Tòa án chưa thực sự độc lập trong hoạt động xét xử

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 63 - 67)

Độc lập của tư pháp là một trong những yếu tố đảm bảo trong việc bảo đảm quyền bình đẳng của con người, nhất là trong việc chống lại tình trạng tham nhũng, sách nhiễu của những người cầm quyền. Ở Việt Nam, tính độc lập trong hoạt động còn những hạn chế nhất định như: Trong pháp luật Việt Nam, độc lập tư pháp được bảo đảm thông qua nguyên tắc độc lập của hoạt động xét xử là khi xét xử Thẩm phán và Hội thẩm độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Như vậy, độc lập Tòa án ở Việt Nam được pháp luật bảo đảm thông qua các cơ chế bảo đảm độc lập cho hoạt động xét xử và chủ thể trực tiếp được coi trọng là “Thẩm phán” và “Hội thẩm”. Chính vì thế, các cơ chế pháp lý bảo đảm độc lập cho hoạt động xét xử chủ yếu hướng đến “Thẩm phán” và “Hội Thẩm” còn các cơ chế bảo đảm độc lập cho quyền tư pháp, Tòa án chưa được pháp luật quy định. Do đề cao nguyên tắc “quyền lực nhà nước thống nhất” và chịu sự lãnh đạo toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam nên pháp luật Việt Nam không trực tiếp khẳng định sự độc lập của hệ thống Tòa án đối với các hệ thống cơ quan khác của Nhà nước cũng như của Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ trong quy định của pháp luật xác định trách nhiệm của Tòa án trong mối quan hệ với Đảng Cộng sản Việt Nam và các cơ quan nhà nước khác như sau:

Thứ nhất, trong mối quan hệ với Đảng Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê

nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình [41, Điều 4].

Đảng lãnh đạo Nhà nước trong đó có Tòa án thông qua đường lối, chủ trương và công tác nhân sự.

Trong những năm gần đây, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động xét xử, như Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49/NQ- TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Cùng với việc ban hành chủ trương chính sách thì Đảng còn lãnh đạo Tòa án thông qua công tác tổ chức cán bộ của ngành Tòa án. Việc quy hoạch, tuyển chọn Thẩm phán, các chức danh lãnh đạo của Tòa án các cấp đều có sự tham gia ý kiến của cấp ủy các cấp. Ngoài ra, Đảng còn lãnh đạo Tòa án thông qua các cơ quan của Đảng tham mưu cho Đảng trong hoạt động tư pháp, như: Ban Cải cách tư pháp trung ương, Ban Nội chính.

Về mặt lý luận thì hoạt động lãnh đạo của Đảng không ảnh hưởng đến sự độc lập của Tòa án vì mọi hoạt động lãnh đạo của Đảng phải bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy tình trạng cấp ủy Đảng can thiệp vào hoạt động xét xử đã xuất hiện. Điển hình như việc xét xử sơ thẩm vụ án cấp đất trái pháp luật ở thị xã Đồ Sơn ngày 28/8/2006, vụ án truy tố và xét xử bà Trần Thị Ngọc Sương tại Nông trường Sông Hậu về tội lập quỹ trái phép. Trong thực tiễn nhiều vụ án mà Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra có quan điểm trái ngược nhau thì được giải quyết theo hướng xin chủ trương của lãnh đạo Đảng ở địa phương. Chính thông lệ này đã

dẫn đến Đảng đã hạn chế sự độc lập của Tòa án trong việc giải quyết những vụ án cụ thể.

Thứ hai, trong mối quan hệ với cơ quan quyền lực nhà nước

Theo quy định của Hiến pháp thì Tòa án phải chịu sự giám sát tối cao của Quốc hội và hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân địa phương cùng cấp [41]. Để thực hiện chức năng của mình Quốc hội hoặc UBTVQH có quyền xem xét báo cáo của của TANDTC về công tác xét xử của hệ thống Tòa án hàng năm. Ngoài ra, các cơ quan của Quốc hội (Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội), Đại biểu Quốc hội có quyền giám sát Tòa án thông qua quyền yêu cầu Chánh án TANDTC trình bày hoặc cung cấp tài liệu về những vấn đề cần thiết hoặc yêu cầu Chán án TANDTC trả lời chất vấn.

Ngoài quyền giám sát, Quốc hội tác động đến Tòa án thông qua công tác cán bộ. Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, bỏ phiếu tin nhiệm Chánh án TANDTC; Quốc hội quyết định phân bổ ngân sách cho Tòa án; Quốc hội có quyền hủy bỏ văn bản của TANDTC trái với Hiến pháp, luật và nghị Quyết của Quốc hội.

Ở địa phương, HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương có quyền giám sát TAND địa phương thông qua việc xem xét báo cáo công tác xét xử của Tòa án địa phương. Đồng thời, Hiến pháp quy định Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn chánh án TAND cùng cấp. Ngoài ra, Chủ tịch HĐND (hoặc phó chủ tịch HĐND) có quyền giám sát và tác động đến Chánh án, Thẩm phán thông qua việc tuyển chọn Thẩm phán và Chánh án [41].

Quy định của Hiến pháp cho thấy trong mối quan hệ với hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước thì Tòa án chịu sự giám sát và kiểm soát tương đối toàn diện về mặt tổ chức, nhân sự. Quy định này là hợp lý nhằm hạn chế tối đa tình trạng lạm quyền của Tòa án nhưng không làm mất đi tính độc lập của Tòa án trong quá trình xét xử. Thực tế, tình trạng cơ quan quyền lực nhà nước

khó tác động trực tiếp đến hoạt động xét xử, nếu có tác động thì chủ yếu thông qua người đứng đầu các Tòa án. Trong trường hợp này nếu người đứng đầu Tòa án là người có bản lĩnh nghề nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt thì không gây hại lớn đến độc lập của hoạt động xét xử.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2010 (Điều 239 và Điều 240) và của BLTTDS (Điều 310a và 310b) thì Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải xem xét lại quyết định của mình khi có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phải xem xét kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đối với quyết định của Hội đồng Thẩm phán. Trong tình hình chất lượng xét xử hiện nay thì quy định nay là một cơ chế pháp lý để Quốc hội thực hiện hoạt động giám sát cũng như tạo ra cơ hội để những người bị oan sai có thể yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án. Tuy nhiên, xét ở phương diện bảo đảm độc lập của Tòa án thì quy định này có sự mâu thuẫn với Hiến pháp về phân công quyền lực nhà nước “quyền tư pháp thuộc về Tòa án”.

Thứ ba, trong mối quan hệ với cơ quan hành chính nhà nước

Tòa án quan hệ với quyền lực hành chính nhà nước thông qua việc xây dựng dự toán ngân sách cho ngành Tòa án. Chính phủ là cơ quan có quyền xem xét và trình ngân sách hàng năm của ngành Tòa án cho Quốc hội thông qua trên cơ sở đề xuất của TANDTC. Quy định này không dẫn đến ngân sách của Tòa án lệ thuộc vào Chính phủ nhưng cũng đã hạn chế nhất định quyền được có ngân sách độc lập của Tòa án như đã được đề cập trong cơ sở lý luận về các phương diện bảo đảm độc lập của Tòa án.

Thứ tư, trong mối quan hệ giữa Tòa án với các cơ quan tư pháp khác Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp [41]. Mặc dù Tòa án về nguyên tắc có thể độc lập đưa ra phán quyết không lệ thuộc vào ý kiến của Viện kiểm sát, nhưng mối lo

lắng về khả năng phán quyết có thể bị kháng nghị trong trường hợp ý kiến của Viện kiểm sát và của Tòa án khác nhau quá xa về đường lối xét xử vụ án cụ thể có thể làm Tòa án phải cân nhắc ý kiến của mình. Sự cân nhắc thận trọng là điều cần thiết nhưng nếu việc đó dẫn đến sự thỏa hiệp thì rõ ràng có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của Tòa án.

Trong thực tiễn một số vụ án oan sai đã khiến cho dư luận nghi ngờ có sự thỏa hiệp về đường lối xét xử giữa Tòa án với Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra. Điển hình như vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ án ông Nguyễn Đình Nhâm ở Thanh Oai, Hà Tây…

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 63 - 67)