Mô típ sụt đất phổ biến khắp Tây Nguyên. Đây là những mô típ trong nhóm truyện kể về địa danh. Trong truyện cổ tích sinh họat của người Ê đê, chúng tôi tìm được ba bản kể có mô típ này: Sự tích Ia Nueng – Biển Hồ, Sự tích Drai Un, Sự tích hồ Chư Lăm. Nguyên nhân là do ăn phải con vật thiêng, thường là con lợn trắng hoặc do tội loạn luân. Có thể khái quát mô tip này như sau:
Ở ba bản kể chúng tôi tìm được đều có chi tiết ăn con vật thiêng là con lợn trắng. Ở Sự tích Drai Un: “Khi con heo trắng đã được lũ làng mổ bụng, thui và đang đặt trong mâm lễ, đúng lúc già làng thực hiện nghi thức cúng thần linh thì con heo trắng trong mâm lễ vật đột nhiên sống lại. Con heo hét ầm lên, nó chạy như tên bắn một vòng quanh làng. Con heo chạy đến đâu, đất dưới chân nó nứt toác ra đến đó, vết nứt mỗi ngày một rộng ra, đất sụt suống. Rồi nhà cửa, vườn tược, người và vật cả buôn làng nọ chìm nghỉm xuống lòng đất. Đất sụt xuống đến đâu, nước ào ào dâng lên đến đó”.
Ở Sự tích Biển Hồ, già Chao đem con lợn trắng về nuôi, làng bắt phải đem cúng thần, già thề nếu ăn thịt lợn trắng thì đất sẽ động, sẽ sụt lở. “Nhưng đứa cháu gái của già Chao thấy thịt lại đòi ăn. Đứa bé khóc hoài. Vì quá thương cháu, bà đành lấy phần thịt được chia đem nướng. Ông Trời nổi giận. Trong chốc lát, trời đất núi rừng bỗng nhiên rung chuyển, nhà cửa ngả nghiêng. Ia Nueng sụp xuống thành Biển Hồ.”
Người Ê đê giải thích sự hình thành Hồ Chư Lăm do hai anh em ruột yêu nhau. Đôi trai gái phạm tội loạn luân này bị làng phạt phải cúng một con heo trắng, “đúng lúc già làng thực hiện nghi thức cúng thần linh thì con heo trắng trong mâm lễ vật đột nhiên sống lại. Con heo hét ầm lên, nó chạy như tên bắn một vòng quanh làng. Con heo chạy đến đâu, đất dưới chân nó nứt toác ra đến đó, vết nứt mỗi ngày một rộng ra, đất sụt suống. Rồi nhà cửa, vườn tược, người và vật cả buôn làng nọ chìm nghỉm xuống lòng đất.”
Mô típ sụt đất thường xuất hiện trong những truyện kể giải thích sự hình thành sông hồ trên đất Tây Nguyên. Đó là cách lí giải đầy tính huyền bí trong tư duy cổ tích của người xưa. Trên thực tế, có thể hiện tượng sụt đất
tạo nên sông hồ không có gì khác hơn là những hoạt động địa chấn từng xảy ra trong quá khứ.
3.2.2.2 Mô tip hóa thân
Mô típ hóa thân nói về mối tương quan giữa người và vật. Trong truyện cổ Ê đê, hình thức hóa thân phổ biến là người hóa thành vật. Cụ thể là người hóa thân thành sông suối, người hóa thân thành loài vật, cây cối và người hóa thành đá, tượng gỗ. Riêng vấn đề người hóa đá chúng tôi sẽ nói cụ thể trong mô típ đá thiêng. Mô típ hóa thân xuất hiện 4 lần trong mảng truyện cổ tích sinh hoạt.
Ở mô típ biến hóa từ người sang loài vật. Nó cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa người và thế giới động thực vật, giữa con người và giới tự nhiên nói chung. Thuở xưa, người nguyên thủy sống trong rừng giữa các loài vật và cây cối. Trong nhận thức của họ, dường như con người là một phần của thế giới tự nhiên. Và có lẽ họ tin rằng loài người cũng là một trong muôn loài muông thú. Nhận thức này đã đi vào truyện cổ của họ một cách hồn nhiên. Chẳng hạn như người ăn thịt cá do con vật lạ biến thành, hóa voi (Sự tích con voi). Người hóa thành cây cối cũng là mô típ thường gặp trong truyện cổ Ê đê. Nguyên nhân của sự hóa thân này bắt nguồn từ một tình yêu bị cấm đoán. Chàng trai cô gái không lấy được nhau thì tự vẫn hóa thành cây si, hoặc chết đi hóa thành cây kơ nia quấn quýt bên nhau (Sự tích cây si, Sự tích cây kơ nia), cũng có trường hợp người hóa thành tượng gỗ như ở truyện Sự tích tượng nhà mồ
(Nàng Hlen bị vu oan là ma lai, nàng chết đi cả buôn làng thương tiếc. Dân làng khóc thương Hlen và tất cả hóa thành tượng gỗ)
3.2.2.3. Mô típ đá thiêng
Đá là chất liệu đầu tiên gắn với thuở sơ khai của loài người khi mới xuất hiện trên mặt đất này. Loài người nguyên thủy đã có một thời kì dài sống trong hang động, hốc đá, các công cụ lao động đầu tiên cũng bằng đá. Thời
đại đồ đá là thời đại trải dài trong lịch sử loài người và ấn tượng về đá chắc hẳn đã in dấu rất sâu trong nhận thức của con người. Mô tip đá thiêng không chỉ xuất hiện trong truyện cổ của dân tộc Ê đê mà còn thấy phổ biến trong truyện cổ Chăm và Raglai. Một số dân tộc còn có tục thờ đá như một tín ngưỡng quan trọng của cộng đồng (người Chăm thờ linga, yoni). Với niềm tin vạn vật hữu linh, người Ê đê cũng dành cho đá một vị trí thiêng trong tín ngưỡng. Với họ, đá cũng có linh hồn như cỏ cây, chiêng ché…
Trong truyện cổ tích sinh hoạt của người Ê đê, mô típ đá thiêng xuất hiện 7 lần ở nhiều dạng khác nhau. Trước tiên, đá xuất hiện trong các nhạc cụ bằng đá như cồng đá. Đây là phần thưởng của Giàng cho người tốt bụng hoặc để khẳng định lòng hiếu khách và mối giao hảo tốt đẹp giữa các buôn làng:
“Ngày chia tay già làng tặng cho hai cha con bộ nhạc cụ kì là bằng đá quý, gồm sáu chiếc được đẽo gọt tròn trịa như vành những chiếc gùi” (Sự tích cồng chiêng)
Đá xuất hiện dưới dạng người bị hóa đá, là kết quả của một bi kịch trong gia đình. Mô típ người hóa đá ở đây mang ý nghĩa về sự ăn năn hối hận, là kết quả của một hành động sai lầm. Ở Sự tích núi Cư HMú, người chồng đi xa, vợ ở nhà sống với bạn của chồng như vợ chồng rồi sinh được đứa con. Chồng trở về biết chuyện liền bỏ đi. Người bạn xấu hổ cũng bỏ đi. Người vợ ôm con lên núi ngóng trông rồi hóa đá (giống trường hợp núi Vọng Phu của người Việt). Chồng trở về ôm xác vợ và hóa đá. Người bạn nghe tin trở về núi cũng hóa đá ngay bên cạnh.
Mô típ người hóa đá còn là kết quả của việc trút giận và trả thù, nguyên nhân cũng xuất phát từ một bi kịch trong gia đình. Việc bị chém hóa đá như một hình phạt đối với người mắc tội.Vì ghen tuông, người chồng giết kẻ ngoại tình hóa hắn thành đá, sau đó trở về giết và hóa đá tất cả những ai giúp vợ sinh con. Chàng biến thành lợn lòi bị làng bắn chết rồi cũng thành đá (Núi
Mẹ và con). Hoặc trong truyện Đá đẻ con, chàng Yang Mya đi xa về biết vợ ngoại tình. Trên đường về hỏi mọi người ai cũng giấu, chàng giết và hóa đá họ. Về đến nhà thấy vợ đang sinh, hóa đá vợ. Chàng tức giận thách ông Trời vật lộn. Chàng hóa đá tất cả những ai đến xem. Cuối cùng chàng chết và cũng hóa thành đá. Ở truyện Tháp Yang Prong, vì tức giận bà đỡ mải nghe tiếng sáo không đỡ đẻ khiến vợ mình chết, người chồng đã chém chết bà đỡ. Bà đỡ hóa thành đá. Người vợ chết cũng hóa thành đá.
Không những vậy, đá còn xuất hiện dưới dạng một thực thể linh thiêng, có thể sinh ra người: Khỉ giao phối với đá sinh ra đứa trẻ (Đá đẻ con) hoặc đá tự nứt ra sinh ra đứa trẻ (Chàng Yang Mơ Da).
3.1.2.4. Mô típ hồn lúa
Với quan niệm vạn vật hữu linh, người Ê đê tin rằng mọi sự vật quanh con người đều có Yang (hồn). Hạt lúa cũng vậy, cũng có hồn vía riêng của nó. Có thể gặp trong truyện cổ Ê đê khá nhiều truyện kể về hồn lúa:
Ở buôn nọ, Mtao chỉ lo ăn năm uống tháng, để cỏ dại lấn hết lúa mà không chịu chăm sóc cho ruộng lúa. Hồn lúa bị khinh rẻ bèn rủ nhau đến ở với bà lão nghèo. Đến khi thu hoạch, lúa tự bò về chòi của bà lão. Còn ở nhà Mtao lúa không trổ bông. Dần dần, cả nhà Mtao thì chết đói. (Hồn lúa và lão Mtao)
Nàng Munga khinh rẻ và chửi bới hồn lúa. Nàng nói với lúa gạo mình đẹp không phải nhờ lúa gạo. Họ hàng nhà gạo lăn ra rừng sâu ở. Munga đói khát tiều tụy, bấy giờ mới hối hận. Thần Lúa bảo các con mình trở về với nhà Munga. (Cô gái đẹp và hạt gạo)
Thuở xưa, buôn làng Ê đê sống sung túc. Khi đó một quả dưa gang to đến mức mười người ăn vẫn thừa, một hạt gạo đủ cho cả ba người ăn. Một bắp ngô phải năm người ăn mới hết…Vua của xứ Ê đê một ngày nọ cùng với vợ vắng nhà. Người vợ giao cho con là công chúa H Rin trông coi nồi cơm nếp. Nàng H Rin chỉ mải mê ngắm sắc đẹp của mình. Cơm nếp sắp cháy mà không
rút củi. Cơm nếp kêu cứu, H Rin mắng nhiếc cơm nếp rồi bê nồi cơm nếp vứt ngay vào vũng nước bẩn dưới gầm sàn. Hồn của hạt cơm nếp bay lên trời gặp thần Sơ Ri để kể tội con người không quý trọng lúa gạo. Thần Sơ Ri gọi hồn lúa gạo, ngô bắp về trời. Buôn làng của ông Vua từ đó nấu cơm không được hạt cơm nở to như trước. (Sự tích hạt gạo)
Chuyện kể ở vùng nọ bị hạn hán mất mùa nhưng vẫn có buôn ăn năm uống tháng linh đình. Ông Trời cùng với cháu giả làm người hành khất đến xin cơm thừa nhưng Mtao đuổi đi không cho, cơm thừa thì đem đổ. Trời đến nhà nghèo, nhà nghèo cho ăn cơm. Trời tức giận buôn làng của Mtao không biết quý trọng lúa gạo, gọi hồn lúa về trời. Buôn làng của Mtao trở nên đói khát, lúa không trổ bông. Mtao phải đi ăn xin của nhà nghèo (Tục để cơm nguội) Môtíp này cho thấy tín ngưỡng sùng bái hồn lúa, tinh lúa của người Ê đê. Nương rẫy là nơi thiêng liêng sản sinh ra hạt lúa. Hạt lúa không chỉ là sản phẩm của nương rẫy mà còn là sản phẩm các thần ban phát cho con người. Nếu không quý trọng, hạt lúa sẽ không ở với con người. Người Ê đê tôn thờ hạt lúa bởi quan niệm hết sức thiết thực: hạt lúa nuôi sống con người. Thần Lúa là vị thần được kính trọng trong tín ngưỡng của họ. Trong lễ nghi liên quan đến nông nghiệp, họ cũng dành cho hạt lúa những lễ cúng kính cẩn. Chẳng hạn như lễ trỉa lúa, lễ rước hồn lúa từ ngoài ruộng về nhà, lễ đóng kho lúa. Và khi thực hiện xong lễ đóng kho lúa, người Ê đê mới yên tâm hạt lúa sẽ ở mãi với họ và cho gia đình được no đủ.
Tiểu kết:
Các mô típ chính trong mảng truyện cổ tích sinh hoạt cho thấy tín ngưỡng dân gian Ê đê có sự ảnh hưởng khá sâu đậm trong truyện cổ. Thế giới vạn vật hữu linh không chỉ biểu hiện trong thần thoại của dân tộc này mà còn thể hiện rất rõ trong những câu chuyện gắn liền với đời sống thường nhật của họ.
3.3. Truyện cổ tích loài vật 3.3.1. Về đề tài
Trước hết, truyện cổ tích về loài vật của dân tộc Ê đê phản ánh những đặc điểm và thuộc tính của thế giới loài vật. Qua đó con người muốn truyền cho nhau những tri thức về giới tự nhiên, về loài vật nhằm hiểu biết và chinh phục nó trong cuộc sống lao động của mình.
Người Ê đê có những cách giải thích rất hồn nhiên và chất phác về nguồn gốc và đặc điểm của các loài vật. Chẳng hạn truyện cổ về loài vật của họ giải thích lí do heo ăn cám, chó ăn cơm là bởi Mtao tin lời xu nịnh của cho mà ra phán quyết về số phận của chúng, và điều đó không thay đổi cho đến bây giờ. Hoặc họ giải thích gà và chó ghét nhau là bởi ngày xưa khi chúng đổi bộ lông của mình cho nhau, gà đã chọc tức chó. Con khỉ vì sao có đít đỏ là do ăn trộm ngô của bác thợ rèn, khỉ bị bác thợ rèn bắt ngồi vào cục sắt nung đỏ..v.v. Trong số 22 truyện cổ tích về loài vật, có 8 truyện thuộc loại suy nguyên về đặc điểm của loài vật: Chim xử kiện, Anh em chim cút, Tổ chim tồ rộc, Gà và chó, Con mèo khôn ngoan, Sự tích loài ong, Vì sao heo ăn cám chó ăn cơm, Chỉ có ông thợ rèn phạt được tội khỉ.
Ngoài nhóm truyện suy nguyên về loài vật, có rất nhiều truyện ca ngợi trí thông minh của các con vật. Trong đó nổi bật lên nhóm truyện về con Rùa khôn ngoan và con thỏ tinh ranh. Loại truyện này gồm những mẩu ngắn được chắp nối lại với nhau theo kiểu liên hoàn, và sử dụng công thức lặp lại về tình huống.
Thứ nhất là truyện về con Rùa. Rùa vốn là loài vật hiền lành, gần gũi và có được thiện cảm của con người. Trong truyện cồ Ê đê, Rùa cũng được xây dựng với tính cách thật thà, hiền lành nhưng khi bị áp bức, nó cũng trở nên cứng cỏi và không chịu thua kẻ thù. Ở đây, Rùa thường được đặt trong mối quan hệ với Khỉ - loài vật ranh mãnh, ích kỉ và tham lam.
Khỉ thường bắt nạt và lợi dụng Rùa. Rùa nhẫn nhịn chịu đựng nhưng không để bị vùi dập mãi. Cuối cùng Rùa đều giành lại được những gì của mình. Còn Khỉ phải chịu sự trừng phạt và cuối cùng chết nhăn răng. Qua những câu chuyện về Rùa và Khỉ, người đọc có thể hình dung về một sự phản kháng của người lao động đối với những bất công xã hội đã được lồng vào đó một cách khéo léo. Hình ảnh con Rùa chính là hình ảnh của người lao động trong xã hội đã phân chia giai cấp, chịu nhiều ấm ức. Họ luôn khao khát về công bằng xã hội.
Thứ hai là truyện về con thỏ (13 truyện). Con thỏ cũng là loài vật hiền lành, nhanh nhẹn. Đi vào truyện cổ, thỏ được xây dựng tính cách nhạy bén, thông minh, lanh lợi. Thỏ đã lập được mưu lừa cả hổ, cá sấu… là những con vật to khỏe hơn nó nhiều. Kiểu truyện về con thỏ tinh ranh là kiểu truyện phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực Đông Nam Á, là kiểu truyện đặc trưng của các dân tộc Trường Sơn Tây Nguyên.
Trong một số trường hợp, hình ảnh con thỏ tượng trưng cho tinh thần phản kháng của người nghèo chống lại sự o ép, đè nén của kẻ mạnh. Nó dùng trí thông minh để dạy cho các loài thú hung dữ một bài học (Thỏ và Hổ, Thỏ, Cọp và cái cối, Thỏ lừa Cá Sấu…). Thỏ cũng đứng ra bênh vực những kẻ yếu thế. Ở góc độ này, thỏ đóng vai trò là nhân vật trợ thủ. Trong truyện cổ Ê đê, hình tượng con thỏ rất độc đáo, được kể với nhiều yếu tố bất ngờ. ThỎ chạy thi với ốc rồi cuối cùng phải chịu thua ốc (Thỏ và Ốc).Ở nhiều truyện, thỏ là con vật tham lam và gian xảo, lừa bà cháu Y Rit và những người lái trâu (Thỏ và Y Rit, Thỏ và hai người lái trâu…) cuối cùng phải nhận lấy cái chết. Ở góc độ này, có thể xem thỏ là nhân vật chơi khăm gây ra tai họa và đáng bị phê phán. Ở những trường hợp thỏ quấy phá phải nhận cái chết, tác giả dân gian cũng gửi gắm quan niệm ác giả ác báo thường thấy trong truyện cổ tích.
Tiểu kết:
Truyện cổ tích về loài vật của dân tộc Ê đê nhìn chung về mặt nội dung khá sinh động và phong phú. Bên cạnh nhóm truyện giải thích đặc điểm của loài vật, nhóm truyện con thỏ tinh ranh là một bộ phận khá độc đáo của truyện cổ dân gian Ê đê. Không phải truyện cổ tích của dân tộc nào cũng có một số lượng truyện về con thỏ nhiều như ở truyện của người Ê đê.
3.3.2. Những mô típ chính 3.3.2.1. Mô típ xử kiện
Ở nhóm truyện về con thỏ, chúng tôi nhận thấy xuất hiện mô tip xử kiện quen thuộc thường gặp ở truyện con thỏ tinh ranh của người Chăm, người Mnông. Ở trường hợp này, thỏ đứng ra giàn xếp, giải quyết mâu thuẫn cho hai bên : Một bên là con cọp dữ muốn ăn thịt người vì vô tình vi phạm lời thề với hổ. Một bên là bác thợ săn yếu thế. (Thỏ xử kiện). Thỏ