1- Tổng tài sản
1.3.1 Nhân tố chủ quan
1.3.1.1 Chính sách tài chính
Chính sách tài chính của doanh nghiệp bao gồm các chính sách về huy động và sử dụng vốn, kiểm soát chi phí, phân bổ ngân sách doanh nghiệp… trong đó chính sách về vốn là quan trọng nhất. Vốn đóng vai trò quan trọng kể từ khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động và cũng là yếu tố chủ chốt quyết định quy mô của doanh nghiệp. Ngoài ra vốn còn giúp doanh nghiệp chống đỡ rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Vốn thấp hạn chế doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và mang lại nhiều rủi ro. Vốn đóng vai trò gián tiếp trong việc hình thành nên tài sản và khi có tài sản rồi vốn lại là nhân tố tác động đến hiệu quả hoạt động của tài sản nói riêng và hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung. Hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ cải thiện đáng kể nếu doanh nghiệp biết sử dụng vốn để đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận khoa học công nghệ hiện đại… điều này giúp doanh nghiệp quản lý chi phí tốt hơn, như vậy hiệu quả hoạt động sẽ được cải thiện đáng kể.
Có nhiều phương pháp để doanh nghiệp có thể huy động vốn như: huy động vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bao gồm vốn góp ban đầu, lợi nhuận không phân chia, phát hành cổ phiếu mới...hoặc huy động vốn vay từ tín dụng ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng thương mại…Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm nhất định.
Với vốn chủ sở hữu: ưu điểm cơ bản của nguồn vốn này là chi phí huy động vốn thấp, vì là vốn của chính doanh nghiệp nên không tốn các khoản chi phí khác, vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nên chủ đầu tư có toàn quyền
chủ động quyết định sử dụng chúng mà không gặp phải bất cứ một sự cản trở nào. Mặt khác, nguồn vốn huy động từ nội bộ thường có chi phí cơ hội thấp do đó an toàn hơn cho chủ đầu tư trong quá trình đầu tư. Tuy nhiên nếu gia tăng quá lớn tỷ lệ tài trợ từ nguồn nội bộ thì có thể dẫn đến một số bất lợi như: làm suy giảm khả năng tài chính hiện tại của công ty do đó có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ các hoạt động khác của công ty. Mặt khác, nếu xem xét theo quan điểm kinh tế thì chi phí của nguồn vốn nội bộ được đo lường bằng chi phí cơ hội, tức là những khoản lợi nhuận này nếu không giữ lại doanh nghiệp mà chi trả cho cổ đông và họ dùng nó để đầu tư thu lợi nhuận tại nơi khác cao hơn, như vậy, khi dùng nguồn vốn nội bộ cần xem xét chi phí cơ hội.
Với nguồn vốn vay: Tài trợ hoạt động doanh nghiệp thông qua huy động vốn vay cho phép chủ doanh nghiệp nắm quyền kiểm soát toàn bộ hoạt động doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp có quyền tự đưa ra tất cả quyết định mà không phải báo cáo cho các cổ đông hoặc nhà đầu tư. Và chủ doanh nghiệp sẽ sở hữu toàn bộ lợi nhuận của doanh nghiệp. Mặt khác lãi suất bạn phải trả trên khoản vay được xem là chi phí hợp lệ và được khấu trừ thuế. Khoản khấu trừ này là một phần trong lợi nhuận của doanh nghiệp và giúp giảm số tiền doanh nghiệp đóng thuế hàng năm. Ngoài ra chủ nợ của doanh nghiệp không được hưởng khoản chia lợi nhuận của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải chịu áp lực lớn của gánh nặng nợ nần dẫn đến việc phải hy sinh nhiều lợi ích để thanh toán các khoản lãi vay đồng thời để mất tự chủ trong kinh doanh, khó khăn trong việc ra các quyết định kinh doanh. Với khoản vốn vay này doanh nghiệp phải trả lãi cho các khoản tiền đã vay, do đó chi phí huy động vốn lớn.
1.3.1.2 Chất lượng sản phẩm, dịch vụ
Chất lượng sản phẩm, dịch vụ là nhân tố có ý nghĩa sống còn đối với mọi doanh nghiệp. Chất lượng sản phẩm dịch vụ thường có quan hệ tỷ lệ
thuận với giá bán sản phẩm, dịch vụ. Trên thị trường có rất nhiều sản phẩm cùng loại, người tiêu dùng luôn mong muốn lựa chọn hàng hóa có chất lượng cao và giá cả hợp lý. Do đó, chất lượng hàng hóa là nhân tố kích thích tiêu thụ và mở rộng thị phần trong cạnh tranh.
Để nâng cao được năng lực cạnh tranh thì các doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ cao luôn mang lại uy tín cho doanh nghiệp. Đồng thời, để cải thiện doanh thu bán hàng, nâng cao lợi nhuận và gia tăng sức cạnh tranh cũng như cải thiện hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp thì nâng cao chất lượng là một sự lựa chọn hợp lý và hiệu quả. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thường dẫn tới giá sản phẩm, dịch vụ tăng do sự gia tăng các chi phí đầu tư vào quá trình sản xuất kinh doanh, nếu giá cả tăng quá cao có thể dẫn tới sự phản đối của khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp cần phải tổ chức hiệu quả quá trình sản xuất để sản phẩm, dịch vụ không những có chất lượng cao mà còn giá cả phù hợp.
1.3.1.3 Giá bán sản phẩm, dịch vụ
Giá bán sản phẩm, dịch vụ là sự biểu hiện bằng tiền của giá trị sản phẩm, dịch vụ hàng hóa đó. Giá sản phẩm, dịch vụ có tác động lớn tới quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và có tác động trực tiếp tới doanh thu thu được từ việc tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ đó. Do đó, việc xác định giá cho sản phẩm và dịch vụ hợp lý có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ và góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trong doanh nghiệp.
Khi doanh nghiệp định giá bán cho sản phẩm, dịch vụ thì cần cân nhắc tới nhiểu yếu tố. Chính sách giá của doanh nghiệp phải linh hoạt, nhạy bén, phù hợp với đặc điểm của từng thị trường và khách hàng khác nhau. Về việc định giá về nguyên tắc phải thỏa mãn được những yêu cầu quan trọng như:
đảm bảo doanh nghiệp bù đắp được chi phí sản xuất, tiêu thụ giúp cho doanh nghiệp thu được mọt mức lợi nhuận nhất định, phải phù hợp với quan hệ cung cầu của sản phẩm, dịch vụ và phải được người tiêu dùng chấp nhận. Đồng thời, giá cả sản phẩm, dịch vụ cần được xem xét trong mối quan hệ với giá cả sản phẩm, dịch vụ của sản phẩm cạnh tranh. Tuy nhiên, chính sách giá có thể linh hoạt tùy thuộc vào vị trí của doanh nghiệp trong từng lĩnh vực ngành nghề khác nhau, từng khách hàng khác nhau, thời điểm khác nhau.
1.3.1.4 Mẫu mã hàng hóa
Ngoài chất lượng, giá bán doanh nghiệp cũng cần quan tâm tới mẫu mã, màu sắc cũng như hình dáng bên ngoài của sản phẩm, dịch vụ. Có thể cùng chất lượng như nhau, giá bán như nhau nhưng khác nhau về mẫu mã dẫn đến sự khác biệt đáng kể về khối lượng tiêu thụ cũng như doanh thu bán hàng. Do vậy, các doanh nghiệp cần có sự quan tâm thích đáng tới mẫu mã hàng hóa qua đó góp phần nâng cao được hiệu quả kinh doanh.
1.3.1.5 Cơ sở vật chất kỹ thuật
Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, công nghệ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của sản xuất, kinh doanh, là cơ sở đề doanh nghiệp khẳng định vị trí của mình trên thị trường. Sự thay đổi của công nghệ tác động tới doanh nghiệp theo nhiều khía cạnh khác nhau, đặc biệt nó không tách rời khỏi yếu tố con người. Hơn nữa yếu tố con người còn quyết định sự thành công hay thất bại của những thay đổi lớn trong công nghệ.
Công nghệ và đổi mới công nghệ là động lực, là nhân tố của sự phát triển trong các doanh nghiệp. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến cho phép các doanh nghiệp cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm của mình đồng thời cũng là tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí tạo điều kiện cho hạ giá thành sản phẩm.
Căn cứ vào đặc trưng của công nghệ cũng như nhu cầu cần thiết của việc đổi mới công nghệ thì mục đích chính và quan trọng hơn cả là đổi mới
công nghệ nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao, duy trì và phát triển doanh nghiệp ngày càng đi lên.
1.3.1.6 Chất lượng nguồn nhân lực
Lao động là một trong những nguồn lực cơ bản nhất và là yếu tố không thể thiếu trong mọi quá trình sản xuất kinh doanh. Con người là một trong những nguồn lực quan trọng của sản xuất, đặc biệt yếu tố lao động đã đóng góp đáng kể vào hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý là làm thế nào để khai thác và phát huy được tiềm năng của con người trong sản xuất kinh doanh. Chúng ta biết rằng, máy móc thiệt bị dù có hiện đại đến đâu cũng phải phù hợp với trình độ tổ chức, trình độ kỹ thuật, trình độ sử dụng của con người thì mới phát huy được tác dụng.
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp, lực lượng lao động của doanh nghiệp tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả kinh tế ở các mặt:
- Thứ nhất: bằng lao động sáng tạo của mình tạo ra công nghệ mới, thiết bị máy móc, nguyên vật liệu mới... có hiệu quả hơn trước hoặc cải tiến kỹ thuật nâng cao năng xuất, hiệu quả so với trước.
- Thứ hai: Trực tiếp điều khiển máy móc thiết bị tạo ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Hiệu quả của quá trình này thể hiện ở việc tận dụng công suất của thiết bị máy móc, tận dụng nguyên vật liệu trực tiếp làm tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả tại nơi làm việc.
- Thứ ba: Lao động phải có kỷ luật, chấp hành đúng mọi quy định về thời gian, quy trình sản xuất sản phẩm … dẫn đến kết quả tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả mà còn tăng độ bền vững, giảm chi phí sửa chữa của thiết bị máy móc... Ngoài ra chất lượng sản phẩm còn phụ thuộc rất lớn vào ý thức, trách nhiệm, tinh thần hợp tác, khả năng thích ứng với nhưng thay đổi, nắm bắt thông tin của mọi thành viên trong doanh nghiệp.
Chăm lo đến việc đào tạo, bỗi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ lao động được coi là nhiệm vụ hàng đầu và không thể thiếu được của mỗi doanh nghiệp. Hiện nay và thực tế cho thấy những doanh nghiệp mạnh trên thương trường thế giới là những doanh nghiệp có đội ngũ lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi, có tác phong làm việc khoa học và có kỷ luật lao động nghiêm minh.
Mặt khác, ngoài lực lượng lao động thì chất lượng nguồn nhân lực của đội ngũ các nhà quản lý doanh nghiệp cũng cần phải được nâng cao. Năng lực, tầm nhìn của các nhà lãnh đạo là một trong những yếu tố quyết định tới thành công của một công ty.