Đảm bảo tính thống nhất

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39 - 41)

Hệ thống pháp luật là một chỉnh thể thống nhất, trong đó pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình là một bộ phận của hệ thống pháp luật. Chính vì vậy, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình phải phù hợp với chính thể thống nhất đó. Điều này được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như các quy phạm pháp luật không mâu thuẫn, xung đột mà gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, việc bảo vệ quyền bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình có sự tham gia của hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, hệ thống cơ quan thực thi bảo vệ pháp luật và quyền bình đẳng giới còn được bảo vệ bằng nhiều biện pháp khác nhau nên việc bảo đảm tính thống nhất là điều hết sức quan trọng.

Tính thống nhất của pháp luật nói chung đòi hỏi các quy định của pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực khác nhau phải có sự liên kết, phối hợp tác động điều chỉnh theo một chiều hướng nhất định; phải có sự thống nhất nội tại giữa các quy phạm pháp luật trong mỗi lĩnh vực với điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội. Ngoài ra, sự thống nhất pháp luật không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn phải phù hợp với các điều ước quốc tế mà quốc gia tham gia. Phải đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc pháp chế trong việc xây dựng và ban hành các quy phạm pháp luật; đảm bảo tính thống nhất giữa các quy phạm pháp luật trong các văn bản có hiệu lực pháp lý thấp với các văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn, cụ thể như sự thống nhất của các văn bản pháp luật chuyên ngành với Hiến pháp. Đây cũng là yêu cầu chung trong việc ban hành các quy phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

33

Như vậy, tính thống nhất là yêu cầu khách quan, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện và chất lượng của hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật bình đẳng giới nói riêng, trong đó có pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Tính thống nhất của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình được thể hiện cụ thể qua những khía cạnh sau:

Một là, sự đồng bộ của các quy định của pháp luật về bình đẳng giới nói chung, quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình nói riêng với các quy định có liên quan của Hiến pháp. Hiến pháp là đạo luật cơ bản của mỗi quốc gia, các văn bản quy phạm pháp luật khác của quốc gia đều không được trái với các quy định của Hiến pháp. Là quy định có hiệu lực pháp lý cao nhất, các quy định của Hiến pháp là nền tảng cho việc ban hành các quy định pháp luật chuyên ngành, trong đó có quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình.

Hai là, ngay trong các quy định của pháp luật về bình đẳng giới cần phải đảm bảo tính thống nhất, không mâu thuẫn, không xung đột, không trùng lặp, chồng chéo, trong đó các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình không được mâu thuẫn, trái với các quy định của pháp luật về bình đẳng giới nói chung.

Ba là, ngay trong hệ thống các quy định của pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình cũng không được mâu thuẫn với nhau, trong đó đặc biệt là các quy định trong các văn bản có hiệu lực pháp lý thấp hơn không được trái với các quy định có hiệu lực pháp lý cao hơn.

Ngoài ra, cần phải đảm bảo quy định của pháp luật về bình đẳng giới nói chung, pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia

34

đình nói riêng phải là sự thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của đảng cầm quyền.

Tính thống nhất là tiêu chí vô cùng quan trọng trong việc hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình. Pháp luật bình đẳng giới có được áp dụng hiệu quả trong thực tế hay không phụ thuộc cơ bản vào sự tuân thủ đảm bảo tính thống nhất của pháp luật. Thực tế ở Việt Nam đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành nhưng không phát huy được hiệu quả trong thực tiễn do có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản với các văn bản khác.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 39 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)