Hệ thống quy định của pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi để

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 68 - 70)

để Tòa án bảo vệ quyền con người trong quá trình xét xử

Thứ nhất, pháp luật tố tụng hình sự còn cản trở Tòa án bảo vệ quyền con người của bị can, bị cáo. Cụ thể, chưa thể chế đẩy đủ các nguyên tắc bảo đảm cho hoạt động xét xử công bằng; vẫn chưa quy định hai nguyên tắc cơ bản có ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm công bằng của thủ tục tố tụng

hình sự đó là nguyên tắc tranh tụng và nguyên tắc suy đoán vô tội. Chính vì chưa được thể chế hóa trong Bộ luật nên tồn tại tình trạng một số quyền và nghĩa vụ cụ thể của chủ thể tham gia tố tụng mâu thuẫn với chính tinh thần và yêu cầu của hai nguyên tắc này, như quyền được bào chữa, quyền bình đẳng với bên buộc tội... Hoạt động xét xử hiện nay vẫn còn coi trọng thẩm vấn và xét hỏi. Những quy định của pháp luật tố tụng hình sự chưa bảo đảm quyền được xét xử công bằng của của bị can, bị cáo.

Thứ hai, pháp luật tố tụng dân sự chưa bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự trong quá trình giải quyết vụ án.

Thủ tục tố tụng dân sự là cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm cho việc giải quyết các vụ việc dân sự nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLTTDS đã bộc lộ những bất cập ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm công bằng của hoạt động xét xử dân sự. Một số quy định của pháp luật chưa rõ ràng khiến cho hoạt động áp dụng pháp luật chưa thống nhất ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Tình trạng Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp; xác định không đúng tư cách hoặc thiếu người tham gia tố tụng; áp dụng không đúng pháp luật; sai sót trong việc tính lãi suất; đánh giá chứng cứ còn phiến diện nên quyết định giải quyết vụ án không đúng còn diễn ra khiến cho những nguyên tắc tiến bộ của pháp luật tố tụng dân sự, những quyền và lợi ích chính đáng và hợp pháp của đương sự bị vô hiệu hóa trong quá trình xét xử.

Thứ ba, pháp luật tố tụng hành chính chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa người khiếu kiện với người bị kiện trong quá trình xét xử vụ án hành chính.

Xét xử hành chính là hoạt động xét xử có những khác biệt nhất định so với hoạt động xét xử dân sự. Sự khác biệt này do đặc điểm chủ thể của bên bị khởi kiện là cơ quan hành chính nhà nước, người có thẩm quyền thực hiện hành vi hành chính, quyết định hành chính có dấu hiệu trái pháp luật. Một số

quy định ràng buộc trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tố tụng của bên bị khởi kiện chưa rõ ràng ảnh hưởng đến mức độ công bằng của hoạt động xét xử hành chính. Cùng với việc Tòa án chưa độc lập với bên bị khởi kiện hành chính thì pháp luật quy định về nghĩa vụ của bên bị khởi kiện chưa đầy đủ là những nguyên nhân cơ bản khiến cho niềm tin của xã hội vào hoạt động xét xử còn nhiều hạn chế. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vai trò bảo vệ quyền con người của Tòa án trước những hành vi vi phạm của cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước.

Ngoài ra, quy định của pháp luật nội dung cũng còn nhiều bất cấp, thiếu sót, thậm chí chồng chéo nhau. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình áp dụng pháp luật của Tòa án trong hoạt động xét xử.

Một phần của tài liệu Vai trò của tòa án trong việc bảo vệ quyền con người ở việt nam hiện nay (Trang 68 - 70)