6. Cấu trúc luận văn
3.1.1.2. Giáo dục, khoa cử
Giáo dục là một phương diện quan trọng để đánh giá mặt bằng trình độ tri thức của một quốc gia. Đồng thời giáo dục là một vấn đề cốt yếu là thước đo văn hóa cho một thời kì lịch sử nhất định.
Giáo dục Đại Việt dưới thời nhà Lý, chủ yếu là Phật học, nền Nho học có tồn tại song chưa phát huy. Sang thời đại nhà Trần, bên cạnh nền giáo dục Phật học thì nền giáo dục Nnho học có phần đi vào quy cũ, nề nếp. Quốc Tử
Giám trở thành trung tâm giáo dục của cả nước, được nâng cấp sửa sang vào năm 1253, cụ thể “đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Mạnh Tử, vẽ tranh thất thập nhị hiền để thờ, lại xuống chiếu với nho sĩ trong nước đến Quốc Tử Viện (tên mới của Văn miếu Quốc Tử Giám dưới thời nhà Trần) để nghe giảng Tứ thư và Ngũ kinh. Năm 1272 xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc Tử Giám, có thể giảng bàn Tứ thư, Ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách” [53, tr99]. Như vậy đủ để thấy thời đại nhà Trần giáo dục đã có một bước tiến mới. Bước tiến đó còn biểu hiện bên cạnh loại trường nho học cao cấp, còn ra đời một hệ thống trường nho học khác: trường phủ Thiên Trường, trường Lạn Kha thư viện, trường của Chiêu Quốc Vương Trần Ích Tắc, trường Cung Hoàng của Chu Văn An. Đến năm 1397 triều đình chính thức cho ra đời nhà học và chức học quan tại các phủ, lộ địa phương với mục đích “để giáo hóa dân chúng, giữ gìn phong tục, dạy bảo học trò, chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình” [53, tr100]. Thời đại nhà Trần lựa chọn được những bậc thầy tài giỏi, đặc biệt tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An - Xứng đáng thầy của mọi bậc thầy.
Cùng với nền Giáo dục là cơ chế khoa cử dưới thời nhà Trần như mở ra một bước ngoặt mới cùng với thời đại. Tiếp thu các loại hình thi cử từ thời nhà Lý như kì thi thái học sinh, thi tam giáo song dưới thời nhà Trần thi cử đã trở thành luật. Thi cử trở nên thường xuyên, niên hạn là 7 năm tổ chức thi một kì, chọn những người tài giỏi nhất phân bổ các trọng trách quan trọng trong triều đình. Trong suốt 175 năm tồn tại nhà Trần đã tổ chức “14 khoa thi (10 khoa chính thức và 4 khoa thi phụ), lấy đỗ 282 người đại khoa có học vị thái học sinh. Năm 1374 có tổ chức thi đình cho các Tiến sĩ, ba người đỗ đầu gọi là tam khôi: trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa (sau đó đặt thêm một học vị cao cấp gọi là hoàng giáp). Các vị tân khoa được vua trọng đãi: ban mũ áo, dự yến tiệc, dẫn đi thăm kinh thành Thăng Long 3 ngày. [53, tr.100].
Có thể nói chế độ khoa cử dưới thời nhà Trần xứng đáng là một thành tựu của văn hóa trong thời kỳ đầu xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ mà nổi bật nhất là sự công minh, khách quan, dân chủ. Nhờ đó, nhà Trần đã tuyển chọn được những gương mặt tài giỏi, sáng ngời đậu đại khoa tuy tuổi đời còn rất nhỏ, như: Trạng Nguyên Nguyễn Hiền (13 tuổi), Bảng nhãn Lê Văn Hưu (19 tuổi), Thám hoa Đặng La Ma (14 tuổi); Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn (18 tuổi). Họ đã được tin dùng và giữ những trọng trách khác nhau trong triều đình. Ở họ có điểm chung là sự đóng góp to lớn cho việc gìn giữ non sông, bảo vệ đất nước, góp phần lưu giữ nền văn hóa Đại Việt trường tồn.