Giải quyết tốt vấn đề môi trường

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vĩnh phúc luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 107 - 111)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.8. Giải quyết tốt vấn đề môi trường

Thành lập KCN với mục đích giảm thiểu tác động của các cơ sở công nghiệp, các nhà máy, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan mà hiện nay các KCN lại đang bị ô nhiễm môi trường, đặc biệt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống dân cư xung quanh KCN, gây

bức xúc cho nhân dân. Tình hình đó đặt ra cho Vĩnh Phúc phải hết sức quan tâm đến công tác bảo vệ môi trương ở các KCN.

Ban quản lý các KCN chưa được ủy quyền thực hiện chức năng quản lý nhà nước về môi trường trong các KCN theo Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ về Khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và Thông tư số 08/2009/TT-BTNMT ngày 15/7/2009 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quản lý và bảo vệ môi trường Khu kinh tế, Khu công nghệ cao, Khu công nghiệp và cụm công nghiệp, nhưng trong năm 2011, Ban đã chủ động, tích cực làm việc với chủ đầu tư hạ tầng KCN Khai Quang, Bình Xuyên và một số doanh nghiệp KCN để nắm bắt tình hình diễn biến về môi trường và việc thực hiện các quy định về môi trường, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp. Năm 2011, Ban đã đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Bình Xuyên hoàn thành khu xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành từ tháng 6/2011 và KCN Khai Quang hoàn thành trạm xử lý nước thải giai đoạn II .

Thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong KCN, chủ đầu tư hạ tầng KCN Khai Quang đã trồng 31,9 ha cây xanh xung quanh KCN. Các doanh nghiệp trong KCN đã ký hợp đồng thu gom chất thải rắn với Công ty Môi trường đô thị Vĩnh Yên, Công ty Môi trường đô thị Phúc Yên, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Môi trường Ngôi sao xanh, Công ty cổ phần Thuận Trường An…để thu gom, vận chuyển và tập kết chất thải đúng nơi quy định.

Hiện nay 4 khu công nghiệp (Kim Hoa, Khai Quang, Bình Xuyên và Bá Thiện) đã có trạm xử lý nước thải, có hệ thống thoát nước mưa và nước thải riêng biệt, đang triển khai hệ thống xử lý nước thải tại 3 KCN Bình Xuyên II, Bá Thiện II và Phúc Yên; tỉnh đang đầu tư Hợp phần thoát nước và xử lý nước thải thành phố Vĩnh Yên thuộc dự án Cải thiện môi trường đầu tư để dần hoàn

thiện hệ thống hạ tầng đô thị Vĩnh Yên; KCN Khai Quang đã có 35/51 doanh nghiệp đã tiến hành đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung với tổng công suất là 5.800m3/ngày đêm; KCN Bình Xuyên có 11/34 doanh nghiệp đã tiến hành ký hợp đồng đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung công suất 3.000m3/ngày đêm. [7]

Tuy nhiên, việc triển khai thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu; chưa xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn, do vậy, chất thải rắn mới chỉ được thu gom, đưa về bãi rác thải tạm. Nhìn chung các KCN chưa có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, bên cạnh đó các KCN vừa xây dựng kết cấu hạ tầng vừa tiến hành sản xuất nên không tránh khỏi ô nhiễm môi trường. Để giải quyết tốt vấn đề môi trường trong các KCN, giảm thiểu ô nhiễm cần thực hiện đồng bộ một số vấn đề sau:

- Tuyên truyền giáo dục để nâng cao nhận thức của các đối tượng liên quan đến KCN. Đối với Ban quản lý các KCN phải quy hoach xây dựng hệ thống xử lý chất thải, thường xuyên đôn đốc kiểm tra và phối hợp với cơ quan chức năng để giám sát chặt chẽ vấn đề bảo vệ môi trường. Đối với chủ đầu tư xây dựng hạ tầng KCN phải có trách nhiệm xây dựng và tuân thủ đúng quy định về hệ thống xử lý chất thải tập trung. Đối với doanh nghiệp KCN phải có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo. Đối với người dân xung quanh cần phải theo dõi, giám sát và báo cáo với chính quyền, Ban quản lý các KCN về các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Đối với người lao động phải có ý thức bảo vệ môi trường.

- Đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng KCN, quá trình triển khai dự án của các nhà đầu tư vào KCN. Kiên quyết trong quản lý các dự án có gây ô nhiễm môi trường bắt buộc phải hoàn thiện các công trình xử lý đảm bảo môi trường mới được đưa vào hoạt động.

- Địa phương cần quy hoạch khu xử lý chất thải rắn và yêu cầu các công ty đầu tư hạ tầng thực hiện các biện pháp xử lý chất thải rắn thường xuyên và triệt để.

- Có biện pháp phối hợp giữa các KCN và các địa phương trong bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm cho nhau. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh KCN, xử lý chất thải, rác thải, nước thải được hoạt động trong KCN.

- Khuyến khích các dự án đầu tư và sản xuất không gây ô nhiễm môi trường trong các KCN.

- Thường xuyên giám sát chặt chẽ việc giải quyết ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. Xử phạt nghiêm minh các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong KCN. Kết hợp lợi ích kinh tế với lợi ích môi trường, không vì lợi ích trước mắt mà coi nhẹ những lợi ích về môi trường dẫn đến phát triển không bền vững. Tránh tình trạng doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt vì gây ô nhiễm môi trường chứ không chịu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Đồng thời khen thưởng các doanh nghiệp đã nghiêm túc trong công tác môi trường, trở thành các nhân tố điển hình nêu gương. Định kỳ thực hiện việc quan trắc môi trường để có biện pháp giải quyết kịp thời những phát sinh có thể xẩy ra.

- Dành nguồn ngân sách nhất định cho công tác bảo vệ môi trường và huy động được các nguồn vốn khác cho công tác bảo vệ môi trường của KCN.

- Quy hoạch thoát nước thải cho khu công nghiệp phải tính đến nơi thải nước cụ thể. Cần áp dụng 02 hệ thống xử lý nước thải theo tình hình thực tế hiện nay: Hệ thống xử lý nước tại chỗ cho nhà máy và Hệ thống xử lý nước của khu công nghiệp. Xác định công nghệ cụ thể để xử lý nước cho từng loại hệ thống.

- Kiên quyết di dời các doanh nghiệp gây ô nhiễm lớn ra xa các khu dân cư và đầu tư xây dựng hệ thống thiết bị lọc bụi và hấp thụ khí độc trước khi thải vào môi trường không khí; áp dụng hệ thống xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống sông ngòi; thu gom chất thải rắn và xử lý đúng quy phạm đảm bảo tiêu chuẩn nhà nước Việt Nam về môi trường.

- Đối với khí thải từ các dây truyền sản xuất cần phải thường xuyên định kỳ quan trắc mức độ ô nhiễm, phân tích thành phần khí thải, nước thải từ các nguồn thải và các điểm quan trắc, các khu vực dân cư lân cận. Nếu mức độ ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép cần có kế hoạch đình chỉ hoặc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu vực dân cư.

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải các chất gây ảnh hưởng xấu tới môi trường bắt buộc phải có báo cáo đánh giá định kỳ những tác động tới môi trường và các biện pháp xử lý khắc phục.

Một phần của tài liệu Phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh vĩnh phúc luận văn ths kinh tế 60 31 01 pdf (Trang 107 - 111)