3.1.1.1 Vị trí địa lý
Xã Thái Tân nằm ở phía Nam của huyện Thái Thụy, cách trung tâm huyện 12 km, cách thành phố Thái Bình 30 km, có tổng diện tích tự nhiên 461 ha. Xã có địa giới hành chính như sau:
- Phía Tây giáp xã Thái Học, Thái Thịnh - Phía Bắc giáp Thái Hưng
- Phía Đông giáp xã Thái Xuyên - Phía Nam giáp xã Mỹ Lộc
Với vị trí địa lý đặc thù tiếp giáp với nhiều xã trong huyện, xã Thái Tân có nhiều cơ hội trong trao đổi hàng hóa và giao lưu phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội với khu vực lân cận, thuận lợi trong việc tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới và tiên tiến.
3.1.1.2 Đặc điểm địa hình
Xã Thái Tân thuộc vùng đồng bằng sông Hồng có địa hình tự nhiên tương đối bằng phẳng, vùng cao nhất cao hơn mực nước biển 0,6 m, vùng thấp nhất thấp hơn mực nước biển 0,9 m. Xã nằm cách biển 6 km nên không bị nước mặn từ biển xâm nhập. Đất đai canh tác chủ yếu là đất pha thịt và đất thịt nhẹ, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là gieo trồng các loại cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày và các loại rau màu.
3.1.1.3 Đặc điểm khí hậu
Xã Thái Tân nằm trong vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, thời tiết trong năm chia làm 4 mùa, mùa hạ nóng ẩm, mưa nhiều, mùa đông
lạnh khô hanh kèm theo mưa phùn, tác động và làm ảnh hướng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Nhiệt độ: Nhiệt độ trung bình năm 23,5oC, nhiệt độ trung bình cao nhất 34 – 37oC (tháng 6 – tháng 8), thường kèm theo mưa to. Nhiệt độ trung bình có năm xuống thấp dưới 10oC (tháng 12 và tháng 1) thường rét đậm, đôi khi kèm sương muối, gây khó khăn cho khâu làm mạ và gieo cấy vụ chiêm xuân.
Lượng mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1500 - 1700 mm. Trong năm lượng mưa phân bố không đều, mùa mưa từ tháng 3 đến tháng 8 chiếm khoảng 80% lượng mưa cả năm, đặc biệt vào tháng 6, 7, 8. Do lượng nước mưa không đều nên vào mùa mưa thường có úng, lụt gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, mùa này lượng nước mưa chiếm khoảng 20% lượng mưa cả năm, tháng ít mưa nhất là tháng 12, tháng 1 và tháng 2.
Gió, bão: Hướng gió hàng năm thịnh hành là Đông Bắc và Đông Nam. Gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm, gây mưa rào. Hàng năm có 4 – 5 cơn bão ảnh hưởng đến địa bàn xã, tuy ít bị đổ bộ trực tiếp nhưng gây mưa lớn làm ảnh hưởng và thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp.
Độ ẩm: Độ ẩm không khí trung bình hàng năm từ 70 – 90%. Đây là điều kiện thuận lợi cho sâu bệnh và các mầm mống sâu bệnh phát triển, gây ảnh hưởng xấu đến hoa màu.
Bức xạ nhiệt: số giờ nắng trung bình hàng năm từ 1.600 - 1.800 giờ/năm, thuộc loại tương đối cao, thích hợp để canh tác 4 vụ trong năm.
Với đặc điểm khí hậu như trên, cho phép trên địa bàn xã có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng với các cây trồng, vật nuôi nhiệt đới. Tuy nhiên cần lựa chọn hệ thống cây trồng hợp lý để tránh tình trạng úng ngập trong mùa mưa và tình trạng khô hạn trong mùa khô.
3.1.1.4 Chế độ thủy văn
Nguồn nước chính cung cấp cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã là hệ thống sông Trà Lý, một nhánh của sông Hồng, đồng thời đây cũng là hệ thống tiêu thoát nước của nhiều xã trong khu vực. Chế độ thủy văn của sông phụ thuộc chủ yếu vào chế độ mưa và khả năng điều tiết của lưu vực, thường biến đổi theo mùa và chịu ảnh hưởng của thủy triều sông. Tuy chỉ có một con sông cung cấp nước nhưng vẫn đảm bảo được đủ lượng nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, còn có hệ thống ao hồ của các hộ gia đình và hệ thống kênh mương tưới tiêu dày đặc trải đều trên địa bàn xã là nguồn cung cấp nước dồi dào cho sản xuất.