Châu Á năm 1997 có thể là một ví dụ điển hình nhất và mạnh mẽ nhất cho sự đảo ngược của dòng vốn đã dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc. Trước năm 1997, với quá trình tự do hóa tài chính diễn ra nhanh chóng, kiểm soát vốn được nới lỏng quá mức cộng với chế độ tỷ giá hối đoái cố định và đặc biệt là TTCK tăng trưởng quá nóng (Thái Lan) đã làm dòng vốn ngắn hạn của nước ngoài chảy vào Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippine hết sức ồ ạt. Trong giai đoạn này, đã có sự tranh đấu quyết liệt về vấn đề kiểm soát vốn giữa các nước mà theo đó những nước như Indonexia, Thái Lan tiếp tục đi theo con đường mà IMF vạch sẵn là “tự do hóa dòng vốn chính nó là công cụ điều tiết tốt nhất ngay cả khi đã lâm vào khủng hoảng”; còn những nước như Trung Quốc, Malaysia lại áp dụng biện pháp kiểm soát vốn để ngăn chặn sự chảy ra của dòng vốn ngoại. Ở đây chúng ta chưa vội bàn tới bên nào đã đúng, chỉ biết rằng Thái Lan và Indonexia đã bị ngập trong khủng hoảng một thời gian khá dài rồi mới “lồm cồm” đứng lên một cách yếu ớt. Còn Trung Quốc, Malaysia đã thoát ra khủng hoảng sớm hơn so với những người “đồng cảnh ngộ”.
Qua việc xem xét kinh nghiệm kiểm soát vốn có thể nói là thành công của các quốc gia Trung Quốc, Chile, Malayxia và sự thất bại của Thái Lan, Indonesia, chúng ta có thể rút ra một số bài học về kinh nghiệm về kiểm soát vốn cho Việt Nam như sau:
• Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và hiệu quả kinh tế quốc gia
là cơ sở quan trọng nhất để phát triển bền vững và phải trở thành một mục tiêu và chỉ tiêu của quản lý kinh tế đất nước, quản lý ngành và của mỗi doanh nghiệp. Để khắc phục sự thiếu chú ý đúng mức đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển, cần đưa vào hệ thống chỉ tiêu kinh tế phải báo cáo hàng năm của mỗi địa phương, mỗi ngành và cả nước các chỉ tiêu như tỷ suất lợi nhuận, tỷ suất giá trị gia tăng trên vốn riêng của doanh nghiệp theo các ngành, theo các thành phần kinh tế và theo các địa phương trong cả nước, đồng thời theo dõi chặt chẽ sự biến động của chỉ số ICOR ở mỗi địa phương và cả nước.
• Kiểm soát vốn cần linh hoạt. Những người thực hiện chính sách vẫn phải tiếp tục thực thi nhiều biện pháp kiểm soát vốn và thay đổi chúng khi hoàn cảnh cho phép. Kiểm soát vốn nhanh nhạy và linh hoạt là rất quan trọng. Trường hợp của Trung Quốc và Chile cho thấy vào thời điểm căng thẳng thì việc kiểm soát vốn là cần thiết.
• Nên thực hiện song song các biện pháp kiểm soát vốn bao gồm các biện
pháp kiểm soát các dòng vốn vào và ra trên cơ sở phối hợp một cách nhuần nhuyễn cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp.
• Kiểm soát vốn được thực thi tốt nhất khi chúng có mối quan hệ liên kết
và đồng nhất với toàn bộ các mục tiêu về chế độ chính sách kinh tế hay tốt hơn hết chúng là một phần không thể thiếu trong quan điểm về nền kinh tế điều hành nền kinh tế.
Kết luận chương 1
Các quốc gia kể cả những quốc gia phát triển hay các nền kinh tế mới nổi đều cần các nguồn vốn để tài trợ các dự án đầu tư hoặc bù đắp những thâm hụt cán cân vãng lai (Mỹ). Do đó, vai trò tích cực của các dòng vốn quốc tế trong việc tối ưu hóa năng lực sản xuất ở các quốc gia, phân bổ nguồn vốn tới những nơi có các cơ hội tiềm năng hơn là rõ ràng. Điều này cũng rất phù hợp cho Việt Nam, một quốc gia đang trên đường phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế.
Cũng trong lịch sử phát triển của các thị trường vốn, tự do hóa tài khoản vốn đang trở thành một ý tưởng phổ biến và được chấp nhận rộng rãi ở phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà các dòng vốn quốc tế mang lại cho các quốc gia, ngày càng nhiều những sự chỉ trích về các tác động tiêu cực mà bằng chứng rõ ràng nhất là các cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra ở những quốc gia đang đi theo mục tiêu tự do hóa tài khoản vốn.
Nguyên nhân sâu xa của các cuộc khủng hoảng tài chính này là do các quốc gia đó chưa xây dựng được hệ thống tài chính thực sự vững mạnh đủ để hấp thụ một cách hiệu quả các dòng vốn đổ vào và hệ thống tài chính đó cũng không đủ khả năng đối phó với các bất ổn do sự di chuyển đột ngột của các dòng vốn quốc tế mang lại. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm cần được Việt Nam rút ra trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài của mình.
Ở Chương 1, chúng ta đã trao đổi về các vấn đề kiểm soát vốn, từ mục tiêu kiểm soát vốn đến các phương pháp kiểm soát vốn. Chúng ta cũng đã xem xét các ý kiến, kể cả ủng hộ cũng như chống đối việc kiểm soát vốn nhằm đánh giá
cả mặt ưu điểm cũng như khuyết điểm của việc kiểm soát vốn. Đặc biệt, chương 1 cũng trình bày một cách ngắn gọn các phát biểu của Lý thuyết bộ ba bất khả của Mundell-Fleming, lý thuyết này đã cung cấp cho chúng ta những hiểu biết nền tảng về vấn đề kiểm soát vốn đặt trong mối quan hệ với các mục tiêu ổn định tỷ giá và thực hiện một chính sách tiền tệ tự chủ.
Chúng ta cũng đã nghiên cứu một số kinh nghiệm kiểm soát vốn ở một số quốc gia như Trung Quốc, Chi Lê và cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á, từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho vấn đề kiểm soát vốn ở Việt Nam. Bài học đó là chúng ta cần nâng cao hiệu quả đầu tư hơn nữa nhằm hấp thụ một cách tốt nhất các dòng vốn quốc tế. Đồng thời, Việt Nam cũng cần xây dựng một hệ thống kiểm soát vốn cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cần nhấn mạnh chúng ta kiểm soát vốn để điều tiết sự lưu thông của dòng vốn quốc tế nhằm tránh những đổ vỡ, khủng hoảng tài chính chứ không phải là ngăn cấm sự lưu thông của dòng vốn.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG KIỂM SOÁT VỐN VÀO VIỆT NAM THỜI GIAN QUA