tộc Thái ở huyện Qùy Châu, tỉnh Nghệ An trong giai đoạn hiện nay
Cần phải khẳng định một điều là dưới sự tác động của các xu thế chung của toàn nhân loại, dưới sự biến đổi của nền kinh tế làm cho đời sống của người dân được nâng lên, nhận thức có sự thay đổi. Qua quá trình khảo sát thực tế ở huyện Qùy Châu chúng tôi nhận thấy rằng hiện nay có hai xu hướng trong nhận thức và hành động của đồng bào nơi đây đối với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình: xu hướng tôn trọng, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố cổ hủ, lạc hậu không còn phù hợp nữa của dân tộc mình và xu hướng Kinh hóa, tự ti, mặc cảm với các giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo các nền văn hóa hiện đại mà quên mất đi nhiệm vụ phát huy các truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái. Thực tế các giá trị văn hóa vật chất và tinh thần đã và đang có nhiều chuyển biến.
Sự chuyển biến của văn hóa vật chất là dễ nhận biết nhất trong giá trị văn hóa Thái, nó thể hiện:
Về kinh tế
Những năm gần đây cùng với sự biến đổi của đất nước tình hình kinh tế của dân tộc Thái ở Qùy Châu đã có nhiều biến đổi to lớn, đời sống người dân được nâng cao hơn, trong suy nghĩ và hoạt động sản xuất có nhiều biến chuyển. Người dân đã chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây, con có năng suất và hiệu quả kinh tế cao do trạm Khuyến nông của huyện cung cấp giới thiệu vào sản xuất. Nhiều hộ gia đình dân tộc Thái đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế trang trại theo hướng chuyên canh cây trồng và đa canh với hệ sinh thái VACR ngày càng phù hợp và có hiệu quả. Theo số liệu thống kê tính đến ngày 01/07/2010, trên địa bàn Qùy Châu có 268 trang trại đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó gần 2/3 là trang trại của các hộ gia đình Thái. Hệ thống “Mương, phái, lái, lin” hiện nay trên khu vực toàn huyện đã được bê tông hóa, đảm bảo tưới tiêu cho ruộng đồng như Mương Nậm Hạt được bê tông hóa từ những năm 90 của thế kỷ XX đảm bảo tưới tiêu cho vùng lúa Châu Bính, Châu Tiến. Trong sản xuất người Thái đã áp dụng biện pháp mới và chuyển canh tác theo hai vụ lúa tẻ (hay một nếp một tẻ) thay cho chỉ một vụ nếp trong năm. Ngoài việc bón phân chuồng thì việc bón thêm phân hóa học, phân vi sinh đã ghóp phần tăng năng suất cho ruộng đồng đáp ứng nhu cầu lương thực của người dân. Sự thay đổi còn diễn ra trong công cụ sản xuất, trước đây công cụ chủ yếu là cái cày gỗ và con dao thì ngày nay thay thế bằng chiếc cày 51 hay bừa răng sắt, lưỡi mai được thay thế bằng chiếc xẻng. Giờ đây, người Thái ở Qùy Châu không còn phá rừng làm nương nữa nên những công cụ đi kèm dần đã mai một: bạch, kẹp,
chờ lè… còn trong sản xuất lúa nước, nông dân Qùy Châu đã sử chú trọng đầu
tư máy móc phục vụ sản xuất, có máy cày đa chức năng, máy tuốt, máy bơm nước, máy xay sát…Tuy nhiên, ở những xã có địa hình khó khăn, canh tác nông nghiệp vẫn sử dụng bằng sức người và những tập quán canh tác trước
đây, hình ảnh “con trâu đi trước, người cày theo sau” vẫn phổ biến, việc phá hủy môi sinh vì nhu cầu cuộc sống vẫn là điều cần đáng quan tâm. Việc thay đổi công cụ sản xuất là rất cần thiết nhưng không phải mọi người đều nhận thức được điều đó vì trình độ dân trí và điều kiện, hoàn cảnh sống và sinh hoạt của đồng bào khác nhau, chưa thể thay thế hoàn toàn. Vì vậy phải dung hòa: vừa sử dụng những máy móc tiên tiến, hiện đại trong sản xuất nhưng cũng không nên vứt bỏ các công cụ sản xuất truyền thông trong khi chúng vẫn phát huy tác dụng trong canh tác của đồng bào.
Nhận thức trong chăn nuôi cũng thay đổi, do rừng bị tàn phá, lượng thịt thú, rau củ trong rừng giảm mạnh, các nguồn sông suối bị ô nhiễm, lượng cá đánh bắt trên các khúc sông giảm…nên chăn nuôi được chú trọng, người dân đã chuyển chuồng trại ra khỏi gầm sàn của nhà sàn, người dân chăn nuôi có kế hoạch theo các mô hình chuồng trại, không thả rong vì vậy tổng đàn được đảm bảo, vật nuôi chăm sóc tốt hơn, đặc biệt là đặc sản “Trâu Qùy, Vịt Qùy”. Người Thái cũng học tập theo người Kinh ở chỗ nuôi cá trong các ao, hồ vì vậy mà nguồn thức ăn đảm bảo.
Nhà cửa
Người Thái ở Qùy Châu cũng là những cư dân sống ở nhà sàn từ xưa đến nay. Nhà sàn của đồng bào cũng trải qua quá trình phát triển và có nhiều biến đổi theo thời gian. Nhà người Thái ở huyện Quỳ Châu (Nghệ An) có các loại sau đây: Dạng nhà cổ truyền là nhà có đà (hườn khang) hay còn gọi là nhà kim may (hườn kim may). Đây là kiểu nhà đơn giản nhất, cột chôn, chủ yếu dùng ngoãm tự nhiên hay tự tạo và dùng lạt buộc. Dạng thứ hai là nhà quá giang cột chôn, cột vẫn chôn nhưng không có ngoãm (hoặc rất ít dùng), đà dưới và đà trên đã mất. Đỉnh đầu cột không để ngoãm mà để thành cái cọc gọi là đuốt để đặt quá giang, quá giang không còn xê dịch được mà đục lỗ để đặt vào đuốt cột. Kèo được lắp vào giữa quá giang rồi chốt con xỏ, hàng cột giữa cũng mất. Dùng rìu đục để đục mộng lắp gá kèo vào cột vì thế gỗ tròn không còn được sử dụng. Dạng thứ ba là nhà kê hai hàng cột có quá giang
(hườn kê khứ). Hai hàng cột được kê trên đá, có thêm xà dưới và xà trên giống như đà ở dạng thứ nhất. Có thêm một vì kèo ở trên quá giang gồm trụ, đấu và con cung, có quá giang. Khi làm phải dùng đục, bào lắp mộng hoàn toàn không có ngoãm. Dạng nhà thứ tư là nhà kê hạ (hươn kè hạ) dạng nhà này mới du nhập, nó gần giống với ngôi nhà của người Mường.
Những kiểu nhà sàn cổ, to và rộng, chỉ cần nhìn vào là phân biệt được cấu trúc nhà sàn người Thái thì giờ đây đã không còn và thay thế vào đó là những ngôi nhà sàn có kiến trúc mới nhưng theo cốt cách của nhà sàn truyền thống. Qua khảo sát cho thấy người dân đánh giá rằng hiện nay việc được ở trong những ngôi nhà sàn kiểu mới hiện nay chỉ là những người có nhiều tiền vì nguyên vật liệu làm nhà là gỗ ngày càng hiếm đi và chi phí để làm một ngôi nhà mất khá nhiều tiền, nhiều hơn xây một ngôi nhà kiên cố bằng bê tông. Những năm gần đây, đã xuất hiện những ngôi nhà đất bằng gỗ, hoặc xây gạch ở vùng người Thái Qùy Châu. Đây thường là nhà của những cán bộ thoát ly rõ ràng và ảnh hưởng của ngôi nhà đất của người Kinh. Nhà sàn hiện nay, được làm theo kỹ thuật mộng thắt của người Kinh, mái lợp ngói hoặc tôn thay cho lợp bằng tranh, cọ, nhà cột chôn không còn nữa chỉ còn nhà cột kê. Nhà cột kê ra đời khẳng định một bước phát triển mới trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của các bản làng người Thái ở Qùy Châu. Nhà cột kê ra đời do sự ảnh hưởng học hỏi từ nhà của người Kinh. Tất cả các cột được kê bằng đá tảng. Nhà cột kê chú ý thi công nền nhà cho bằng, đầm chặt và cao hơn hẳn vườn. Cột được đánh bóng, bào nhẵn, công phu và đẹp. Nhà cột kê hiện đang phát triển từng ngày theo sự phát triển của xã hội, loại bỏ được những hạn chế của ngôi nhà truyền thống, tiếp nhận những ưu điểm của ngôi nhà miền xuôi. Trong quá trình giao lưu, tiếp xúc văn hóa đồng bào người Thái vẫn giữ được bản sắc ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc mình.
Trước đây, cấu tạo của ngôi nhà sàn thường gồm có 2 tầng chính và 1 gác phụ. Tầng dưới thường là nơi ở của gia súc, gia cầm, làm nơi cột trâu bò,
gia súc, để đặt cái loong, đặt củi để đun...tầng giữa là nơi diễn ra các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người và gác phụ (than) được đặt trên gian bếp nhằm làm nơi cất giữ lương thực của gia đình như lúa, ngô, bí... Ngày nay, cấu tạo đó đã thay đổi, không còn gác phụ trong nhà mà người ta sử dụng cả tầng dưới để làm nơi sinh hoạt của gia đình, nền nhà được láng xi măng hoặc lát gạch hoa, xung quanh được xây bao...tạo thêm phần sang trọng cho ngôi nhà sàn. Bếp- ngày nay nhiều gia đình cũng không còn được đặt ở trên nhà nữa mà được di dời tới nhà bếp riêng. Các dụng cụ sinh hoạt trong nhà ngày nay tiện nghi hơn, đầy đủ và hiện đại hơn.
Trang phục
Hiện nay phạm vi mặc trang phục truyền thống đã và đang bị thu hẹp. Cả nam và nữ giới người Thái đã ăn mặc theo kiểu người Kinh, quần áo may vải công nghiệp thay thế vải thổ cẩm, áo sơ mi, quần âu vận thay cho trang phục truyền thống, trang phục truyền thống chỉ chủ yếu phổ biến trong các xã vùng trong và một ít vùng trên hoặc là các cụ già có thói quen mặc đồ truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày. Trang phục cổ xưa hầu như không còn nữa. Qua khảo sát một số vùng trong huyện cho thấy: 100% đàn ông Thái không còn mặc trang phục dân tộc trong sinh hoạt hàng ngày, họ chỉ mặc trong các ngày lễ, ngày có tang. Xưa tin- áo ngắn của phụ nữ Thái được cải tiến: kỹ thuật cắt may vẫn giữ nguyên, thợ may thêm vào một số chi tiết: vai bồng vào áo tạo độ bay cho áo. Chất liệu áo cũng thay đổi, chủ yếu là vải công nghiệp, và màu sắc cũng đa dạng. Thân váy giờ đây được thay thế chủ yếu là lụa và nhung. Kèm theo đó các nghề trồng bông dệt vải, nuôi tằm lấy tơ tằm cũng mất dần. Ngày nay, rất ít thiếu nữ Thái biết thêu thùa, dệt vải như trước kia, còn dệt thổ cẩm bên các khung cửi chỉ có ở những phụ nữ trung tuổi mà thôi. Nếu có dệt vải thì chủ yếu là chủ yếu là mua các sợi chỉ công nghiệp thay cho sợi lấy từ bông hay từ tơ tằm. Tình trạng này nếu không có biện pháp thì sẽ dẫn đến một hệ quả đáng tiếc là nghề dệt thổ cẩm của người Thái ở Qùy Châu
sẽ dần bị lãng quên. Trước tình hình đó UBND tỉnh, UBND huyện Qùy Châu đưa ra một số Quyết định chỉ đạo nhằm khôi phục văn hóa truyền thống nói chung của dân tộc Thái và nói riêng đối với truyền thống thêu dệt của dân tộc Thái nơi đây, đó là các mô hình các câu lạc bộ, làng nghề dệt truyền thống ở bản Hoa Tiến- xã Châu Tiến, bản Đồng Minh- xã Châu Hạnh. Tại đây, đã tập trung được nhiều hội viên tiến hành tổ chức giới thiệu, dạy- học thêu dệt và sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đồ thổ cẩm của người Thái ở Qùy Châu. Với hoạt động này, một mặt góp phần bảo tồn văn hóa không chỉ là vấn đề thêu dệt, mặt khác vừa giải quyết vấn đề việc làm cho các hội viên khi tham gia hoạt động này. Mô hình này thật sự mang lại hiệu quả, nếu nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện thì chắc chắn việc bảo tồn truyền thống thêu thùa lâu đời của người Thái Qùy Châu sẽ không phải là vấn đề lo ngại.
Ẩm thực
Cùng với hoạt động kinh tế thì tập quán ăn uống cũng thay đổi trong cả cơ cấu lương thực, thời gian chuẩn bị , thời điểm tổ chức mỗi bữa ăn. Việc sử dụng các loại giống lúa mới cho năng suất cao hơn đã tạo ra tính tất yếu việc thay đổi dùng gạo nếp bằng gạo tẻ. Trước đây người dân chỉ trồng lúa nếp và ăn xôi nếp quanh năm thì giờ đây được thay thế bằng gạo tẻ còn nếp vẫn được dùng nhưng ít hơn chủ yếu trong các dịp lễ tết, hội hè, giao lưu văn hóa… nhằm nhắc nhở cho nhau về truyền thống của dân tộc mình. Cơm lam xưa là thức ăn phổ biến của đồng bào, ngày nay dường như đó là vật xa xỉ, nó chủ yếu có mặt tại các địa điểm du lịch hay ở các nhà hàng dân tộc. Các thức ăn lấy sẵn từ thiên nhiên ít đi: nấm, măng, rau, cá… ít đi do rừng bị tàn phá nặng nề, nguồn nước bị ô nhiễm…Thay vào đó là các loại rau, củ, quả có nguồn gốc của người Kinh. Khảo sát tại một số địa điểm trong huyện cho thấy: đời sống kinh tế thay đổi, cuộc sống được nâng cao hơn người dân lại thích tìm về những món ăn cổ truyền hơn. Khách quý đến nhà, gia chủ bao giờ cũng tiếp đãi khách quý bằng nhiều món ăn của dân tộc mình như mùa hè phải có tô
canh ột măng thịt gà, đĩa phắc chúp, cá nướng; còn mùa đông gia chủ sẽ đãi khách quý canh môn với thịt giang, hò moọc… điều ấy làm cho cả gia chủ và khách quý xem như là một niềm hạnh phúc. Cùng với ăn thì cách uống cũng có nhiều biến đổi. Trong gia đình của người Thái lúc nào cũng có hai loại rượu sẵn trong nhà để khi khách quý đến nhà thì tiếp đón nhưng ngày xưa thì cách mời rượu là: “ta chưa say là chưa vui”, uống mọi nơi, ép uống bằng mọi cách đến khi say mới thôi. Ngày nay, khách quý đến nhà, gia chủ người Thái cũng tiếp đón bằng những món ăn truyền thống và cả rượu ngon nữa nhưng uống theo sở thích, theo năng lực, không ép uống.
2.3.4.2. Giá trị văn hóa tinh thần Tín ngưỡng, tôn giáo
Cùng với sự tiến bộ của văn minh nhân loại, người Thái được tiếp nhận những tri thức của thế giới và quan điểm nhìn nhận các vấn đề ngày càng tốt hơn trên cơ sở khoa học chỉ đường dẫn lối. Tuy nhiên, một số loại hình, tín ngưỡng dân gian, một số tín ngưỡng trong nông nghiệp, tín ngưỡng trong thờ cúng tổ tiên do chưa nhận thức được một cách đầy đủ, khái quát nên những giá trị tiến bộ, phù hợp dần bị mai một, nhiều nghi lễ dường như mất hẳn trong thực tế, chỉ còn lại trong sách vở cổ hoặc trong lời dạy của những người cao tuổi thôi. Nhiều hình thức tín ngưỡng vẫn còn sức sống và trong nhiều trường hợp có tác động rất lớn đối với đời sống tâm linh của mỗi cá nhân và cộng đồng. Đặc biệt, những nghi lễ, tín ngưỡng gắn liền với các phong tục tập quán, lễ hội đang ngày càng có xu hướng phục hồi nguyên vẹn như lễ mừng cơm mới, lễ lớn cúng tổ tiên (xên hươn). Tục xên Bản, xên Mường trước đây được đồng bào rất coi trọng, tục này có mặt hay, mặt chưa hay (mê tín) nên nhiều năm không tổ chức, nhưng ngày nay đã và đang được phục hồi. Sự phục hồi của các tín ngưỡng truyền thống hiện nay chứng tỏ, sự cần thiết của một số loại hình tín ngưỡng trong đời sống xã hội tộc người Thái Qùy Châu. Hòa cùng việc xây dựng nếp sống văn hóa mới thì đồng bào Thái ở Qùy Châu
cũng xóa bỏ, loại trừ được những thói quen, hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp nữa như là các nghi lễ cúng hồn, gọi hồn, chữa bệnh bằng phép thuật, bùa chú, phù phép…khi ốm thì đến bệnh viện, trạm xá chữa bệnh, khi lúa sâu bệnh thì phun thuốc trừ sâu thay thế cho cúng bái trừ sâu… Trước đây, khi trình độ kinh tế- xã hội còn thấp kém thì người Thái ở Qùy Châu có niềm tin tuyệt đối vào các phí. Hiện nay, do sự phát triển của kinh tế - xã hội và giao lưu, tiếp xúc văn hóa, niềm tin vào các phí đã có nhiều biến đổi. Nhưng dù tin hay không tin thì người Thái ở Qùy Châu đều tham gia các nghi lễ tín ngưỡng