Như chúng ta thấy, pháp luật hiện diện ở tất cả các điều kiện khác, tạo cơ sở pháp lý cho các điều kiện ấy phát huy được vai trò và hiệu quả của
chúng trong việc thực hiện quyền con người trên quy mô toàn xã hội. Pháp luật có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc bảo vệ quyền con người. Để phát huy đầy đủ vai trò quan trọng của pháp luật trong việc bảo vệ quyền con người thì phải thể chế hóa quyền con người thành các quy định cụ thể trong hệ thống pháp luật, phải có cơ chế bảo đảm cho các quy định đó được thực hiện trong thực tế, tạo thành đảm bảo pháp lý thực hiện quyền con người. Nói cách khác, đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người chính là đảm bảo thực hiện quyền con người bằng pháp luật.
Thể chế hóa quyền con người trong hệ thống pháp luật, không chỉ là cụ thể hóa quyền con người thành các quyền và nghĩa vụ cụ thể của công dân và những người không phải là công dân hoặc bị tước đi quyền công dân, mà nó còn bao hàm cả việc quy định các hình thức, biện pháp xử lý những hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, quy định về tổ chức hoạt động của bộ máy Nhà nước, chức năng nhiệm vụ quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và công chức Nhà nước, xây dựng hệ thống các thủ tục tố tụng trong đó có tố tụng hình sự, cụ thể hóa các công ước quốc tế về quyền con người mà các quốc gia đã tham gia ký kết hay phê chuẩn nhằm đảm bảo thực hiện bảo vệ quyền con người.
Quyền con người được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật thành hệ thống các quy định nêu trên, nhưng nếu không có cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định đó thì không thể nói đã có đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người. Vì vậy, phải triển khai các hoạt động phổ biến, tuyên truyền, giáo dục, giải thích pháp luật, hướng dẫn thực hiện pháp luật… nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho các thành viên xã hội, hình thành văn hóa pháp lý trong đời sống xã hội. Đồng thời huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc tổ chức thực hiện pháp luật, nhất là nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện pháp luật của bộ máy Nhà nước, phải bảo đảm cho các quy định
nhằm thực hiện bảo vệ quyền con người, quyền công dân trong hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh, các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân ngày càng giảm, các hiện tượng vi phạm càng phải được phát hiện, xử lý kịp thời.
Quá trình thể chế hóa quyền con người, xây dựng các thiết chế bảo đảm thực hiện nó trong hệ thống pháp luật cũng chính là quá trình xây dựng đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người. Quyền con người được thể chế hóa trong hệ thống pháp luật sẽ trở nên vô nghĩa nếu việc tổ chức thực hiện không được thường xuyên. Khả năng bảo đảm bảo vệ quyền con người trong quá trình tổ chức thực hiện trước hết phụ thuộc vào chất lượng của việc thể chế hóa quyền con người tự nhiên thành quyền công dân, cùng với các thiết chế bảo đảm thực hiện nó trong hệ thống pháp luật như: bảo đảm tính cụ thể, đồng bộ thuận tiện khả thi của các quy định pháp luật về quyền công dân; xây dựng thiết chế tổ chức, hoạt động của bộ máy Nhà nước hướng đến mục tiêu thực hiện bảo vệ quyền con người; xây dựng hệ thống các thủ tục tố tụng ngăn ngừa sự tùy tiện, lạm quyền của các cơ quan và những người tiến hành tố tụng, hòa nhập pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế.
Như vậy, đảm bảo pháp lý bảo vệ quyền con người là hệ thống các quy định trong hệ thống pháp luật nhằm cụ thể hóa, bảo đảm thực hiện bảo vệ quyền con người và cơ chế bảo đảm thực hiện các quy định đó trong thực tiễn đời sống.
Hoạt động xét xử của tòa án phải được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định, cho nên pháp luật tố tụng là cơ sở pháp lý bảo đảm cho tòa án thực hiện tốt các chức năng và nhiệm vụ của mình đặc biệt là hoạt động xét xử. Hoạt động xét xử chỉ bảo đảm được công bằng, vô tư, khách quan khi có hệ thống pháp luật tố tụng đầy đủ, thống nhất và bảo đảm được quyền con
người toàn diện cũng như khả năng độc lập của tòa án, Thẩm phán, hội thẩm trước các bên tham gia tố tụng, các cơ quan nhà nước khác. Chính vì pháp luật tố tụng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng xét xử nên các chế định pháp lý trong lĩnh vực này phải cụ thể hóa các nguyên tắc cơ bản của hoạt động xét xử, các nguyên tắc về tổ chức hoạt động của tòa án, các nguyên tắc cơ bản của tổ chức bộ máy nhà nước, cụ thể: Thẩm quyền xét xử của tòa án phải bao quát hết các tranh chấp, mâu thuẫn trong giao lưu dân sự, các hành vi vi phạm pháp luật (kể cả quyết định, hành vi công vụ của cán bộ công chức, cơ quan nhà nước) và các hành vi phạm tội diễn ra trong xã hội; trình tự, thủ tục tư pháp được xác định rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án, đồng thời nội dung dễ hiểu, dễ thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân có thể tiếp cận; pháp luật phân định rõ thẩm quyền quản lý hành chính với trách nhiệm, quyền hạn tư pháp trong hoạt động tố tụng tư pháp.