giữa nam và nữ được đánh giá dựa trên các yếu tố chủ yếu sau:

22

Thứ nhất, cả hai giới đều có quyền như nhau trong việc ra các quyết định, tham gia bầu cử, ứng cử, có quyền thừa kế và các quyền con người khác về dân sự.

Thứ hai, cả nam giới và nữ giới đều có quyền tham gia các hoạt động xã hội và được tạo điều kiện để tham gia một cách tốt nhất.

Thứ ba, không có sự phân biệt nào về cơ hội tiếp cận của mỗi giới đến các nguồn lực cho sự phát triển.

Thứ tư, phụ nữ có địa vị bình đẳng, không lệ thuộc vào nam giới, ý kiến của cả hai giới đều phải được xem trọng như nhau. Tuy nhiên, cần phải xác định rằng bình đẳng giới không chỉ có ý nghĩa cơ học, tức là số lượng của phụ nữ và nam giới tham gia trong tất cả các hoạt động là như nhau mà là nam giới và nữ giới được công nhận và được hưởng các vị thế ngang nhau trong xã hội.

Thứ năm, cả hai giới bình đẳng trong việc hưởng phúc lợi là thành quả của sự phát triển. Bình đẳng giới không có nghĩa là nhìn nhận nam và nữ giống y hệt nhau, mà là sự tương đồng và khác biệt tự nhiên giữa nam và nữ được công nhận và có giá trị như nhau. Bình đẳng giới nghĩa là nam giới và nữ giới được hưởng các thành quả một cách bình đẳng.

Một điều rất quan trọng cần tránh đó là quan niệm bình đẳng giới theo kiểu hình thức, trong đó cào bằng các quyền và nghĩa vụ giữa nam và nữ theo kiểu “chiều nay vợ rửa bát thì tối mai đến lượt chồng”. Mô hình bình đẳng hình thức như vậy thực chất chính là phân biệt đối xử với phụ nữ, vì đã đặt phụ nữ - nhóm yếu thế hơn nam giới – vào cùng vị trí xuất phát với nam giới, trong khi họ cần phải ở một vị trí thuận lợi hơn mới có thể „cùng tiến‟ với nam giới. Cũng cần tránh quan niệm bình đẳng giới theo kiểu “ưu tiên” cho phụ nữ không phải làm một số công việc, nghề nghiệp nhất định. Điều này vô tình hoặc hữu ý đã loại trừ phụ nữ khỏi một số công việc, ngành nghề mà họ

23

có thể làm. Cần có quan niệm bình đẳng giới một cách thực chất, theo đó thừa nhận vị thế bình đẳng, sự tương quan về quyền, cơ hội và nghĩa vụ, trách nhiệm của nam và nữ, song đồng thời có những ưu tiên cho phụ nữ để bù đắp cho những thiệt thòi của họ so với nam giới.

Tóm lại, bình đẳng giới là sự thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò và vấn đề đối xử giới của xã hội đối với mỗi giới. Xã hội cần phải thay đổi nhận thức và hành động theo hướng nhìn nhận vị trí, vai trò của mỗi giới là như nhau, từ đó tạo điều kiện và cơ hội phát triển như nhau đối với mỗi giới và đương nhiên hai giới đều có quyền hưởng thụ như nhau đối với những thành quả của sự phát triển xã hội mà mình tham gia đóng góp.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 28 - 30)