Trong 14 thần thoại, người Ê đê có 2 thần thoại liên quan tới chủ đề giải thích các hiện tượng tự nhiên, chiếm tỉ lệ 13 % : Lấy trộm lửa của trời và
Sự tích về đất trời. Chúng tôi cho rằng số lượng thần thoại giải thích các hiện tượng tự nhiên vốn dĩ không phải chỉ có con số ít ỏi như hiện tại. Với tín ngưỡng đa thần của người Ê đê, bất kì một hiện tượng tự nhiên nào cũng được khoác một lớp áo màu nhiệm, được giải thích một cách kì diệu và đều được gán vào đó vai trò của các vị thần. Có lẽ bộ phận thần thoại này đã bị thất lạc nhiều trong quá khứ.
Tổ tiên người Ê đê cũng như bao dân tộc khác ở thời kì hồng hoang của lịch sử loài người, cũng tìm cách hình dung và giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng trí tưởng tượng của mình. Ở truyện Sự tích về đất trời, người Ê đê
cho rằng sở dĩ có mưa là do các vị thần Mưa tạo ra. Hạn hán là do các thần Mưa vô ý quên mất nhiệm vụ ban nước mưa cho hạ giới. Lũ lụt là do các thần Mưa lỡ tay xối nước quá nhiều xuống trần gian. Và sở dĩ có ngày đêm là vì
“mặt trăng, mặt trời mọc, đi vòng lên trời cao, rồi lại rớt xuống đất thấp, xong lại leo lên trời cao… cứ như thế mà có đêm rồi lại có ngày”. Ở thời kì muộn hơn khi con người đã tìm ra lửa để chế ngự bóng tối, để phục vụ những nhu cầu trong cuộc sống, họ kì diệu hóa sức mạnh của lửa như một báu vật của trời mà người trần muốn có được chỉ còn cách đánh cắp của trời. Việc tìm ra lửa cũng được coi như một chiến công văn hóa lớn của nhân loại. Người Hi Lạp có thần Prômêtê vì thương loài người nên đã lấy lửa chia cho loài người và phải chịu hình phạt bị xiềng vào núi đá. Người Ê đê cũng có một người anh hùng là Đăm Săn – cháu của Trời đã lên trời lấy trộm lửa khi Ông bà trời đi vắng. Về đến hạ giới chàng vấp phải hòn đá làm ngọn lửa vụt tắt. Tức giận chàng lấy tre nứa quất vào đá, đá lăn va vào nhau phát ra tia lửa trả lại cho Đăm Săn. Lửa bén vào tre nứa bùng cháy. Từ đó loài người có lửa một cách dễ dàng. Người Ê đê đã giải thích các hiện tượng tự nhiên bằng trí tưởng tượng và bằng cả sự quan sát của họ về thế giới, tất cả các hiện tượng tự nhiên đều khoác một lớp áo màu nhiệm.