Về loại hình/thủ đoạn rủi ro gian lận mới

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ giải pháp hạn chế rủi ro gian lận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam (Trang 59 - 60)

* Về loại hình rủi ro gian lận mới:

- Trong năm 2012, tại Việt Nam phát sinh thêm 02 loại hình rủi ro gian lận gây tổn thất lớn cho hoạt động thẻ là Gian lận trong quá trình kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM và ĐVCNT gian lận cố tình hoặc thông đồng với kẻ gian để thực hiện giao dịch bằng thẻ gian lận, giả mạo (đây là loại hình rủi ro khá phổ biến trên thế giới nhưng mới phát sinh và có xu hướng gia tăng tại Việt Nam trong 2 năm gần đây).

- Đầu năm 2013, tại Việt Nam, phát sinh thêm loại hình rủi ro lừa đánh cắp thông tin chủ thẻ, thẻ qua hình thức thư điện tử, điện thoại mạo danh (Phishing). Loại hình rủi ro này khá phổ biến trên thế giới và có xu hướng gia tăng tại thị trường Việt Nam trong năm 2013.

* Về thủ đoạn rủi ro gian lận mới:

+ Cán bộ ngân hàng lợi dụng sơ hở trong khâu quản lý, không niêm phong tiền khi vận chuyển tiền từ Ngân hàng đến các máy ATM, đã chiếm đoạt số tiền rất lớn để chơi cá độ bóng đá và đá gà. Vụ việc bị phát hiện khi Chi nhánh lập tổ kiểm tra ngân quỹ đột xuất.

+ Cán bộ lợi dụng lòng tin của đồng nghiệp, dùng chìa khóa máy ATM 07 lần liên tiếp để thực hiện hành vi gian lận lấy tiền từ các máy ATM để chơi cá độ bóng đá

+ Nhóm đối tượng mang theo nhiều thẻ do các ngân hàng nước ngoài phát hành (chủ yếu các ngân hàng phát hành thẻ ở Mỹ) và chủ động tìm đến các ĐVCNT nhưng không mua hàng hóa mà đề nghị thực hiện giao dịch thẻ. Đối tượng dùng thẻ giả thực hiện giao dịch liên tục trong thời gian ngắn với số tiền lớn, mỗi giao dịch chỉ cách nhau từ 30 giây đến 60 giây. Sau khi tài khoản của ĐVCNT được báo có, đối tượng sẽ yêu cầu ĐVCNT rút tiền mặt từ ngân hàng và quay lại ĐVCNT để nhận tiền, đồng thời để lại cho ĐVCNT hưởng tỷ lệ hoa hồng đã thỏa thuận

+Kẻ gian lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân, thẻ của chủ thẻ với các dấu hiệu, đặc điểm như mạo danh tổ chức có uy tín gửi thư điện tử, gọi điện cho người dùng, với các nội dung thông báo có tính chất thu hút hoặc đe dọa, khẩn cấp nhằm gợi ý người dùng nhấn vào các tập/đường dẫn đính kèm. Sau đó, yêu cầu chủ thẻ dùng cung cấp thông tin cá nhân, thẻ và đồng thời, có thể nhiễm các mã độc chạy ngầm trong máy tính để đánh cắp thông tin của chủ thẻ. Các thông tin thẻ đánh cắp được sẽ được sử dụng để thực hiện các giao dịch gian lận trong môi trường không xuất trình thẻ.

+ Xuất hiện các trường hợp tội phạm tấn công đánh cắp thông tin thẻ, thông tin cá nhân (Phishing) của chủ thẻ qua thư điện tử, điện thoại, website giả mạo. Tùy vào loại thông tin chúng đánh cắp được, các thông tin sau đó được sử dụng cho mục đích gian lận phổ biến là giao dịch qua Internet, giao dịch điện tử (Internet Banking, Mobile Banking).

+ Cơ quan Công an phát hiện một số vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua thẻ thanh toán quốc tế Hà Nội. Các đối tượng dụ dỗ một số người dân đứng tên, mở thẻ rồi sau đó mua lại, mang ra nước ngoài để lợi dụng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản như yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào các tài khoản trên cho chúng, cung cấp thông tin tài khoản, mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng để chúng thực hiện chuyển tiền sang tài khoản của chúng qua các giao dịch ngân hàng điện tử như Internet Banking, Mobile Banking. Sau đó, chúng rút sạch tiền từ các tài khoản này tại nước ngoài.

+ Trong phát hành thẻ, phát hiện một số trường hợp khách hàng câu kết với các đối tượng khác, để các đối tượng này đứng ra lập doanh nghiệp. Sau đó, dàn xếp giao dịch lương trên sao kê để đăng ký phát hành thẻ tại một số ngân hàng.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sĩ giải pháp hạn chế rủi ro gian lận trong hoạt động kinh doanh dịch vụ thẻ tại ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển việt nam (Trang 59 - 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)