Liên kết trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Trang 39 - 41)

2.2.2.1 Liên kết trong ngành rau quả

Hình thức ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến ở Tổng công ty rau quả Việt Nam đã được triển khai tích cực và đạt kết quả khá. Năm 2005, các công ty trực thuộc Tổng công ty đã ký 4.516 hợp đồng với các hộ, nhóm hộ và HTX. Diện tích được kí là 10,5 nghìn ha, sản lượng thu mua thực tế là 93,7 nghìn tấn (đạt tỷ lệ 80% so với hợp đồng). Các chỉ tiêu trên đều tăng 12 – 16% so với năm 2004.

Tại Hải Dương, Công ty chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương đã ký hợp đồng với hàng vạn hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng... với 14 loại sản phẩm rau khác nhau. Hầu hết các hợp đồng thực hiện đạt từ 85% đến 95%, cá biệt có loại sản phẩm thu mua được đạt 100% hợp đồng.

Tỉnh Nam Định đã thúc đẩy liên kết “4 nhà” trong trồng rau màu xuất khẩu, triển khai các chính sách hỗ trợ người nông dân trồng các loại cây vụ đông phục vụ xuất khẩu, đồng thời tổ chức cho các doanh nghiệp gặp gỡ với nông dân để thảo thuận, ký kết hợp đồng sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tỉnh cũng vận động các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho các nông dân và các doanh nghiệp vay vốn đầu tư, mở rộng diện tích, chế biến rau màu xuất khẩu. Qua đó đã có 10 doanh nghiệp thường xuyên ký kết với gần 50 địa phương trong tỉnh, nhằm phát triển cây trồng vụ đông xuất khẩu với hơn 1000 ha. Các doanh nghiệp hợp đồng với nông dân các địa phương trong tỉnh cung cấp

giống cây trồng có chất lượng cao và chủ động đưa các giống cây trồng mới vào cộng đồng.

2.2.2.2 Liên kết trong ngành lúa, gạo

Số lượng hợp đồng được ký kết giữa các Tổng công ty lương thực tăng liên tục. Diện tích sản xuất lúa theo hợp đồng kí kết tăng từ 44.000 ha (năm 2002) lên trên 186.000 ha với tổng sản lượng 400.000 tấn. Hình thức ký kết hợp đồng có thể là trực tiếp với nông hộ, thông qua nhóm hộ hoặc HTX. Tuy nhiên, số lượng hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng còn rất thấp, chỉ chiếm từ 6 – 9% tổng sản lượng lúa, tỉnh đạt mức cao như An Giang cũng chỉ ở mức 10 – 15%. Đồng thời sản lượng lúa thu mua cũng thấp hơn so với sản lượng ký trên các hợp đồng. Tổng công ty lương thực miền Nam chỉ thu mua thực tế là 28% mức ký kết ở hợp đồng.

2.2.2.3 Liên kết trong ngành mía đường

Hiệp hội mía đường Lam Sơn tỉnh Thanh Hóa là một trong những mô hình liên kết tiêu biểu giữa doanh nghiệp Nhà nước với các hộ nông dân. Công ty đã chủ động thiết lập mối quan hệ thân thiết với ba nông trường trồng mía. Năm 2007, Công ty mía đường Lam Sơn đã ký 1.200 hợp đồng với tổng diện tích 15,29 nghìn ha của trên 30 nghìn hộ nông dân. Sản lượng thu mua được là 949 nghìn tấn, vượt mức kế hoạch. Công ty ứng trước vốn cho nông dân sản xuất, với tổng số vốn ứng trước là 124 tỉ đồng. Ngoài ra, Công ty ứng tiền cày bừa làm đất, cung cấp các yếu tố đầu vào, ứng tiền cho dân chăm sóc và thu hoạch. Công ty còn khuyến khích nông dân chuyển đổi đất sang trồng mía với mức hỗ trợ 1 triệu đồng/ha. Để hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, trên 50 kỹ sư nông nghiệp của công ty đóng vai trò là cán bộ nông vụ đảm nhân việc hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật trồng mía và cấp ứng vật tư cho nông dân. Công ty đã thành lập Quỹ phòng chống rủi ro, thiên tai hoặc biến động thị trường và có chính sách hỗ trợ thông qua việc cho vay và cho nợ lại vốn, vật tư.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Trang 39 - 41)