việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá du lịch của cộng đồng người Thái ở huyện Qùy Châu
Sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói chung, trong đó có di sản văn hóa ở Qùy Châu chỉ có thể được đẩy mạnh và đạt hiệu quả khi người dân tự giác tham gia. Do đó, việc giáo dục để nâng cao ý thức tự giác của người dân, khơi dậy ở họ lòng tự hào đối với di sản văn hóa của cộng đồng mình là công việc có ý nghĩa quan trọng để hướng người dân chủ động tìm tòi, sưu tầm và bảo tồn các loại hình di sản văn hóa. Phải làm cho mỗi con người họ xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, thay đổi nhận thức: không có dân tộc lớn hay nhỏ, không có sự kỳ thị giữa dân tộc đông người với dân tộc ít người, mà phải biết trân trọng và tự hào về dân tộc mình, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau những giá trị văn hóa mà cha ông đã bao đời sáng tạo nên, làm cho họ hiểu họ là người sáng tạo ra văn hóa và đồng thời họ cũng là người trực tiếp kế thừa, kế tục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc mình trong đời sống xã hội hiện tại và trong cả tương lai. Chỉ khi nào người dân họ hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của họ trong hoạt động này thì họ mới tham gia một cách tích cực, tự giác. Ngoài việc phổ biến các quy định, cần giải thích và cụ thể hóa, thể chế hóa các quy định chung của Nhà nước và của huyện, các văn bản hướng dẫn phải rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu để mọi người dân dễ dàng tiếp thu và tự giác chấp hành. Ngoài ra, cần phải làm rõ và gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn. Đây cũng là cách thức thu hút đông đảo người dân tham gia lưu giữ di sản văn hóa truyền thống của mình. Trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, việc vận
động, tuyên truyền để nâng cao ý thức tự giác của người dân cần gắn với cuộc vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn. Chỉ khi người dân có ý thức trong việc bảo tồn di sản văn hóa thì mọi khó khăn đều có thể được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.
Về đối tượng, cần đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ của người Thái, bằng nhiều hình thức để thế hệ trẻ này tìm hiểu và tiếp xúc với các giá trị văn hóa truyền thống. Qua đó hình thành niềm tự hào, xóa bả những mặc cảm, tự ti, xem việc giữ gìn, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc mình là nhiệm vụ thiêng liêng và vinh dự của thế hệ mình. Đặc biệt là các em học sinh học dân tộc Thái tiêu biểu tại các trường nội trú trên địa bàn của huyện, cần phải quan tâm đặc biệt tới đối tượng này bởi vì các em được đào tạo nhằm trở thành những cán bộ chủ chốt trong tương lai của huyện. Cần phải có các lớp học chữ Thái Lai- Tay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải đến khi làm lãnh đạo mới quay lại học như thực trạng hiện nay. Hàng tuần cần phải có các buổi sinh hoạt ngoại khóa với nội dung về văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc Thái như dạy các em cách thêu thùa, các trò chơi dân gian, văn học nghệ thuật ...của người Thái. Hàng năm cần phải tổ chức các cuộc thi kể chuyện cổ tích, tìm hiểu về tục ngữ, tìm hiểu về danh nhân và các địa danh gắn với những đặc sản nổi tiếng của huyện Qùy Châu.