7. Kết cấu của luận văn
2.2.3. Đánh giá chung về vai trò của các KCN tỉnh Vĩnh Phúc
2.2.3.1. Những đóng góp tích cực của các KCN
Từ nghiên cứu thực trạng và phân tích những tác động hiện có của các KCN Vĩnh Phúc, chúng tôi nhận thấy, các KCN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và có những đóng góp tích cực, có thể khái quát những đóng góp chủ yếu của các KCN trên các lĩnh vực sau:
- Tăng cường thu hút đầu tư và phát triển ngành công nghiệp của tỉnh.
Như đã phân tích ở phần trên, sự phát triển của các KCN trong thời gian qua đã tạo ra bước phát triển vượt bậc trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Với cơ chế thông thoáng cởi mở, các ưu đãi hấp dẫn, cùng với cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã giúp Vĩnh Phúc thu hút đầu tư nhanh chóng, từ một tỉnh thuần nông Vĩnh Phúc đã trở thành địa phương phát triển công nghiệp hàng đầu cả nước với nguồn vốn đầu tư lớn.
- Góp phần tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách. Như bảng 2.1, bảng 2.11 đã cho thấy, sự phát triển của các KCN đã góp phần quan trọng
trong thu ngân sách, tăng kim ngạch xuất khẩu và đồng thời góp phần trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
- Thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cầu kinh tế của địa phương theo hướng CNH, HĐH. Khi mới tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc có cơ cấu kinh tế lạc hậu, chủ yếu dựa vào phát triển nông nghiệp. Nhờ vào quá trình phát triển các KCN đã giúp cho cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch nhanh chóng theo hướng giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ (bảng 2.12).
- Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đào tạo và nâng cao trình độ của người lao động. Sự phát triển mạnh mẽ của các KCN, các DN đã tạo ra được nhiều công ăn việc làm cho người lao động, kể cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Hiện nay có khoảng 50% lao động làm việc trong các KCN là những người nghèo, nếu chỉ trông chờ vào đồng ruộng thì khó có thể thoát nghèo, KCN đã tạo ra thu nhập cho họ cũng có nghĩa là góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Theo tính toàn hiện nay mức thu nhập bình quân của người lao động trong các KCN ở Vĩnh Phúc đạt khoảng 1.700.000 đồng/tháng. Đây là con số chưa cao nhưng đã giúp người lao động có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng của các KCN cùng với trình độ công nghệ ngày càng hiện đại đã tạo sức ép cho việc đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các DN, nhờ đó việc đào tạo nguồn lao động được quan tâm, giúp cho tay nghề của người lao động được nâng lên.
- Tác động lan tỏa tích cực tới các ngành, lĩnh vực khác trên địa bàn tỉnh. Sự phát triển của các KCN còn có tác động lan tỏa tích cực tới nhiều ngành nghề và lĩnh vực. Các KCN góp phần mở rộng thị trường các yếu tố đầu vào, đầu ra tại các vùng lân cận, mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng thu ngoại tệ; có vai trò nhất định trong việc phát triển nguồn nhân lực cũng như
chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại; góp phần du nhập kỹ thuật và công nghệ mới tiên tiến; sự phát triển của các KCN còn hình thành các khu đô thị hiện đại theo quy hoạch KCN; hiện đại hóa cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào KCN; phát triển các loại hình dịch vụ: tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông, bảo hiểm...
- Hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn. Qúa trình phát triển các KCN Vĩnh Phúc không chỉ phát triển ngành công nghiệp nói chung mà còn hình thành các ngành công nghiệp mũi nhọn, là thế mạnh trong cạnh tranh: sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy; sản xuất máy tính xách tay; điện thoại di động; điện tử công nghệ cao; cơ khí chế tạo động cơ...Những ngành này đều đến từ những thương hiệu nổi tiếng.
Như vậy, các KCN Vĩnh Phúc đã có những tác động to lớn, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của tỉnh nhà. Đòi hỏi, trong thời gian tới cần có chính sách và cơ chế chế quản lý phù hợp đảm bảo sự phát triển của các KCN, nhằm phát huy tốt những tác động tích cực.
2.2.3.2. Những hạn chế, tồn tại
Bên cạnh những đóng góp tích cực nêu trên, quá trình phát triển các KCN Vĩnh Phúc vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần tiếp tục nghiên cứu, giải quyết, đó là:
- Thứ nhất, kết quả thu hút đầu tư các dự án công nghiệp, phát triển KCN chưa tương xứng với tiềm năm phát triển của tỉnh và thiếu tính bền vững. Năm 2011 Vĩnh Phúc xếp thứ 20 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như vậy có thể nói công tác thu hút FDI của Vĩnh Phúc chưa lớn.
Nguyên nhân dẫn đến sự tụt giảm trên là do cơ chế, chính sách về đất đai của tỉnh có những thay đổi, nhất là khi thực hiện Nghị định số 69 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư chưa sát thực tế và còn tồn tại cơ chế hai giá trong bồi thường
GPMB. Giá thuê lại đất có hạ tầng trong khu công nghiệp cao hơn các tỉnh trong khu vực. Cụ thể, giá thuê lại đất 50 năm tại khu công nghiệp Khai Quang, khu công nghiệp Bình Xuyên khoảng 70-80 USD/m2. Trong khi đó tại khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ chỉ 30-45 USD/m2; các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh khoảng 50-60 USD. [6]
Về nguyên nhân chủ quan, do việc công bố các tài liệu về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và thời gian giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp của các sở, ban, ngành còn chậm và chưa đầy đủ. Ngoài ra, do Vĩnh Phúc đang thiếu quỹ đất sạch, thiếu nguồn lao động có tay nghề cao và các dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc giải quyết đất dịch vụ, đất các hộ dân tái lấn chiếm đất đã GPMB chưa dứt điểm; công tác vận động, xử lý bảo vệ thi công hiệu quả chưa cao…
- Thứ hai, quy hoạch KCN còn những hạn chế nhất định. Điển hình là tình trạng có dấu hiệu quy hoạch "treo" ở KCN Phúc Yên mà dư luận gần đây cũng như một số cơ quan truyền thông có đề cập đến. Ngoài ra, trong một thời gian ngắn tỉnh đã trình Chính phủ phê duyệt thêm nhiều KCN ưu tiên thành lập đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 (nâng tổng số KCN được phê duyệt là 20) cũng có dấu hiệu "tự phát". Gần đây sau khi rà soát các KCN trên địa bàn, căn cứ Nghị định số 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất lúa, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất tỉnh Vĩnh Phúc lập và hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị điều chỉnh giảm diện tích và đưa ra ngoài quy hoạch 04 KCN, cụ thể như sau:
+ KCN Hội Hợp (150 ha): Hiện trạng là đất trồng lúa. Đề nghị đưa ra ngoài quy hoạch danh mục KCN.
+ KCN Nam Bình Xuyên (304 ha): Quỹ đất chủ yếu là đất trồng lúa nước, đề nghị điều chỉnh, đưa ra ngoài danh mục quy hoạch KCN.
+ KCN Vĩnh Tường (200 ha): Hiện trạng là đất trồng lúa nước, đề nghị điều chỉnh đưa ra ngoài quy hoạch danh mục KCN.
+ KCN Vĩnh Thịnh (270 ha): Hiện trạng là đất trồng lúa nước, đất bãi, đề nghị điều chỉnh, đưa ra ngoài quy hoạch danh mục KCN. [8]
- Thứ ba, tiến độ triển khai thực hiện của nhiều dự án còn chậm so với tiến độ đăng ký đầu tư. Năm 2011, Ban quản lý các KCN đã làm việc với một số chủ đầu tư hạ tầng KCN, về tình hình đầu tư, xây dựng kinh doanh hạ tầng các KCN, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của Chủ đầu tư, từ đó nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển KCN, báo cáo UBND tỉnh. Cụ thể: xem xét, báo cáo UBND tỉnh gia hạn hoạt động cho dự án KCN Bá Thiện, đồng thời đôn đốc chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng hạ tầng KCN; hướng dẫn chủ đầu tư KCN Bá Thiện II hoàn thành các thủ tục về đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN.
- Thứ tư, xuất hiện nhiều vấn đề xã hội bức xúc quanh các KCN. Thực tế thời gian qua cho thấy, việc phát triển các KCN không hài hòa với phát triển các công trình xã hội (nhà ở cho công nhân, các công trình giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại...phục vụ đời sông người lao động). Nhà ở cho công nhân đang là vấn đề gay gắt, mặc dù tỉnh cũng đã có nhiều cố gắng. Song, nhu cầu về nhà ở ổn định cho công nhân là rất lớn, tạo áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Theo số liệu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nhu cầu nhà ở cho người lao động các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là trên 16.000 người. Vì chưa có nhà ở nên đa số công nhân phải thuê nhà tạm bợ để sinh sống, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của người lao động, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân chưa được quan tâm đúng mức, nảy sinh nhiều vấn đề tiêu cực: mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội...ảnh hưởng đến nhân dân quanh KCN.
- Thứ năm, công tác bồi thường, GPMB, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân mất đất còn chậm. Đặc biệt là vấn đề bồi thường, GPMB chậm đang là lực cản lớn cho sự phát triển của KCN. Một số KCN quá trình đền bù, GPMB, thu hồi đất để xây dựng KCN chậm trễ, nhất là chậm phổ biến công khai quy hoạch đến người dân đã xẩy ra tình trạng khiếu kiện kéo dài mà không chịu giao đất.
Năm 2011, bồi thường, GPMB trong các KCN được 53,6 ha, trong đó: + KCN Khai Quang: Bồi thường, GPMB được 6 ha với 5 hộ dân đã nhận tiền bồi thường. Hiện KCN này còn tồn tại 14 ha, ở khu Gò Rùa với 24 hộ dân do chưa có khu tái định cư và 3 trang trại các hộ dân chưa nhận tiền bồi thường.
+ KCN Bá Thiện II: Bồi thường, GPMB được 47,6 ha với với 32 hộ dân đã nhận tiền bồi thường, đạt 95,2% tổng diện tích đã có phương án bồi thường. Hiện KCN này còn 2,4 ha với 9 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường.
Hiện nay, công tác bồi thường, GPMB ở một số KCN còn nhiều vướng mắc như: KCN Bình Xuyên còn 0,19 ha đã có phương án bồi thường và 91,7 ha với 1.213 lượt hộ dân xã Sơn Lôi chưa đồng ý kiểm kê; KCN Chấn Hưng còn 3,6 ha với 31 hộ chưa nhận tiền; KCN Bình Xuyên II còn 0,06 ha với 01 hộ dân chưa nhận tiền bồi thường; KCN Bá Thiện còn 02 hộ đã nhận tiền bồi thường nhưng chưa di chuyển.
Tồn tại về bồi thường, GPMB ở một số dự án như: Công ty Phanh Nissin còn 1,85 ha, công ty TNHH Kosei Multipack còn 0,25 ha, Công ty CP ĐT dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe vướng mắc về thủ tục bồi thường, GPMB. [7]
- Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế. Ban quản lý các KCN luôn chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan trong quản lý hoạt động của các KCN. Tuy nhiên, còn tồn tại tình trạng buông lỏng trong
quản lý, nhất là quản lý sau cấp phép đầu tư. Điển hình như trường hợp để chủ đầu tư tại khu công nghiệp Bình Xuyên cho thuê đất trên đất công cộng, dịch vụ, cây xanh, đường điện (sai quy hoạch). Cụ thể là Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Bình Xuyên do Công ty TNHH đầu tư xây dựng An Thịnh làm chủ đầu tư. Công ty này đã được cấp GCNQSD đất với tổng diện tích 1.295.623,5 m2, trong đó có cả đất xây xanh, đất giao thông và đất đầu mối kỹ thuật. Tuy nhiên, khi triển khai dự án, chủ đầu tư đã cho thuê lại đất để thực hiện xây dựng một số công trình trên đất, sai quy hoạch với diện tích là 37.581 m2. Về phía Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, đã thẩm định một số dự án thiếu chính xác về năng lực tài chính và kinh nghiệm. Cụ thể là trường hợp Công ty CP đầu tư xây dựng Thăng Long, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Hùng Vương – Tiền Châu. Dự án Khu công nghiệp Chấn Hưng do UBND huyện Vĩnh Tường làm chủ đầu tư cũng có những tồn tại. Cụ thể, năm 2005 thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, số tiền các hộ đã nhận 15,630 tỷ đồng. Các hộ dân đã nhận tiền nhưng không bàn giao đất. Vì vậy, tiến độ thực hiện dự án chậm, đến nay dự án vẫn chưa được thực hiện.
- Thứ bảy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các địa phương có KCN. Một trong những mục đích khi xây dựng các KCN tập trung là giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thực tế các KCN ở Vĩnh Phúc chưa thực hiện tốt chức năng này, các công trình xử lý chất thải công nghiệp vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Hệ thống xử lý chất thải ở những KCN đã đi vào hoạt động mới chỉ ở mức B. Chất thải KCN chưa được xử lý tốt làm cho môi trường ô nhiễm trên diện rộng không chỉ trong phạm vi KCN mà còn lan rộng ra bên ngoài ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, nhất là môi trường nước và môi trường không khí.
- Tình hình chính trị, kinh tế, an ninh trên thế giới có nhiều biến động lớn, diễn biến phức tạp. Cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế thế giới và suy giảm kinh tế trong nước đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra thời cơ, thuận lợi mới song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới, đó là sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là về thu hút đầu tư giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ. Việt Nam đã tham gia và thực hiện các cam kết với các tổ chức WTO, AFTA, do vậy các nhà đầu tư nước ngoài có thể không cần thiết phải đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất tại Việt Nam mà vẫn khai thác được thị trường. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến khả năng thu hút đầu tư.
- Hệ thống hạ tầng kỹ thuật của tỉnh còn thiếu, chưa đồng bộ và còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng giao thông. Nhu cầu đầu tư hạ tầng lớn nhưng khả năng đáp ứng của ngân sách hạn chế.
- Một số cơ chế, chính sách của Nhà nước chậm ban hành hoặc chưa đồng bộ, thiếu tính ổn định hoặc khó áp dụng, nhất là chính sách về đất đai, ưu đãi đầu tư, chính sách thuế, chính sách ưu đãi đầu tư đối với ngành công nghiệp hỗ trợ, với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Chính sách, cơ chế tài chính về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng thiếu tính ổn định là nguyên nhân chính tạo ra khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ triển khai của các dự án. - Chi phí về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tiền thuê đất tăng cao và tăng nhanh trong khi ưu đãi về thuế áp dụng với các dự án đầu tư vào KCN giảm liên tục trong các năm qua (Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành