5. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Chấp hành Ngân sách huyện
Sau khi được UBND huyện ban hành Quyết định giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và cấp ngân sách xã. Phòng Tài chính - Kế hoạch căn cứ vào Quyết định của UBND huyện thông báo phân bổ dự toán ngân sách gửi cho các đơn vị trực thuộc, các xã, thị trấn; đồng thời gửi KBNN huyện để phối hợp thực hiện.
Khi nhận được Quyết định của UBND huyện, thông báo của phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Các cơ quan đơn vị, các xã, thị trấn tổ chức triển khai ngay công tác thu, chi NSNN thuộc nhiệm vụ được giao.
Về thực hiện nhiệm vụ thu Ngân sách chỉ cơ quan tài chính, cơ quan Thuế và cơ quan khác được Nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách (Gọi chung là cơ quan Thu) được tổ chức thu NSNN.
Cơ quan Thu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Phối hợp với các cơ quan Nhà nước hữu quan tổ chức thu đúng pháp luật; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của UBND và sự giám sát của HĐND về công tác thu Ngân sách tại địa phương; Phối hợp với mặt trận tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của luật NSNN và các quy định khác của pháp luật.
Tổ chức quản lý, thực hiện thu thuế và các khoản thu khác phải nộp NSNN do các tổ chức, cá nhân nộp.
Kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu của NSNN; kiểm tra việc chấp hành thu, nộp NSNN và xử lý các hành vi, vi phạm theo quy định của pháp luật.
Toàn bộ các khoản thu ngân sách được nộp trực tiếp vào KBNN hoặc qua hình thức ủy nhiệm thu qua hệ thống ngân hàng. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thu được phép thu trực tiếp, nhưng phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào KBNN theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Về chi ngân sách căn cứ vào dự toán ngân sách được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện rút kinh phí chi tiêu cho hoạt động của đơn vị mình và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng tài sản và NSNN theo đúng chính sách chế độ, tiêu chuẩn, định mức dự toán được giao; trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định của luật NSNN năm 2002. Người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị sử dụng Ngân sách có trách nhiệm thực hiện chế độ quản lý tài chính - ngân sách, chế độ kế toán Nhà nước; thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ nhằm phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị thủ trưởng đơn vị, cơ quan tài chính xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
Các khoản chi thường xuyên theo định kỳ được bố trí kinh phí đều trong năm để chi; các khoản chi có tính chất thời vụ hoặc mua sắm, sửa chữa lớn được bố trí trong thời điểm kinh phí ngân sách đáp ứng được thì thực hiện.
Chi đầu tư phát triển phải đảm bảo cấp đúng và đủ theo tiến độ thực hiện trong phạm vi tổng mức dự toán được giao.
Đối với những dự án, nhiệm vụ chi quan trọng, đột xuất cấp thiết thì được tạm ứng trước dự toán để thực hiện.
Về nhiệm vụ chi cho các chương trình mục tiêu quốc gia; chi mua sắm, sửa chữa lớn, chi sự nghiệp kinh tế, dự toán năm giao cho các đơn vị sử dụng còn được phân theo tiến độ từng quý.
Dự toán chi đầu tư XDCB được phân bổ chi tiết theo từng loại và các hạng mục của Mục lục NSNN phân bổ bằng thông báo hạn mức vốn đầu theo tiến độ thực hiện.
Khi phân bổ dự toán ngân sách được giao, cơ quan, đơn vị phân bổ dự toán chi phải đảm bảo bố trí đủ vốn, kinh phí cho các dự án, nhiệm vụ đã được chi ứng trước dự toán nhưng đồng thời phải phân bổ hết dự toán ngân sách được giao. Trường hợp có các nhiệm vụ chi chưa xác định được rõ đơn vị thực hiện trong dự toán đầu năm thì được giữ lại để phân bổ sau, nhưng khi phân bổ thì phải gửi cơ quan tài chính cùng cấp để xem xét.
Theo Luật NSNN năm 2002, nguyên tắc chi trả, thanh toán các khoản chi của NSNN là: căn cứ vào dự toán NSNN được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi của đơn vị theo đúng tiến độ, tiêu chuẩn, định mức. Phòng Tài chính - Kế hoạch và KBNN huyện thực hiện chi trả thanh toán các khoản chi có tính chất lương, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ và người nhận thầu. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, do chưa đủ điều kiện thực hiện chi trả, thanh toán theo nguyên tắc như trên, việc chi trả, thanh toán đối với một số khoản chi NSNN được áp dụng theo một số hình thức khác như: Lệnh chi tiền, Uỷ nhiệm chi, Ghi thu, ghi chi…
Thanh toán, chi trả theo dự toán từ KBNN huyện.
Đối tượng chi trả, thanh toán theo dự toán từ KBNN huyện gồm các khoản chi thường xuyên trong dự toán ngân sách được giao của các cơ quan, đơn vị sau:
+ Các cơ quan hành chính Nhà nước. + Các đơn vị sự nghiệp.
+ Các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp thường xuyên được NSNN hỗ trợ kinh phí.
Dựa trên cơ sở dự toán ngân sách đã gửi KBNN huyện và theo yêu cầu nhiệm vụ chi cho hoạt động của đơn vị mình, thủ trưởng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách lập chứng từ, giấy rút dự toán ngân sách kèm theo hồ sơ thanh toán gửi KBNN huyện. KBNN huyện kiểm tra tính hợp pháp của chứng từ, hồ sơ thanh toán, các điều kiện chi và giấy rút dự toán, nếu đầy đủ thì thực hiện thanh toán, nếu chưa đầy đủ các điều kiện để thực hiện thanh toán ở tất cả các khoản thì được phép cấp tạm ứng đối với một số khoản chi nhất định. Sau khi hoàn thành công việc và có đầy đủ chứng từ thanh toán thì chuyển từ tạm ứng sang thực thi.
Thanh toán, chi trả bằng hình thức lệnh chi tiền.
Một số nhiệm vụ được thanh toán, chi trả theo hình thức lệnh chi tiền gồm có: Chi hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế, xã hội các đơn vị đóng trên địa bàn không thụ hưởng NSĐP; chi trả nợ, viện trợ; chi bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới và một số khoản chi khác.
Căn cứ vào dự toán NSNN được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chi, cơ quan tài chính xem xét, kiểm tra từng yêu cầu, nhiệm vụ chi và nếu có đủ điều kiện thanh toán thì ra lệnh chi trả cho tổ chức, cá nhân được hưởng ngân sách. KBNN thực hiện tính hợp lý của chứng từ xuất quỹ ngân sách, chuyển khoản hoặc cấp tiền mặt cho các tổ chức, cá nhân được hưởng ngân sách.
Thanh toán, chi trả bằng Uỷ nhiệm chi; chi bằng hình thức này đối với các chương trình, dự án của cấp trên uỷ quyền cho cơ quan tài chính cấp dưới thực hiện một số nhiệm vụ chi phát sinh trên địa bàn.
Như vậy, tất cả các khoản chi đều có quy định cụ thể, từ đối tượng được chi, quy trình chi trả, thanh toán như việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Quan trọng là trong thực tế phải nghiêm chỉnh chấp hành theo luật NSNN và các quy định của pháp luật, đồng thời sáng tạo trong việc áp dụng vào thực tế. Điều này đòi hỏi đội ngũ cán bộ QLNN trên lĩnh vực Tài chính ngân sách phải có trình độ, có lương tâm nghề nghiệp.
Trong quá trình chấp hành ngân sách, khi phát sinh các công việc đột xuất như; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch hoạ và các nhiệm vụ chi cấp thiết chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong dự toán được giao mà sau khi sắp xếp lại các khoản chi, đơn vị vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu lập tờ trình báo cáo phòng Tài chính tổng hợp trình UBND huyện để xử lý.
Việc xử lý các khoản chi phát sinh đột xuất trong năm, phòng Tài chính - Kế hoạch huyện tổng hợp trình UBND huyện xem xét điều chỉnh bổ sung dự toán NSNN trình HĐND vào kỳ họp gần nhất.
Quá trình thực hiện khâu chấp hành dự toán ngân sách huyện, sự giám sát của nhân dân, HĐND huyện, các cơ quan tài chính cấp trên, nhất là Sở Tài chính tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý tài chính là một công việc hết sức quan trọng giúp cho UBND huyện phát hiện được những sai sót, kịp thời điều chỉnh cho đúng với các quy định của Nhà nước.