Người Ê đê có một nhóm truyện cổ tích sinh hoạt nói về mối tình của các chàng trai cô gái Ê đê. Nội dung những truyện này một mặt phản ánh bức tranh đời sống và hoàn cảnh xã hội, một mặt lại nhằm giải thích tên gọi của các dòng sông thác nước. Chúng tôi tạm gọi nhóm truyện này là truyện kể địa danh. Trong 54 truyện cổ tích sinh hoạt, có 11 truyện là truyện kể địa danh (Sự tích hồ Lăk, Sự tích tháp Yang Prong, Sự tích núi Cư Hmú, Sự tích sông Sêrêpôk, Sự tích hồ Chư Lăm, Sự tích thác Drai Un, Sự tích thác Drai Sáp, Sự tích suối Ea Hleo, Sự tích sông Krông Hmlai, Sự tích sông Krông Buk). Khác với nhóm truyện địa danh gắn với những sự kiện lịch sử của cộng đồng, ở thể loại cổ tích, mỗi địa danh lại được lồng vào đó rất nhiều chuyện đời và những tâm sự của con người trong cuộc sống đời thường. Mỗi địa danh được kể đều chở theo biết bao tâm tình của người kể chuyện, có thể là những khát khao hi vọng hoặc những sự trắc trở éo le trong cuộc đời, những niềm ân hận đau xót trong muôn mặt của các mối quan hệ đời thường. Và thông qua tất cả những điều đó, tác giả dân gian muốn gửi gắm một quan niệm nhân sinh. Khu vực cư trú của người Ê đê có một đặc điểm là lắm thác nhiều ghềnh xen lẫn trong những cánh rừng hùng vĩ. Họ có nhiều truyện kể về sự tích của những dòng
sông, thác nước. Và ẩn đằng sau tên gọi của núi sông, dòng thác là cả một số phận con người.
Những cuộc tình của đôi trai gái trong truyện dở dang do cha mẹ ngăn cấm hoặc do những trở ngại không thể vượt qua của hoàn cảnh. Nguyên nhân của sự ngăn cấm này là do sự không tương xứng về địa vị xã hội. Những truyện kể này ra đời khi xã hội đã có sự phân chia giàu nghèo. Những truyện cổ tích sinh họat lí giải địa danh là nơi người lao động trong xã hội Ê đê gửi gắm những nỗi niềm uất ức về thân phận bé nhỏ của họ, nói lên niềm khao khát tình yêu tự do. Có một điều đáng chú ý trong mảng truyện này là đa số các dòng sông, thác nước đều là nhân chứng cho tình yêu chung thủy của các cô gái Ê đê. Ở những truyện này, nhân vật chính là các cô gái có tình yêu son sắt và đức hạnh:
- Thác Drai Hling: Ở một buôn làng giàu có, có nàng Hling con gái tù trưởng vô cùng xinh đẹp. Y Rit cứu Hling khỏi bầy cọp dữ. Hling đem lòng yêu chàng Y Rit mồ côi, trao vòng bạc. Mtao chê Y Rit nghèo, gả Hling cho con trai tù trưởng giàu mạnh ở buôn khác. Ngày Hling phải về nhà chồng, nàng nhảy xuống dòng sông tự vẫn. Y Rit lao xuống lặn tìm không thấy Hling rồi chàng cũng biến mất giữa dòng nước xiết. Từ đó dòng sông biến thành dòng thác dữ. Dân làng đặt tên thác là Drai Hling.
- Thác Drai Sap: Tù trưởng giàu mạnh ở buôn nọ có cô con gái xinh đẹp là H Mí. Yrit cứu H Mí khỏi dòng nước dữ. H Mí đem lòng yêu chàng Y Rit mồ côi, trao vòng bạc. Mtao không đồng ý gả H Mí cho Y Rit. Quái vật xuất hiện bắt H Mí đi mất. Y Rit hóa thành cây cổ thụ. Dòng thác nơi hai người chia tay gọi là Drai Sap.
- Sông Krông Buk: Hai chị em Hring Hrao đem lòng yêu thần nước. Họ không đến được với nhau. Dòng sông nơi họ ước hên đặt tên là Krông Buk.
- Suối Ea Hleo: Nàng Hleo con gái tù trưởng yêu chàng Y Rit. Hai người đính ước với nhau, trao vòng bạc. Trong buôn xuất hiện cọp dữ bảy đầu. Y Rit đánh được cọp nhưng chàng mất tích trong rừng sâu. Hleo khóc thương chàng đến chết, nước mắt hóa thành suối.
Kết thúc bi kịch thường gắn với tình yêu bị ngăn trở. Nhưng cũng có trường hợp kết thúc bi kịch của các chàng trai cô gái không phải do sự chênh lệch về địa vị xã hội. Chẳng hạn như truyện Sự tích cây kơ nia : Chàng Kđăm và nàng Hnia yêu thương nhau. Cả hai cùng là nô lệ của Mtao. Họ không lấy được nhau vì Mtao không cho phép và ra những điều kiện vô cùng khó khăn. Chàng Kđăm được các loài thú giúp tìm vật quý nhưng không vượt qua được thử thách cuối cùng. Cả hai người đều chết hóa thành cây kơnia. Hay truyện
Sự tích nhà mồ: Chàng Y Thíh mồ côi và nàng Hren đều là con cái nhà nghèo đem lòng yêu thương nhau. Thầy cúng muốn Hren lấy con trai lão nên đã vu oan Y Thih là người xấu, đuổi chàng vào rừng. Hren không đồng ý lấy con trai lão. Thầy cúng vu oan Hren là ma lai bắt trói. Thần giúp Y Thíh tìm được ngà quý về cứu H Ren nhưng không kịp. Cuối cùng Hren chết và Y Thih cũng hóa thành tượng gỗ.
Ở mảng truyện kể địa danh, mặc dù được lồng trong đó nhiều vẻ thơ mộng nhưng hiện thực đời sống vẫn hiện lên rất rõ nét. Từ đó có thể thấy rằng cộng đồng người Ê đê dành nhiều sự quan tâm tới hạnh phúc của con người cụ thể trong đời thực và luôn khát vọng những điều tốt đẹp cho những đôi lứa yêu nhau thủy chung son sắt.