Tôn giáo, tín ngưỡng

Một phần của tài liệu Thế giới hình tượng trong bão táp triều trần từ góc nhìn văn hóa luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 81 - 82)

6. Cấu trúc luận văn

3.1.1.1.Tôn giáo, tín ngưỡng

Tôn giáo tồn tại như một thực thể khách quan của lịch sử. Tôn giáo do con người sáng tạo ra. “Trong mỗi tôn giáo có hai yếu tố: cái trần tục và cái thiêng liêng” [86, tr97]. Tôn giáo có quan hệ mật thiết tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa xã hội. Dưới triều đại nhà Trần trong xã hội tồn tại cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo. Đó là thời kỳ tam giáo đồng nguyên. “Nhà Trần chủ trương chính sách văn hóa khoan dung hòa hợp và chung sống hòa bình giữa các tín ngưỡng tôn giáo…Trên nền tảng đó đạo giáo và đặc biệt phật giáo được tôn sùng” [53, tr95].

Nho giáo có mặt ở Việt Nam từ rất sớm.Tuy nhiên phải đến nhà Trần thì tầng lớp nho sĩ mới thực sự trở thành một lực lượng của xã hội. Nếu nhà Lý có công sáng lập Quốc Tử Giám, Văn miếu, lập ra chế độ khoa cử theo nội dung nho giáo thì nhà Trần là triều đại tiếp tục hoàn tất và đưa nho giáo lên một vị trí chính thống trong quản lý nhà nước và cơ sở để xét định mặt tri thức của xã hội. Trần Thái tông đã nói “bậc đại thánh và bậc đại sư đời trước không khác gì nhau. Như thế đủ biết đạo giáo của đức phật phải nhờ đến tiên thánh mà truyền lại cho đời”.

Phật giáo, theo Trần Quốc Vượng “Phật giáo là một tôn giáo ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến xã hội Việt Nam, phật giáo với tư cách là một tôn giáo, một thành tố văn hóa có ảnh hưởng đậm nét đến các thành tố khác của văn hóa Việt Nam” [86, tr86]. Dưới thời đại nhà Trần Phật giáo là một tôn giáo đang phát triển, được chuyển tiếp từ thời nhà Lý. Có thể nói dưới hai triều đại Lý – Trần Phật giáo phát triển đến đỉnh cao với tư cách là một tôn giáo, có khi đã trở thành quốc giáo. Hầu hết các vua Lý đến các Vua Trần như Trần Thái tông, Trần Thánh tông, Trần Nhân tôn,… đều sùng đạo Phật, cho xây dựng chùa tháp, xây tượng đúc chuông ở khắp nơi. Ở thời nhà Trần Phật giáo tồn tại ba tông phái chủ yếu: Tịnh độ tông thờ đức Adiđà; phái Mật tông; Thiền tông. Trong phái Thiền tông có hai phái chính: Phái thảo đường sáng lập thời nhà Lý và phái phổ biến hơn là phái Trúc Lâm do Trần Nhân tông sáng lập. Ông chủ trương “Sống với đời, vui với đạo”.

Bên cạnh tôn giáo, tín ngưỡng là biểu hiện đầu tiên của sinh hoạt văn hóa nhằm mục đích tìm về cội nguồn của con người, giữ gìn và tự cải tạo bản thân con người trong mối tương tác với thiên nhiên. Theo Đào Duy Anh: “Tín ngưỡng là ngưỡng mộ, mê tín đối với một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa”. Dưới thời nhà Trần các tín ngưỡng dân gian cổ truyền tiếp tục phát triển, như: tín ngưỡng thờ cúng thần linh, vật linh, tục thờ mẫu, tục sùng bái anh hùng pha trộn với đạo giáo được phát triển tự do và khuyến khích.

Một phần của tài liệu Thế giới hình tượng trong bão táp triều trần từ góc nhìn văn hóa luận văn thạc sĩ ngữ văn (Trang 81 - 82)