Thời kỳ trước năm 1945

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 53)

Trong chế độ phong kiến, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tư tưởng Nho giáo. Theo hệ tư tưởng này, địa vị của người phụ nữ hoàn toàn phụ thuộc vào nam giới. Sự bất bình đẳng được thể hiện trước tiên chính là sự phân biệt đối xử giữa con trai và con gái trong gia đình. Với quan niệm cần phải có con trai để nối dõi tông đường nên trong xã hội phong kiến tư tưởng phổ biến cho rằng: “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Thân phận của người phụ nữ thời kỳ này bị gắn với buồng the, bếp núc, hầu hạ các đấng mày râu; phải tuân thủ các bất bình đẳng kéo dài, trói buộc, đôi khi khiến họ lãng quên quyền làm người của mình. Đặc biệt, từ khi Nho giáo trở thành hệ tư tưởng chính thống trong xã hội vào khoảng thế kỷ XV, nó đã đề cao vị trí của nam giới trong gia đình và thông qua việc củng cố gia đình mà duy trì trật tự xã hội, phục vụ lợi ích của nhà nước phong kiến. Người phụ nữ lúc này ở vị trí thứ yếu, bị đè nén và phải tuân thủ những lễ giáo khắc nghiệt. Vị thế của họ rất thấp kém, họ phải luôn cúi mình chịu sự đè nén hà khắc của các định kiến xã hội và của cả một nền luân lý Nho giáo .

Nguyên tắc chủ đạo trong pháp luật phong kiến Việt Nam thể hiện sự phân biệt nặng nề giữa nam giới và nữ giới, cụ thể như di sản của cha mẹ để lại trước hết được chia cho con trai, nếu không có con trai mới chia cho con gái. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những quy định tiến bộ, trong đó phần nào đã thể hiện bảo vệ quyền của người phụ nữ, thể hiện sự đối xử tương đối bình

45

đẳng giữa nam giới và nữ giới trong một số trường hợp cụ thể, mặc dù các trường hợp này về số lượng là tương đối ít.

Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều Hình luật) được ban hành dưới thời Lê vào thế kỷ XV. Đây là thời kì hưng thịnh nhất của chế độ phong kiến Việt Nam nói chung và của nhà Lê nói riêng. Bộ luật này thể hiện khá nhiều điểm tiến bộ trong việc bảo vệ quyền phụ nữ như quy định rõ thành phần khối tài sản của vợ chồng, công nhận vợ chồng đều có quyền sở hữu đối với tài sản riêng; khi bán tài sản trong gia đình phải có đầy đủ chữ kí của vợ, chồng; 1/20 đất hương hỏa là tài sản dùng vào việc thờ cúng tổ tiên, phần còn lại giao cho con, nếu không có con trai thì con gái được hưởng thừa kế. [35]

Trong xã hội phong kiến Việt Nam, vai trò của người vợ rất quan trọng xét về phương diện tương trợ giữa hai vợ chồng. Trong ba trường hợp “tam bất khứ” (cấm bỏ vợ), trường hợp hai nhấn mạnh vào sự đóng góp của người vợ trong gia đình “tiền bần tiện, hậu phú quý”, tức là khi lấy nhau nghèo, về sau vợ chồng giàu có thì không được bỏ nhau. Như vậy, pháp luật công nhận rằng trong việc xây dựng gia đình, phần của người vợ cũng ngang với phần của người chồng. Ngoài ra, pháp luật cũng đã thừa nhận quyền yêu cầu ly hôn của người vợ trong hai trường hợp: Thứ nhất, người chồng không chăm nom, bỏ lửng vợ trong vòng năm tháng không đi lại (nếu có con thì một năm), vợ được trình quan sở tại và xã quan làm chứng thì mất vợ (Điều 308 Quốc triều Hình luật). Thứ hai,nếu con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho ly dị” (Điều 333). Mặc dù có những quy định thể hiện tính phụ quyền cao, nhưng về mặt thân thể, phần nào người vợ cũng được bảo vệ như mặc dù cho phép: người chồng đối với vợ, bất luận là vợ cả hay vợ thứ, tuy có quyền răn bảo nhưng không được có những hành vi tàn bạo đánh đập vợ (Điều 482 Quốc triều Hình luật, Điều 284 Bộ luật Gia Long)…

46

Thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp đô hộ pháp luật vẫn còn thể hiện nặng nề tư tưởng bất bình đẳng giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó, pháp luật thời kì này cũng có những điểm tiến bộ mà ít nhiều đã thể hiện được sự bình đẳng giữa nam và nữ. Lần đầu tiên pháp luật quy định việc kết hôn phải do hai bên nam nữ tự nguyện: việc kết hôn phải do hai bên nam nữ bằng lòng (Điều 76, Bộ Dân luật Bắc Kì). Đây là quy định thể hiện quyền bình đẳng của nữ giới và nam giới trong hôn nhân. Như vậy, pháp luật thời kì này bước đầu ghi nhận và thể hiện tư tưởng bình đẳng giới. Tuy nhiên, vẫn phải thừa nhận là trong hầu hết các đạo luật, vẫn còn nhiều quy định mang tính chất bất bình đẳng nam nữ và tình trạng bất bình đẳng giới vẫn là một thực tế phổ biến trong xã hội phong kiến xưa, trong chế độ thuộc địa của thực dân Pháp.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình - Những vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 51 - 53)