Việc tổ chức quyền lực Nhà nước

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 31 - 32)

Quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thực tế, ở nước ta cũng như các nước trên thế giới thông thường quyền lập pháp được giao cho Quốc hội hay Nghị viện, quyền hành pháp được giao Chính phủ, quyền tư pháp được giao cho Tòa án. Các nhánh quyền lực này được giới hạn bằng công cụ pháp lý thông qua việc phân chia thành các nhánh lập pháp, hành pháp, tư pháp và chỉ được phép hoạt động trong phạm vi quy định của pháp luật. Sự phân chia này không chỉ nhằm chuyên môn hóa các quyền mà còn tạo ra cơ chế giám sát, chế ước lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực, tạo ra sự cân bằng về quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước. Sự phân định này là điều kiện cơ bản để nhân dân giao quyền mà không bị lạm quyền, nhân dân kiểm soát và đánh giá được hiệu lực và hiệu quả thực hiện các quyền mà mình đã giao.

Trong nhà nước pháp quyền, tư pháp độc lập được thừa nhận có khả năng nhất bảo đảm cho những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền được duy trì và tồn tại trong xã hội cũng như việc bảo vệ quyền con người của quyền lực nhà nước. Chính vì thế để bảo đảm cho quyền tư pháp được vận hành

đúng với bản tính vốn có của nó thì việc xét xử độc lập là yếu tố vô cùng quan trọng. Độc lập xét xử khó được bảo đảm nếu quyền tư pháp không thể độc lập trong mối quan hệ với quyền lực hành pháp và quyền lực lập pháp. So với quyền lập pháp và quyền hành pháp, quyền tư pháp không có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ bởi quyền lực chính trị như quyền lập pháp cũng như công cụ quyền lực cưỡng chế mạnh mẽ như quyền hành pháp nên tính tự vệ của quyền tư pháp trước nguy cơ chi phối của quyền lập pháp hoặc quyền hành pháp không cao. Do đó, để bảo đảm sự độc lập của Tòa án, hạn chế sự xâm hại của các quyền lực khác vào hoạt động của Tòa án, Hiến pháp cần phải hiến định cơ chế bảo đảm sự độc lập của Tòa án. Tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án sẽ hạn chế được nguy cơ bị chi phối bởi các cơ quan nhà nước khác, bảo đảm được năng lực, chất lượng xét xử của Tòa án, là cơ sở vững chắc bảo đảm cho vai trò bảo vệ quyền con người của Tòa án.

Kiểm soát quyền lực nhà nước được thực hiện đồng thời với nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Điều đó, có thể được hiểu là mỗi cơ quan trong việc thực thi quyền lực nhà nước đều phải chịu sự kiểm soát lẫn nhau bằng các quyền cụ thể do pháp luật quy định, đồng thời mỗi cơ quan đều có trách nhiệm thực hiện đúng phạm vi quyền lực của mình, không xâm lấn, không lạm quyền. Như vậy, Hiến pháp mới được ban hành năm 2013 đã thể hiện rõ nội dung ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được xác lập trên thực tế. Sự phân công rành mạch ba quyền này tạo cơ sở pháp lý cho cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cũng như thực tế để Tòa án phát huy được vai trò của mình trong việc bảo vệ quyền con người.

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 31 - 32)