Hình ảnh quả bầu trong kí ức xa xưa của cư dân Đông Nam Á được xem là nguồn gốc sản sinh ra các tộc người. Mô típ quả bầu được nhắc đến trong rất nhiều thần thoại Đông Nam Á và cũng xuất hiện trong hàng trăm bản kể ở Việt Nam. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tấn Đắc trong công trình
Truyện kể dân gian đọc bằng tif và motif đã tìm hiểu các dạng truyện có mô
típ này và khái quát thành ba dạng của mô típ quả bầu : mô típ bầu mẹ, mô típ bầu con và mô típ bầu thuyền. Khảo sát thần thoại của người Ê đê, chúng tôi tìm được năm bản kể liên quan đến mô típ quả bầu: Tìm đất sống, Con ếch Aê Đuk, Quả bầu vàng, Núi Cư Mta, Nạn hồng thủy để tìm hiểu các dạng thức của mô típ quả bầu trong thần thoại Ê đê. Chúng tôi không thấy tồn tại môtíp bầu mẹ nở ra các tộc người, cũng không thấy môtíp bầu con do đôi trai gái sinh ra mà chỉ có sự xuất hiện của môtíp bầu thuyền trong cả 5 văn bản truyện.
Chúng tôi xem xét truyện thứ nhất là Quả bầu vàng. Trong truyện kể này, khi nạn hồng thủy xảy ra, quả bầu là phương tiện cho hai anh em tránh lụt (ngồi chơi trong quả bầu khô mà thoát nạn), sau đó nhờ sự gieo trồng của hai anh em mà hạt bầu lớn lên thành quả bầu. Hai anh em đục quả bầu ra thì loài người lũ lượt chui ra. Từ bản kể này, chúng tôi khái quát thành thành công thức:
Lụt → Hai anh em + Bầu (2) → Người Bầu (1)
Như vậy quả bầu có hai chức năng, vừa là phương tiện tránh lụt vừa là nguồn gốc sinh ra loài người. Quả bầu (1) với vai trò “thuyền cứu nạn” đã giữ
được mạng sống cho hai anh em, từ đó mới có việc đem gieo hạt bầu thành quả bầu sinh ra các tộc người, tạm gọi là quả bầu thuyền.Quả bầu (2) phải có sự vun trồng chăm sóc của hai anh em mới sinh ra loài người, tuy nhiên không phải là kết quả hôn phối của hai anh em. Ở đây môtíp quả bầu thuyền
giữ vị trí quan trọng là điều kiện trước tiên mở ra cơ hội cho loài người xuất hiện trở lại.
Ở bốn bản kể còn lại nói về nguồn gốc tộc người, môtíp quả bầu thuyền
không xuất hiện một cách trực tiếp mà gián tiếp qua hình ảnh của vật thay thế cho quả bầu. Các truyện kể được tóm tắt như sau:
- Tìm đất sống: Trời gây đại hạn, Cóc lên trời xin 7 nồi đồng nước mưa,
không ngờ xin nước xuống trần gian nhiều quá lại gây ra lụt cuốn trôi tất cả. Chỉ còn hai vợ chồng sống sót nhờ nằm trong cái trống. Hai vợ chồng sinh con đẻ cái từ đó loài người đông đúc trở lại.
- Con ếch Aê Đuk: Hạn hán kéo dài, con ếch Aê Đuk lên trời xin mưa,
lỡ đổ thêm 3 gáo nước gây ra nạn hồng thủy, chỉ có hai vợ chồng sống sót ngồi trên cái trống. Hai vợ chồng sinh con, loài người trở lại.
- Núi Cư Mta: Trời đất xảy ra đại hạn rồi lại xảy ra hồng thủy. Loài
người chết hết chỉ còn hai vợ chồng trốn trong cái trống nên thoát nạn. Cái trống trôi đến núi Cư Mta. Hai vợ chồng lên núi sinh sống, sinh con, lập buôn làng đông đúc.
- Nạn hồng thủy: Xảy ra nạn lụt, thần báo mộng cho hai vợ chồng ngồi
trên chiếc ghế kpan lánh nạn. Hai vợ chồng sống sót, về sau sinh con đẻ cái, loài người lại đông đúc.
Như vậy ở bốn bản kể này, phương tiện tránh lụt là cái trống và chiếc Kpan (ghế dài), không phải là quả bầu. Dựa trên bốn bản kể này, chúng tôi khái quát thành công thức:
Trống/Kpan
Nếu như quả bầu là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng gợi nhắc về một thời kì văn hóa bầu bí cùng với quan niệm phồn thực về sự sinh sôi nảy nở, thì cái trống, chiếc Kpan là những vật dụng rất thực tế trong đời sống hàng ngày của người Ê đê. Cái trống trở thành phương tiện cứu nạn cũng là chi tiết thường thấy trong truyện kể của nhiều dân tộc… Đối với người Ê đê, cái trống không chỉ là một vật có thể nổi được, có khả năng cứu giúp người bị nạn qua cơn hồng thủy mà còn có một vị trí linh thiêng trong tín ngưỡng của các cư dân Nam Đảo này. Thần thoại Ê đê kể rằng ở thế giới các thần, thần Aê Diê vẫn thường đánh trống thần Dam- bơ- hu để sai khiến các thần thuộc quyền mình. Trong mỗi gia đình truyền thống của người Ê đê đều có một cái trống da trâu được gìn giữ cẩn thận. Trống da trâu có hai mặt đực – cái được xem là một trong những phương tiện để con người giao tiếp với thần linh. Môtíp quả bầu dùng làm thuyền có lẽ ra đời từ rất sớm trong nhận thức của người xưa, còn vật dụng như trống làm vật cứu nạn thì xuất hiện ở thời kì muộn hơn. Và dị bản nhắc đến chiếc kpan thì ra đời còn muộn hơn nữa. Bởi vì trong đời sống văn hóa của người Ê đê, chiếc kpan xuất hiện khi tổ chức xã hội của người Ê đê đã có qui củ và thứ bậc. Kpan là chiếc ghế dài trang trọng được làm từ một thân gỗ độc mộc. Chiếc ghế này dành cho những người đánh chiêng trong các nghi lễ ở gia đình hoặc cộng đồng. Điểm qua thần thoại của các dân tộc anh em, chúng tôi thấy phương tiện tránh lụt thường là quả bầu, phần nhiều cũng là cái trống, có khi là cái chày, cái cối. Tuy nhiên chiếc kpan làm phương tiện thì chỉ thấy ở người Ê đê.
Ở mô típ quả bầu thuyền, chi tiết đôi trai gái sống sót nằm trong quả bầu (trống, kpan) có một điểm đáng lưu ý là tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng anh em ruột lấy nhau. Cả năm bản kể của thần thoại Ê đê chỉ có một trường hợp cặp nam nữ sống sót là anh em ruột, nhưng hoàn cảnh không tạo
sức ép họ phải lấy nhau để tái tạo loài người, nhiệm vụ đó đã đặt vào quả bầu và họ chỉ làm công việc là gieo trồng hạt, chăm sóc bầu lớn lên. Vì sao trong thần thoại Ê đê lại không xảy ra trường hợp anh em ruột lấy nhau? Có lẽ trải qua nhiều thời đại, thần thoại được tư duy con người nhào nặn và trải qua một tình huống gạn lọc khắt khe nào đó, nó gần như phản ánh đúng quan niệm của cộng đồng người. Hôn nhân trái tự nhiên – anh em ruột lấy nhau là chuyện ngược với lẽ thường và khó chấp nhận. Và đối với dân tộc Ê đê, họ có những luật tục rất nghiêm khắc về tội loạn luân – một điều tối kị. Quan niệm này đã có từ xa xưa, phải chăng đã soi chiếu phần nào vào trong thần thoại? Bốn trường hợp còn lại đôi nam nữ là vợ chồng, và họ lại sinh con đẻ cái làm cho loài người sinh sôi. Tỉ lệ 4/5 bản kể đều nói người sống sót là cặp vợ chồng. Điều này cho thấy có lẽ truyện ra đời ở thời điểm người Ê đê đã chú trọng mô hình gia đình một vợ một chồng, và cũng cho thấy đây là những truyện xuất hiện ở thời kì muộn sau này.
Như vậy, qua môtíp quả bầu, có thể thấy về vấn đề lí giải nguồn gốc tộc người, thần thoại Ê đê không tách rời thần thoại Đông Nam Á trong hệ thống quan niệm về thế giới, về con người, tuy nhiên cũng mang bản sắc riêng của dân tộc mình.