Thần thoại giải thích nguồn gốc tộc người

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 57 - 60)

Thuộc về nhóm truyện giải thích nguồn gốc tộc người, người Ê đê có 7 thần thoại, chiếm 54 % trong tổng số 14 thần thoại : Quả bầu vàng, Sự tích hang A Đrênh, Cây kơpang và ngôn ngữ loài người, Tìm đất sống, Con ếch Aê Đuk, Núi Cư Mta, Nạn hồng thủy.

Về nguồn gốc tộc người, đồng bào Ê đê cho rằng ông bà tổ tiên của họ ngày xưa được sinh ra từ một quả bầu. Chuyện Quả bầu vàng kể rằng : thuở xa xưa buôn làng Ê đê đang sống yên vui bỗng nước bốn phía đổ về trắng xóa nhấn chìm tất cả. Chỉ còn hai anh em Khốt và Kho ngồi trong một trái bầu

khô để lánh nạn. Trong những thứ họ mang theo có một hạt bầu, đem gieo xuống đất thì được cả rẫy bầu nhưng chỉ có một quả duy nhất. Hai anh em lấy lửa đốt thì quả bầu thủng một lỗ rồi có từng đôi trai gái chui ra từ quả bầu: người Kinh, người Tày, Nùng, Ê đê, Giarai… Người Ê đê tin rằng dân tộc Ê đê có cùng một nguồn gốc với các dân tộc anh em khác. Thần thoại Ê đê còn có bốn bản kể mang tính chất dị bản của truyện Quả bầu vàngcũng nhằm giải thích về nguồn gốc loài người: Tìm đất sống, Con ếch Aê Đuk, Núi Cư Mta, Nạn hồng thủy.Các dị bản này chỉ khác truyện Quả bầu vàng ở chi tiết nguyên nhân xảy ra hồng thủy, phương tiện tránh lụt (trống, ghế) và loài người tái sinh trở lại không phải từ quả bầu chui ra mà do đôi trai gái sống sót sinh ra.

Ở thời kì muộn hơn, khi người nguyên thủy đã sống theo bầy đàn đông đúc, tuy nhiên vẫn ở thời kì sơ khai - thời còn ăn lông ở lỗ, người Ê đê lại có một cách giải thích về sự ra đời và phân bố những bộ lạc nguyên thủy của mình qua câu chuyện về hang A Đrênh. Chúng tôi tìm thấy ba bản kể :

Bản kể 1: Thuở loài người sống ở dưới lòng đất sâu, hai cha con Y Tang, Y Tung đuổi theo một con lợn rừng phá rẫy, chạy mãi đuổi mãi vào một cái hang, chui lên khỏi hang là mặt đất phì nhiêu chưa bao giờ được biết. Hai cha con về dẫn các bộ tộc ra khỏi hang sâu dưới đất lên sinh sống trên mặt đất. Trên đường đi con trâu hai đầu của Y Rit ngáng đường phải giết trâu. Thần Aê Diê phân chia loài người thành các họ khác nhau (Ayun, Mlô, Êban, Niê Kđăm…) chia nhau đi tìm đất sống. (Y Điêng và Hoàng Thao, 1988,

Truyện cổ Ê đê, NXB Văn hóa dân tộc)

Bản kể 2: Thuở người và muông thú còn hiểu tiếng nói của nhau, loài người sống ở hang sâu trong lòng đất, chưa biết nấu cơm nấu rượu, chưa biết dệt chăn dệt khố. Pôlăn (thần Đất) bảo con trai Pô Êpik xuống trần dạy cho loài người nấu cơm nấu rượu. Khi biết làm ra rượu, họ quên hết mọi thứ,

không đi kiếm ăn không có cái ăn. Họ oán Pô Êpik, đánh đuổi thần, đuổi theo mãi thì gặp cái hang, chui lên là mặt đất màu mỡ họ chưa từng biết. Đoàn người kéo nhau lên mặt đất sinh sống, trâu của Y Rit ngáng đường nên Y Rit phải giết trâu. Đoàn người lần lượt kéo ra: người Thái, người Mèo, người Tày, người Kinh, người Ê đê… Cái hang nơi họ chui ra gọi là hang A

Đrênh. Các tộc người chia nhau đi tìm nơi sinh sống. (Trương Bi, Y Wơn, 2006, Truyện cổ Tây Nguyên, Sở VHTT Đăk Lăk)

Bản kể 3: Thuở trời đất còn mịt mù, loài người sống dưới lòng đất chưa biết nấu cơm nấu rượu. Thần Đất thương tình sai con trai dạy loài người biết chăm lo cuộc sống của mình. Con trai của thần dạy loài người nấu rượu. Loài người từ đó chỉ say sưa uống rượu không đi kiếm ăn. Họ đói khát rồi đánh đuổi con trai thần Đất. Họ đuổi mãi đến khi chui ra khỏi hang sâu thì thấy mặt đất và bầu trời. Đoàn người kéo nhau lên mặt đất. Từng bộ tộc lần lượt chui ra: Người Thái,người Kinh,người Mnông, người Giarai… Ông Trời xuất hiện hỏi từng bộ tộc muốn chọn vật gì để mang theo hộ thân. Người Kinh đã chọn súng và chữ viết, người Ê đê chọn muối, người Thái chọn gạo… Cái hang nơi họ chui ra gọi là hang A Đrênh. Từ đó họ chia nhau ra đi tìm

nơi cư trú. (Trương Bi, Y Wơn, 1997, Truyện cổ Ê đê, tập 2, Sở VHTT Đăk Lăk)

Cả ba bản kể này đều phản ánh giai đoạn nhận thức của người Ê đê về quá trình chuyển từ hang sâu trong lòng đất lên sống trên mặt đất. Đây chính là bước ngoặt trong lịch sử loài người trong việc thay đổi địa bàn cư trú và sự phân chia các tộc người. Trong ba bản kể, bản thứ ba có lẽ là bản kể muộn hơn ở những thời kì sau. Bản kể này đã có sự thâm nhập những chi tiết không thuộc về thời kì lịch sử của thần thoại: súng, chữ viết. Hiện tượng này cho thấy quá trình biến đổi theo thời gian của truyện kể dân gian, một số truyện sẽ

mất dần những yếu tố nguyên thủy ban đầu của nó mà thay vào đó là kiểu tư duy của một trình độ văn minh hơn.

Về tiếng nói của mỗi tộc người, trong thần thoại Cây kơ pang và ngôn ngữ loài người, người Ê đê giải thích sở dĩ dân tộc Ê đê có tiếng nói khác các dân tộc anh em từ miền ngược đến miền xuôi là bởi vì Bà Trời (Hba Klu) rắc lá cây xuống trần, loài người không ai hiểu tiếng của nhau, mỗi người nói một thứ tiếng không ai hiểu ai nữa. Vì thế họ phải chia nhau ra đi sinh cơ lập nghiệp ở mỗi miền khác nhau.

Tiểu kết:

Khảo sát bộ phận thần thoại của truyện cổ dân gian Ê đê, chúng tôi nhận thấy mặc dù số lượng thần thoại không nhiều nhưng bộ phận thần thoại này đã phản ánh nội dung nhận thức thế giới khá phong phú của người Ê đê thời cổ. Người Ê đê có cách giải thích về sự hình thành vũ trụ, loài người, tộc người cũng có nét giống với thần thoại của nhiều dân tộc trên đất Việt : vũ trụ thì do thần khổng lồ tạo ra, các dân tộc sinh ra đều có chung một nguồn gốc, các hiện tượng tự nhiên xảy ra đều do sự điều khiển của các vị thần. v.v… Đó là tư duy thần thoại nằm trong một hệ thống không tách rời thần thoại Đông Nam Á. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở thần thoại Ê đê là thế giới quan của cư dân bản địa trên đất Tây Nguyên đã được thể hiện rất ấn tượng trong quan niệm về 7 tầng vũ trụ và hệ thống thần linh. Khi quan sát kĩ thế giới thần linh trong thần thoại, chúng tôi lại thấy sự chi phối của yếu tố văn hóa mẫu hệ ngay trong đời sống tâm linh của người Ê đê.

2.1.2. Các mô típ trong thần thoại Ê đê 2.1.2.1. Mô típ người khổng lồ kiến tạo

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 57 - 60)