Không gian kinh thành

Một phần của tài liệu Thế giới hình tượng trong bão táp triều trần từ góc nhìn văn hóa luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 40 - 47)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2.1.Không gian kinh thành

Bão táp triều Trần là bộ tiểu thuyết lịch sử không chỉ ghi lại những biến cố lịch sử, sự hưng vong, hùng cường, mạnh yếu của nhà Trần trong

vòng 175 năm ở đất kinh thành mà còn tái hiện không gian văn hóa kinh thành phong phú, đa dạng. Không gian kinh thành trong Bão táp triều Trần

được nhà văn nhìn từ nhiều góc độ: lúc tan tác tiêu điều lúc huy hoàng, rực rỡ, có lúc rất bình dị yên ả với những nét văn hóa truyền thống mang đậm tính dân gian với những tích trò, với những lễ hội mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Không gian kinh thành Thăng Long hiện lên ngay những trang đầu của cuốn Bão táp cung Đình. Đó là một không gian ảm đạm, thê lương bao trùm cảnh tang tóc của một triều đại suy tàn cuối đời nhà Lý. Hoàng thành đầy u tịch, tối tăm, tàn tạ. Đã bao lần Thăng Long vào hội nhưng chỉ có duy lần này hội diễn ra buồn tẻ chưa từng thấy trong lịch sử của đất đế đô. Ngày hội đăng quang vua mới “Phường phố vắng ngắt không một bóng người qua lại, chỉ thỉnh thoảng có một tốp lính tứ sương vác giáo đi tuần lặng lẽ (…) và ném vào cái không khí u tịch của kinh thành những tiếng vó ngựa khua đục đục, đều đều…. trong nội điện đèn lồng, bạch lạp thi nhau tỏa sáng giữa ban ngày. Một tờ chiếu vẽ rồng và mây ngũ sắc trải rộng trên mặt án thư phía hữu ngai vàng, có đóng dấu ấn của nhà vua” [16, tr27 - 28]. Mở đầu bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ bằng một không gian như thế, Hoàng Quốc Hải đã kín đáo chuyển tải một thông điệp tư tưởng. Đó là sự biểu hiện của một quy luật tất yếu có khởi đầu và kết thúc của một thời đại, sự khởi đầu luôn huy hoàng và kết thúc trong tẻ nhạt và thay vào đó là sự ra đời của triều đại mới với vai trò lịch sử mới, cáng đáng được các trọng trách của lịch sử phù hợp với thời cuộc. Hoàng Quốc Hải đã có một cái nhìn xác đáng khi dựng lên một không gian có sự nối tiếp. Sự suy tàn đó là cái nền để sản sinh ra một không gian mới tươi sáng, rạng rỡ hơn dưới triều đại nhà Trần. Đó là sự tiếp biến, và nhà Trần đã tiếp biến có chọn lọc, có kế thừa. Cái không khí đăng quang vua mới đã làm cho bá quan phải ngao ngán, thở dài trong đau xót khi nhìn cái “ngai vàng bỏ trống”. Đau đớn thay người nữ hoàng Chiêu Thánh cũng có sung sướng gì?

Cái danh nữ hoàng, Chiêu hoàng, nữ chúa dành cho một bé gái, 8 tuổi cùng với những áo mũ triều phục, lính tráng vây quanh, kẻ dạ, người thưa càng làm cho Chiêu Thánh chán ghét, bức bối. Thật ra đối với Chiêu Thánh đó chỉ là những thứ đồ chơi xấu xí. Không gian kinh thành được mở ra làm cho ai nấy chứng kiến đều cảm thấy đau đớn đến tột cùng. Đó như một dấu chấm hết của thời đại nhà Lý huy hoàng. Mặt khác mở ra một cơ hội mới cho những ai dám làm nên lịch sử? Từ không gian mang nặng sự đau thương về chính trị tác giả đã đan cài, lồng ghép vào đó không gian văn hóa với những trò chơi dân giã, đời thường, như: trò chơi ô ăn quan, đánh chuyền… Nơi kinh thành nghiêm trang bây giờ trở nên dân giã. Chính không gian đó đã làm giảm đi sự chán chường, căng thẳng, bộn bề trong lòng nữ chúa, trong lòng người mẹ đang quặn thắt những cơn đau vì trọng trách nhà Trần đã và đang đặt lên đôi vai gầy của mẹ con bà.

Không gian kinh thành Thăng Long được khởi sắc thật sự phải tính từ thời điểm Trần Cảnh vào cung làm chánh thủ để hầu cận và vua sai bảo. Vua vui tươi hẳn lên khiến không khí nơi kinh thành có phần bớt ảm đạm. Trần Cảnh như chiếc cầu nối giúp thiên tử được tiếp thu thêm nền văn hóa dân gian với những trò chơi quen thuộc để hai đứa trẻ vui vẻ, tinh nghịch, trả họ về đúng nghĩa của trẻ thơ trong sáng. Sự quyến luyến của hai đứa trẻ đã không che được ánh mắt của Thủ Độ. Đó là lí do chính đánh để Chiêu Thánh và Trần Cảnh nên duyên chồng vợ khi họ chỉ là những đứa trẻ. Như một lẽ đương nhiên sau khi kết hôn Chiêu Thánh nhường quyền nhiếp chính cho chồng là phải đạo, là chính đáng không ai có thể chống đối. Tờ chiếu nhường ngôi được ban ra. Lễ nhường ngôi là thời khắc chuyển giao triều đại, chuyển giao quyền lực, đồng thời mở ra một không gian mới cho đất nước Đại Việt cho kinh thành Thăng Long dưới bàn tay khéo léo của Trần Thủ Độ.

Thăng Long lại vào hội. Hội đăng quang, cả kinh thành như vừa thức dậy sau một trận ngủ mê dài dằng dặc. Quan lại được mời dự yến tiệc do vua ban tại điện Nghênh Xuân, và dự lễ hội bắt đầu cho một triều đại lẫy lừng được tổ chức tại Long Trì. Thăng Long tràn ngập trong sắc màu văn hóa dân gian hòa trộn với vũ nhạc cung đình. Những trò chơi dân gian bây giờ được tạo dựng lại hấp dẫn như cảnh chơi đèn kéo quân “Người ta dựng lên một nhà tròn có bánh xe đẩy. Trong nhà đèn đốt sáng choang, xung quanh trang trí những hình người cưỡi ngựa, bắn cung, những tướng lĩnh đấu võ, voi, hổ chạy đùa, chim cong nhảy múa, hạc đậu ngọn tùng… chia làm bốn tầng, mỗi tầng là một vòng tròn…Chiếc cửa cuốn bật ra để lộ một bầy vũ nữ xiêm y rực rỡ như tiên đang múa hát… dâng rượu…” [16, Tr128 - 129]. Nối tiếp các trò múa của các vũ nữ cung đình là tới trò bắn pháo bông, “Cây pháo cao mười hai tầng khuôn theo hình bảo tháp Đại thắng tư thiên ở chùa Sùng Khánh báo thiên, một phát pháo hiệu thăng thiên nổ tung trên nền trời sáng nhạt dưới ánh trăng mờ. Pháo nổ tung ra hàng ngàn mảnh sáng lấp lánh đủ sắc màu. Trống phách nổi lên đội múa lân xuất hiện….[16, Tr130]. Chưa đừng lại ở đó không gian kinh thành được mở ra với những tích trò. Đặc biệt tích trò bố cáo với thiên hạ một thời đại mới gắn với một triều đại mới. Triều đại nhà Trần với niên hiệu đầu tiên Kiến trung. Những trò chơi dân gian hay tích trò đều ngầm mang một thông điệp mà khi xem ai trong số những người chứng kiến đều thầm nghĩ “từ đây sẽ mở ra một thời kì sáng sủa”. Những tích trò tiếp theo đều được dàn dựng công phu, kỹ lưỡng nhằm mô phỏng lại những dấu ấn văn hóa truyền thống quen thuộc, gần gũi của một quốc gia nông nghiệp có vua sáng tôi hiền. Đó lá cảnh vua cày ruộng tịch điền, tiếp là chiếc thuyền đánh cá với hình ảnh ngư ông quăng chài. Rồi bác tiều phu đang ngồi nghỉ bên gánh củi, nông dân đang cày ruộng, nho sinh đọc sách… Những cảnh sinh hoạt dân giã như chăn tằm, xe tơ, dệt lụa. Cảnh sinh hoạt lễ hội dân gian, như: chọi gà,

vật, võ, đi kheo, thổi cơm thi… Qua đó ta thấy được ngòi bút của nhà văn thật tài tình khi miêu tả rất tỉ mỉ không gian văn hóa kinh thành Thăng Long trong buổi lễ đăng quang vua mới. Tác giả đã mượn những tích trò để tái hiện đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Đại Việt. Những tích trò như một kế hoạch của nhà Trần khi được trao nghiệp lớn. Trần Thủ Độ khi xem đã cảm động tới rơi nước mắt mà thốt lên “thế là trời trao nghiệp lớn cho nhà Trần. Thuận lòng trời, hợp ý dân” [16, tr132]. Sự chuyển giao quyền lực diễn ra trong sự chấp thuận của bá quan. Sứ mệnh lịch sử nhà Trần gánh vác hợp ý trời lòng dân. Có thể nói Thăng Long hôm nay đã thật sự vào hội. Niềm hân hoan nô nức đó không chỉ diễn ra ở chốn kinh thành mà náo nức cả đất đế đô từ triều đình cho tới dân chúng. Nhân dân vào hội với một niềm hi vọng dưới triều đại nhà Trần sẽ mở ra một thời kì sáng sủa, cuộc sống thanh bình, ấm no sẽ trở về với họ.

Quả là không phụ lòng mong đợi của bá quan trăm họ. Xã tắc dưới thời Vua Thái tông đã nhanh chóng đi vào qui cũ, nhân dân đã thấm nhuần ơn mưa móc của triều đình. Mặc cho chốn cung đình có xẩy ra nhiều biến cố, nhiều sóng gió có thể nói là gây cấn nhất trong lịch sử như sự lộn xộn trong hôn nhân dưới thời nhà Trần. Có nhiều ý kến cho rằng đây là cuộc loạn luân rầm rộ nhất trong lịch sử Việt Nam. Anh em lấy nhau, chị dâu lấy em chồng, cô cháu lấy nhau… Đáng chú ý là cuộc hôn nhân giữa Trần Cảnh và Thuận Thiên đã làm náo động cả kinh thành Thăng Long. Đã gây ra bao nỗi quặn thắt lòng người trong cuộc cũng như kẻ chứng kiến: Chiêu Thánh điên loạn, Trần Cảnh bỏ kinh thành ra đi, Thuận thiên bị ép buộc, Trần Liễu phải ôm mối hận thù cho tới chết. Quan lại trong triều bất bình, bàng hoàng trước những sự việc liên tiếp xẩy ra tại hoàng gia. Uất ức quá quan thừa chỉ đã dâng sớ vạch tội Trần Thủ Độ rồi bỏ kinh thành ra đi biệt tích. Đúng là một không gian bão táp nơi cung đình. Song những thành tựu thì không ai có thể

phủ nhận, dưới triều thánh tông đất nước thái bình, nhân dân no ấm. Từ đó những cái dư âm nơi cung đình cũng dần dần êm ả. Thăng Long lại thanh bình, trong hạnh phúc của trăm họ. Hội lớn thực sự trở lại với đất kinh kì khi nhà Trần mở khoa thi thái học sinh. Cả kinh thành như vào hội, sĩ tử thập phương đổ xô về, không khí trong nội triều nơi Quốc tử viện, ngoài phố xá trở nên náo nhiệt. Cũng qua đây chúng ta biết thêm người dân chốn kinh kì vô cùng thanh lịch và hiếu khách. “Họ chăng đèn, kết hoa, sửa sang nhà cửa… treo lại đèn lồng, soạn lại phòng văn…” [16, tr348]. Tất cả kinh thành cùng vui niềm vui của một quốc gia qua kì thi tuyển chọn người tài. Cái không gian đó như đẩy lùi một thời kì bão táp nơi cung đình và mở ra một cánh cửa mới cho thời đại nhà Trần. Vượng khí của thời kỳ mới đã được Hoàng Quốc Hải hé mở qua một không gian hội hè của đất kinh kì trước lúc kêt thúc những cuộc bão táp dữ dội nơi cung đình “Thăng Long lại vào hội, kinh thành như rực rỡ hẳn lên. Từ phố phường tới cung cấm, đền đài, đình tạ. Đâu đâu cũng giăng mắc cờ hội, cờ phớn, đèn lồng, đèn kéo quân... Các giáo phường múa thâu đêm, người xem chen chúc như nêm…” [16, tr375]. Không gian kinh thành thực sự hồi sinh sau cơn ngủ mê để lịch sử làm công việc chuyển giao triều đại. Thời của nhà Trần đất nước lại đi vào qui cũ, với niềm phấn chấn của toàn dân. Nơi nơi vui mừng. Kinh thành vào hội trong niềm hân hoan. Văn hóa Đại Việt có sự hòa trộn giữa văn hóa dân gian và văn hóa cung đình. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống cho dân tộc. Miêu tả lễ hội truyền thống tại đất Thăng Long nhà văn đang mở ra một không gian rộng theo nguyên lý lan tỏa, phát triển, mở rộng. Sở dĩ nói như vậy bởi Thăng Long vào hội không phải dành riêng cho tầng lớp bình dân hay quý tộc mà cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Không gian tiếp tục được mở ra không chỉ vì lễ, vì hội, vì nghe hát xướng mà thú vị hơn kích thích trí tò mò của người dân hơn khi nơi cung cấm mở cửa trưng bày của hồi môn cho công chúa

Thiên Thành và đồ dẫn cưới của nhà Trung Thành Vương. Trang sức ngọc ngà, châu báu, lụa là, gấm vóc…càng tôn lên vẻ giàu sang nơi chốn quyền môn, điểm thêm vào dòng chảy văn hóa Đại Việt những nét văn hóa đẹp đẽ của một triều đại đang lên, đó là thái độ ứng xử dân chủ, bình đăng – một trong những nguyên nhân làm nên sự hưng thịnh của nhà Trần nhiều năm sau đó.

Không gian văn hóa Thăng Long thời thịnh trị huy hoàng hay trong cơn binh lửa đều giữ được bản sắc độc đáo. Khi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 diễn ra, kinh thành Thăng Long trở nên u tịch, vắng vẻ, nhưng không mất đi vẻ nguy nga tráng lệ vốn có. Nó đã khiến Trấn Nam Vương Thoát Hoan vừa bước tới đã choáng ngợp. Hình ảnh các cung thất, điện đài thời vua Dụ tông xây cất trong cuốn Vương triều sụp đổ, là một công trình mang giá trị văn hóa lớn, “một công trình kì công và được xem là một kiệt tác của con người trên thế gian. Nóc điện chính cao gần bằng tháp tòa Báo thiên, là ngọn tháp cao nhất Thăng Long. Trên nóc đắp hai con rồng, vây cẩn toàn bằng ngọc bích, hai mắt là hai viên ngọc minh châu to như hai cái đấu. Mái điện lợp mái lưu li men vàng. Những màu sắc, vàng ngọc ấy, ngày bắt ánh nắng mặt trời, đêm bắt ánh nắng trăng sao, luôn tỏa ra những thứ màu huyền ảo, khiến ta có cảm giác đây là một tòa điện từ chốn thiên tiên rơi xuống Thăng Long. Các hàng cột hành lang to tới ba người ôm, đều được bọc bằng vàng dát mỏng. Những bức trạm trên các khung cửa là những công trình tinh xảo. Mỗi bức trạm là một cảnh sinh hoạt trong tứ dân. Lại có cả một bức trạm liên hoàn chạy theo bốn mặt của tòa điện, nói về các trận phá quân Nguyên thời Trùng hưng” [21, tr108], Nội điện lộng lẫy nguy nga, không tả xiết những đồ trưng bày, sang trọng, sơn son, thiếp vàng, vườn ngự, như một kì công với núi non, ao hồ nhân tạo, tạo thành một cái thế “cửu long tranh châu” hàng trăm cây cầu vòng nhỏ, rồi có ba cây vồng cầu lớn, cây cối đủ loại.

Không gian kinh thành trở thành một công trình nghệ thuật hài hòa giữa kiến trúc, hội họa, điêu khắc…

Tái hiện một cách chân thực sinh động không gian văn hóa nơi kinh thành Thăng Long thời nhà Trần, Hoàng Quốc Hải đã thể hiện rõ ý đồ phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống bằng hình tượng văn học. Thành công của việc khắc họa không gian văn hóa kinh thành góp phần làm nên tính hấp dẫn, sức khái quát lớn lao của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Thế giới hình tượng trong bão táp triều trần từ góc nhìn văn hóa luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 40 - 47)