0
Tải bản đầy đủ (.doc) (118 trang)

Thời gian sự kiện

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG TRONG BÃO TÁP TRIỀU TRẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN (Trang 65 -65 )

6. Cấu trúc luận văn

2.2.2.1. Thời gian sự kiện

Thời gian sự kiện là một chuỗi liên tục các sự kiện trong quan hệ liên tục trước sau, nhân quả. Có ý kiến còn gọi đây là thời gian lịch sử. Nó được tính theo độ dài. Với cách hiểu này, thời gian sự kiện trong Bão táp Triều Trần là một khoảng thời gian kéo dài trong vòng 175 năm tính từ năm 1225 khi Trần Cảnh lên ngôi đến 1400 bị Hồ Quý Ly cướp ngôi.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã tái hiện lịch sử theo một chiều dài thời gian xuyên suốt 175 năm. Với quan niện ban đầu của tác giả, là viết tiểu

thuyết lịch sử về triều đại nhà Trần không liên hoàn, không theo các mốc thời gian của các sự kiện diễn ra trước viết trước, diễn ra sau viết sau theo một tình tự lịch đại. Bộ tiểu thuyết được phục dựng dựa trên những lát cắt của lịch sử. Tác giả tập trung xoay quanh các vấn đề trọng yếu có tác động trực tiếp đến sự hưng vong của triều đại, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia dân tộc. Nhưng sau khi đã hoàn thành bốn tập của bộ sách vào năm 2003, dựa vào những lát cắt cơ bản của lịch sử nhà văn thấy còn nhiều sự kiện quan trọng chưa được phục dựng, cung cấp cho người đọc. Do đó trong suốt nhiều năm ông lại miệt mài viết tiếp hai tập trên một ngàn trang sách. Việc bổ sung hai tập sách đã cho người đọc hình dung thời đại nhà Trần một cách liên hoàn hơn. Có thể nói, sáu tập là sáu lát cắt lớn được tập trung miêu tả trong vòng xoáy các sự kiện nối tiếp nhau.

Thời gian sự kiện trong Bão táp cung đình, được nhà văn tập trung miêu tả gắn với một giai đoạn kéo dài 26 năm, từ năm 1225 đến năm 1251. Nó được mở đầu bằng sự kiện chuyển giao quyền lực từ nhà Lý sang nhà Trần, một cuộc chuyển giao không có binh đao, máu lửa. Nó được mở đầu “Vào một đêm cuối tháng 11 năm Ất Dậu (1225), trời tối mù mịt, gió rèt căm căm. Trần Thủ Độ đem hết gia thuộc vào cung cấm rồi sai đóng chặt cửa thành lại (…) lệnh truyền “Nội bất xuất ngoại bất nhập” Vào một đêm như thế quan thái phó Phùng Tá Chu được triệu vào cung” [16, tr103]. Cuộc chuyển giao hoàn tất, nghiệp lớn đã thuộc về nhà Trần chỉ diễn ra trong vòng một tháng. Một cuộc chuyển giao chính trị diễn ra nhanh ngọn, êm ái nhất trong lịch sử Việt Nam. Không sa vào lan man, kể chuyện lịch sử, Hoàng Quốc Hải tập trung vào những sự kiện mang tính chất quan yếu. Ở đó gắn liền với công, tội của con người có công sáng lập ra triều đại nhà Trần – Trần Thủ Độ, với một cái nhìn khách quan, công tư phân minh. Như vậy ở đây, Hoàng Quốc Hải không chỉ tái dựng lịch sử mà còn đánh giá, nhìn nhận lịch sử theo quan

điểm của riêng mình. Đó là điều cần có, phải có ở một nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử. Theo dòng sự kiện, Hoàng Quốc Hải tập trung khắc họa quá trình trưởng thành về tư chất, đạo đức của vị vua đầu tiên cho đế nghiệp nhà Trần - Trần Thái tôn (Trần Cảnh) “Thấm thoát Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng được năm năm. Trần Cảnh là người tỏ ra khoan nhân… ham mãi học hành. Sự học của Cảnh vừa sâu vừa rộng” [16, tr177]; “Thấm thoát Trần Cảnh được Chiêu Hoàng nhường ngôi gần chục năm. (…) Phải nói nhà vua là người kiên tâm học hành lại chịu khó tham bác ý kiến các bậc quốc sĩ, các bậc trọng thần, biết nghe lời khuyên của người trên, kẻ dưới” [16, tr201]. Hai sáu năm khởi đầu đế nghiệp nhà Trần đã có bao sóng gió nơi chốn cung đình. Nhưng thành quả về văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị trong bước đầu khởi nghiệp của nhà Trần không thể phủ nhận. Trần Cảnh ngày càng tỏ ra là một ông vua sáng biết vỗ về, chăn dân, lo cho cuộc sống của nhân dân. Bởi thế nhà vua đã cùng Thủ Độ phục hưng nền kinh tế, văn hóa Đại Việt, trở thành một quốc gia cường thịnh trong khu vực. Nhân dân hưởng được ơn mưa móc từ triều đình ban xuống, cuộc sống đi vào quỹ đạo. Xã tắc thái bình. Trong vòng hai mươi sáu năm nhà Trần không chỉ giành được giang sơn mà còn phục hưng, cải tổ lại một xã hội có luật lệ: san định lại sách luật dựa trên những bộ luật ưu việt thời Lý có bổ sung, quy hoạch lại Thăng Long thành sáu mốt phường, qui định đường, trạm, tuyến giao thông. Và một sự kiện góp phần quan trọng trực tiếp đến việc hưng thế nước đó là tổ chức kì thi Thái học sinh, kén chọn người tài cho đất nước. Lát cắt lịch sử thứ nhất được kết thúc bằng sự kiện Thăng Long vào hội và hoàng thượng cho mở cửa kinh thành để dân chúng Thăng Long được vào cung chiêm ngưỡng các lễ vật của hồi môn và sính lễ dẫn cưới của Thiên Thành Công chúa. Bên cạnh đó là sự kiện nhà văn miêu tả dòng tâm trạng Quốc Tuấn đang trong tình trạng bi kịch khi phải chứng kiến cuộc hợp hôn giữa người yêu với Trung Thành Vương do chính

hoàng thượng chủ hôn. Cũng như tâm trạng rối bời, đang chờ đợi môt điều kì diệu gì đó có thể xẩy ra để thay đổi thực tại của nàng.

Lát cắt lịch sử thứ hai về triều đại nhà Trần được nhà văn phản ánh trong cuốn Đuổi quân Mông Thát từ năm 1252 đến năm 1279. Sự kiện mở đầu trong lát cắt lịch sử này là đám cưới của Thiên Thành và Quốc Tuấn. Tiếp đó là Vương Liễu thất lộc. Trần Thái tông cất quân chinh phạt Chiêm Thành. Cử Quốc Tuấn lên trấn giữ biên thùy phối hợp với các trại chủ như Hà Khuất, Hà Bổng để bảo vệ biên giới, thu thập thông tin ngoại bang. Có thể nói thời gian sự kiện xoay quanh lát cắt lịch sử này chính là cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất của quân và dân nhà Trần vào năm 1257. Với âm mưu thôn tính Đại Việt để mở đường Nam chinh thu phục hết các quốc gia phía Nam, nhà Đại Nguyên đã hai lần cử sứ sang dụ hàng Đại Việt đều không thấy về. Ngột – lương – hợp – thai đã quyết định cất quân nam chinh đánh phá Đại Việt. Thời gian sự kiện được nhà văn miêu tả như chùng lại, cuộc kháng chiến nổ ra không phải là tính bằng mốc lịch sử, mà các sự kiện được tác giả cập nhật từng giờ, buổi, ngày “Ngày mồng mười tháng chạp quân ta sẵn sàng xung trận …cũng ngày mười tháng chạp, hậu quân của ta ở hạ lưu do Thái Úy Trần Nhật Hiệu cầm đầu có các tướng Phạm cụ Chính, Phú Lương hầu phụ tá đã bày xong trận”[17, tr218], “Ngày mười một tháng chạp du binh Mông Cổ đã tới bến sông đối ngạn với Bình Lệ Nguyên bắn tên xuống thăm dò nông sâu” [17, tr218], “Từ chiều quân thám của ta về báo giặc tụ quân phía thượng lưu tả ngạn cách Bình Lệ Nguyên dăm chục dặm… khoàng cuối giờ Tý, quân Thám của ta từ Thượng Lưu tế ngựa chạy về Bình Lệ Nguyên tâu báo…[17, tr220]. “Rạng sáng ngày 23 tháng chạp Ngột – lương – hợp – thai, nhận được mật thư của Đoàn Hưng Trí ... suốt ngày 23 tháng chạp Ngột – lương – hợp – thai, suy nghĩ rất lung” [17, tr222]. Phía Đại Việt ngày 23 tháng chạp là một ngày quan trọng nếu không có giặc giã xâm

lược thì mọi người hôm nay đang quay quần bên gia đình để làm lễ tiễn táo quân về trời lo liệu, chuẩn bị đón tết Nguyên Đán. Thời khắc lúc này rất quan trọng, thời gian như đang tính từng phút từng giây, quân dân nhà trần quyết định bủa vây địch vào ngày 23 tháng chạp để mọi người sum họp gia đình đón tết “Hỡi các ngươi đồng tâm nhất trí vua tôi một lòng sống chết cùng nhau quyết giữ lấy giang sơn, bờ cõi thì hãy cùng giơ tay lên thề cùng với thiêng liêng sông núi” [17, tr223]. Đuổi quân Thát ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Đó cũng là thời điểm Thái tôn lui về làm thái Thượng Hoàng. Trao quyền nhiếp chính cho con là Thái tử Trần Hoảng vào tháng 2 năm 1258. Làm thái thượng hoàng 20 năm thì Thái tôn băng hà. Một năm sau Trần Thánh tông nhường ngôi cho con là Thái Tử Khẩm lui về làm Thái thượng hoàng. Từ góc nhìn văn hóa, các sự kiện lịch sử đã được tái hiện gắn liền với những biến cố lớn lao trong lịch sử, văn hóa Đại Việt. Ở đó nhiều phong tục, tập quán, nhiều nghi lễ, ứng xử đã được phục dựng. Tất cả đều toát lên một không khí dân chủ, bình đẳng.

Tiếp dòng sự kiện lịch sử là cuộc kháng chiến của quân dân Đại Việt chống cuộc xâm lược lần thứ hai của Nguyên Mông. Biến cố lớn lao này được tác giả gói gọn trong cuốn Thăng Long nổi giận. Tác phẩm đã phục dựng một thời đại hừng hực hào khí Đông A của nhà Trần. Ở đó nhà văn đã miêu tả các biến cố lịch sử, dẫn đến các sự kiện, diễn biến của từng trận đánh của ta và địch. Mặc dù ở cuốn sách này tác giả viết về một giai đoạn rất ngắn chỉ vẻn vẹn bốn năm từ 1282 đến 1285. Song trong bốn năm đã khẳng định tài năng, tinh thần, sức mạnh Đại Việt trong việc chống giặc, bảo vệ từng tấc đất của ông cha. Thời gian sự kiện trong cuốn Thăng Long nổi giận được tái hiện cụ thể, chính xác tại từng thời điểm, từng kế hoạch trước lúc diễn ra trận đánh “Cuối giờ dần ngày hai mươi tháng tám, các quân được lần lượt gọi vào diễu hành tại bến Đông Bộ Đầu” [18, tr346]. Cuộc tổng duyệt như để chứng

tỏ cái chí khí sắt đá, cái sức mạnh ba quân trong toàn cõi Đại Việt. Nó như một màn khởi đầu cho sự đại thắng quân giặc hung hăng. Tiếp sau cuộc tổng duyệt toàn quân là “Lời tuyên triệu các bậc bô lão về triều hội vào ngày mùng bảy tháng chạp, tại điện Diên Hồng cứ vang lên từ làng này sang xã kia” [18, tr374]. Rồi cái ngày đó cũng tới, các bô lão trong cả nước đã tề tựu đông đủ. Trong khí thế của ba quân, của cả dân tộc đang phẫn uất vì bọn giặc Nguyên bạo ngược muốn tàn phá, xâm chiếm Đại Việt thì điện Diên Hồng cũng rung chuyển vang dậy khi nhà vua hỏi nên hàng hay nên đánh? “Đánh! Đánh! Tiếng hô ầm vang thống thiết như sóng cồn bão tố. điện Diên Hồng nơi biểu hiện ý chí của muôn dân đang nổi cơn thịnh nộ” [18, tr379]. Những dòng sự kiện được ghi lại như minh chứng cho một thời đại oai hùng, cho sự cố kết lòng dân. Những dòng sự kiện này mãi mãi sẽ trường tồn cùng với văn hóa Đại Việt. Dòng sự kiện tiếp tục được miêu tả với những trận chiến quyết liệt giữa ta và địch. Hàng loạt sự kiện nối tiếp nhau với chiến thắng vang dội trên các mặt trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương rồi tiến về Thăng Long đuổi giặc chiếm lại kinh thành, truy quét giặc tới tận sông Như Nguyệt.

Lát cắt tiếp theo cũng được tạo dựng lại trong dòng cảm thức các sự kiện của chiến trận khi nhà Đại Nguyên bảo thủ không chịu chấp nhận sự thật cay đắng thất bại hai lần trước Đại Việt nhỏ bé. Chúng lại cất quân sang đánh chiếm nước ta với một lực lượng, một quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dòng sự kiện được miêu tả sống động trong cuốn Huyết chiến Bạch Đằng. Cuốn sách được tác giả tập trung trong một giai đoạn lịch sử ngắn nhất trong sáu cuốn. Các sự kiện diễn ra trong vòng 3 năm 1286 đến 1288. Sự kiện bắt đầu với việc triều đình nhà Trần sau đại thắng quân Nguyên Mông về bái yết Sơn Lăng nơi có phần mộ tổ tông ở thái đường, sau đó là làm lễ hiến phù, lễ cầu siêu cho tất cả những anh hùng đã bỏ mạng vì nước. Và tiếp đó là công cuộc chấn hưng cuộc sống cho nhân dân trăm họ sau chiến tranh. Kết thúc ở

sự kiện mang tính chất huyết mạch Đại thắng ở trận Bạch Đằng vang dội. Với gần sáu trăm trang sách, người đọc phần nào hình dung được sự xuất hiện các sự kiện dày đặc đến mức nào. Chuỗi thời gian sự kiện chính gắn liền với không gian chiến trận, được dịch chuyển, miêu tả, ghi lại rất cụ thể. Đấy là trận Huyết chiến Bạch Đằng qua ngòi bút Hoàng Quốc Hải “Từ sáng tinh mơ thượng tướng Trần Nhật Duật đã ra bên sông xem trận địa và quan sát thời tiết” [19, tr248], “Khoảng giờ thìn quân viễn thám báo về” từ cuối giờ tý sớm nay, hết thảy quân giặc đã chuyển quân, mã, bộ, thủy hết thảy đều theo đường sông Thao tiến xuống Bạch Hạc (…) tin quân thám đưa về từng khắc giờ …” [19, tr277 - 278]; “Khoảng giữa giờ hợi, quân thám báo về giặc chỉ cách Bạch Hạc non hai chục dặm” [19, tr277]. Nhờ theo dõi, cân nhắc từng khắc giờ mà quân ta đã phán đoán, nắm được các thông tin của giặc nên chủ động trong phản công giành thắng lợi lẫy lừng tại Bạch Hạc. Hàng loạt sự kiện tiếp tục được diễn ra liên tục. Chiến thắng dồn dập được báo về từ trận Vân Đồn, Cửa vạn, Bái Tử Long. Toàn bộ lực lượng giặc bằng đường thủy tải quân lương đã bị quân ta chôn vùi xuống đáy sông, đáy biển. Thừa thắng ta tiếp tục nhử giặc rút khỏi Vạn Kiếp, Nội Bàng, Thăng Long, giặp truy đuổi và ta dồn về bao vây đợi giặc tại Bạch Đằng. Cuộc kháng chiến toàn thắng. Đây được xem là trận đại thắng oanh liệt nhất, góp phần làm rạng danh, thanh thế nhà Trần. Cũng từ trận đánh này nhà Nguyên Mông không còn dám dòm ngó Đại Việt.

Lát cắt thứ năm, cuốn Huyền Trân Công chúa được viết trong giai đoạn lịch sử khoảng 7 năm từ năm 1300 khi Thượng hoàng Nhân tông nhường ngôi cho con là Trần Anh tông đến kết thúc là cái chết của quốc vương Chăm Pa Chế Mân, 1307. Bảy năm dưới sự trị vì của Vua Anh tông đất nước ít có biến động về chính trị. Song nhà Trần muốn xác lập một nền chính trị bang giao thời bình, tạo sức mạnh thống nhất. Đồng thời nhà Trần còn mong muốn tạo mối quan hệ để nhân dân có cuộc sống thanh bình, an cư và hạnh phúc. Thời

kỳ này triều đại nhà Trần còn đánh dấu một sự kiện quan trọng đó là thượng hoàng Nhân tông trao toàn bộ quyền bính cho Nhân tông và vào Yên Tử sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm. Để mở rộng mối quan hệ giao bang cũng như tìm hiều về nền văn hóa của các nước lân bang. Thượng hoàng thực hiện một chuyến hành trình vào Chiêm quốc kéo dài 11 tháng theo lời mời của sứ đoàn Chiêm. Chính chuyến đi này là cơ sở tạo ra cuộc hôn nhân giữa Huyền Trân và Chế Mân. Sự kiện được xem là trung tâm cho cả cuốn sách. Sự kiện đó ghi dấu vào dòng văn hóa Đại Việt gắn với sự ra đời của Phật giáo Thiền tông. Bên cạnh cuộc hôn nhân mang tính chất chính trị bang giao, Huyền Trân về Chiêm còn là chiếc cầu nối giao lưu, tiếp biến về mặt văn hóa.

Nhát cắt lịch sử cuối cùng được nhà văn dành tâm huyến thể hiện trong cuốn Vương Triều sụp đổ. Cuốn sách ghi lại dòng sự kiện dài nhất trong sáu cuốn. Với gần sáu trăm trang sách ghi lại toàn bộ xã hội buổi hoàng hôn của nhà Trần trong vòng 60 năm, từ năm 1341 đến 1400. Đây là giai đoạn có nhiều đời vua nhất. Giai đoạn đánh dấu sự xuống dốc trầm trọng khi vua tôi chỉ biết ăn chơi xa đọa, vô đạo, bất chính kể từ vua Dụ tông. Để rồi dẫn đến sự sụp đỗ không thể cưỡng lại được. Bằng việc tái hiện chân thực giai đoạn lịch sử ấy, Hoàng Quốc Hải đã góp phần lý giải vì sao nhà Trần sụp đổ. Khi nhà vua không nghe lời trung thần, chỉ thích nghe gian thần nịnh hót, xa dân, sa đọa, sự sụp đổ là tất yếu. Đó là quy luật cho mọi vương triều.

Với sáu tập sách Hoàng Quốc Hải đã tái hiện toàn bộ xã hội Đại Việt

Một phần của tài liệu THẾ GIỚI HÌNH TƯỢNG TRONG BÃO TÁP TRIỀU TRẦN TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN (Trang 65 -65 )

×