6. Cấu trúc luận văn
2.1.2.2. Không gian làng quê, trang ấp
Bão táp triều Trần không chỉ phục dựng lại không gian văn hóa nơi kinh thành mà điểm nhìn không gian còn được xê dịch đến các làng quê, trang ấp. Nhờ đó, đọc tác phẩm ta hình dung được một bức tranh hoàn chỉnh về đất nước trong thời đại nhà Trần. Nhà văn hóa học Hà Lan J.Huizinga đã nói “Một đặc điểm quan trọng nhất của trò chơi là có một không gian cách biệt với đời sống thường, một không gian khép kín mà trong đó trò chơi được thực hiện” [64, tr118]. Trong cái nhìn không gian theo quy luật khép kín không gian làng quê, trang ấp giống như một hậu phương vững chắc để làm mọi công tác chuẩn bị, chế tác, tập luyện, trú ẩn, luận bàn… mỗi khi đất nước có họa ngoại xâm. Trong thời bình thì không gian làng quê, trang ấp là nơi lưu giữ phát triển, các giá trị văn hóa của dân tộc. Nơi đó còn mở ra một không gian sống thanh bình yên ả để họ trở về, ghé thăm sau mỗi chuyến đi xa, khi cuộc sống có những nỗi niềm trắc ẩn.
Trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258, vùng quê Bình Lệ Nguyên vốn dĩ yên ả, thanh bình với những ruộng đồng, bãi bồi phù sa màu mỡ có “đồng ruộng, bãi ngô mướt một màu xanh nói lên sự trù phú no đủ của dân quê quanh vùng.” [17, tr218]. Xen lẫn vào đó là cuộc sống với những ngôi làng chìm sau lũy tre ngút ngát. Nếu như không có chiến tranh, không có nạn Nguyên Mông thì cuộc sống nơi đây mãi cứ nhịp
nhàng ngày qua ngày diễn ra giống nhau. Thế nhưng Bình Lệ Nguyên bây giờ không còn là một vùng quê yên ả, giặc Nguyên Mông tràn vào. Vua Thái tông đã chọn vùng quê này kéo quân lên bày trận “nào voi chiến, ngựa chiến, máy bắn đá, quân thủy, quân bộ, nhà vua đích thân làm tướng chỉ huy chiến trận…” [17, tr218]. Làng quê, dòng sông của mảnh đất này từ đây đã đi vào lịch sử ghi dấu những phút thăng trầm, tiến lui, thua thắng giữa ta và địch. Nó không còn im lìm như quá khứ mà đã cùng con người, dân tộc góp sức vào một cuộc chiến đấu oai hùng mở màn cho một cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông trong sử sách Đại Việt dưới thời đại nhà Trần.
Theo Iu. Lốtman không gian nghệ thuật còn là không gian điểm, không gian tuyến. Hoàng Quốc Hải đã phục dựng không gian làng quê, trang ấp nhà Trần theo quan điểm này. Từ đồng bằng đến miền núi, từ kinh thành đô hội đến Yên tử xa xôi, u tịch vv… Nhưng cái không gian trang ấp, làng quê mà chúng tôi muốn nói ở đây chính là các trang ấp như ấp Tịnh Bang, ấp An Sinh, hay Thái ấp của tiểu tướng Quốc Toản… Các trang ấp như hội tụ đầy đủ mọi bức tranh của làng quê, đồng thời mở ra cho người đọc những giá trị, tác dụng đích thực mà nhà văn hướng tới.Vận dụng lí luận không gian tuyến, không gian mặt phẳng để miêu tả các trang ấp đã làm nên thành công lớn trong cách xây dựng điểm nhìn không gian của nhà văn, đặc biệt trong cuốn
Thăng Long nổi giận. Trang ấp với nghĩa vốn có là tư gia của các gia đình quyền quý. Trang ấp cũng có thể là nơi nghĩ dưỡng để tránh sự ồn ào chốn phồn hoa. Bởi vậy nói đến trang ấp gắn liền với làng quê, là nói tới nơi rộng rãi, yên bình. Trang ấp dưới thời nhà Trần không đơn thuần như thế. Làng quê, cùng với các trang ấp dưới ngòi bút Hoàng Quốc Hải đã cho người đọc như tận mắt chứng kiến cái không khí nhộn nhịp, hùng tráng, khẩn truơng từ tầng lớp nông nô trực tiếp lao động sản xuất tạo ra lương thực, thực phẩm đến việc binh, việc quân, việc nước đều được luận bàn tại đây. Ấp An Sinh của
Hưng Đạo Đại Vương là trang ấp điển hình trong các hoạt động sản xuất, chế tác, huấn luyện từ thời bình đến thời chiến. Đọc những trang văn miêu tả các hoạt động tại đây mà lòng không thể không xúc động bởi tấm lòng, tài năng của vị thống tướng. Thời bình Hưng Đạo luôn trăn trở cái lợi cho dân, làm cho dân giàu, nước mới mạnh. Giặc giã tràn vào ông lại trăn trở làm sao để dân no, dân ấm, dân tin; làm sao để khơi dậy trong dân lòng tự tôn dân tộc, ý chí quật cường chống lại kẻ thù hùng mạnh. Những trăn trở suy tư, đều đã biến thành những hành động cụ thể. Trang ấp Hưng Đạo đang sục sôi từ tuớng đến quân sĩ một lòng dốc sức vào những việc cốt yếu chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại giặc Nguyên Mông. Một không khí hăng hái, đầy nhiệt huyết cho thấy được toàn dân đến toàn quân đã quyết tâm không đội trời chung với lũ giặc cướp nước. Từ dân binh luyện tập “chỗ kéo co, chỗ vật, chỗ chạy, chỗ bơi, lặn. Lại có đám tập leo trèo cây cao, cây to, bám chuyền trên các cành cây khẳng khiu, chuyền từ cây này sang cây khác, rồi vác nặng, leo núi, buộc túi cát vào hai bắp chân tập nhảy cao” [18, tr109]. Không gian trang ấp bây giờ với không khí đó trở thành một thao trường luyện võ, từ dân binh đến tinh binh chuyên nghiệp. Trang ấp không chỉ là hậu phương đơn thuần mà rộn ràng, nhộn nhịp, họ tập tành với ý chí quyết tâm, với lòng tự tôn dân tộc, và vì chính họ. Tại trang ấp An sinh nhà văn còn tái hiện lại không khí đúc rèn, chế tác vũ khí, các hoạt động sản xuất cũng không kém phần khẩn trương, tấp nập. Minh chứng là các ấp trại của các nông phu được Hưng Đạo chia sẻ ruộng đất, nhà nào nhà nấy thóc lúa thừa ăn, nhân dân no đủ. Họ vui mừng cái ơn lớn của đại vương. Đó là kế sách cố kết lòng dân sau này được in thành sách trong “Phú quốc cường binh”.
Không gian nơi trang ấp An Sinh là hình ảnh thu nhỏ cho cả một dân tộc. Ngoài việc chuẩn bị, tập luyện, nơi đây còn là địa điểm để vua tôi nhà Trần luận bàn các vấn đề cơ mật quốc gia an toàn hơn cả nơi triều hội tại
Thăng Long “Hai vua lần này thị sát mạn đông và đông bắc ghé thăm ấp An sinh và hội kiến với Hưng Đạo việc quân quốc trọng sự. Cuộc hội kiến giữ kín như bưng. Chỉ có hai vua, Trần Quốc Tuấn và Trần Nhật Duật” [18, tr152]. Cũng chính từ chuyến đi thị sát và hội đàm này hai vua mới biết được tình hình nơi làng quê, thôn ấp đặc biệt là Ấp An Sinh và Ấp Tịnh Bang đã làm bao điều quan yếu chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông mà ngay cả triều đình chưa làm được. Công lao tạo lòng tin, làm cho dân no, dân đủ, và khơi dậy ý chí cho nhân dân, quân sĩ tại hai ấp không ai khác ngoài Hưng Đạo Đại Vương. Cuộc thử nghiệm đã mang lại thành công mĩ mãn tại ấp An Sinh và các điều trong “phú quốc cường binh” đã có sức lan tỏa tới ấp Tịnh Bang. Sức lan tỏa đó có sức mạnh thật sự khi Thái Tông khẳng định “tất cả những điều nằm trong kế sách của vương huynh, phải trở thành quốc sách của nhà nước Đại Việt” [18, tr183].
Quả là sức mạnh toàn dân là sức mạnh ghê ghớm nhất. Sự đoàn kết, tinh thần cổ vũ, là sức mạnh khiến kẻ thù nào cũng phải khiếp sợ. Tích góp kinh nghiệm xương máu từ bao đời, bao dân tộc, bao ý kiến của quân lính, tướng sĩ tại Ấp An Sinh, Trần Quốc Tuấn đã thâu tóm lại trong “phú quốc cường binh”. Sách đã trở trở thành quốc sách ban bố trong cả nước hết thảy nhân dân nơi làng quê, xóm ấp đều hồ hởi bởi ơn mưa móc của vua ban. Một không khí nơi làng quê và mọi trang ấp chưa bao giờ có: “Các cụ già đến tám, chín mươi tuổi đều nói: từ thượng cổ chưa có lệ này, chưa bao giờ vua lo cho dân nhiều đến thế. Nhà nhà có ruộng. Người người chăm lo cấy cày, vun bón, lúa tốt chưa từng thấy… khắp bốn phương trai tráng đều ra sức rèn luyện, võ vật, kiếm, cung, đao, tượng, quyền, cước, bơi lội, không thiếu môn gì trong bát môn võ nghệ mà đinh tráng không tham gia tập tành, thi tuyển, nuờm nượp các tiểu hoàng nam, đại hoàng nam đến cửa các vương hầu xin tuyển vào tinh binh.” [18, tr199 - 200]. Không gian tại ấp An Sinh đã lan tỏa tới
Tịnh Bang, thái ấp của tiểu tướng Quốc Toản và tất cả các trang ấp khác của giới quý tộc, quan lại trong nước. Đúng là hưng sức dân thì nước sẽ mạnh. Bất cứ thời nào đoàn kết sẽ là sức mạnh vượt qua mọi chông gai. Bài học hôm nay khởi xướng từ ấp An Sinh của Hưng Đạo sẽ đi vào lịch sử và có giá trị với mọi thời đại.
Không gian trang ấp, làng quê dưới cảm quan của nhà văn Hoàng Quốc Hải thật sự làm cho người đọc có một cái nhìn sâu rộng hơn về đời sống văn hóa thời Trần, đồng thời cũng giải thích được vì sao chúng ta lại chiến thắng giặc Nguyên. Đó chính là hưng sức dân thế nước sẽ mạnh.