Ảnh hưởng của phân bón đến số cành trên cây của các giống lạc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón NPK đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống lạc tại vùng đất cát ven biển sau khi khai thác quặng titan ở xã thạch văn thạch hà hà tĩnh trong vụ xuân 2015 (Trang 63 - 66)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

3.5. Ảnh hưởng của phân bón đến số cành trên cây của các giống lạc

Khả năng đâm cành của lạc khá lớn, nhất là những giống thuộc loại thân bò. Những giống này có thể có 4 – 7 cấp cành với tổng số cành có thể đạt 20 – 30 cành. Loài phụ Fastigiata có số cành ít hơn: thường chỉ có 2 – 3 cấp cành với tổng số cành 6 – 12.

Ở nước ta, các giống lạc trồng chủ yếu thuộc nhóm thân đứng, thường chỉ có 2 cấp cành với tổng số cành từ 6 – 10 cành, số lượng cành phụ thuộc khá lớn vào điều kiện ngoại cảnh, đối với những giống lạc được trồng phổ biến ở nước ta (nhóm spanish và một số thuộc nhóm valenxia) quy luật phân cành của lạc như sau:

Cành cấp 1: thường có khoảng 2 – 6 cành, thường xuất hiện khi lạc có 3 lá thật. Cành thứ 3 và 4 xuất hiện khi lạc có 5 – 6 lá trên thân chính. Cành 5 và 6 xuất hiện khi lạc chuẩn bị ra hoa (thân chính 7 – 8 lá).

Cành cấp 2: thường trên cây lạc có thể có 4 cành cấp 2 mọc trên 2 cành số 1 và 2. Cành thứ 2 thường ngắn, thường khó nhận biết. Tổng số cành cấp 2 cũng rất ít quan sát thấy vượt quá 4 cành. Trong nhiều trường hợp do biện pháp canh tác không tốt có thể chỉ có 2 cành cấp 2 hoặc không có. Cành cấp 2 thường xuất hiện khi thân chính có 6 – 8 lá tới khi lạc ra hoa thì cũng kết thúc sự xuất hiện cành cấp 2.

Số cành trên cây lạc có liên quan trực tiếp đến số quả. Cành trực tiếp là cành quả, vì vậy cành phát triển khỏe sẽ cho nhiều hoa, nhiều quả. Số hoa và số quả ở ở cặp cành cấp 1 đầu tiên và cành cấp 2 thường chiếm khoảng 50 – 70% tổng số hoa, quả của cây. Đếm tổng số cành trên cây vào thời kì thu hoạch được thể hiện qua bảng 3.5.

Khi nghĩ đến số cành người ta nghĩ đến số hoa và số lá. Đặc biệt khi nói đến cành cấp 1 thứ nhất, cành cấp 1 thứ 2 và cành cấp 2 ở các cấp cành này chiếm 60 – 70% số hoa và chiếm tới 89 – 90% số quả chắc trên cây, theo dõi các chỉ tiêu này, chúng tôi có nhận xét như sau:

Số cành cấp 1: Giống có số cành đạt cao nhất là giống L26 đạt trung bình 4,9 cành/cây, tiếp đến là giống lạc L20 có số cành cấp 1 trung bình đạt 4,6 cành, thấp nhất là giống L14 đạt 4,26 cành. Trung bình số cành ở các mức phân khác nhau giao động từ 3,34 – 3,94 cành cấp 1/cây, cao nhất là mức phân P3 và thấp nhất là mức phân P1. Tương tác giữa giống và phân bón qua các công thức không có sự biến động lớn, dao động trong khoảng (4,0 – 5,2 cành). Giống L26 cho số cành cao nhất ở mức phân P4 đạt 5,2 cành, tuy nhiên không phải cứ cho phân nhiều là số cành tăng lên, tuy bón mức phân 1200 kg NPK nhưng số cành cấp 1 ở

2 giống L20, L14 lại không lớn nhất mà số cành lớn nhất ở mức phân 3 đạt lần lượt là 4,7; 4,4 cành, chứng tỏ khi bón phân quá cao dẫn đến chiều cao cây tăng, số lá nhiều nên khả năng phân cành kém. Giống lạc L26 có số cành đạt cao nhất ở mức phân 4 chứng tỏ giống lạc L26 có khả năng thâm canh cao.

Số cành cấp 2: Số cành cấp 2 đạt cao nhất vẫn trên giống L26 và ở mức phân P4 đạt cao nhất là 4,4 cành/cây, công thức này có ý nghĩa về mặt thống kê so với tất cả các công thức còn lại. Cũng giống như số cành cấp 1, số cành cấp 2 giống lạc L14, L20vẫn đạt cao nhất ở mức phân P3, lần lượt là 3,8 và 3,9 cành/cây. Mức phân P3 và P4 thể hiện tăng số cành cấp 2 vượt trội hơn so với các mức phân còn lại.

Như vậy khi tăng dần lượng phân NPK từ mức 600 – 1200 kg/ha thì số cành cấp 1, cấp 2 tăng lên và làm cho tổng số cành tăng lên đạt cao nhất ở mức phân P3 là 8,66 cành/cây. Ở công thức 1 do chưa đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng nên số cành cấp 1, cấp 2 là kém nhất và tổng số cành đạt thấp nhất (7,72 cành/cây). Giống lạc L26 có tổng số cành đạt 8,87 cành/cây vượt trội hơn so với các giống còn lại. Khi bón quá nhiều phân đã làm cho khả năng phân cành giảm ở hai giống L14, L20. Giống L26 có số cành cấp 1 và cấp 2 đạt cao ở mức phân P4, chứng tỏ giống lạc này đang chịu thâm canh cao.

Hình 3.2. Ảnh hưởng của phân bón đến tổng số cành trên cây của các giống lạc

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón NPK đến sinh trưởng, phát triển và năng suất của một số giống lạc tại vùng đất cát ven biển sau khi khai thác quặng titan ở xã thạch văn thạch hà hà tĩnh trong vụ xuân 2015 (Trang 63 - 66)