Các môtíp trong thần thoại Êđê

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 60)

Hình tượng người khổng lồ là một kiểu nhân vật rất phổ biến trong truyện kể dân gian mọi dân tộc, mọi vùng miền đất nước. Người khổng lồ trong thần thoại Việt Nam cũng rất phong phú. Đó là thần trụ trời, bà Nữ Oa,

ông Tứ Tượng, ông Tát Bể, ông Đào Sông… Người Ê đê cũng có một vị thần khổng lồ gánh vác trọng trách kiến tạo thế giới. Đó là vị thần trong bản kể duy nhất về việc sáng tạo vũ trụ (Hạt dẻ thần kì). Việc làm của thần diễn ra rất nhanh chóng. Thần dùng hai bàn tay đào đất đá nặn thành loài người và muôn vật. Chỗ thần đào hóa thành sông. Đất đá biến thành núi đồi, dấu chân thần thành ao hồ đầm lầy, chỗ thần nằm nghỉ hóa thành đồng bằng. Thần vo tròn hai hòn đá ném lên trời thành mặt trăng và mặt trời. Sự xuất hiện của vị thần này đồng nghĩa với việc vũ trời đất vạn vật được khai sinh. Điểm đặc biệt ở vị thần khổng lồ của người Ê đê là ở chỗ thần bước ra từ một hạt dẻ. Người Ê đê đã quan niệm vũ trụ ban đầu không phải là cõi hỗn độn ngổn ngang mà tất cả đều nằm gọn trong một hạt dẻ. Chỉ khi vị thần khổng lồ xuất hiện từ trong hạt dẻ, thần mới tách hạt dẻ ra thành trời, thành đất. Hạt dẻ ở đây cũng có thể xem là một dạng của quả. Quan niệm thần khổng lồ xuất thân từ trong hạt dẻ chứng tỏ ngay từ thời xa xưa, người Ê đê đã ý thức được vai trò của hạt, quả với ý nghĩa như một sự khởi sinh của sự sống. Với người Ê đê, dù là thần sáng tạo vũ trụ thì cũng có nguồn gốc từ một loại quả, hạt. Đây là quan niệm rất hồn nhiên trong thần thoại của họ.

2.1.2.2. Mô típ hồng thủy

Trong đời sống của người nguyên thủy, những hiện tượng tự nhiên nhất là thiên tai thường ghi lại dấu ấn rất sâu trong tâm trí con người. Và một trong những hiện tượng tự nhiên khiến con người cảm thấy khiếp sợ và ám ảnh mãi về sau có lẽ chính là nạn hồng thủy. Đó là lí do thần thoại Việt Nam nói riêng và thần thoại Đông Nam Á nói chung đều nhắc tới nạn hồng thủy như một biến cố làm thay đổi vũ trụ. Ở Tây Nguyên cao hơn 2000m so với mực nước biển cũng có thần thoại nói về hiện tượng lụt. Thần thoại Ê đê cũng nói tới nạn hồng thủy như một nguyên nhân khiến loài người gần như tuyệt diệt rồi

lại tái sinh. Nạn hồng thủy là một thiên tai lớn trong quá khứ, được nhân lên gấp bội trong nhận thức hạn hẹp của người xưa về thế giới tự nhiên. Trong tiềm thức của họ, những trận lụt khủng khiếp xảy ra đã hủy diệt tất cả loài người. Thực ra loài người ở đây có thể được hiểu là một thị tộc hay một bộ lạc nguyên thủy ở một vùng cư trú cổ đại nào đó. Gắn liền với môtíp lụt là chi tiết chỉ còn đôi trai gái sống sót (có thể là hai anh em hoặc cặp vợ chồng) và đây là một trong những nguyên cớ mà thần thoại thường đưa ra để giải thích về nguồn gốc tộc người.

Ở thần thoại của người Ê đê, trong số 14 thần thoại, có 5 bản kể về nguồn gốc tộc người xuất hiện môtíp hồng thủy, đó là các truyện: Tìm đất sống, Con ếch Aê Đuk, Quả bầu vàng, Núi Cư Mta, Nạn hồng thủy. Trong đó, truyện quả bầu vàng là bản kể chính, bốn truyện còn lại mang tính chất như những dị bản. Chúng tôi lập sơ đồ cốt truyện:

- Quả bầu vàng: Lụt → Chỉ còn hai anh em sống sót → loài người được tái sinh

- Tìm đất sống : Đại hạn → Cóc lên trời xin 7 nồi đồng nước mưa →

Lụt→ Chỉ còn hai vợ chồng sống sót → loài người được tái sinh.

- Con ếch Aê Đuk : Đại hạn → Ếch lên trời xin mưa, lỡ đổ thêm 3 gáo nước → Lụt → Chỉ còn hai vợ chồng sống sót → loài người được tái sinh - Quả bầu vàng: Lụt → Chỉ còn hai anh em sống sót → loài người được tái sinh

- Núi Cư Mta: Đại hạn → Lụt→ Chỉ còn hai vợ chồng sống sót → loài người được tái sinh

- Nạn hồng thủy: Lụt → Chỉ còn hai vợ chồng sống sót → loài người được tái sinh

Trong các bản kể này, có 2 truyện đề cập tới nguyên nhân của hiện tượng lụt, còn lại không nói tới nguyên nhân. Mô tip nạn hồng thủy trong thần thoại Ê đê đều có một chức năng là thúc đẩy cho sự tái sinh của loài người.

2.1.2.3. Mô típ quả bầu

Hình ảnh quả bầu trong kí ức xa xưa của cư dân Đông Nam Á được xem là nguồn gốc sản sinh ra các tộc người. Mô típ quả bầu được nhắc đến trong rất nhiều thần thoại Đông Nam Á và cũng xuất hiện trong hàng trăm bản kể ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc trong công trình

Truyện kể dân gian đọc bằng tif và motif đã tìm hiểu các dạng truyện có mô

típ này và khái quát thành ba dạng của mô típ quả bầu : mô típ bầu mẹ, mô típ bầu con và mô típ bầu thuyền. Khảo sát thần thoại của người Ê đê, chúng tôi tìm được năm bản kể liên quan đến mô típ quả bầu: Tìm đất sống, Con ếch Aê Đuk, Quả bầu vàng, Núi Cư Mta, Nạn hồng thủy để tìm hiểu các dạng thức của mô típ quả bầu trong thần thoại Ê đê. Chúng tôi không thấy tồn tại môtíp bầu mẹ nở ra các tộc người, cũng không thấy môtíp bầu con do đôi trai gái sinh ra mà chỉ có sự xuất hiện của môtíp bầu thuyền trong cả 5 văn bản truyện.

Chúng tôi xem xét truyện thứ nhất là Quả bầu vàng. Trong truyện kể này, khi nạn hồng thủy xảy ra, quả bầu là phương tiện cho hai anh em tránh lụt (ngồi chơi trong quả bầu khô mà thoát nạn), sau đó nhờ sự gieo trồng của hai anh em mà hạt bầu lớn lên thành quả bầu. Hai anh em đục quả bầu ra thì loài người lũ lượt chui ra. Từ bản kể này, chúng tôi khái quát thành thành công thức:

Lụt → Hai anh em + Bầu (2) → Người Bầu (1)

Như vậy quả bầu có hai chức năng, vừa là phương tiện tránh lụt vừa là nguồn gốc sinh ra loài người. Quả bầu (1) với vai trò “thuyền cứu nạn” đã giữ

được mạng sống cho hai anh em, từ đó mới có việc đem gieo hạt bầu thành quả bầu sinh ra các tộc người, tạm gọi là quả bầu thuyền.Quả bầu (2) phải có sự vun trồng chăm sóc của hai anh em mới sinh ra loài người, tuy nhiên không phải là kết quả hôn phối của hai anh em. Ở đây môtíp quả bầu thuyền

giữ vị trí quan trọng là điều kiện trước tiên mở ra cơ hội cho loài người xuất hiện trở lại.

Ở bốn bản kể còn lại nói về nguồn gốc tộc người, môtíp quả bầu thuyền

không xuất hiện một cách trực tiếp mà gián tiếp qua hình ảnh của vật thay thế cho quả bầu. Các truyện kể được tóm tắt như sau:

- Tìm đất sống: Trời gây đại hạn, Cóc lên trời xin 7 nồi đồng nước mưa,

không ngờ xin nước xuống trần gian nhiều quá lại gây ra lụt cuốn trôi tất cả. Chỉ còn hai vợ chồng sống sót nhờ nằm trong cái trống. Hai vợ chồng sinh con đẻ cái từ đó loài người đông đúc trở lại.

- Con ếch Aê Đuk: Hạn hán kéo dài, con ếch Aê Đuk lên trời xin mưa,

lỡ đổ thêm 3 gáo nước gây ra nạn hồng thủy, chỉ có hai vợ chồng sống sót ngồi trên cái trống. Hai vợ chồng sinh con, loài người trở lại.

- Núi Cư Mta: Trời đất xảy ra đại hạn rồi lại xảy ra hồng thủy. Loài

người chết hết chỉ còn hai vợ chồng trốn trong cái trống nên thoát nạn. Cái trống trôi đến núi Cư Mta. Hai vợ chồng lên núi sinh sống, sinh con, lập buôn làng đông đúc.

- Nạn hồng thủy: Xảy ra nạn lụt, thần báo mộng cho hai vợ chồng ngồi

trên chiếc ghế kpan lánh nạn. Hai vợ chồng sống sót, về sau sinh con đẻ cái, loài người lại đông đúc.

Như vậy ở bốn bản kể này, phương tiện tránh lụt là cái trống và chiếc Kpan (ghế dài), không phải là quả bầu. Dựa trên bốn bản kể này, chúng tôi khái quát thành công thức:

Trống/Kpan

Nếu như quả bầu là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng gợi nhắc về một thời kì văn hóa bầu bí cùng với quan niệm phồn thực về sự sinh sôi nảy nở, thì cái trống, chiếc Kpan là những vật dụng rất thực tế trong đời sống hàng ngày của người Ê đê. Cái trống trở thành phương tiện cứu nạn cũng là chi tiết thường thấy trong truyện kể của nhiều dân tộc… Đối với người Ê đê, cái trống không chỉ là một vật có thể nổi được, có khả năng cứu giúp người bị nạn qua cơn hồng thủy mà còn có một vị trí linh thiêng trong tín ngưỡng của các cư dân Nam Đảo này. Thần thoại Ê đê kể rằng ở thế giới các thần, thần Aê Diê vẫn thường đánh trống thần Dam- bơ- hu để sai khiến các thần thuộc quyền mình. Trong mỗi gia đình truyền thống của người Ê đê đều có một cái trống da trâu được gìn giữ cẩn thận. Trống da trâu có hai mặt đực – cái được xem là một trong những phương tiện để con người giao tiếp với thần linh. Môtíp quả bầu dùng làm thuyền có lẽ ra đời từ rất sớm trong nhận thức của người xưa, còn vật dụng như trống làm vật cứu nạn thì xuất hiện ở thời kì muộn hơn. Và dị bản nhắc đến chiếc kpan thì ra đời còn muộn hơn nữa. Bởi vì trong đời sống văn hóa của người Ê đê, chiếc kpan xuất hiện khi tổ chức xã hội của người Ê đê đã có qui củ và thứ bậc. Kpan là chiếc ghế dài trang trọng được làm từ một thân gỗ độc mộc. Chiếc ghế này dành cho những người đánh chiêng trong các nghi lễ ở gia đình hoặc cộng đồng. Điểm qua thần thoại của các dân tộc anh em, chúng tôi thấy phương tiện tránh lụt thường là quả bầu, phần nhiều cũng là cái trống, có khi là cái chày, cái cối. Tuy nhiên chiếc kpan làm phương tiện thì chỉ thấy ở người Ê đê.

Ở mô típ quả bầu thuyền, chi tiết đôi trai gái sống sót nằm trong quả bầu (trống, kpan) có một điểm đáng lưu ý là tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng anh em ruột lấy nhau. Cả năm bản kể của thần thoại Ê đê chỉ có một trường hợp cặp nam nữ sống sót là anh em ruột, nhưng hoàn cảnh không tạo

sức ép họ phải lấy nhau để tái tạo loài người, nhiệm vụ đó đã đặt vào quả bầu và họ chỉ làm công việc là gieo trồng hạt, chăm sóc bầu lớn lên. Vì sao trong thần thoại Ê đê lại không xảy ra trường hợp anh em ruột lấy nhau? Có lẽ trải qua nhiều thời đại, thần thoại được tư duy con người nhào nặn và trải qua một tình huống gạn lọc khắt khe nào đó, nó gần như phản ánh đúng quan niệm của cộng đồng người. Hôn nhân trái tự nhiên – anh em ruột lấy nhau là chuyện ngược với lẽ thường và khó chấp nhận. Và đối với dân tộc Ê đê, họ có những luật tục rất nghiêm khắc về tội loạn luân – một điều tối kị. Quan niệm này đã có từ xa xưa, phải chăng đã soi chiếu phần nào vào trong thần thoại? Bốn trường hợp còn lại đôi nam nữ là vợ chồng, và họ lại sinh con đẻ cái làm cho loài người sinh sôi. Tỉ lệ 4/5 bản kể đều nói người sống sót là cặp vợ chồng. Điều này cho thấy có lẽ truyện ra đời ở thời điểm người Ê đê đã chú trọng mô hình gia đình một vợ một chồng, và cũng cho thấy đây là những truyện xuất hiện ở thời kì muộn sau này.

Như vậy, qua môtíp quả bầu, có thể thấy về vấn đề lí giải nguồn gốc tộc người, thần thoại Ê đê không tách rời thần thoại Đông Nam Á trong hệ thống quan niệm về thế giới, về con người, tuy nhiên cũng mang bản sắc riêng của dân tộc mình.

2.1.2.4. Mô típ cây nối trời và đất

Ở 15 truyện thần thoại, người Ê đê có hai bản kể nói đến hai loài cây có chức năng nối trời và đất. Đó là cây kơ pang (Cây kơpang và ngôn ngữ loài người) và cây tông lông (Nấm hồng nấm đỏ). Thuở xa xưa, khi người nguyên thủy còn sống theo bầy đàn thì xung quanh họ là cả thế giới cây cỏ hoang dã, cây cối dày đặc bao quanh không gian sống của họ. Cây cối là hình ảnh sinh động của sự sống. Cây cối từ dưới đất mọc lên, cứ thế lớn lên trước mắt họ. Đối với người nguyên thủy, sự vươn dậy nhanh chóng của cây cối cũng là một điều hết sức thần kì. Trong đời sống tín

ngưỡng, người Ê đê dành cho cây cối một vị trí linh thiêng. Trong ngôi nhà dài của mỗi gia đình người Ê đê đều có một chiếc ghế kpan dài làm bằng thân gỗ độc mộc, trên dưới 20m. Để làm được chiếc ghế này, người ta phải xin phép thần cây, làm lễ cúng Trong lễ cúng, người ta khấn “Hỡi yang của cây, ta biết thân thể lực lưỡng của mày đã vươn lên tới trời xanh, cành là của mày đã dang rộng che cả cánh rừng, rễ của mày đã cắm sâu dưới lòg đất… Nay buôn làng ta đành xin phép yang để ngả cây xuống làm ghế kpan, mong yang tha tội”. Theo truyền thống, người Ê đê chết đi sẽ được mai táng trong quan tài là thân cây khoét rỗng. Và khi làm nhà mồ, họ cũng dùng những khúc cây đẽo thành tượng người, chim thú đứng ngồi đủ kiểu dựng xung quanh nhà mồ.

Trong nhận thức của họ từ xa xưa, cây cối có thần, có hồn. Và họ càng tin vào điều đó khi chứng kiến ngay trước mắt mình hình ảnh cây cối cao lớn có thể nối liền ba thế giới: dưới lòng đất (rễ), mặt đất (thân) và trời cao (ngọn). Trong truyện cổ, họ gửi gắm vào cây cối ước mong đưa họ lên thế giới cao nhất và ngưỡng mộ cái sức sống diệu kì của cây cối. Cây kơ pang

“to lớn, ngọn nó cao tận mây xanh, bóng nó rợp cả bầu trời… cao vút lên đến tận nhà của Ông bà Trời” (Cây kơpang và ngôn ngữ loài người), trở thành con đường lí tưởng để loài người leo lên nhà Ông bà trời, khám phá cái thế giới trên tận mây xanh mà họ chưa từng biết đến. Cây tông lông thì “cành lá vươn đến tận mây, bầy Arê Rân càng thiêu đốt càng nhổ gốc bao nhiêu thì cây lại càng vươn cao lên đến tận nhà trời” (Nấm Hồng Nấm Đỏ). Quả tông lông rụng xuống giết chết bầy Arê Rân, cứu mặt đất khỏi sự tuyệt diệt. Cả hai loài cây này đều rất gần gũi với đời sống của người Ê đê, thường thấy ở chốn núi rừng tây nguyên. Đặc điểm của những cây này trong thần thoại là sự lớn lên nhanh chóng, kì diệu, cao lên đến tận trời, nối thế giới mặt đất với thế giới thần tiên. Hoặc nó là phương tiện để con

người hăm hở tìm cách lên trời (cây kơ pang). Và cũng có thể là sự thách thức đối với trời (cây tông lông). Chúng tôi xem đây là một trong những biểu hiện của môtíp cây thần thiêng trong thần thoại.

Tiểu kết:

Thần thoại Ê đê tuy chỉ có số lượng khiêm tốn với 14 bản kể nhưng cũng nổi bật lên một số mô típ quan trọng: mô típ người khổng lồ sáng tạo, mô típ hồng thủy, mô típ quả bầu, mô típ cây. Đây cũng là những mô típ quen thuộc trong hệ thống thần thoại của người Kinh, người Mường, người Chăm… Các mô típ này cũng mang dấu ấn riêng của đời sống tinh thần người Ê đê. Chẳng hạn như sự tưởng tượng vị thần sáng tạo vũ trụ xuất thân từ một hạt dẻ, sự tưởng tượng chiếc ghế kpan thiêng liêng trong đời sống văn hóa trở thành một phương tiện tránh lụt trong mô típ nạn hồng thủy.

.2.2Truyền thuyết

2.2.1. Về đề tài – cốt truyện 2.2.1.1. Truyền thuyết lịch sử 2.2.1.1. Truyền thuyết lịch sử

Ở thể loại truyền thuyết lịch sử, hình ảnh người anh hùng đánh giặc bảo vệ sự ấm no cho dân làng không phải là không có nhưng xuất hiện rất ít.

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(167 trang)