V Khoa Sử ĐHKHXH&N
Hoa văn gốm Xóm Rền trong hệ thống hoa văn gốm phùng nguyên
4.1.2. Giai đoạn Phùng Nguyên điển hình: ở giai đoạn này, đồ gốm cơ bản được làm từ đất sét tương đối mịn, kích thước có phần lớn hơn đồ đựng giai đoạn
được làm từ đất sét tương đối mịn, kích thước có phần lớn hơn đồ đựng giai đoạn trước đó. Đặc biệt hoa văn trang trí rất phát triển, xuất hiện nhiều họa tiết hoa văn phức tạp và đẹp mắt. Nếu ở giai đoạn Gò Bông đồ gốm thường được trang trí các hoa văn khắc vạch các đoạn vạch ngắn hoặc in lăn thừng nhỏ trong các họa tiết khắc vạch, thì sang giai đoạn này gốm chủ yếu được trang trí bằng lối in chấm thưa trong các họa tiết khắc vạch. Giai đoạn này không gian phân bố của các di chỉ Phùng Nguyên mở rộng hơn và số lượng các di chỉ cũng nhiều hơn giai đoạn trước. Đặc biệt xuất hiện nhiều loại hình đồ đựng khác nhau. Hoa văn trang trí vì thế cũng phong phú hơn. Các họa tiết hoa văn tuân thủ theo các quy tắc đối xứng rất chặt chẽ và phổ biến. Hoa văn trang trí khắc vạch hình chữ S với hàng chục biến thể đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hoa văn. Khác với giai đoạn sớm, hoa văn trang trí trên đồ gốm giai đoạn này không còn chuộng cách trang trí hoa văn khắc vạch trên nền thừng nữa mà người Phùng Nguyên điển hình đã đưa các họa tiết chính trang trí ở một mảng riêng tách khỏi văn thừng. Lối khắc vạch in ấn rời thay thế cho lối khắc vạch in lăn ở giai đoạn Gò Bông. Người Phùng Nguyên đã tạo ra nhiều họa tiết hoa văn đẹp, có kết cấu phức tạp nhưng lại rất uyển chuyển, hài hoà. Hoa văn trang trí trên đồ gốm giai đoạn Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tạo hoa văn. Các họa tiết hoa văn được tạo ra theo một khuôn mẫu nhất định và có sự quy định chặt chẽ.
Các di chỉ tiêu biểu cho giai đoạn này là Phùng Nguyên, Xóm Rền, An Đạo, Nghĩa Lập... (Riêng di chỉ Xóm Rền, sau đợt khai quật lần hai, chúng tôi có một số tư liệu mới dẫn đến suy nghĩ mới nên xin trình bày ở phần sau)
Di chỉ Phùng Nguyên phân bố trên một dải đồi đất ven sông Thao thuộc thôn Phùng Nguyên, xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ phát hiện vào năm 1959 và tiến hành khai quật ba lần vào các năm 1959, 1961 và 1968. Đồ gốm ở di chỉ Phùng Nguyên phong phú và đa dạng về loại hình và hoa văn trang trí. Ngoại trừ những hoa văn mang tính chất kỹ thuật như văn thừng, văn chải, thường mịn hơn các hoa văn cùng loại ở giai đoạn sau, thì hoa văn trang trí khắc vạch trên đồ gốm di chỉ Phùng Nguyên mang nhiều dấu ấn riêng. Người cổ Phùng Nguyên rất chuộng lối trang trí theo băng ngang và chính lối trang trí này đã thể hiện được tài năng sáng tạo của người thợ gốm. Hoa văn khắc vạch với các đồ án chủ đạo như: hình chữ S các loại như chữ S đơn, chữ S nằm theo băng dải ngang, hình chiếc lá, “hình giun”, những đồ án hình học phức tạp đối xứng, kết hợp cả chữ S, cả họa tiết đệm trong những hình tam giác không khép kín trở thành các đồ án phức hợp điển hình ở gốm di chỉ Phùng Nguyên nói riêng và giai đoạn Phùng Nguyên điển hình nói chung. Chính ở giai đoạn này, người thợ gốm Phùng Nguyên đã hình thành đầy đủ nhất những ý niệm của họ về đối xứng trong trang trí hoa văn trên đồ gốm [4], [5, 127- 160], [10].