6. Cấu trúc luận văn
2.1.2.3. Không gian chiến trận
Một phương diện khác tạo ra không khí oai hùng, không khí Đông A chỉ thời nhà Trần mới có. Đó chính là không gian chiến trận. Bộ tiểu thuyết lịch sử đã tái hiện lại triều đại nhà Trần ba lần anh dũng đánh thắng quân Nguyên Mông, lũ giặc cướp mà dưới gầm trời này từ Âu sang Á chúng đã xâm lược không trừ một quốc gia nào. Việc tái hiện lịch sử bằng hình tượng nghệ thuật như là một cách để nhà văn Hoàng Quốc Hải bổ sung cho lịch sử, làm cho lịch sử trở nên mền mại, gần gũi và đi vào lòng người đọc một cách dễ dàng hơn trong quá trình tiếp nhận. Việc phục dựng lại không gian chiến trận là công việc không dễ. Nhà văn Hoàng Công Khanh khi tiếp cận để suy ngẫm về bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần đã khẳng định “bằng trí tưởng tượng phong phú cộng với tri thức và sự nghiên cứu công phu Hoàng Quốc Hải đã bù đắp lịch sử để từ sự thật lịch sử thăng hoa thành sự thực nghệ thuật. Tác phẩm anh mang tính sử thi khi vẽ lên bức tranh hoành tráng của triều đại Đông A từ buổi bình minh tới buổi hoàng hôn trong vòng gần hai trăm năm, có một không gian rộng lớn…” [58, tr18].
Thành công của tác giả là phục dựng lịch sự dựa trên những vấn đề cơ bản có thật, kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật tiểu thuyết đã tạo ra một
không gian chiến trận thời nhà Trần mang đậm hào khí Đông A. Hoàng Quốc Hải đã thể hiện một khả năng bao quát, sắp đặt và đặc biệt là miêu tả diễn biến không gian chiến trận. Đọc tác phẩm, trước mắt người đọc như đang hiện lên những thước phim quay chậm. Mỗi khung cảnh là một điểm nhìn không gian khác nhau, mỗi không gian lại phù hợp với mỗi nhân vật, họ như mang cả hồn thiêng sông núi, lòng tự tôn dân tộc không chỉ trong trận đánh mà cả giấc ngủ, bữa cơm. Chẳng hạn Trần Thủ Độ, Trần Quốc Tuấn, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Toản vv… Với họ đi tới đâu, làm gì thì chí khí bảo vệ đất nước, chống giặc ngoại xâm, không gian nơi chiến trường đã theo họ len lõi vào giấc ngủ, bữa cơm, cuộc sống. Không gian chiến trận được nhà văn nhìn từ không gian điểm. Mỗi trận đánh đều được khoanh vùng, gắn liền với những địa điểm, trận mạc, địa danh có thật. Không gian điểm nhiều khi chia không gian trong mối quan hệ đối lập nhau. Đối lập để thống nhất. Không gian trong và ngoài, thắng và thua, ta và địch.
Trở lại không gian chiến trận trong Bão táp triều Trần ta thấy nhà văn đã giành hơn một ngàn trang sách trong ba cuốn Đuổi quân Mông thát Thăng Long nổi giận, Huyết chiến Bạch Đằng để phục dựng, tái hiện lại một không gian chiến trận hừng hực của quân và dân dưới thời nhà Trần. Qua đó ta thấy tài năng của nhà tiểu thuyết lịch sử khi phục dựng không gian trong lịch sử. Cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất, Bình Lệ Nguyên là địa đỉểm đầu tiên mà Vua Trần Thái tôn chọn làm địa điểm để bày binh bố trận chống lại giặc Nguyên Mông dưới trướng chỉ huy của Ngột – lương – hợp – thai vào tháng 12 năm 1257. cuộc giao tranh đầu tiên diễn ra trong không khí chiến trận đầy khí thế: “Quân ta nổi kèn thúc trống bắn pháo thăng thiên, nhất loạt rải tên độc từ các nỏ liên châu trên bành voi, trên mình ngựa (…) người ngựa quân địch chết vô số kể. Giặc vẫn không hề nao núng nườm nượp sang sông….chúng cho cả ngàn con ngựa xông thẳng vào đàn voi đang chắn phía
trước như bức tường thành…quân bộ của ta cung, tên, giáo mác đứng phía sau voi bắn, đâm, xỉa, chém không để sót một tên giặc nào ngã ngựa…” Giặc sang sông quân ta cũng rút lui về Phù Lỗ, lập phòng tuyến mới. tại đây Thái tôn hạ lệnh phá cầu Phù Lỗ trao quyền cản giặc cho tướng Phú Lương Hầu. Vua tiếp tục xuôi thuyền về Thăng Long. Giặc càng tiến ta càng lùi. Lùi để chiếm thế thắng, lùi để phản công đánh gọn địch. Bên cạnh khí thế ba quân trên dưới một lòng, thì thời nhà Trần luôn luôn xuất hiện những nhân tướng hào kiệt, bản lĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống quân nguyên lần thứ nhất thái sư Trần Thủ Độ là linh hồn cho mọi trận đánh. Không tham gia trực tiếp trong trận Bình Lệ Nguyên nhưng thế giặc lại được thái sư nắm rõ trong lòng bàn tay. Trước sức uy hiếp của giặc Nguyên, vua tôi nhà Trần có phần nao núng. Trong tình thế đó thái sư khẳng định “Đầu thần chưa rơi thì bệ hạ khỏi lo” câu nói như khẳng định tài thao lược cũng như lời thôi thúc ý chí của ba quân. Quân nhà Trần tiếp tục kế hoãn binh lui về Thiên Mạc lừa giặc. Tại Quy Hóa ba ngàn quân triều đình do Trần Quốc Tuấn thống lĩnh kết hợp với hai vị đầu mục Hà Bỗng và Hà Khuất tiếp tục dùng bẫy đá mai phục chặn giặc. Trần Quốc Tuấn tiếp tục chặn quân tiếp lương, gom hết lương đốt trụi, bắt sống trói tay, bắt quay trở về đất Đại Lý. Tướng giặc Đoàn Hưng Trí bối rối lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Mục đích bắt sông vua Trần không thành, Ngột – lương – hợp – thai tức giận quát mắng, tướng Triệu – triệu đô tự uống thuốc độc tự tử. Không gian chiến trận trở nên hừng hực khí thế trong cuộc kháng chiến chống nhà Nguyên Mông lần hai và ba. Nhà văn đã giành hai cuốn sách, dốc hết bút lực để phục dựng lại một không gian chiến trận mang đẫm màu sắc văn hóa, thấm đẫm tinh thần yêu nước, tình đoàn kết, nhất trí của quân và dân nhà Trần. Nét mực trên mỗi trang văn như thấm máu của ông cha để ngòi bút cứ tuôn trào trong mạch nguồn cảm xúc. Những dấu tích về lịch sử cách đây hơn bảy thế kỷ hiện ra trước mắt người
đọc từng cảnh, từng màn, từng trận giao tranh giữa ta và địch. Tại trận Nội Bàng nhà văn đã phục dựng lại một cảnh trong không gian chiến trận khi cả hai bên ta và địch đang giao tranh dữ dội “Mặt trời càng lên cao hai bên đánh nhau càng quyết liệt. Khi giặc lọt vào khe hẻm núi rừng có quân phục kích, thường là chúng không lùi, lớp trước ngã, lớp sau vọt lên. Gặp khi có bẫy đá từ hai sườn núi lăn xuống, quân giặc chết như ngã rạ, chúng không lấy xác nhau, không lấy cả khí giới mà dùng thây người ngựa lót đường đi. Quân ta cự địch từ đầu giờ sửu đến đầu giờ thìn giết có tới hàng nghìn tên giặc trên ải. Máu người máu ngựa chảy thành dòng lênh láng. Máu nhuộm tím cả một vùng cỏ cây. Mùi máu tanh lợm, mùi khói hỏa pháo cay xè. Từng cơn lốc bụi bởi người ngựa quần đảo bốc lên phủ kín cả một vùng trời. Lại ầm ầm trong tiếng ngựa hí dài, tiếng hò la thét lác, tiếng rống như bò bị chọc tiết của những tên lính Mông Cổ trúng lao. Tiếng rên, tiếng khóc của những tên bị thương chưa chết hẳn, tiếng hét thất thanh của những tên bị đá đuổi chưa kịp tránh, thì ngựa giẫm trúng mặt. Thúc giục hơn nữa là tiếng khèn xung trận của quân Mông – Thát (…) tiếng trống đồng của quân ta, ném vào mặt quân thù lớp lớp những sóng âm như búa bổ. Tất cả những âm thanh, màu sắc, mùi vị đều chìm trong trăm ngàn ngọn lửa reo phần phật cùng với tiếng tre nứa, chum vại nổ lép bép lốp đốp từ vạn mái nhà do dân tự đốt khi quân triều đình vừa rút khỏi. Thế là trận tuyến lửa ngăn giữa quân ta và quân thù đùng đùng nổi dậy, và khói nung chín đen cả một vùng trời” [18, tr402 - 403]. Bấy lâu chúng ta vẫn được biết về hào khí Đông A thời nhà Trần qua những dữ liệu lịch sử. Nhưng chắc chắn một điều rằng chỉ qua những trang tiểu thuyết của Hoàng Quốc Hải mới thật sự cho người tiếp nhận một cảm giác hào sảng từ không khí chiến trận oai hùng đó. Diễn biến của cuộc giao tranh dưới ngòi bút của nhà văn diễn ra nhanh, mạnh, dồn dập, một không khí trận mạc đầy sinh động, cụ thể. Các loại vũ khí của quân ta mang đậm màu sắc văn hóa Việt: đá,
tre, nứa, trống đồng... những thứ vũ khí bình thường mà làm nên cái phi thường trong trận chiến. Không khí chiến đấu như vang dội hơn khi nhà văn cho tấu lên một bản nhạc vang ca của sự hòa trộn các loại âm thanh từ vũ khí, phương tiện, ngân lên trong quá trình giao chiến. Điểm đáng chú ý ở không gian chiến trận trong tiểu thuyết Hoàng Quốc Hải so với với lịch sử là ngoài những chi tiết, tình tiết, các sự kiện, diễn biến không khí chiến trận còn có cả những suy nghĩ, trăn trở, của người trong cuộc. Điều đó sẽ chuyển tải đến với người đọc cách đánh giá, nhìn nhận, thẩm định tính ác liệt của trận đánh rõ ràng, khách quan hơn.
Không khí chiến trận càng đậm chất bi hùng khi Trần Hưng Đạo nói lời vĩnh biệt tướng Tần Sầm thống thiết, khiến mọi người cảm động. Một sự thôi thúc từ trong huyết mạch mỗi người lính ý chí giết giặc sục sôi, trước linh cửu đồng đội ngã xuống vì giang sơn. Tất cả đồng lòng hứa “tướng sĩ đồng lòng giết giặc Thát thật nhiều để trả thù cho người anh hùng vừa ngả xuống, mọi người đều giơ cánh tay trần lên trời hô: Sát Thát! Sát Thát! S…a…t Th…a… t! Tiếng hô rung chuyển cả núi rừng. Trong hàng vạn cánh tay giơ lên kia, không một cánh tay nào không lóa xanh hai chữ SÁT THÁT” [18, tr430]. Cuộc kháng chiến lần thứ hai ngày càng ác liệt không gian chiến trận được mở rộng. Cả nước là chiến trường, từ biên ải đến đồng bằng, từ trang ấp làng quê đến kinh thành tráng lệ... Cả Thăng Long bừng bừng nổi giận quân cướp nước khi chúng biến những cung điện nguy nga, trang trọng, nơi thờ cúng dòng tộc, kết tụ linh thiêng núi sông trở thành nơi hành lạc cho bọn vô lương. Những việc làm bỉ ổi, cộng với thái độ hống hách, bạo ngược của Trấn Nam Vương cùng lũ tay sai tạo thêm động lực, ý chí để Hưng Đạo Đại Vương cố kết ba quân, kích thích tinh thần đuổi giặc biến bại thành thắng, yếu thành mạnh. Ván cờ giữa quân Nguyên và quân nhà Trần lần lược được mở ra tại các trận địa Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử, Thăng Long, Như Nguyệt.
Đây được xem như các trận địa lửa, cửa tử giành để chôn quân giặc. Tại Tây Kết Nhân tông chỉ huy cử tướng Nguyễn Khoái lĩnh ấn tiên phong, dẫn quân vào Tây kết. Quân ta làm chủ thế trận giặc hoang mang vì bị đánh bất ngờ, quân ta xiết chặt vòng vây, Toa Đô bị lấy đầu, Trương Hiến đầu hàng. Khí thế kháng chiến được miêu tả thật sục sôi, lòng căm tức bấy lâu nay trong lòng tướng sĩ như có cơ hội được trút bỏ “Quốc Toản lại dẫn quân lao vào trận (...) dẫn đầu chiến thuyền xông thẳng vào đám giặc đang quay cuồng, như một đống lá bị cuốn vào trung tâm vùng nước xoáy. Một vòng đã khép kín. Tiếng hô sát thát vang khắp mặt sông. Quân ta nhảy ùa qua thuyền giặc đánh giáp lá cà… sử dụng đao, búa, hoặc túm lấy giặc mà đùn, đẩy, ... tới nửa chiều thì giặc tan. Chiến trường lặng ngắt, không một âm thanh. Trên mặt sông lập lờ trôi những cán giáo gãy, những áo quần, cờ xí, những mảnh buồm, những ván thuyền, và đó đây những chiếc thuyền chìm còn thoi thóp lên chiếc cột đơn côi, như những nén hương khổng lồ cắm rải khắp một khoảng sông dài, tựa như một bãi tha ma dưới nước. Và dòng sông đỏ lựng màu máu cứ lững lờ trôi xuôi.” [18, tr582 - 583]. Quả là nhà văn vừa tái hiện lại lịch sử vừa miêu tả những thực tế đã diễn ta trong lịch sử vừa phục dựng lại một không gian chiến trận oai hùng của quân và dân nhà Trần.
Những trận đánh đã đi vào lịch sử, ghi dấu vào dòng văn hóa Việt Nam lưu danh muôn thủa. Đó là Hàm Tử Quan, là Chương Dương Độ, trong cảm xúc sục sôi phát ra từ cõi tâm Trần Quang Khải. Chiến công nối tiếp chiến công, quân dân nhà Trần kéo quân về Thăng Long, ở đó có những con người đã trở nên bất tử. An Tư đã hi sinh tình yêu đầu đời nồng cháy với Chiêu Thành Vương vào trại giặc giữ chân Thoát Hoan. Và hôm nay chính nàng cùng Yến Ly đã châm ngòi khai chiến trận Thăng Long bất tử. Họ xứng đáng là những liệt nữ ái quốc. Giặc chạy theo đường sông Như Nguyệt, dòng sông
đã đi vào lịch sử ghi dấu những chiến công, những chứng tích của của dân tộc vào dòng văn hóa Đại Việt.
Cuộc kháng chiến lần hai chống quân Nguyên thành công. Một lần nữa ghi danh tên các anh hùng hi sinh, những anh hùng trở về trong tiếng khải hoàn hòa vào dòng chảy văn hóa để lưu danh hậu thế. Bài học bảo vệ đất nước dưới thời nhà Trần qua cảm quan của nhà tiểu thuyết lịch sử sẽ mãi mãi là bài học quý giá cho mọi thế hệ Việt Nam noi theo.
Để tái hiện một thời binh đao đầy hiển hách, ác liệt cũng như phản ánh trọn vẹn bức tranh chiến trận của thời đại Đông A oai hùng, nhà văn Hoàng Quốc Hải còn dựng lại khung cảnh chiến trận bi hùng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba trong cuốn Huyết chiến Bạch Đằng. Cuộc chiến này có quy mô và tầm cỡ lớn nhất trong ba cuộc chiến mà thiên tử nhà đại Nguyên cử thái tử Thoát Hoan và các tướng lĩnh có tầm cỡ cất binh Nam chinh Đại Việt. Được mệnh danh là đội quan nhà trời, chưa từng bại trận, nhưng nhà Nguyên hai lần cất binh đánh Đại Việt thì cả hai đều nhận kết quả thảm hại. Bài học đó vẫn chưa cảnh tỉnh thói ngạo mãn, hống hách của bọn giặc phương Bắc. Càng thua chúng càng nuôi chí phục thù. Đó là nguyên nhân dẫn đến cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ ba đi vào dòng chảy lịch sử - văn hóa Đại Việt như một mốc son chói lọi. Cuộc chiến diễn ra càng khẳng định tinh thần đoàn kết của nhân dân Đại Việt từ vua đến dân, từ tướng sĩ đến binh lính. Có thể nói chưa có một quốc gia nào, một thời đại nào mà từ vua đến dân, người người, nhà nhà ra trận. Khí thế đó như kết tinh từ thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, hội tụ ở thời đại nhà Trần để làm nên một Bạch Đằng tạc vào sông núi. Hoàng Quốc Hải đã đặc biệt thành công khi phục dựng cuộc chiến trên sông Bạch Đằng. Dưới ngòi bút của ông, một không gian chiến trận hào hùng biểu hiện cho hào khí Đông A đã hiện lên sống động, thấm đẫm cảm xúc tự hào, kiêu hãnh của người dân Đại Việt “Đúng lúc
hai bên bờ sông dân binh nổi trống đồng, trống cái, lại thêm tiếng khèn, tiếng tù và rúc inh ỏi, tiếng hô “sát thát” vang vang. …lúc này quân ta xông vào hỗn chiến với quân giặc. Thuyền nhỏ dễ len lách trong các hàng cọc, quân ta dùng cầu liêm giật dứt cổ từng tên giặc, dùng dáo cán dài xỉa giặc …cuối cùng đổ bộ lên thuyền giặc dùng mã tấu, đoản bao mà đâm mà chém, hàng chục thuyền giặc lao vào bãi cọc ven bờ, cọc xuyên thủng, thuyền không nhúc nhích, giặc lóp nhóp kéo nhau lên bờ. Phạm Ngũ Lão ém binh chờ giặc từ lâu. Khi chúng vừa ló cổ lên đã bị quân ta chém rụng đầu, hàng trăm chiếc đầu cùng rụng một lúc, máu vọt lên thành dòng tươi đỏ, giặc bị chém lớp này đến lớp khác… lập tức hàng ngàn tay cung nỏ từ trên bờ bắn xuống. Dòng sông lúc này đã biến thành dòng sông máu đỏ lòm. Lửa vẫn cháy hừng hực, quân ta quân địch vẫn đang hỗn chiến. Tiếng sắt thép chém vào sắt thép nghe ghê rợn, tiếng kích gãy, tiếng đao chém khi thì bay đầu khi thì bay binh khí giặc (…)