- Giai Đoạn Nghị Á n:
2.4.2.1. Vấn đề trình độ, năng lực của Hội thẩm nhân dân
Thực trạng về trình độ, năng lực chuyên môn của Hội thẩm nhân dân là vấn đề cần được quan tâm hiện nay. “Có những trường hợp Hội thẩm nhân dân không nắm chắc thủ tục tố tụng, pháp luật về nội dung, phương pháp nghiên cứu hồ sơ, phương pháp xét hỏi tại phiên tòa, nên dẫn đến việc có Hội thẩm hàng năm không tham gia xét xử được vụ án nào hoặc khi họ được mời tham gia phiên tòa thì dùng những lý do khác để từ chối”[24]. Thực tiễn xét xử còn cho thấy, nhiều vị Hội thẩm chỉ hỏi những tình tiết quá đơn giản, không giúp nhiều cho việc làm sáng tỏ bản chất vụ án, hoặc có những vị Hội thẩm chỉ hỏi những câu mang tính nhắc lại, khẳng định lại khi những thành viên khác đã hỏi. Nhiều vị còn muốn khẳng định chức năng nhiệm vụ của mình bằng cách tiến hành giải thích pháp luật tại phiên tòa
Để giải quyết vấn đề này thì cần phải có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn hợp lý và đồng bộ cho Hội thẩm nhân dân, cụ thể là:
- Thứ nhất, cần mở các lớp bồi dưỡng Hội thẩm nhân dân theo phương thức mỗi khóa Hội thẩm nên có ít nhất là 3 kỳ (có thể một kỳ tập huấn, một kỳ chuyên đề nghiệp vụ riêng cho Hội thẩm) mỗi kỳ từ 5 đến 7 ngày; có thống nhất giáo trình, tài liệu hướng dẫn; cử các Thẩm phán có kinh nghiệm hướng dẫn hoặc viết các chuyên đề để Hội thẩm tham gia trao đổi thảo luận. Cần cung cấp cho Hội thẩm một số loại sách chuyên nghiệp, ví dụ như: Sổ tay Hội thẩm nhân dân, Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm, các Bộ luật Hình sự, Dân sự, Lao động, Luật thương mại, hôn nhân và gia đình, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, các Bộ luật tố tụng hình sự, dân sự….và một số tài liệu cần thiết khác. Các hội nghị tổng kết của các tỉnh, huyện, thị nên mời tất cả Hội thẩm dự để tham gia đóng góp ý kiến và nắm tình hình chung của hoạt động xét xử ở cấp Tòa án mà mình tham gia.
- Thứ hai, cần biên soạn tài liệu bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thống nhất cho Hội thẩm nhân dân. Để Hội thẩm thực hiện được nhiệm vụ xét xử, ngoài những kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn về ngành nghề, lĩnh vực mà Hội thẩm tham gia hoạt động thì việc đảm bảo cho Hội thẩm có được những kiến thức cơ bản nhất về hoạt động xét xử cũng là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, việc bồi dưỡng nghiệp vụ xét xử cho Hội thẩm nhân dân cần được biên soạn thành nội dung chương trình để tất cả những người được bầu làm Hội thẩm đều được bồi dưỡng nghiệp vụ với thời gian ít nhất từ một tháng đến ba tháng. Việc này Bộ tư pháp có thể giao cho Học viện tư pháp biên soạn nội dung chương trình thống nhất để các địa phương thực hiện. Làm được như vậy, nhất định người làm công tác Hội thẩm sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn và chất lượng công tác tham gia xét xử tốt hơn. Quy định về trình độ pháp luật của Hội thẩm nhân dân theo khoản 2 Điều 5 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân 2002: “có kiến thức pháp lý” cũng là nguyên nhân dẫn đến trình độ, năng lực của Hội thẩm nhân dân còn hạn
chế. Bởi vì khi tham gia Hội đồng xét xử thì Thẩm phán và Hội thẩm đều có quyền ngang nhau và độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Vì thế không thể xem nhẹ và càng không thể hạ thấp tiêu chuẩn của Hội thẩm nhân dân. Để Hội thẩm nhân dân tham gia xét xử có hiệu quả và chất luợng, điều tự nhiên phải nghĩ đến đầu tiên trong hệ thống tiêu chuẩn là trình độ học vấn về văn hóa, pháp luật và kinh nghiệm thực tiễn. Cụ thể là tất cả các Hội thẩm nhân dân cấp tỉnh phải có trình độ Đại học Luật, trong đó một phần nhỏ có trình độ Đại học các ngành kinh tế và giáo dục (bao gồm các loại hình đào tạo). Hội thẩm nhân dân cấp huyện ít nhất phải tốt nghiệp Trung cấp pháp lý. Mặt khác, để đáp ứng tinh thần cải cách tư pháp hiện nay, để các bản án được chính xác, khách quan đòi hỏi các Hội thẩm cần nâng cao sự nhiệt tình trong công việc, trình độ chuyên môn và các kiến thức về xã hội và đặc biệt là sự hiểu biết về pháp luật. Một cuộc rà soát lại toàn bộ năng lực của các Hội thẩm, để có những sự điều chỉnh, bổ sung, thay thế là cần thiết. Đồng thời Hội thẩm phải không ngừng nâng cao trình độ kiến thức pháp luật ở các lĩnh vực cũng như nghiệp vụ xét xử để ngang tầm với Thẩm phán. Từ đó khẳng định được vị trí, vai trò của mình đã được pháp luật quy định “Khi xét xử Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán”, dám tranh luận, dám bảo lưu ý kiến, dám đưa ra quyết định, dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tuy nhiên, vấn đề giới hạn tuổi tác của Hội thẩm nhân dân cũng cần phải có sự quy định thống nhất. Và nếu ấn định tuổi tối thiểu của Hội thẩm nhân dân là 30 tuổi và tối đa không quá 70 tuổi mới hợp lý và tương xứng.