3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài
1.3.1.1. Tình hình nghiên cứu về giống lạc trên thế giới
Giống là một trong những yếu tố giữ vai trò quan trọng góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và sản lượng lạc. Chính vì vậy mà từ nhiều năm qua, chính phủ các nước, các nhà khoa học trên thế giới đã đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực chọn tạo giống lạc phục vụ sản xuất.
ICRISAT (Viện nghiên cứu cây trồng nhiệt đới bán khô hạn) là cơ sở nghiên cứu lớn nhất về cây lạc. Tính đến năm 1993, viện đã thu thập được 13.915 lượt mẫu giống lạc từ 89 Quốc gia trên thế giới. Trong đó, từ châu Phi là 4.078 mẫu, châu Á 4.609, châu Âu 53, châu Mỹ là 3.905, châu Úc và châu Đại Dương 59, còn 1.245 mẫu giống chưa rõ nguồn gốc. Đặc biệt, ICRISAT đã thu thập được 301 lượt mẫu giống thuộc 35 loài dại của chi Arachis, đây là nguồn gen có giá trị cao trong công tác cải tiến giống theo hướng chống chịu bệnh và chống chịu với điều kiện ngoại cảnh bất thuận [15].
ICRSAT đã chọn được nhiều giống lạc mới có năng suất cao như: ICGV – SM83005, ICGV88438, ICGV91098 và các giống lạc chín sớm ICGV 91114 với ưu điểm cho năng suất cao đang được phát triển rộng rãi ở các Bang AndraPradesh và Chhattisgarh của Ấn Độ.
Ấn Độ cũng là nước đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác chọn giống. Trong chương trình hợp tác nghiên cứu với ICRSAT, Ấn Độ đã phân lập và phát triển được 2 giống lạc chín sớm đó là: ICGV 86014 và ICGV 86143.
Ấn Độ đã lai tạo và chọn được các giống lạc thương mại mang tính đặc trưng cho từng vùng. Mỗi bang của Ấn Độ trồng các giống khác nhau. Tại Bang
Andhra Pradessh, trồng giống Karidi-2, cao 23-28cm, thời gian sinh trưởng 115- 120 ngày, hạt chứa 43,7% dầu, tỉ lệ nhân là 76%. Bang Gujarat trồng giống GAUG-1, dạng thân đứng, thời gian sinh trưởng 95-100 ngày, thích ứng trong điều kiện canh tác nước trời. Bang Haryana trồng giống MH, dạng thân đứng, lá màu xanh tốt, thời gian sinh trưởng 105-110 ngày. Bang Uttar Pradessd trồng giống T-28, dạng thân bò, lá xanh đen, hạt chứa 48% dầu, năng suất cao. Giống Kaushal, dạng thân đứng, lá màu xanh tối, thời gian sinh trưởng 108 – 112 ngày, năng suất cao, tỷ lệ nhân 72%.
Các nhà khoa học Mỹ đã không ngừng cải tiến kĩ thuật, cơ cấu giống lạc và đã tạo được nhiều giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng kháng sâu bệnh như: giống lai F2VA93B chín sớm, hạt to, năng suất cao, giống VGP9 là giống có khả năng kháng bệnh thối thân trắng, bệnh thối quả. Giống NC12C là giống hạt to, có khả năng kháng bệnh đốm lá, gỉ sắt và héo xanh vi khuẩn, năng suất cao 30-50 tạ/ha. Mỹ đã đưa vào sản xuất 16 giống lạc mới (9 giống thuộc loại hình Runer, 5 giống thuộc loại hình Virgina, 2 giống thuộc loại hình Spanish). Cùng đó có 3 chương trình nghiên cứu sử dụng lạc dại lai với lạc trồng để tạo ra giống chống chịu sâu bệnh ở Carolina Oklahoma và Texas.
Thái Lan đã chọn và đưa vào sản xuất những giống lạc với những đặc tính chín sớm, chịu hạn, kháng bệnh gỉ sắt, đốm lá, kích thước hạt lớn, năng suất cao như: Khon Kean 60 – 3, Khon Kean 60 – 2, Khon Kean 60 – 1 và Tainan 9 [32].
Ở Indonesia, công tác chọn tạo giống cũng được tập trung vào các mục tiêu như: năng suất cao, chín sớm, kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, bệnh đốm lá, gỉ sắt, phẩm chất tốt. Các giống có triển vọng và khuyến cáo đưa vào sản xuất như Mahesa, Badak, BiaWar và Koinodo [10].
Philipin đã đưa vào sản xuất nhiều giống như UPLP n6, UPLP n8 và BPIP n8 có kích thước hạt lớn, kháng bệnh gỉ sắt, bệnh đốm lá.
Ở Srilanka thông qua con đường nhập nội các giống lạc từ ICRISAT, đã chọn được giống ICGV87134 có số quả/cây và khối lượng 100 quả cao nhất, giống ICV 87126 cho năng suất rất cao (1,4 – 2,8 tấn/ha) và khối lượng 100 hạt đạt 56g.