0
Tải bản đầy đủ (.doc) (112 trang)

Dân tộc Thái ở huyện Qùy Châu

Một phần của tài liệu GIỮ GÌN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN QUỲ CHÂU, TỈNH NGHỆ AN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 38 -40 )

Qua các di chỉ Khảo cổ học, Dân tộc học, tài liệu của chữ Thái cổ… cho thấy Quỳ Châu là quê hương lâu đời của người Thái. Kết luận này cũng đồng nhất với quan điểm của Viện Dân tộc học trong cuốn Các dân tộc ít thiểu số ở Việt Nam (1978) và cuốn Sổ tay các dân tộc Việt Nam (1999). Các

tài liệu cho rằng sự có mặt của dân tộc Thái ở vùng núi Nghệ An nói chung và ở Quỳ Châu nói riêng rõ nhất là vào thời Trần và thời thuộc Minh khoảng từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XV. Sử cũ đã ghi vào thời thuộc Minh có Cầm Quý làm tri châu Ngọc Ma, khi Lê Lợi đem quân vào Nghệ An, Cầm Quý đã đem toàn bộ dân binh gia nhập nghĩa quân. Từ thế kỷ XIV trở đi vùng phủ Quỳ tiếp tục tiếp nhận sự chuyển cư từ Tây Bắc, Thanh Hoá, Lào sang. Các cuộc chuyển cư này kéo dài đến tận thế kỷ XVIII- XIX làm cho vùng đất này trở thành trung tâm của người Thái ở miền Tây Nghệ An.

Người Thái ở Quỳ Châu không gọi Thái Đen, Thái Trắng như ở Tây Bắc mà người Thái chỉ phân biệt theo các nhóm địa phương với những căn cứ về nguồn gốc lịch sử của họ. Khi chúng tôi khảo sát một số người Thái ở huyện Quỳ Châu về tên gọi phân theo Thái Đen hay Thái Trắng thì ít người biết được, còn hỏi theo nhóm thì lại nhận thức rõ Tay Mương hay Tay Thánh. Theo cách gọi đó người Thái ở Quỳ Châu được chia thành ba nhóm:

- Nhóm Tày Mường hay còn gọi là Tay Chiêng, Tay Dọ và chủ yếu là Thái Trắng, có mặt sớm nhất so với các nhóm Thái khác ở vùng miền Tây Nghệ An. Các nguồn tài liệu cho thấy nhóm dân cư này đã lập bản, dựng mường tại vùng đường 7 vào khoảng thế kỷ XIII- XIV.

Ở vùng Quỳ Châu cũ, nhóm Tày Mường đã đến lập bản, tạo mường đầu tiên tại Mường Tôn (Mường Noọc- Châu Kim, Quế Phong). Ngoài ra, còn có hai trung tâm khác là Kim Tiến tức là Châu Bính, Châu Tiến ở huyện Quỳ Châu và vùng Khủn Tinh tức là ở Châu Quang, Châu Thái, Châu Lý, Châu Đình của huyện Quỳ Hợp.

- Nhóm Tay Mười: có nguồn gốc tại Mường Muổi, một vùng trung tâm của người Thái Đen ở Tây Bắc thuộc xã Chiềng Pấc, xã Thuận Châu, tỉnh Sơn La, di cư đến Nghệ An muộn hơn vào khoảng nửa đầu thế kỷ XV. Bộ phận dân cư này buộc phải chuyển vào Thanh Hoá, Nghệ An cư trú vì Lê Lợi khi đem quân lên chinh phạt Đèo Cát Hãn một chủ đất ở Mường Muổi đã cùng với Kha Lại (bầy tôi phản nghịch của Ai Lao), chống đối, quấy nhiễu dân chúng vùng biên giới. Mùa xuân năm Nhâm Tý 1432, Lê Lợi phải thân chinh đánh châu Ninh Viễn, Kha Lại chết, Đèo Cát Hãn lẩn trốn, nhà vua đạt châu Ninh Viễn là châu Phục Lễ nay là tỉnh Lai Châu. Sau khi bình định được họ Đèo, nhà vua đem tù binh về dâng ở thái miếu và quyết định cho di dời một bộ phận cư dân ở Mường Muổi vào Thanh Hoá, Nghệ An. Nhóm Mường Muổi khi vào Nghệ An, vẫn tự gọi mình theo tên quê hương cũ, nhưng do tiếp xúc cách phát âm của các cư dân quanh vùng nên Muồi đọc lệch là Mười.

- Nhóm Tay Thánh còn được gọi là Man Thanh hay Tay Nhại, chủ yếu là Thái Đen, sống xen kẽ với nhóm Tay Mường. Theo Đặng Nghiêm Vạn: “nhóm Tay Thánh gồm hai bộ phận Thái (một nhóm Thái Đen) Mường Thanh xưa thuộc châu Ninh Biên, phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hoá (nay thuộc Điện Biên- Lai Châu). Nhóm này di cư vào Nghệ An muộn hơn, cách ngày nay khoảng 200- 300 năm, phần đông họ đi qua đất Lào rồi mới vào Nghệ An” [42; 27]. Một số khác có đi qua hoặc từ vùng Thanh Hoá vào Nghệ An. Vì nhóm này di cư đến muộn hơn nên phải sống xen ghép với nhóm Tay Dọ đã di cư đến từ trước đó. Lúc đầu họ có địa vị thấp hơn trong xã hội, là dân “ngụ

cư” (pay cư), tuy nhiên cũng có một số người đứng đầu nhóm Tay Thánh vẫn trở thành những chủ vùng đất nhỏ và lập nên các mường riêng.

Ngoài ba nhóm trên đây thì ở miền Tây Nghệ An còn có một bộ phận thuộc nhóm Tày Khăng từ vùng Mường Khăng ở Lào di cư sang, nay cư trú ở Tương Dương, Kỳ Sơn và một nhóm Thái ở Tương Dương được gọi là “Mèn”. Tuy cư trú xen lẫn nhau nhưng người Thái Trắng sống ở Quỳ Châu là chủ yếu, một bộ phận Thái Đen cư trú ở một số xã như Châu Thuận, Châu Bính…

Một phần của tài liệu GIỮ GÌN, PHÁT HUY CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA DÂN TỘC THÁI Ở HUYỆN QUỲ CHÂU, TỈNH NGHỆ AN TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY (Trang 38 -40 )

×