2.1.1 Môi trường thu hút nguồn vốn FDI:
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam ra đời năm 1987, một trong những đạo luật đầu tiên của thời kỳ đổi mới đã thể chế hóa đường lối của Đảng, mở đầu cho việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ĐTNN, theo phương châm đa dạng hoá, đa phương hoá các quan hệ kinh tế đối ngoại; góp phần thực hiện chủ trương phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
Đến nay, Luật ĐTNN đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần với các mức độ khác nhau vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000; cùng với các văn bản dưới Luật đã được cộng đồng quốc tế đánh giá là một đạo luật thông thoáng, hấp dẫn, về cơ bản phù hợp với thông lệ quốc tế. Pháp luật ĐTNN và các văn bản pháp luật liên quan đến ĐTNN được ban hành đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ cho các hoạt động ĐTNN tại Việt Nam. Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, khung pháp lý song phương và đa phương liên quan đến ĐTNN cũng không ngừng được mở rộng và hoàn thiện với việc nước ta đã ký kết 51 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư với các nước và vùng lãnh thổ. Vì vậy, ngay trong điều kiện cơ chế thị trường của Việt Nam chưa hoàn thiện, các nhà ĐTNN vẫn có thể tiến hành các hoạt động đầu tư thuận lợi ở Việt Nam mà không có sự khác biệt đáng kể so với một số nước có kinh tế thị trường truyền thống.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, môi trường pháp lý, tạo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư và tạo "một sân chơi" bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư; đơn giản hoá thủ tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư; đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động đầu tư, năm 2005 Quốc hội đã ban hành Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 01/7/2006 và thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Việc ban hành Luật Đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực của tình hình ĐTNN vào Việt Nam kể từ năm 2006 tới nay.
2.1.2 Tình hình thu hút vốn FDI:
Đề tài tập trung vào giai đoạn từ sau 2005 khi hoạt động của dòng vốn FDI trở nên cực kỳ sôi động sau khi Luật Đầu tư 2005 ra đời.
Đồ thị 2.1. Biểu đồ FDI giai đoạn 2000-2009 Đầu tư trực tiếp FDI 2000-2009 3.14 3.00 3.19 4.55 6.84 12.00 21.35 64.01 18.93 2.45 2.59 2.65 2.85 3.31 4.10 8.03 11.60 8.00 2.84 2.41 - 10 20 30 40 50 60 70 2000 2001 2002 2003 2004 2005 2006 2007 2008 ước 10 tháng 2009 T ỷ U S D Vốn đăng ký Vốn thực hiện
(GSO, Cục đầu tư nước ngoài FIA)
Giai đoạn 2005 – 2008 :
Theo Bộ KH-ĐT, thu hút FDI của Việt Nam năm 2005 đạt trên 5,8 tỷ USD vốn đăng ký, tăng 25% so với năm 2004 và cao hơn nhiều so với mục tiêu ban đầu đề ra là 4,5 tỷ USD. Trong năm 2005 cũng đã có 3,3 tỷ USD vốn thực hiện với khoảng 120 dự án đi vào hoạt động.
Điểm đáng chú ý trong thu hút đầu tư nước ngoài năm 2005 là chất lượng các dự án mới và các dự án tăng vốn đã có những bước chuyển biến tích cực. Biểu hiện cụ thể bằng việc thu hút được các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến như dự án xây dựng hệ thống di động CDMA của các mạng di động Sfone, HT Mobile…; các dự án đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất moteur chính xác cao của tập đoàn NIDEC; dự án nghiên cứu, phát triển và sản xuất các thiết bị âm thanh siêu nhỏ của tập đoàn SONION, các dự án mở rộng sản xuất của tập đoàn điện tử CANON. Dự án của các tập đoàn đa quốc gia quay trở lại đầu tư và mở rộng sản xuất tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể.
Trong năm 2006, cả nước đã thu hút trên 10,2 tỷ vốn đăng ký mới, tăng 57% so với năm trước, trong đó có gần 8 tỷ USD vốn đăng ký của hơn 800 dự án mới và hơn 2,2 tỷ USD vốn tăng thêm của 440 lượt dự án đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Như vậy, cả vốn đăng ký của các dự án mới và vốn đầu tư mở rộng sản xuất đều tăng mạnh so với năm 2005, trong đó vốn đăng ký của các dự án mới tăng tới 77%. Vốn thực hiện năm 2006 cũng đạt mức trên 4,1 tỷ USD, tăng 24,2% so với năm trước.
Hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả khả quan hơn mức dự báo. Năm 2006, đã có thêm 250 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động, tổng doanh thu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 29,4 tỷ USD, tăng 31,3% so với năm trước. Riêng doanh thu xuất khẩu (không kể dầu thô) của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 14,5 tỷ USD, tăng 30,1% và nếu tính cả xuất khẩu dầu thô đạt 22,6 tỷ USD, chiếm 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,5%, cao hơn mức tăng trưởng chung của công nghiệp cả nước.
Giai đoạn này cũng bắt đầu xuất hiện những dự án lớn của các tập đoàn xuyên quốc gia. Trong đó, phải kể đến dự án đầu tư của tập đoàn Intel tại thành phố Hồ Chí Minh có tổng vốn đầu tư (kể cả tăng vốn) lên tới 1 tỷ USD; dự án sản xuất thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu của tập đoàn Posco Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký 1,126 tỷ USD; công ty trách nhiệm hữu hạn Tycoons Worldwide Steel (Việt Nam) với tổng vốn đầu tư 556 triệu USD xây dựng nhà máy cán thép tại khu kinh tế Dung Quất; công ty trách nhiệm hữu hạn điện tử Meiko với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD,... tính riêng 10 dự án lớn nhất đã có tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến gần 4 tỷ USD.
Cơ cấu đầu tư đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghiệp công nghệ cao. Ngoài dự án của tập đoàn Intel, năm 2006 đã xuất hiện và gia tăng các dự án đầu tư của các tập đoàn hàng đầu Nhật Bản như dự án sản xuất thiết bị y tế của tập đoàn Terumo, sản xuất máy fax, máy in laser của tập đoàn Brothers Industries; các dự án tăng vốn, xây dựng nhà máy mới của công ty trách nhiệm hữu hạn Cannon Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn Panasonic Việt Nam, công ty trách nhiệm hữu hạn Ritech Việt Nam,...
Năm 2007, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh với hơn 1.400 dự án được cấp mới, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 18 tỷ USD. Đồng thời có khoảng 380 lượt dự án đầu tư đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt 2,4 tỷ USD. Tính chung, thu hút FDI đạt 21,3 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2006, gần bằng tổng mức đầu tư nước ngoài của 5 năm 2001-2005 và chiếm tới gần 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài trong 20 năm trước đó.
Điểm nổi bật nhất là công tác thu hút nguồn vốn FDI trong năm 2007 đã tăng cao một bước cả về lượng và chất. Không chỉ đơn thuần tăng về lượng, đạt mức kỷ lục chưa từng có (21,3 tỷ USD), mà nguồn vốn FDI thu hút trong năm qua còn tăng về chất với việc thu hút được nhiều dự án quy mô lớn, có ý nghĩa quan
trọng, thu hút được công nghệ nguồn và công nghệ cao. Điều này đã minh chứng một cách rõ nét về sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam đã được nâng cao và được một cơ hội “tuyệt vời” sau khi là thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO và Việt Nam đã và đang trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn ở Châu Á trong con mắt của các nhà đầu tư quốc tế. Qua kết quả khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư của Hội Nghị Thương Mại và Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) vừa công bố, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 trong tổng số 141 nền kinh tế được khảo sát (sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nga và Brazil).
Năm 2008 là một năm kỷ lục về thu hút FDI của Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 60,217 tỷ USD, tăng 222% so với năm 2007, số dự án cấp mới đạt 1.171. về số lượng lao động tăng thêm đạt 16 vạn người, tăng 6,7% so với năm 2007; nộp ngân sách Nhà nước 2 tỷ USD, tăng 29% so với năm 2007. Số dự án tăng vốn cũng rất lớn với 311 dự án đăng ký tăng vốn với tổng số vốn đăng ký tăng thêm 3,74 tỷ USD. Tính chung cả vốn đăng ký cấp mới và vốn đăng ký tăng thêm, tổng số vốn FDI đăng ký tại Việt Nam năm 2008 (tính đến 19/12) đạt 64,011 tỷ USD, tăng 199,9% so với năm 2007. Vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2007.
Trong năm 2008, vốn đăng ký mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng có 572 dự án với tổng vốn đăng ký 32,62 tỷ USD, chiếm 48,85% về số dự án và 54,12% về vốn đầu tư đăng ký. Đã có 50 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 11 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư vốn trên 1 tỷ USD. Malaysia đứng đầu với 55 dự án, vốn đăng ký 14,9 tỷ USD, chiếm 4,7% về số dự án và 24,8% về vốn đầu tư đăng ký. Các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2008 thực hiện chủ yếu theo hình thức 100% vốn nước ngoài (882 dự án, vốn đăng ký 31,16 tỷ USD), chiếm 75,3% về số dự án và 51,7% về vốn đăng ký. Trong 11 tháng đầu năm 2008 tỉnh Ninh Thuận đứng đầu về số vốn đăng ký do có dự án liên doanh sản xuất thép giữa tập đoàn Lion Malaysia với Vinashin tổng vốn đăng ký 9,79 tỷ USD, Bà Rịa -Vũng Tàu đứng thứ 2 trong số 43 địa phương của cả nước, có 4 dự án, tổng vốn đăng ký 9,35 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng vốn đăng ký.
Trong năm 2009, theo thống kê sơ bộ của Bộ KH-ĐT, đã có 839 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đăng ký 16,340 tỷ USD. Tuy kết quả thu hút FDI năm 2009 chỉ bằng 24.6% so với năm 2008 nhưng đây cũng đã là một kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế. Trong năm 2009, cũng đã có 215 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm đạt 5,13 tỷ đô la, bằn 98.3% so với năm 2008. Điều này cho thấy môi trường và kết quả kinh doanh ở Việt Nam của các doanh nghiệp FDI vẫn rất khả quan. Trong năm 2009, vốn FDI thực
hiện đạt 10 tỷ đô la, bằng 87% so với năm 2008. Xuất khẩu của khu vực ĐTNN (kể cả dầu khí) đạt 29,9 tỷ đô la, bằng 86.6% so với năm 2008 và chiếm 52.7% xuất khẩu cả nước. Đáng chú ý là năm 2009, khu vực ĐTNN đã xuất siêu đến 5,03 tỷ đô la trong khi cán cân thương mại cả nước bị nhập siêu gần 12 tỷ đô la.
Nhìn chung, tuy thế giới đang bị khủng hoảng tài chính tác động trong năm 2009 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư “hấp dẫn” cho các nhà đầu tư nước ngoài bởi chính sách ngày càng thông thoáng hơn, tình hình chính trị – xã hội ổn định tạo môi trường đầu tư tốt; Song dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam dự kiến sẽ giảm do tác động xấu từ cuộc khủng hoảng này và Việt Nam cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải ngân nguồn vốn này một cách có hiệu quả.
2.1.3 Tác động của dòng vốn FDI: 2.1.3.1 Tác động tích cực: 2.1.3.1 Tác động tích cực:
• Nguồn vốn bổ sung quan trọng đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế
Đóng góp của khu vực có vốn FDI trong tổng vốn đầu tư xã hội có biến động lớn, từ tỷ trọng chiếm 13,1% vào năm 1990 đã tăng lên mức 32,3% trong năm 1995. Tỷ lệ này đã giảm dần trong giai đoạn 1996-2000, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính khu vực (năm 2000 chiếm 18,6%) và trong 5 năm 2001- 2005 chiếm khoảng 16% tổng vốn đầu tư xã hội; hai năm 2006-2007 chiếm khoảng 16% (theo niên giám thống kê, cơ cấu vốn đầu tư thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài năm 2003 là 16%, năm 2004 là 14,2%, năm 2005 là 14,9% và năm 2006 là 15,9%, ước năm 2007 đạt trên 16%).
Vốn FDI đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Từ năm 1991- 2000, GDP tăng liên tục qua các năm với tốc động tăng bình quân mỗi năm 7,56%, trong đó: giai đoạn từ 1991-1995: tăng 8,18% (nông lâm ngư tăng 2,4%; công nghiệp xây dựng tăng 11,3%, dịch vụ tăng 7,2%); giai đoạn từ 1996-2000: tăng 6,94% (nông lâm ngư tăng 4,3%; công nghiệp xây dựng tăng 10,6%, dịch vụ tăng 5,75%). Nhờ vậy, đến năm 2000 tổng sản phẩm trong nước tăng gấp hơn 2 lần năm 1990; giai đoạn từ 2001-2005: tốc độ tăng GDP đạt 7,5% (nông lâm ngư tăng 3,8%; công nghiệp xây dựng tăng 10,2%, dịch vụ tăng 7%); năm 2006 đạt 8,17% (nông lâm ngư tăng 3,4%; công nghiệp xây dựng tăng 10,37%, dịch vụ tăng 8,29%) và năm 2007 đạt 8,48% (nông lâm ngư tăng 3,4%; công nghiệp xây dựng tăng 10,6%, dịch vụ tăng 8,6%).
• FDI góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp
Trong 20 năm qua, FDI đóng một vai trò quan trọng cho sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và cho ngành công nghiệp nói riêng, từng bước trở thành nguồn vốn đầu tư quan trọng của quốc gia, góp phần phát triển ngành công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sản xuất, phát huy hiệu quả đầu tư, nhiều công trình trọng điểm làm cơ sở cho tăng trưởng giai đoạn sau đó được khởi công và đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình điện, dầu khí, công nghiệp nặng, công nghiệp phục vụ xuất khẩu...
Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI cao hơn mức tăng trưởng công nghiệp chung của cả nước, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), tăng tỷ trọng của khu vực kinh tế có vốn FDI trong ngành công nghiệp qua các năm (từ 23,79% vào năm 1991 lên 40% năm 2004, 41% năm 2005 và năm 2006).
Giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực kinh tế có vốn FDI trong 5 năm qua chiếm trung bình 42,5% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Cụ thể tỷ trọng trên tăng từ 41,3% vào năm 2000 lên 43,7% vào 2 năm 2004 và 2005. Đặc biệt, một số địa phương (Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc..) tỷ lệ này đạt đến 65-70% giá trị sản xuất công nghiệp của địa bàn.
FDI đã tạo ra nhiều ngành công nghiệp mới, tăng cường năng lực cho nhiều ngành công nghiệp như dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất, ô tô, xe máy, thép, điện tử và điện tử gia dụng, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, da giày, dệt may… Hiện FDI đóng góp 100% sản lượng của một số sản phẩm công nghiệp (dầu khí, thiết bị máy tính, máy giặt, ...), 60% cán thép, 33% hàng điện tử, 76% dụng cụ y tế chính xác, 49% sản phẩm da giày, 55% sản lượng sợi, 25% hàng may mặc.
FDI đã góp phần hình thành và phát triển trong cả nước hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao tương đối đồng bộ và hiện đại, đem lại hiệu quả sử dụng đất cao hơn ở một số địa phương đất đai kém màu mỡ.