Các yếu tố bên ngoài

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả thu thuế hàng hóa nhập khẩu tại cục hải quan đồng tháp (Trang 78 - 83)

2.5.2.1 Tính đặc thù của vị trí địa lý và tự nhiên

Đây là yếu tố lớn nhất từ bên ngoài tác động đến hoạt động – và do đó là hiệu quả - quản lý thu thuế của cơ quan Hải quan. Đồng Tháp là một tỉnh miền Tây giáp biên giới, chỉ có Cảng sông nhưng không phải là cảng chính của khu vực, do vậy quy mô rất nhỏ bé và cơ sở hạ tầng lạc hậu. Điều này làm cho:

+ Quy mô giao dịch xuất – nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới là không đồng đều, chủ yếu tập trung vào hai cửa khẩu quốc tế là Dinh Bà và Thường Phước, hai cửa khẩu còn lại, vì tính chất và nhiệm vụ, buộc phải đầu tư nhưng hoạt động rất nhỏ bé về quy mô. Khi xác định hiệu quả thu thuế thì vô tình điều này làm giảm các tiêu chí một cách rõ rệt; nhưng không thể khắc phục.

+ Tính chất nhỏ bé và lạc hậu của Cảng Đồng Tháp tác động rất lớn đến sự thay đổi khi có những yếu tố bất lợi do tự nhiên gây ra. Nguồn thu chủ yếu của Hải quan Đồng tháp đến từ nguồn xăng dầu nhập khẩu, tuy nhiên năm 2014, bờ kè cầu Cảng xăng dầu sạt lở, tàu không cặp Cảng được nên nguồn thu từ xăng dầu giảm rất mạnh. Kết quả là nguồn thu giảm rất mạnh – theo thống kê của Cục Hải quan Đồng Tháp thì nguồn thu năm 2014 đạt thấp nhất trong mười năm gần đây.

+ Do đặc thù của tự nhiên, hàng hóa làm thủ tục tại Cục Hải quan Đồng Tháp chủ yếu là hàng hóa xuất khẩu với những sản phẩm trong khu vực nên kết quả số tờ khai hải quan rất nhiều nhưng nguồn thu thuế là không cao. Hiệu quả thu thuế, do vậy, bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu xét tương quan với số tờ khai hay số lượng cán bộ, công chức.

2.5.2.2 Tình hình kinh tế xã hội

Tình hình hinh tế, xã hội tác động đến nguồn thu thông qua việc thay đổi cơ sở đánh thuế. Khi nền kinh tế khởi sắc, quy mô giao dịch hàng hóa gia tăng, do vậy cơ sở đánh thuế cũng sẽ tăng và ngược lại. Quan hệ kinh tế cũng sẽ tác động đến cơ chế quản lý thu thuế.

Những năm vừa qua, trên địa bàn Tỉnh Đồng Tháp, tình hình kinh tế xã hội biến động theo tình hình chung của cả nước; do vậy, nguồn thu và số thu cũng có những biến động nhất định nhưng theo xu hướng chung. Các năm gần đây, mặc dù nền kinh tế có nhiều khởi sắc nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn khó khăn nên nguồn thu và số thu của Cục không cao.

Điểm đặc thù tác động đến nguồn thu và số thu của Hải quan Đồng Tháp chính là tình hình biên giới. Những bất ổn về chính trị tại Campuchia tiềm ẩn nguy cơ khó lường, tác động lớn đến tình hình buôn bán qua biên giới; vả lại, tính chất nhỏ bé và tự phát trong quan hệ buôn bán qua biên giới Việt Nam – Campuchia khiến cho khối lượng công việc phải thực hiện lớn so với biên chế của Hải quan Đồng tháp … những đặc thù đó khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn giảm, nhất là mặt hàng xăng dầu nhập khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của đơn vị.

2.5.2.3 Chính sách của Đảng và nhà nước

Chính sách của Đảng và nhà nước về xuất nhập khẩu, về thương mại qua biên giới tác động trực tiếp đến hoạt động của cơ quan Hải quan. Ở mỗi thời kỳ, chính sách của Đảng và nhà nước có những điều chỉnh khác nhau phù hợp với

trình độ phát triển của nền kinh tế và xã hội. Do vậy, kết quả hoạt động của Hải quan nói chung và kết quả quản lý thu thuế của Hải quan nói riêng có những sự thay đổi nhất định.

Thời gian vừa qua Đảng và nhà nước thực hiện chủ trương mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế một cách nhất quán; với chủ trương này, chính sách về thương mại quốc tế, về thuế và bảo hộ thường xuyên được điều chỉnh song song với chính sách cải cách hành chính, hiện đại hóa Hải quan. Các chính sách lớn này được cụ thể hóa bằng những chương trình, dự án cụ thể đòi hỏi cơ quan Hải quan phải liên tục cập nhật, tập huấn cho cán bộ, công chức hiểu và thực hiện. Chính vì vậy, một trong những tiêu chí đo lường hiệu quả của hoạt động Hải quan chính là số lượt tập huấn, bồi dưỡng hàng năm. Cục Hải quan Đồng Tháp luôn theo sát và thực hiện tốt điều này (xem bảng 2.5). Do vậy, tính hiệu quả trong công tác của Cục được đánh giá cao.

Tuy nhiên, sự thay đổi cũng có hai tác động không mong muốn:

+ Thứ nhất: gây ra chi phí cơ hội về mặt thời gian đối với cơ quan. Với đặc điểm của địa bàn, khối lượng công việc nhiều thì việc dành thời gian tập huấn sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả công tác.

+ Thứ hai, kết quả của việc tập huấn, phổ biến chính sách chưa được kiểm tra, nhất là trên hai phương diện: cơ chế thay đổi và điều kiện thay đổi; do vậy có thể cơ quan sẽ không triển khai được chính sách ở mức như kỳ vọng.

Sắp tới, sự thay đổi còn tiếp tục được diễn ra khi Việt Nam tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015. Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế cũng như khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam những năm qua. Kể từ khi chính thức ký thỏa thuận tham gia CEPT/AFTA, Việt Nam đã nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết đã ký kế với các nước ASEAN, trong đó có các cam kết về thuế và hải quan. Do vậy, sự thay đổi chính sách sẽ tiếp tục đặt ra cho Hải quan Việt Nam nói chung và Hải quan Đồng Tháp nói riêng những thách thức mới.

2.5.2.4 Cơ chế phối hợp quản lý của địa phương

Trong quản lý nhà nước nói chung và quản lý thu thuế nói riêng, việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng là hết sức cần thiết. Ngành Hải quan cũng không phải là ngoại lệ. Hàng hóa, phương tiện vận tải … xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh được quản lý theo ngành bởi nhiều cơ quan chức năng khác nhau, do vậy việc quản lý và thu thuế mặc dù do cơ quan Hải quan đảm nhiệm nhưng không thể thực hiện một cách chính xác, toàn diện nếu không có sự phối hợp công tác chặt chẽ với các ban, ngành có liên quan. Ngay trong ngành Tài chính, để đảm bảo quản lý đối tượng và nguồn thu cũng cần phải có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan: Hải quan – Thuế - Kho bạc nhà nước – Ngân hàng.

Ý thức được điều này, trong chức năng và phạm vi của mình, Cục Hải quan Đồng Tháp đã có những động thái nhằm thể chế hóa việc phối hợp:

+ Giữa Cục và các cơ quan Tài chính cùng cấp nhằm triển khai thực hiện dự án “hiện đại hóa thu NSNN”.

+ Giữa Cục và các lực lượng chức năng của tỉnh như: Chính quyền địa phương, Bộ đội biên phòng … trong việc điều tra, chống buôn lậu qua biên giới.

+ Giữa Cục và các Sở, Ban Ngành trong tỉnh nhằm cung cấp thông tin trong quá trình Hải quan thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn.

Mặc dù còn những khó khăn và bất cập nhất định nhưng về cơ bản đã hình thành cơ chế phối hợp công tác giữa Hải quan tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Do đó, việc kiểm tra, giám sát hải quan cũng như quản lý thu thuế thời gian qua được vận hành tương đối suông sẻ nếu đặt trong điều kiện hiện tại. Tuy vậy, trong xu hướng vận động không ngừng của nền kinh tế, đặc biệt là việc triển khai mô hình chính phủ điện tử, cơ chế một cửa cấp quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN thì cơ chế hiện tại sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, rất cần có những giải pháp hoàn thiện.

Ý thức chấp hành và tuân thủ pháp luật (gọi chung là ý thức pháp luật) chịu ảnh hưởng ở những mức độ khác nhau của các yếu tố xã hội và các yếu tố nhận thức khác. Ý thức pháp luật phụ thuộc vào hệ tư tưởng, của văn hóa, đạo đức và tập quán truyền thống, của điều kiện phát triển đất nước và các cơ chế quản lý kinh tế, quản lý xã hội.

Đối với người nộp thuế, với tư tưởng cơ quan thu (Thuế, Hải quan) là cơ quan quyền lực, hơn nữa trong một thời gian dài tồn tại cơ chế xin – cho tạo ra sự suy giảm về lòng tin vào những giá trị và khả năng điều chỉnh của pháp luật. Do vậy, việc hiện đại hóa Hải quan đi song song với việc tuyên truyền và hỗ trợ đối tượng nộp thuế là cần thiết. có thể thấy rõ là khi áp dụng hải quan điện tử và mới nhất là hệ thống VNACSS/VCIS, số doanh nghiệp, số tờ khai … tăng lên nhanh chóng; chính vì vậy, có thể nói rằng việc hiện đại hóa Hải quan là đi đúng hướng và góp phần không nhỏ vào vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý Hải quan nói chung và quản lý thu thuế tại cơ quan Hải quan nói riêng.

Kết luận Chương 2

Quá trình hình thành và phát triển của Hải quan Đồng Tháp nói riêng và của ngành Hải quan nói chung luôn gắn chặt với nhiệm vụ quản lý thuế. Thuế là nguồn thu quan trọng của mỗi quốc gia, trong những năm qua, chính sách và cơ chế quản lý thuế nhập khẩu đã có những bước tiến lớn và đạt được những kết quả quan trọng cả về yêu cầu thu ngân sách và quản lý điều tiết vĩ mô trong quan hệ kinh tế đối ngoại. Tuy nhiên, trước yêu cầu, hội nhập, quản lý và thu thuế ở nước ta nói chung và công tác quản lý thuế tại Cục Hải quan Đồng Tháp nói riêng bên cạnh hiệu quả đạt được còn có những điểm hạn chế, gây trở ngại. Đó cũng là lý do để chúng ta phải tìm ra những biện pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa những thành tích đã đạt được, góp phần cải thiện hiệu quả đã đạt được trong thời gian vừa qua – trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp.

CHƯƠNG 3

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THU THUẾ HÀNG HÓA NHẬP KHẨU TẠI CỤC HẢI QUAN ĐỒNG THÁP

ĐẾN NĂM 2020

Một phần của tài liệu nâng cao hiệu quả thu thuế hàng hóa nhập khẩu tại cục hải quan đồng tháp (Trang 78 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(140 trang)