Truyền thuyết địa danh

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 75 - 78)

Truyền thuyết về địa danh của người Ê đê có 4 truyện, chiếm 57 % trong tổng số 7 truyền thuyết, gồm các truyện: Sự tích dòng sông Krông HNăng, Truyền thuyết đảo Sing Ga Puôr, Truyền thuyết Buôn Kroa

Truyền thuyết Buôn Ur.

Ở loại truyện kể về địa danh, có thể hiểu đó là những truyện kể dân gian nhằm lí giải nguyên do trực tiếp hoặc gián tiếp về việc địa danh đã đi vào tâm thức của một cộng đồng. Tuy nhiên, không phải bất kì truyện kể địa danh nào cũng được xem là truyền thuyết. Ở đây chúng tôi chú ý tới mối quan hệ giữa địa danh và cảm hứng lịch sử. Đồng thời quan tâm đến ý thức tôn vinh lịch sử được thể hiện trong truyện. Từ đó xác định truyện cổ Ê đê có hai truyền thuyết địa danh về việc di dân lập làng và hai truyền thuyết về nguồn gốc tên gọi của buôn làng.

Ở truyền thuyết di dân lập làng, câu chuyện thứ nhất kể về hai anh em chàng Sing Chơ Nga và Sing Ga Puôr ở buôn làng người Ê đê, đi thuyền vượt biển trao đổi hàng hóa với các buôn làng khác, làm chủ buôn làng giàu có. Bỗng một ngày mưa to gió lớn ngập cả buôn làng, hai anh em đưa dân lên núi lập buôn mới. Chàng Sing Ga Puôr lại vượt biển đi buôn bán, lúc trở về gặp bão, lạc vào một hòn đảo, lập buôn làng mới ở đây, thuyền buôn khắp nơi tấp

nập ghé vào. Từ đó gọi tên đảo là Sing Ga Puôr. (Truyền thuyết đảo Sing Ga Puôr).

Người Ê đê sinh sống trên đất Tây Nguyên, nơi chỉ có núi đồi và những cánh rừng nối tiếp nhau. Tuy nhiên truyền thuyết của họ lại kể về quá trình vượt biển, buôn bán trên biển. Đó là những tàn dư còn sót lại của yếu tố văn hóa biển trong kí ức của cộng đồng. Điều này gợi nhắc tới hình ảnh những ngôi nhà dài của người Ê đê như biểu tượng của chiếc thuyền vượt biển. Theo những tài liệu dân tộc học, tổ tiên của người Ê đê là những cư dân Mã Lai - Đa đảo, xưa kia sống ở vùng hải đảo – một số hòn đảo thuộc Inđônêsia hiện nay. Với quá trình phát triển của lịch sử, những người Mã Lai cổ đã có những cuộc thiên di vào đất liền để chọn cho mình một địa bàn cư trú. Một bộ phận cư dân này đã dừng chân ở khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên nước ta. Từ đó hình thành nên các nhóm người Giarai, Chăm, Churu, Raglai, Ê đê. Chính vì thế, tổ tiên của người Ê đê có thể nói là rất thạo nghề đi biển. Truyền thuyết về chàng Sing Gar Puôr chính là sự phản chiếu sinh động về hình ảnh một thời quá khứ của lịch sử tộc người.

Câu chuyện thứ hai kể về dòng sông Krông H Năng: Buôn làng người Ê đê đang sống yên vui bỗng một hôm từ trên đỉnh núi phun ra lửa, hủy hoại tất cả nguồn nước, nương rẫy. Dòng họ Mlô làm chủ đất. H Năng là con gái đầu lòng của chủ đất Y Kheo. Cha mất truyền trọng trách chủ đất lại cho hai vợ chồng Y Jút, H Năng. Y Jút đi tìm đất lập buôn nhưng không thấy trở về. H Năng quyết ra đi một mình tìm vùng đất mới nơi có nguồn nước dồi dào. Đi mãi, đến khi kiệt sức, nàng khấn Giàng xin cho mưa xuống rồi chết. Lập tức trời mưa làm sống dậy muôn loài cây cối, thú vật. Dân làng đi tìm H Năng đến nơi thấy nàng đã chết, nhớ công ơn của nàng mà đặt tên dòng sông nơi nàng H Năng gục xuống là K Rông H Năng. Con người thời cổ đại không chỉ sợ hãi những trận đại hồng thủy có thể cuốn trôi cả loài người, không chỉ

sợ sức mạnh của nước mà còn sợ sự hủy diệt của lửa. Cảnh tượng “từ trên đỉnh núi phun ra lửa, hủy hoại tất cả nguồn nước, nương rẫy” được kể trong truyền thuyết về nàng H Năng không có gì khác hơn là những cơn địa chấn từng xảy ra trong quá khứ, sự hoạt động của núi lửa đã từng để lại nỗi kinh hoàng cho loài người.

Truyền thuyết về tên gọi của buôn gồm có 2 truyện: Buôn Kroa, Buôn Ur.

Cuộc sống của người Ê đê chịu sự chi phối mạnh mẽ của tín ngưỡng vạn vật hữu linh.Và trong những thời kì đầu khi con người còn đang tìm đất lập buôn, xác định khu vực cư trú, họ rất quan tâm đến việc nơi định cư có hợp ý các vị thần hay không. Cả ba bản kể về tên gọi của buôn đều cho thấy ảnh hưởng về mặt tâm linh trong cách gọi tên của buôn làng.

Sự ra đời của buôn Kroa được kể trong Truyền thuyết về buôn Kroa: Chuyện kể rằng: chàng Y Kroa dẫn đoàn người đi săn thú rừng. Mệt mỏi nên mọi người ngồi nghỉ bên cạnh một gò đất. Con chó đầu đàn của Y Kroa cứ cào bới chỗ đất này. Mọi người thấy lạ đào đất lên thì thấy một chiếc chiêng đồng hình mai rùa. Y Kroa là tên chàng thợ săn, cũng có nghĩa là rùa. Mọi người cho là ý thần linh sắp đặt, họ quyết định lập buôn ở đó sinh sống và lấy tên buôn là Y Kroa.

Người Ê đê có câu chuyện Truyền thuyết về buôn Ur : Thuở xưa người Ê đê lên cao nguyên lập buôn, họ chưa tìm thấy nguồn nước, phải chia nhau từng đoàn đi tìm nhiều ngày mà vẫn không thấy. Trong lúc ngủ mê mệt, họ nghe thấy tiếng hú vọng lại từ xa. Tiếng hú như lời kêu gọi. Họ đi theo âm thanh của tiếng gọi linh thiêng đó thì đến một cái hang sâu, gần một con suối đầu nguồn đã khô cạn. Cả buôn làm lễ cúng thần, tự nhiên có một dòng nước trong vắt, mát rượi chảy ra trên con suối cạn trước sự chứng kiến, reo hò, vui sướng của già trẻ, gái trai trong buôn. Cũng từ đó, buôn được đặt cái tên là

buô Ur. “Ur’’ được cho là âm thanh của tiếng hú ở cái hang đã cho buôn làng nguồn nước.

Như vậy, những truyền thuyết về tên của buôn làng cũng phản ánh phần nào thời kì sơ khai khi con người bắt đầu khai phá tự nhiên để tìm một không gian tồn tại cho mình, họ vẫn rất e sợ thế giới tự nhiên và nhận thức về nó với một thái độ tôn kính. Cái tên của buôn được truyền đời cho con cháu và cho tới ngày nay họ vẫn tin rằng sự chỉ dẫn của các thần là có thật. Trong những việc trọng đại của cộng đồng, người Ê đê trong xã hội truyền thống vẫn luôn mong chờ sự mách bảo của các thần linh.

Tiểu kết:

Khảo sát bộ phận truyền thuyết của dân tộc Ê đê, ở mảng truyền thuyết lịch sử, chúng tôi thấy nổi bật lên hai đặc điểm: Thứ nhất, truyền thuyết về người anh hùng đánh giặc bảo vệ cộng đồng có nguồn gốc từ trong sử thi. Qua sự đối chiếu với bản kể khan, chúng tôi có thể kết luận về sự giao thoa thể loại giữa truyền thuyết anh hùng và sử thi anh hùng (trường hợp Đăm Thí). Thứ hai, người Ê đê có truyền thuyết về nữ anh hùng với vai trò là người thủ lĩnh của cộng đồng đi tìm đất lập buôn (trường hợp A Duôn HDu). Đây chính là dấu ấn của chế độ mẫu hệ trong tâm thức của cộng đồng người Ê đê. Trong hai tiểu loại của truyền thuyết, truyền thuyết địa danh chiếm ưu thế hơn. Ở truyền thuyết địa danh, nội dung phản ánh cũng xoay quanh những vấn đề cơ bản: vai trò dẫn dắt cộng đồng của người phụ nữ, nguồn gốc hải đảo của tộc người Ê đê, quá trình di cư tìm vùng đất mới, xác lập địa bàn cư trú của một đơn vị buôn làng.

Một phần của tài liệu khảo sát truyện cổ dân gian ê đê dưới góc độ loại hình (Trang 75 - 78)