Kết quả nghiên cứu các yếu tố thuộc về nhân viên

Một phần của tài liệu luận văn quản trị nhân lực CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA NHÂN VIÊN (Trang 43 - 44)

3. Về các yếu tố thuộc về công tác đánh giá:

3.2.2.1.Kết quả nghiên cứu các yếu tố thuộc về nhân viên

Bảng 10. Bảng kết quả đánh giá các yếu tố thuộc về nhân viên.

STT Câu hỏi GTTB*

1 Anh/chị quan tâm đến công tác đánh giá kết quả công việc 4.37 2 Anh/chị biết rất rõ về công tác đánh giá kết quả công việc tại công ty 2.40 3 Anh/chị được tự đánh giá kết quả của bản thân, sau đó cấp trên sẽ thảo luận, góp ý, động viên, khuyến khích 2.57 4 Anh/chị hiểu rõ các chỉ tiêu mình được đánh giá 2.90

*GTTB: Giá trị trung bình

Giá trị trung bình chung của nhóm: 3.06

Giá trị trung bình chung của nhóm là 3.06, đây chỉ là giá trị ở mức trung bình. Tuy nhiên, các yếu tố trong nhóm lại có sự chênh lệch khá lớn, chính điều này đã đưa giá trị trung bình chung của nhóm về giá trị trung bình. Do đó, để có thể đánh giá một cách chính xác các yếu tố thuộc về nhân viên ảnh hưởng đến công tác đánh giá như thế nào ta phải phân tích sâu từng tiêu chí một.

Xem xét yếu tố đầu tiên cho thấy, nhân viên rất quan tâm đến công tác đánh giá kết quả thực hiện công việc tại công ty (4.37). Khi được hỏi tại sao quan tâm đến công tác đánh giá, nhiều nhân viên trả lời rằng: Vì đánh giá thực hiện công việc liên quan trực tiếp đến quyền lợi của họ, hơn nữa, nhân viên thực sự muốn biết công việc của họ

được cấp trên nhìn nhận như thế nào, phương pháp thực hiện công việc đã đúng hay chưa, mức độ hoàn thành trong công việc; và họ cũng thật sự muốn biết những nổ lực đóng góp của mình được cấp trên đánh giá như thế nào, đánh giá công việc liên quan đến việc họ nhìn nhận bản thân như thế nào trong công việc. Bên cạnh đó, việc có một hệ thống đánh giá bài bản và được thực hiện thường xuyên đối với nhân viên cũng rất cần thiết, họ có thể yên tâm thực hiện tốt công việc được giao vì biết rõ những tiêu chí được đánh giá, đồng thời qua đó sẽ hưởng chế độ lương thưởng công bằng, minh bạch hơn.

Tuy nhiên, số liệu nghiên cứu cho thấy khi được hỏi mức độ hiểu rõ về công tác đánh giá kết quả công việc tại công ty thì kết quả nhận được là 2.40, đây là một kết quả thấp, và hầu như câu trả lời nhận được đều là không đồng ý với ý kiến: “Anh/chị biết rất rõ về công tác đánh giá kết quả công việc tại công ty”. Vì dù rất quan tâm đến công tác đánh giá nhưng trên thực tế, nhân viên không nhiều người biết rõ về công tác đánh giá hiện tại của công ty. Việc đánh giá của cấp trên đối với cấp dưới thường chỉ được thực hiện theo kiểu phi chính thức. Nguyên nhân là do các chính sách về đánh giá nhân viên đã có nhưng lại không được áp dụng đúng phương pháp vào thực tế tại doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc nhân viên được tự đánh giá kết quả công việc của mình là 2.57, việc đánh giá là do cấp trên trực tiếp thực hiện, và ít khi tham khảo ý kiến của nhân viên, nên nhân viên ít người biết được họ đã được cấp trên trực tiếp đánh giá như thế nào, nên việc nắm bắt được những thông tin về công tác đánh giá là rất khó, dù rất quan tâm đến công tác đánh giá của công ty.

Tiêu chí cuối cùng phản ánh về mức độ hiểu rõ các tiêu chí đánh giá của nhân viên (2.90). Tại NHG, theo nhân viên họ vẫn còn hiểu không rõ lắm về các tiêu chí đánh giá công việc của họ, cũng vì lý do đánh giá là do cấp trên trực tiếp thực hiện mà ít khi tham khảo ý kiến của nhân viên. Nhân viên chỉ biết rằng: Nếu thực hiện công việc tốt, được cấp trên thừa nhận năng lực, không bị chê trách thì sẽ được đánh giá tốt; ngược lại nếu cấp trên có những phản ánh không tốt về thực hiện công việc của họ, chê trách thì nhân viên sẽ hiểu là họ được đánh giá không tốt. Chỉ khi nào được quyền tự đánh giá thực hiện công việc của bản thân, nhân viên mới thể hiện một sự quan tâm nhất định đến những tiêu chí đánh giá chính họ và biết rõ được, thực hiện công việc như thế nào là tốt và như thế nào là chưa tốt và cần khắc phục.

Như vậy, có thể kết luận, tại đây nhân viên không thể hiện vai trò chủ động của mình trong công tác đánh giá, dù rất quan tâm. Tiêu chí đánh giá vẫn chưa được thể hiện rõ ràng cho nhân viên. Và bản thân công tác đánh giá hiện nay của công ty vẫn còn chung chung, chưa gắn liền với thực tế công việc của nhân viên, cấp trên là người đóng vai trò quyết định trong công tác đánh giá, và đánh giá vẫn còn mang tính chủ quan. Đây là điều mà công cụ KPO-KPI có thể khắc phục được, cụ thể sẽ được nêu ra ở phần sau.

Bây giờ, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét vai trò của cấp trên và các thành phần khác liên quan đến công tác đánh giá:

Một phần của tài liệu luận văn quản trị nhân lực CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG VIỆC CỦA NHÂN VIÊN (Trang 43 - 44)