Đặc trưng này thể hiện ở các nội dung ngôn ngữ, chữ viết, văn học, âm nhạc nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng.
Về ngôn ngữ: Người Thái có ngôn ngữ riêng, có chung cội nguồn với
ngôn ngữ của các nhóm Tày, Nùng, Lào, Lự, Bố Y, Sán Chay ở Việt Nam và tiếng Lào, Thái Lan, tiếng Choang, tiếng Thái ở miền Nam Trung Quốc.
Tiếng Thái có đặc điểm: là thứ tiếng có khá nhiều vùng thổ ngữ, có âm tiết và thanh điệu. Tiếng Thái có cấu trúc như mô típ cấu trúc của Tiếng Việt: Chủ ngữ- vị ngữ và các thành phần phụ: tân ngữ, bổ ngữ. Tiếng Thái rất phong phú có thể biều hiện được mọi sắc thái tình cảm, sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội.
Chữ viết: Dân tộc Thái là dân tộc có tiếng nói và sớm có chữ viết riêng.
Theo cuốn Quam Tô Mương (Kể chuyện Bản Mường) thì chữ Thái Đen dòng Tạo Xuông, tạo Ngần ở đất Mường Lò (nay thuộc Văn Chấn, Thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) đã có từ thế kỉ XI. Tuy nhiên, do người Thái ở các vùng, miền khác nhau nên chữ Thái ngoài các đặc điểm chung thì mỗi vùng chữ Thái sẽ khác nhau chút ít. Về cơ bản, chữ Thái có 2 loại: viết theo hàng ngang, đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới, giống với chữ Thái ở Thái Lan, chữ Thái ở Lào. Đây là loại chữ Thái phổ biến ở phía Bắc nước ta gọi là chữ Lai- Xứ, còn loại chữ viết theo hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới, từ phải qua trái, từ trang trước ra trang sau gọi là Lai- Tay. Loại chữ này phổ biến ở vùng phủ Qùy, Nghệ An.
Văn học: Cùng với sự ra đời của chữ Thái, văn học người Thái chia
thành:
+ Văn học dân gian: Người Thái có một kho tàng văn học phong phú
với đầy đủ các loại hình văn học dân gian như: câu đố, tục ngữ, đồng dao, truyện cổ tích, truyện thần thoại, truyện thơ.
- Những truyện kể về việc xuống Mường, khai phá đất đai, xây dựng Bản Mường. Ý nghĩa và nội dung loại truyện này là giải thích được nguồn gốc
phi tín ngưỡng ban đầu, là những bài học đơn giải về nhận thức vũ trụ, con người, nhận thức muôn loài, đồng thời cũng là những bài ca khẳng định sự có mặt của con người, bài ca lao động để chế ngự thiên nhiên và sức sống của con người trên trái đất. Đó là hình tượng nghệ thuật vừa hiện thực, vừa siêu nhiên, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, có sức hấp dẫn mạnh mẽ, làm ta say mê tự hào.
- Tục ngữ, ca dao: Thường đúc kết những kinh nghiệm trong cuộc sống
cũng như trong lao động sản xuất, ca ngợi tính siêng năng, cần cù trong lao động, chê bai, phê phán kẻ lười nhác.
Ví dụ như: “Nằm hày bướn ha, đắm na bướn hốc” Dịch nghĩa là : Trỉa nải tháng năm, cấy lúa tháng sáu
Hay câu: “ Khâu phai bờ dù năm phơ non, Mọn mon bờ dụ năm phơ chạn”. Dịch nghĩa: “Lúa bông không ở với kẻ hay nằm, Tơ tằm không ở với kẻ lười nhác”.
+ Văn học ghi chép thành văn: Bao gồm các tác phẩm về lịch sử xã hội
như tác phẩm Kể chuyện Bản Mường (Quam Tô Mương), các tác phẩm ghi chép về luật lệ bản mường, các phong tục, tập quán của người Thái (Luật tục Thái ở Việt Nam); những tác phẩm văn học bằng thơ như tập thơ thiên tình ca Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao)... Các tác phẩm này là tài sản vô giá góp phần to lớn, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam
Âm nhạc- nghệ thuật:
Âm nhạc: Người Thái cũng rất thích ca hát, các làn điệu hát của người
Thái bao gồm: khắp, xuối, nhuôn, ọn... Người Thái hát khi có cuộc vui, khi uống rượu cần, thi hát hai phe nam nữ, có nhiều người đến xem. Nam nữ đến tuổi yêu đương thường dùng những làn điệu này để trao đổi tâm tư, tình cảm với nhau những khi đi trên đường, gặp nhau bên suối, làm việc trên nương rẫy, tại các lễ hội...như “khắp bào xao” (hát giao duyên của thanh niên nam nữ); “khắp xư” (ngâm thơ); “khắp xống khươi” (hát tiễn chàng rể); “khắp tỏn khươi tỏn pợ” (hát đón rể, nàng dâu); “ khắp au phua, au mía” (hát lấy vợ lấy chồng – hát trong đám cưới), xuối lấy củi, xuối uống rượu...
Khi hát những làn điệu này, người Thái thường phối hợp với các nhạc cụ như pì, sáo, tiêu. Trong các lễ hội thường kết hợp chơi trống, chiêng, loong tạo thành âm thanh mang chất lễ hội của người Thái.
Nghệ thuật: Thể hiện ở các họa tiết hoa văn trong điêu khắc, đan lát,
thêu thùa và điệu múa. Người Thái rất khéo léo trong việc tạo ra các họa tiết hoa văn trên các sản phẩm điêu khắc, đan lát, thêu thùa trên vải. Các hoa văn thường là hình kỷ hà, các con vật, cây cối, chim muông... Với đôi tay khéo léo họ hoàn toàn tự do trong việc thực hiện các đường viền cong để tạo ra các đường tròn, uốn lượn, làm cho họa tiết trang trí của người Thái thêm phần đẹp muôn hình, muôn vẻ xứng đáng làm nền cho sự đóng góp của văn hóa cộng đồng tộc người vào hội họa Việt Nam nói chung. Người Thái được biết đến với các điệu múa xòe, múa sạp. Dường như múa xòe đã trở thành một trong những biểu hiện đặc trưng văn hóa cụ thể, thật sự đậm đà bản sắc dân tộc Thái.
Tín ngưỡng, tôn giáo: Người Thái có tín ngưỡng dân gian, đa thần, họ
không theo một tôn giáo nghiêm ngặt nào như đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo Phật... Tín ngưỡng của họ chưa phát triển thành tôn giáo riêng nhưng họ cũng không chịu ảnh hưởng hay du nhập vào mình các tôn giáo khác. Người Thái thường thờ thần, ông bà tổ tiên, thần sông, thần núi, thần đất, thờ thần mường trời (xơ then), thờ những người có công trong xây bản dựng mường…
Trên đây là bốn đặc trưng cơ bản nhất văn hóa của tộc người Thái ở nước ta. Nền văn hóa Thái không phải là nền văn hóa khép kín, đứng im, tự thỏa mãn mà nó luôn vận động, biến đổi nên các đặc trưng đó cũng phải luôn vận động, phù hợp với các xu thế của xã hội và sự vận động này bao gồm cả sự giao lưu, giao thoa, tiếp xúc với các nền văn hóa khác ảnh hưởng từ bên ngoài. Chính sự giao lưu đó góp phần khẳng định các giá trị nào là xứng đáng là đặc trưng, nếu quá trình giao lưu, tiếp xúc có sự chọn lọc hiệu quả thì sẽ làm cho các giá trị văn hóa, các đặc trưng văn hóa Thái được bổ sung, làm mới làm nên văn hóa Thái phong phú hơn, rực rỡ hơn. Ngược lại, nếu thỏa mãn với những gì đã có hoặc quá trình giao lưu, tiếp xúc mà không chọn lọc thì các giá trị văn hóa đặc trưng sẽ có nguy có biến mất nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời. Lúc đó, con người còn nhưng văn hóa đã mất.
Cùng với quá trình đi lên của đất nước, nền văn hóa nước ta nói chung và nền văn hóa Thái nói riêng đang bước vào quá trình hội nhập, hòa chung các xu thế phát triển của nhân loại. Trong quá trình đó yêu cầu chúng ta phải có bản lĩnh để giữ gìn bản sắc văn hóa của chúng ta nếu không thì chính chúng ta đã tự đánh mất đất nước.
Kết luận chương 1
Mỗi dân tộc đều có nét truyền thống văn hóa riêng, nước ta có hơn 50 dân tộc anh em, mỗi một dân tộc là một sợi chỉ màu dệt thành tấm thảm sắc màu rực rỡ của văn hóa Việt Nam và chúng ta mỗi công dân Việt Nam luôn tự hào về điều đó. Văn hóa dân tộc Thái ở Việt Nam là một sợ chỉ màu rực rỡ với những đặc trưng riêng mang đậm tính nhân văn đã góp phần làm lung linh sắc màu văn hóa Việt Nam. Cùng với các xu hướng vận động và phát triển của lịch sử nhân loại, các giá trị văn hóa truyền thống cũng ít nhiều có nhiều biến chuyển. Một mặt, các xu hướng đó tạo điều kiện thúc đẩy cho tất cả mặt kinh tế, văn hóa, xã hội... phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời nó cũng tạo ra thách thức to lớn đối với đất nước chúng ta đặc biệt là vấn đề văn hóa. Trong giai đoạn hiện nay, truyền thống văn hóa dân tộc Thái nói chung ở nước ta và của dân tộc Thái ở huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An nói riêng có nhiều vấn đề bất cập cần được đặc biệt lưu ý, nếu không có biện pháp kịp thời chắc chắn rằng những giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc sẽ dần bị lãng quên.
Chương 2