Các yếu tố ảnh hưởng đến liên kết sản xuất nông nghiệp

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Trang 31 - 35)

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó quan trọng nhất là các tác nhân tham gia vào chuỗi liên kết và cơ chế liên kết. Các tác nhân này là các chủ thể hoạt động kinh tế tham gia vào quá trình sản xuất tiêu thụ nông phẩm hoặc tác động đến quá trình sản xuất và tiêu thụ nông phẩm, vừa có quan hệ gắn bó vừa độc lập và tự quyết định hành vi của mình.

2.1.5.1 Từ phía hộ sản xuất

Trước hết phải xác định đây là mắt xích quan trọng trong việc tạo ra sản phẩm theo định hướng của doanh nghiệp. Tuy nhiên đối với hộ sản xuất, bộc lộ rõ nhất là sự hạn chế về mặt nhận thức, trình độ học vấn, tâm lý e ngại khi tiếp xúc với các mắt xích khác trong chuỗi liên kết. Đa số nông dân Việt Nam vẫn chưa gạt bỏ được tư tưởng ham lợi trước mắt mà không tính toán được chiến lược lâu dài, dễ vi phạm hợp đồng trong quá trình liên kết, họ là những người cung cấp số lượng và chất lượng sản phẩm ra thị trường nên sự hạn chế thông tin thị trường làm cho họ không chủ động trong các mối liên kết, nhiều khi còn tỏ ra phản đối với các mối liên kết được thiết lập. Nhưng cũng cần nói rõ là hộ sản xuất là đối tượng được hưởng lợi nhất trong mối liên kết này. Do đó, hộ sản xuất cần liên kết với các mắt xích còn lại trong chuỗi liên kết để mang lại lợi ích cao nhất. Hộ sản xuất liên kết với khuyến nông để nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hộ sản xuất và doanh nghiệp đều rất cần liên kết với nhau một cách lâu bền trong việc bán và mua nông sản. Doanh nghiệp chế biến nông sản cần có nguồn cung cấp hàng hóa ổn định, cung ứng nông sản nguyên liệu thường xuyên đạt chất lượng, giá cả hợp lý với số lượng theo yêu cầu của công nghệ chế biến và thị trường tiêu thụ. Hộ sản xuất cần phải biết chắc chắn nông phẩm do mình làm ra được tiêu thụ hết với giá cả hợp lý để yên tâm sản xuất. Mặt khác, 3 vấn đề lớn mà từng hộ sản xuất không thể giải quyết được đó là (1) thị trường tiêu thụ và thương hiệu, (2) công nghệ mới, (3) vốn đầu tư. Chỉ có doanh

nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản mới có thể giải quyết tốt 3 vấn đề này. Giải quyết 3 vấn đề này không chỉ mang lại lợi ích cho hộ sản xuất mà cho cả doanh nghiệp chế biến - tiêu thụ nông sản.

2.1.5.2 Từ phía chính quyền địa phương

Chính quyền địa phương (ở đây đại diện là HTXDVNN) đóng vai trò là cầu nối giữa hộ sản xuất và doanh nghiệp, tạo ra lợi ích hài hòa giữa hai bên. Chính quyền địa phương có định hướng trên cơ sở thông tin về thương mại, khuyến cáo người sản xuất, giúp họ chủ động có giải pháp xử lý khi có khó khăn. Đây là đơn vị trung gian giúp hộ sản xuất tìm được nơi tiêu thụ sản phẩm ổn định và giúp cho doanh nghiệp tìm được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm chủ động nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Ngoài ra chính quyền địa phương còn cung cấp cho hộ sản xuất các kĩ thuật trồng và chăm sóc rau màu cũng như cung cấp cho họ các dịch vụ nông nghiệp đầu vào cần thiết như giống, phân bón, thuốc BVTV... để phục vụ cho quá trình canh tác đạt hiệu quả cao. Và vai trò quan trọng hơn cả là chính quyền địa phương sẽ thay mặt hộ sản xuất đứng ra kí kết các văn bản hợp đồng thu mua nông phẩm với bên doanh nghiệp, giúp đảm bảo quyền và lợi ích cho hộ nông dân sản xuất nông sản.

2.1.5.3 Từ phía doanh nghiệp

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vừa là chiếc cầu nối liền các khoa học, vừa là nơi thực hiện, áp dụng các thành tựu khoa học về kỹ thuật nông nghiệp để đạt mục tiêu về sản xuất nông sản hàng hóa và dịch vụ cho xã hội theo yêu cầu của thị trường, đảm bảo kinh doanh có lợi nhuận cho doanh nghiệp và góp phần phát triển tốt môi trường – sinh thái cho sự sống.

Để thành công các doanh nghiệp chế biến – tiêu thụ nông sản không chỉ giải quyết các vấn đề công nghệ chế biến, bảo quản nông sản mà cả các vấn đề sản xuất nông phẩm của nông dân, để không ngừng nâng cao chất lượng và

hiệu quả sản xuất. Nhờ đó, sự liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất được thiết lập ngày càng vững chắc trên qui mô lớn. Doanh nghiệp vì lợi ích của mình, không chỉ đầu tư áp dụng các công nghệ mới trong khâu chế biến - bảo quản - tiêu thụ nông sản, mà còn đầu tư giúp hộ sản xuất áp dụng công nghệ mới trong sản xuất.

2.1.5.4 Cơ chế liên kết

Cơ chế liên kết dọc – ngang là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến liên kết trong sản xuất nông nghiệp.

Liên kết dọc là liên kết giữa các đối tượng tham gia vào “đường đi” từ người sản xuất đến người tiêu dùng, trong khi liên kết ngang là liên kết các đối tượng cùng tham gia vào hoạt động giống nhau như liên kết các hộ nông dân sản xuất, các hợp tác xã. Đây là cơ chế liên kết được xem là xu thế tất yếu, là tương lai của nền nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất.

Nếu như trước đây chúng ta khuyến khích liên kết ngang hơn là liên kết dọc thì hiện nay, để tránh sản xuất manh mún, mất giá nông sản, cần mở rộng hình thức liên kết dọc, trong đó trọng tâm là liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp (liên kết bốn nhà). Vì vậy cần phải nghiên cứu toàn bộ chuỗi liên kết giá trị (nhất là nông sản), mà không chỉ tập trung vào một công đoạn sản xuất.

Theo chuỗi sản xuất này thì liên kết giữa các tác nhân là vô cùng cần thiết, đảm bảo cho các dòng sản phẩm, dòng tiền và dòng thông tin thông suốt từ tác nhân này sang tác nhân kia. Kết quả là lợi ích của các tác nhân sẽ được đảm bảo. Ngược lại, nếu liên kết giữa các tác nhân tham gia vào chuỗi liên kết chưa được thắt chặt như mong muốn, cụ thể là mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, nông dân và nông dân trong các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ khuyến nông còn khá lỏng lẻo, thì hệ quả sẽ sẽ là mối liên kết dọc và ngang hình thành và phát triển sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên cũng cần phải tùy thuộc vào vị trí, tập quán sản xuất nông nghiệp của từng vùng mà mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp sẽ khác nhau, không thể áp dụng đồng nhất cho các vùng, các ngành nghề, sản phẩm. Đồng thời, Nhà nước cần phân định rõ trách nhiệm của mỗi “nhà” để đảm bảo lợi ích giữa các bên tham gia được thụ hưởng đúng và đủ.

Ngoài các tác nhân trên còn có các yếu tố khác ảnh hưởng tới quá trình sản xuất và tiêu thụ nông phẩm. Đó là những yếu tố như: chính sách của nhà nước, thị trường tiêu thụ, vấn đề giá cả, điều kiện tự nhiên của vùng... Điều này sẽ ảnh hưởng đến đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, ảnh hưởng đến hình thức và mức độ tham gia liên kết kinh tế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Thái Tân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình (Trang 31 - 35)